Trước khi về trời, Đức Giêsu Kitô đã truyền lệnh cho các môn đệ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Lệnh truyền đó đã được phán ra cách đây hơn hai ngàn năm, thế nhưng số người trở thành “môn đệ” của Chúa vẫn còn khiêm tốn. Hơn thế nữa, có nhiều người không những không trở thành môn đệ của Chúa, ngược lại họ còn không tin nhận vào Chúa. Họ là ai? Họ chính là những người vô thần hoặc những người đang ngả theo những chủ thuyết vô thần.
Câu hỏi đặt ra là “Chủ nghĩa Vô thần có còn chỗ đứng trong thế giới ngày nay nữa không?” Xin thưa rằng Chủ nghĩa Vô thần ngày nay không những không đơn thuần chỉ là một triết thuyết như xưa, nhưng hơn thế nữa, giờ đây nó là một văn hoá, một lối sống. Chủ nghĩa Vô thần thực sự đang tồn tại và phát triển mạnh, bởi vì nó đang chuyên chế trên con người, trên thái độ sống và luật lệ của con người, trên công việc và thời gian của con người, trên nghệ thuật và đời sống cộng đồng của con người[1]. Nói cách khác, Chủ nghĩa Vô thần đang xâm chiếm trên mọi lĩnh vực của con người. Vậy bạn hiểu thế nào là Chủ nghĩa Vô thần? Nguyên nhân do đâu sinh ra Chủ nghĩa Vô thần? Và thái độ của Giáo hội Công giáo với người Vô thần như thế nào? Hy vọng bài viết này sẽ trả lời cho chúng ta những vấn nạn đó.
1. Vô thần là gì?
1.1. Từ ngữ
Theo Hoàng Phê, vô thần là không tin có thần, có Thượng Đế nào hết[2]. Còn theo tác giả Cung Kim Tiến, vô thần là một hệ thống các quan điểm phủ nhận niềm tin vào cái siêu tự nhiên (thần linh, cuộc sống dưới âm phủ…), phủ nhận mọi thứ tôn giáo[3]. Như vậy, với các quan điểm trên, “vô thần” có nghĩa là không tin có thần linh nào và như thế người vô thần cũng được hiểu là người không tin vào sự hiện hữu của các thần linh. Nếu nhìn hạn từ vô thần theo nghĩa này thì chúng ta thấy “vô thần”, như cách nói của giáo sư Trần Văn Toàn quả là một ý niệm tiêu cực. Thế nhưng, thực sự nghĩa của hạn từ “vô thần” có phải như vậy không?
Thực ra, chủ thuyết Vô thần xuất hiện dưới một mục đích khác trong lịch sử châu Âu. Quả thật, chủ thuyết này xuất hiện với “mong muốn con người được giải thoát khỏi Thiên Chúa, bởi vì họ cho rằng Thiên Chúa làm cản trở sự tự trị của con người”[4]. Theo đó, “vô thần” (atheismus) không có nghĩa là chống lại các thần linh cho bằng nhắm đến Thiên Chúa của Kitô giáo. Do đó, vô thần (atheismus) có nghĩa là phủ nhận Thiên Chúa[5], chối không có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Từ những điều nói trên, ta thấy rằng người vô thần không hẳn là người vô tín ngưỡng. Họ chỉ chối không có Thiên Chúa, chứ có thể họ vẫn tin vào một thần linh nào khác, hay chí ít họ vẫn có niềm tin (công danh, sự nghiệp, tiền bạc…). Ắt hẳn, ở đây sẽ có một câu hỏi được đặt ra “Tại sao người ta lại muốn chống lại Thiên Chúa?” Câu hỏi này xin được trả lời trong phần sau.
Mặt khác, chúng ta cũng cần hiểu rõ chữ “vô thần” dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Một tôn giáo có thể mang danh là “vô thần” bởi vì không tin nhận một “chủ thể thần linh”, chẳng hạn như Phật giáo nguyên thuỷ[6]. Cũng vậy, đã có lần Kitô giáo được xem là một “tôn giáo vô thần” vì Kitô giáo tôn thờ Thiên Chúa mà chống lại các thần khác[7]. Bên cạnh đó, khi các tôn giáo thờ những thần khác nhau thì tôn giáo này có thể là “vô thần” đối với tôn giáo kia. Ví dụ: Đế quốc Rôma kết tội người theo đạo Thiên Chúa là “vô thần”, vì họ không thờ các thần của nhà nước và không coi hoàng đế là thần linh[8].
Nói tóm lại “vô thần” (atheismus) là phủ nhận Thiên Chúa, chối bỏ sự hiện hữu của Người.
1.2. Các hình thức vô thần
Công đồng Vatican II nhận định mức độ quan trọng của thuyết Vô thần trong thời đại ngày nay. Công đồng nói rõ “Thuyết Vô thần phải được kể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này và cần phải được nghiên cứu kỹ càng hơn.”[9] Sở dĩ Công đồng nói điều đó vì Công đồng đã thấy rõ mức độ ảnh hưởng của thuyết vô thần lên các tín hữu cũng như lên Giáo hội Công giáo. Do đó, việc xác định các hình thức vô thần là một trong những điều quan trọng để giúp người tín hữu có cái nhìn chính xác hơn về vô thần.
Ở đây người viết xin được tổng hợp các hình thức vô thần dưới quan điểm của Linh mục Phan Tấn Thành[10], OP và Linh mục Nguyễn Hồng Giáo[11], OFM. Các hình thức vô thần này bao gồm:
- Vô thần khẳng định: không có Thiên Chúa. Ai muốn khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa thì hãy đưa ra lý lẽ chứng minh.
- Vô thần bất khả tri: tôi không thể nói gì về Thiên Chúa hết.
- Vô thần chống tôn giáo: tôi không tin có Thiên Chúa, nhưng cần phải tố giác các tôn giáo như là tại hoạ của nhân loại.
- Vô thần chinh phục: khoa học và kỹ thuật sẽ chiếm chỗ của Thiên Chúa.
- Vô thần vỡ mộng: chẳng có Thiên Chúa. Cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì hết.
- Vô thần tín điều: không có Thiên Chúa. Đây là một tín điều.
- Vô thần ý thức hệ: chủ nghĩa vô thần cho phép giải quyết những vấn đề của con người.
- Vô thần nhân bản: Theo họ, việc phủ nhận Thiên Chúa là điều kiện cần thiết để phát triển con người, bởi vì việc nhìn nhận Thiên Chúa sẽ hạn chế tự do của con người.
- Vô thần thực hành: vấn đề Thiên Chúa không quan trọng với tôi. Tôi có thể sống mà chẳng cần đến Thiên Chúa.
- Vô thần phương pháp luận: Thiên Chúa là một ý niệm thừa thãi để giải thích vũ trụ.
- Vô thần phủ định: tôi tin rằng không có Thiên Chúa.
- Vô thần ngữ nghĩa: tôi không hiểu quý vị muốn nói gì. Thiên Chúa là một hạn từ vô nghĩa.
- Vô thần khoa học: tôi chỉ tin vào khoa học. Chỉ khoa học mới cho ta biết chân lý.
- Vô thần (chủ nghĩa) tương đối: phủ nhận Thiên Chúa vì không nhìn nhận chân lý nào là tuyệt đối cả.
- Vô thần (chủ nghĩa) dửng dưng: không bận tâm về vấn đề Thiên Chúa. Có hay không có Thiên Chúa cũng chẳng quan hệ gì tới tôi.
Ngoài những hình thức vô thần nêu trên, người viết xin được kể thêm một số dạng thức vô thần theo quan điểm cá nhân:
- Vô thần phong trào: tôi chối bỏ Thiên Chúa vì tôi thấy người ta làm vậy.
- Vô thần cơ hội: tôi không tin có Thiên Chúa vì như vậy tôi sẽ được một số quyền lợi.
1.3. Các đặc tính của vô thần[12]
– Vô thần mang tính đại chúng.
Vô thần mang tính đại chúng có nghĩa là ngày nay vô thần không còn bị giới hạn trong một nhóm nhỏ nữa nhưng lan rộng khắp cả thế giới. Vô thần cũng không còn là thái độ và chủ trương của một số người trí thức nhưng nó đã lan tràn trong quần chúng nhân dân, như Công đồng Vatican II đã nói “Số người lìa xa Thiên Chúa trong cuộc sống thực tế càng ngày càng đông. Khác với thời xưa, sự chối từ hoặc tránh né đề cập tới Thiên Chúa không còn là một hành vi dị thường và có tính cá nhân nữa.”[13] Không những thế vô thần còn xuất hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như văn chương, triết học, nghệ thuật…
– Vô thần mang tính nhân bản, nghĩa là quy về con người.
Quả thực, một số triết gia đả kích tôn giáo chỉ vì họ cho rằng con người mới thực sự là chúa, là đấng tối cao (được trình bày phần dưới). Chẳng hạn như K.Marx tuyên bố từ nay không còn Chúa hay thần gì nữa, cho nên trong xã hội mới, con người mới thực sự là Chúa, là thần đối với con người[14].
– Vô thần có óc chinh phục.
Như đã nói trên, vô thần không còn bị giới hạn trong một nhóm người, một khu vực nhưng lan rộng khắp nơi. Những người vô thần đem chủ trương của mình đến với nhiều người. Họ sẵn sàng quảng bá những quan điểm vô thần để thu phục, để kéo người khác về phía mình. Sống trong một quốc gia vô thần như Việt Nam thì điều đó không có gì làm lạ.
2. Những nguyên nhân dẫn đến vô thần
Trong số 19 của Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Công đồng Vaticano II đã đưa ra các căn nguyên dẫn đến vô thần. Theo đó, Công đồng chỉ rõ:
Thực vậy, có người phủ nhận Thiên Chúa cách tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa cả. Có người cứu xét vấn đề Thiên Chúa theo một phương pháp làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự chỉ bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên như vô nghĩa. Những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi Thiên Chúa mà họ bài xích không phải là Thiên Chúa của Phúc Âm. Cả vấn đề Thiên Chúa cũng không hề được đặt ra bởi vì xem ra họ không cảm thấy áy náy gì về tôn giáo cũng như không thấy tại sao lại phải bận tâm về vấn đề đó. Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần nhiều lúc phát sinh hoặc do sự phán kháng mãnh liệt chống lại sự dữ trong thế gian hoặc do nhận định sai lầm cho một số giá trị của con người là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho chính Thiên Chúa. Ngay cả nền văn minh hiện đại nhiều lúc có thể làm cho khó đến với Thiên Chúa hơn, không phải tự nó, nhưng vì nó quá bám víu vào những thực tại trần gian.[15]
Từ những nguyên nhân Công đồng đã nêu, người viết xin được đi sâu vào những nguyên nhân đó.
Trước hết, có những người đã chối bỏ Thiên Chúa một cách tỏ tường, trong số đó đáng kể nhất là L. Feuerbach(1804-1872), một triết gia người Đức, ông tổ thuyết vô thần lối mới. Ông lý giải việc nhiều người thờ Thiên Chúa chẳng qua là vì tâm lý họ muốn tránh được những bệnh hoạn, tật nguyền cũng như họ muốn có được những may mắn, phúc lộc[16]. Nói những điều này L. Feuerbach như muốn khẳng định tôn giáo là một sản phẩm mà con người tạo ra, trong đó Thiên Chúa không là gì khác ngoài việc chỉ là công cụ, là phương tiện để con người đạt được mục đích.
K. Marx (1818-1883) cũng là nhân vật tích cực trong việc chống lại Kitô giáo. Thực thế, K. Marx không úp mở khi nói thẳng: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, “tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần, luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đè nặng lên quần chúng nhân dân khốn khổ”. Ông còn khẳng định tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ảnh hư ảo vào trong đầu óc con người của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ. Và để xoá bỏ tôn giáo, xoá bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của quần chúng nhân dân, ông lên tiếng: “Chúng ta vĩnh viễn tuyên chiến với tôn giáo và với những quan niệm tôn giáo. Và chẳng bận tâm gì về việc người ta gọi chúng ta là những nhà vô thần luận hoặc là gì khác… Đả đảo tôn giáo, hoan hô chủ nghĩa vô thần, và truyền bá những tư tưởng vô thần là nhiệm vụ chính của chúng ta.”[17] Như vậy, rõ ràng những người này đã chối bỏ Thiên Chúa một cách tỏ tường. Không những thế họ còn ra sức cổ vũ thuyết vô thần tới mọi người một cách tích cực.
Bên cạnh L. Feuerbach, K. Marx kể trên, F. Nietzsche (1844-1900) xem ra cũng là triết gia chống đối Thiên Chúa, chống đối Kitô giáo một cách cật lực. Ông cho rằng chỉ vì Thiên Chúa mà con người mất đi tự do. Do đó, ông tuyên bố một cách dứt khoát “Thiên Chúa đã chết”. Không những thế ông xem Kitô giáo là lời nguyền rủa lớn duy nhất, là một bại hoại cực kỳ về cái nội tại. Ông còn cho rằng với Kitô giáo không có phương tiện nào đủ độc hại, lén lút, ngấm ngầm, ti tiện cho vừa[18]. Thế nên ông gọi Kitô giáo là vết chàm bất tử duy nhất của loài người.
Ngoài những người không nhìn nhận có Thiên Chúa như những trường hợp vừa nêu, cũng có một số triết gia chủ trương “bất khả tri”, nghĩa là cho rằng con người hoàn toàn không thể nói được gì về Thiên Chúa cả. Với họ, con người chỉ nắm bắt được những thực tại hữu hình thuộc thế giới này. Còn Thiên Chúa, một thực tại siêu hình thì con người không có khả năng đạt tới. Chủ trương “bất khả tri” này mang tính cách triết học[19].
Kế đến, chứng kiến những thành tựu đáng kinh ngạc mà khoa học ngày nay thực hiện, nhiều người không ngần ngại cho rằng khoa học là tất cả, khoa học là “Number One”. Bởi chưng, với họ khoa học có thể đưa con người tới đâu họ muốn, làm bất cứ điều gì họ cần. Khoa học có thể cứu con người khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, ngay cả việc có thể “làm ra” con người… Do đó, nhiều người đã lấy khoa học làm điểm quy chiếu, lấy khoa học để giải thích mọi sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ quá đề cao con người, xem con người như là trung tâm của vũ trụ. Và như thế họ đã phủ nhận Thiên Chúa, coi mình là Thiên Chúa. Đáng nói là vấn đề này đang có xu hướng ngày càng tăng, như nhận định của đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II:
Mưu toan làm cho ngành nhân loại học không có Thiên Chúa và không có Đức Kitô thắng thế. Cách suy nghĩ như thế đưa đến việc coi con người như “trung tâm tuyệt đối của thực tại, một cách sai lầm biến con người thay thế vị trí của Thiên Chúa. Trong khi đó người ta quên rằng không phải con người làm nên Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mới làm ra con người. Sự lãng quên Thiên Chúa dẫn đến sự vong thân của con người”. Và chính vì lý do đó, trong bối cảnh này không nên ngạc nhiên khi thấy rằng chủ nghĩa hư vô trong triết học, chủ nghĩa thực dụng và ngay cả chủ nghĩa khoái lạc bất chấp đạo lý trong cách đề cập đến cuộc sống thường nhật đang phát triển rộng rãi khắp nơi.[20]
Ngoài ra, cần phải xét đến dưới khía cạnh phương diện tâm lý. Quả thế, dưới khía cạnh này, nhiều người cho rằng cuộc sống đang thoải mái, vui sướng tốt đẹp tại sao lại phải tin vào một Thiên Chúa nào đó, để rồi cuộc sống bị kìm kẹp, ràng buộc bởi vị Thiên Chúa ấy. Bởi thế họ đã từ chối Thiên Chúa.
Cũng dưới khía cạnh tâm lý, có người viện dẫn lý do rằng nếu Thiên Chúa là một Đấng toàn năng và toàn thiện thì tại sao sự dữ lại lan tràn khắp nơi trên mặt đất này. Tại sao Người không ngăn cản thế lực sự dữ đang hoành hành trên mặt đất này? Tại sao Người không huỷ diệt sự dữ để thế giới này chỉ còn lại những điều tốt đẹp mà thôi? Vậy nên, vì sự dữ vẫn đang xuất hiện nên hẳn là không có Thiên Chúa[21]. Thế nhưng người ta đâu biết rằng, sự dữ không ở ngoài con người và không làm con người hư hỏng từ bên ngoài, nhưng sự dữ có cội nguồn trong chính việc con người sử dụng tự do của mình cách không đúng đắn. Hơn nữa những đau khổ mà con người phải chịu chính là hậu quả của sự dữ đã phạm phải[22].
Ngoài những lý do vừa nêu, lỗi lầm của người tín hữu cũng là một trong những lý do không nhỏ dẫn đến vô thần. Công đồng Vatican II nói rõ:
Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo.[23]
Quả thực, ngày nay nhiều tín hữu làm ngơ trước những điều Chúa và Hội Thánh dạy. Họ bất chấp tất cả để sống trái với luân thường đạo lý. Họ sẵn sàng chà đạp nhân phẩm của người khác để tiến thân. Họ sẵn sàng vu khống người khác để đạt được mục đích. Họ sẵn sàng sống theo bản năng để thoả mãn dục tính… Với những hành động như thế thử hỏi làm sao người khác có thể tin vào Thiên Chúa được! Bên cạnh đó, thái độ sống của các vị lãnh đạo trong Giáo hội đôi khi cũng làm cho người ta ngại ngùng, trốn tránh Thiên Chúa[24]. Có những vị hống hách. Có những vị sống vương giả. Có những vị lạm dụng tình dục trẻ em. Tất cả những hành động đó tựu chung lại làm cho người ta không những không thể tin tưởng vào Giáo hội mà còn làm cho họ thất vọng để rồi đi đến việc chống đối Giáo hội, từ khước Thiên Chúa.
3. Giáo hội Công giáo với người vô thần
Trong khía cạnh bài viết, người viết chỉ xin trình bày cái nhìn về thái độ của Giáo hội Công giáo với người vô thần sau Công đồng Vatican II.
3.1. Tôn trọng
Trước đây đối với người vô thần và các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo quan niệm rằng những quan điểm, lập trường của họ là sai lạc. Thế nên Giáo hội không ngần ngại lên án, chống đối các lập trường, quan điểm của họ cách mạnh mẽ. Với thái độ như thế, không lạ gì khi ngành “hộ giáo” (hay còn gọi là “minh giáo”) đã ra đời vào thời Cận đại nhằm bênh vực Giáo hội. Gần đây hơn, Công đồng Vatican I trong Hiến chế “Dei Filius” đã lên án tất cả những sai lầm liên quan đến quan điểm về Thiên Chúa[25],
nghĩa là cũng bao gồm thuyết vô thần trong đó. Tuy nhiên, với tinh thần của Công đồng Vatican II (1962 – 1965), Giáo hội đã thay đổi cách nhìn và thái độ của mình. Thay vì lên án chống đối, Giáo hội nhận thấy cần trình bày giáo lý Công giáo một cách cởi mở và đón nhận một số quan điểm của họ, nghĩa là nhìn nhận họ cũng có phần đúng. Nói cách khác, Giáo hội giờ đây có thái độ tôn trọng dành cho người vô thần.
Quả thực, trong Thông điệp Đức tin và lý trí, Đức Gioan Phaolô II đã dùng những lời tốt đẹp dành cho khoa học, cho triết học (những khoa học gia, triết gia cũng có thể là nhà vô thần như đã nói ở các phần trên) về những điều họ đã mang lại cho xã hội. Ngài nói:
Về phần mình, Giáo hội phải thán phục những nỗ lực của lý trí để đạt tới những mục tiêu làm cho cuộc sống nhân sinh ngày càng xứng đáng hơn. Quả thực, Giáo hội nhận thấy nơi triết học một phương cách nhận biết những chân lý nền tảng, liên quan đến cuộc sống con người. Đồng thời Giáo hội coi triết học như một trợ lực không thể thiếu để thấu hiểu đức tin và truyền thông chân lý của Tin Mừng cho những ai chưa biết đến[26].
Như vậy, thay vì lên án những người vô thần, chúng ta cần phải nhìn vào thực tế những điều họ làm, những đóng góp họ dành cho xã hội, cho con người để tôn trọng họ. Giáo hội chỉ lên án, bác bỏ thuyết vô thần chứ Giáo hội không phi bác người vô thần. Do đó, Giáo hội phàn nàn về sự kỳ thị giữa người tín hữu và người vô thần do một số nhà lãnh đạo quốc gia gây ra một cách bất công[27].
Đồng thời, chúng ta cũng cần phải cảm thông cho những người vô thần. Bởi lẽ, có nhiều lúc, ngay cả người Kitô hữu cũng thấy Thiên Chúa quá cao vời, quá xa lạ. Ngài im lặng trước những nỗi đau chất chứa của con người. Ngài lặng thinh trước những bất công của xã hội…
3.2. Đối thoại
Để sự tôn trọng được nhìn nhận, không gì hơn là Giáo hội phải thực hiện cuộc đối thoại với người vô thần. Quả thực việc đối thoại rất quan trọng không chỉ cho Giáo hội mà còn cho cả người vô thần. Đối thoại để nghe tiếng nói của đối phương. Đối thoại để hiểu những giá trị ẩn khuất đàng sau. Và hơn hết đối thoại để cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh, tình thương. Công đồng Vatican II nhìn thấy rõ điều đó:
Thực vậy, Giáo hội dù hoàn toàn bác bỏ thuyết vô thần, nhưng vẫn thành thực tuyên bố rằng mọi người, dù tin hay không tin, cũng đều phải trợ lực cho việc xây dựng thế giới này được hợp lý, là nơi họ đang chung sống. Điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu cuộc đối thoại thành thực và khôn ngoan.[28]
Thế nhưng Giáo hội, nhất là người Kitô hữu phải đi vào cuộc đối thoại với người vô thần như thế nào? Phải chăng chúng ta giảng dạy giáo lý cho họ? Hay phải chăng chúng ta chỉ cho họ biết những điều sai trái của họ? Không. Điều đó không bao giờ là một cuộc đối thoại. Theo gương Đức Kitô, người Kitô hữu đi vào cuộc đối thoại với một tình yêu thương, cảm mến và bao dung. Người tín hữu sống hoà mình giữa đồng loại, bày tỏ cho họ thấy tình thương của Thiên Chúa qua các việc làm cụ thể. Người Kitô hữu cũng học hỏi sự khiêm tốn dịu hiền của Đức Kitô. Tuy nhiên, dù nói thế nào đi nữa thì các Kitô hữu cũng chỉ đóng vai trò dấu chỉ và dụng cụ của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là nguyên uỷ và chủ động của ơn cứu độ[29]. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng mời gọi những người vô thần nghiên cứu Phúc Âm Chúa Kitô với một tâm tình cởi mở[30].
Mặt khác, trong tinh thần đối thoại, Giáo hội cũng tiếp thu những quan điểm của họ. Bởi vì như đã nói trên, họ cũng có một số quan điểm đúng. Sự tiếp thu này giúp ích cho Giáo hội rất lớn trong nhiều lãnh vực, nhất là về khía cạnh con người:
Giáo hội ý thức rõ muốn hiểu biết con người sâu xa không thể chỉ dựa vào thần học mà bỏ quên những đóng góp của các ngành kiến thức khác, mà chính thần học phải tham khảo… Nhờ các ngành khoa học này, Giáo hội có thể hiểu chính xác hơn con người trong xã hội, có thể ngỏ lời với con người hiện nay một cách thuyết phục hơn và thực hiện có kết quả hơn nhiệm vụ của mình là đưa Lời Chúa và đức tin vào trong lương tâm và trách nhiệm xã hội của thời đại chúng ta.[31]
Sự kiện Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI mời các Giáo hội Kitô khác, các tôn giáo trên thế giới và cả những người đang thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, những người không tin có Thiên Chúa, tức những người vô thần cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi ngày 27.10.2011 là minh chứng cho một cuộc đối thoại giữa Giáo hội và những người vô thần.[32]
3.3. Lên tiếng và làm chứng
Giáo hội tôn trọng và đối thoại với người vô thần nhưng như thế không có nghĩa là Giáo hội im lặng trước những gì trái với chân lý mà họ đưa ra. Thật vậy, sứ mạng của Giáo hội là làm chứng cho sự thật. Do đó, dù có cường quyền nào ngăn cản đi chăng nữa thì Giáo hội vẫn đứng về phía sự thật và làm chứng cho sự thật, như Công đồng Vatican II đã lên tiếng:
Giáo hội không thể không tiếp tục phi bác với nỗi đau buồn và với tất cả sự cương quyết, như đã từng phi bác, những chủ thuyết vô thần và những hành động nguy hại đi ngược lại lý trí và kinh nghiệm chung của con người cũng như làm cho con người mất đi sự cao cả bẩm sinh của mình.[33]
Trải qua hơn hai ngàn năm, Giáo hội chứng kiến biết bao vị anh hùng tử đạo đã đổ máu đào để làm chứng cho sự thật. Ngày nay trách nhiệm đó vẫn còn được đặt trên vai Giáo hội dù rằng đôi khi tiếng nói đó quá yếu ớt, như Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI đã trả lời trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Peter Seewald:
Ngay thế kỷ trước, Giáo hội cũng đã phản kháng lại những nền độc tài lớn. Và ngày nay, chúng ta đau buồn khi thấy sự phản đối của Giáo hội quá yếu, tiếng nói phản kháng của chúng ta đã không kiên quyết và đủ lớn cho thế giới nghe… Hẳn nhiên, không phải phản kháng vì thích phản kháng, hay là một phản ứng suông hoặc vì cảm thấy bất lực trước viễn ảnh tương lai. Mà thái độ hay hành động đó phải luôn mở ra cho cái thiện mọi thời, cho cái mới gói gém trong mọi thời đó. Cái mới đó cũng luôn mở ra những chiều kích hoàn toàn mới của Lời Chúa.[34]
Giáo hội luôn lên tiếng để cho chân lý được ngự trị. Và để lên tiếng được thì không gì hơn Giáo hội phải tự đổi mới và không ngừng tinh luyện chính mình. Điều này trước hết nhờ bằng chứng của một đức tin sống động và trưởng thành. Hơn hết, chính là đức ái huynh đệ của các tín hữu khiến những người vô thần sẽ đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin Phúc Âm[35].
4. Người vô thần và ơn cứu độ
Thiên Chúa tạo dựng con người chỉ vì Ngài yêu thương con người. Ngài muốn con người được hạnh phúc và được sống bên Ngài mãi mãi. Thế nhưng vì tội của con người mà ý định đó của Thiên Chúa đã bị phá đổ. Vậy Thiên Chúa đã bỏ cuộc để con người mãi xa cách Ngài chăng? Không, Ngài vẫn hành động. Ngài vẫn làm mọi cách để con người được ơn cứu độ, “Ngài mong muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2:4).
Thế nhưng đối với những người chưa nhận biết Thiên Chúa thì sao, cụ thể là những người vô thần, họ có bị khước từ ơn cứu độ không? Thật khó để nói điều đó. Vì lẽ ơn cứu độ nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới biết ai được cứu độ, ai không được cứu độ.
Đứng trước vấn đề này nhiều người đã nại đến câu nói của thánh Cyprien: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus) để cho rằng người vô thần không được ơn cứu độ. Tuy nhiên, nếu xét về bối cảnh cũng như chủ đích của thánh nhân thì câu nói đó phải được hiểu theo một nghĩa khác. Trong bài viết này, người viết xin không cứu xét câu nói trên.
Mặt khác, thần học gia Rahner cho rằng một người vô thần cũng được mở ra khả năng để đón nhận ơn cứu độ, và do đó họ cũng có thể được gọi là một Kitô hữu ám tàng, một thành viên của Giáo hội Kitô giáo ám tàng[36]. Ông còn đưa ra một số nhận định liên hệ với Công đồng Vatican II để biện hộ cho quan điểm người vô thần có thể được ơn cứu độ. Những nhận định đó là: (1)Thiên Chúa sẽ cứu độ tất cả mọi người, (2) ân sủng Thiên Chúa dành cho mọi người như là quà tặng, (3) đó là một ơn gọi và mục đích siêu nhiên, (4) không phải tất cả những người vô thần đều bị kết án là có tội vì thuyết vô thần của họ. Khi xem xét ý hướng và hoàn cảnh của cá nhân thường chúng ta thấy rằng chúng bị quyết định bởi xã hội và văn hoá thù địch.[37]
Công đồng Vatican II trong Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) đã dành nguyên số 16 để nói về vấn đề này. Cụ thể:
Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa cố gắng sống đời chính trực, Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.[38]
Như vậy, thần học Công giáo ngày nay chấp nhận rằng người nào ăn ngay ở lành thì tuy dù không được nghe giảng Tin Mừng và lãnh nhận Bí tích Rửa tội thì họ vẫn được Chúa ban ơn cứu độ theo cách thức mà chỉ có Ngài mới biết được[39]. Đây không chỉ là nhận định của Giáo hội nhưng còn là những điều giáo huấn của thánh Phaolô “Dân ngoại là những người không có Luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Mô-sê. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải. Người ta sẽ thấy điều đó, trong ngày Thiên Chúa cho Đức Ki-tô Giê-su đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng.”[40]
5. Kết luận
Cùng với sự phát triển của thế giới, thuyết vô thần càng ngày càng phát triển với nhiều dạng thức khác nhau. Và như vậy nó cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người vô thần trong thế giới này hơn. Chúng ta khoan lên án họ, nhưng hãy tự hỏi tại sao họ lại theo chủ thuyết vô thần. Phải chăng cuộc sống này bế tắc đến nỗi họ không thể nhận thấy một Đấng Tối Cao đang hiện hữu? Phải chăng họ cứng đầu, bảo thủ? Hay phải chăng họ tìm thấy một lý lẽ hợp lý để giải thích cho chủ thuyết của họ? Có thể những lý do trên đúng. Thế nhưng chúng ta, những Kitô hữu cũng cần phải nhìn nhận trách nhiệm thuộc về chúng ta, từ những người lãnh đạo đến những tín hữu sống đời thường. Và chúng ta cũng cần phải hỏi liệu tôi phải làm gì để nói cho những người anh em vô thần biết về Chúa?
Antôn Hoàng Văn Phúc, OP
[1] Etienne Borne, Atheism, (New York: Hawthorn Book, 1961), p. 14.
[2] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, (Hà Nội: Đà Nẵng, 2011), tr. 1433.
[3] Cung Kim Tiến, Từ điển Vô thần luận, (Tp. HCM: Phương Đông, 2006), tr. 960.
[4] Phan Tấn Thành, “Giáo hội với những người vô thần-vô tín ngưỡng,” Thời sự Thần học, số 62, (11-2013): tr. 148.
[5] Sđd, tr. 142.
[6] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa, (TPHCM: Học viện Đa Minh, 2012), tr. 29-30.
[7] Xem Thời sự Thần học, số 62, tr. 139.
[8] Gs. Trần Văn Toàn, Vô thần và tôn giáo. Truy cập ngày 6/3/2018, http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=57&ia=1664
[9] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 19.
[10] Phan Tấn Thành, “Giáo hội với những người vô thần-vô tín ngưỡng,” Thời sự Thần học, số 62, (11-2013): tr.142-143.
[11] Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM., Chủ nghĩa vô thần theo Công đồng Vaticano II. Truy cập ngày 16/3/2018, http://lamhong.org/ch%E1%BB%A7-nghia-vo-th%E1%BA%A7n-theo-cong-d%E1%BB%93ng-vatican-ii/
[12] Xc. Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM., Chủ nghĩa vô thần theo Công đồng Vaticano II. Truy cập ngày 16/3/2018, http://lamhong.org/ch%E1%BB%A7-nghia-vo-th%E1%BA%A7n-theo-cong-d%E1%BB%93ng-vatican-ii/
[13] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 7.
[14] Gs. Trần Văn Toàn, Vô thần và tôn giáo. Truy cập ngày 6/3/2018, http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=57&ia=1664
[15] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 19.
[16] Gs. Trần Văn Toàn, Vô thần và tôn giáo, truy cập ngày 6/3/2018, http://www.dunglac.info/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=57&ia=1664
[17] Nd. Trần Khang & Lê Cự Lộc, Mác, Ăngghen, Lênin bàn về tôn giáo và Chủ nghĩa Vô thần (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2001), tr. 318-350.
[18] Friedrich Nietzsche, Kẻ phản Kitô, (TPHCM: Tri thức, 2011), tr. 181.
[19] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa (TPHCM: Học viện Đa Minh, 2012), tr. 30.
[20] Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II, Ecclesia in Europa, tr. 9.
[21] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa (TPHCM:Học viện Đa Minh, 2012), tr. 34.
[22] Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP., Thánh Tôma bàn về sáng tạo, sự dữ và nguyên nhân đệ nhất, (TPHCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2015), tr. 182.
[23] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 19.
[24] Phan Tấn Thành, “Giáo hội với những người vô thần-vô tín ngưỡng,” Thời sự Thần học, số 62, (11-2013): tr.145.
[25] Sđd, tr.131.
[26] Gioan Phaolô II, Đức tin và lý trí, số 5.
[27] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 21.
[28] Sđd.
[29] Giuse Phan Tấn Thành O.P., Thần học mạc khải (TPHCM: Học viện Đa Minh, 2010), tr. 325.
[30] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 21.
[31] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 78.
[32] Nt Ngọc Lan, 11 sự kiện tôn giáo thế giới năm 2011, http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20120109/14276
[33] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 21.
[34] Joseph Ratzinger, nd. Phạm Hồng Lam, Thiên Chúa và trần thế, (Tp. HCM: Tôn giáo, 2011), tr. 362.
[35] Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 21.
[36] Fr. John J. Pasquini, Atheism and salvation, (New York: University Press of American, 2000), p. 34.
[37] Ibid., p. 36.
[38] Vatican II, Lumen Gentium, số 16.
[39] Giuse Phan Tấn Thành OP,Thần học mạc khải, (TPHCM: Học viện Đa Minh, 2010), tr. 282.
[40] Rm 2,14-16.