Tín điều về Đức Mẹ

58

Tín điều về Đức Mẹ

 1. Về Từ ngữ “đầy ơn phước” trong Kinh Kính mừng có nghĩa gì?

 Đúng như ông viết, từ này tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Luca 1,26-38 thuật truyện Truyền tin cho Đức Maria. Tất cả các bản văn Kinh Thánh liên quan đến Đức Maria thì trình thuật truyền tin được coi như bản văn quan trọng nhất. Và từ ngữ “đầy ơn phước” nằm trong lời Thiên thần Gabriel chào Đức Maria. Muốn hiểu rõ ý nghĩa từ này, thiết tưởng chúng ta cần hiểu ý nghĩa toàn lời thiên sứ chào : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa Trời ở cùng bà” (Lc 1,28b).

 Thiên sứ vào và chào Maria bằng một từ rất khó giải thích “chairè” (Hãy vui lên). Từ này mang hai ý nghĩa : có thể là một lời chào hỏi đơn thuần như khi hai người Hy lạp gặp nhau họ dùng từ “chairè” để chào nhau, hoặc khi người Do thái chào nhau họ chào bằng câu chúc bằng an “Shalom”; nhưng “chairè” còn mang một nghĩa khác sâu xa hơn như lời mời gọi vào sự vui mừng. Trong Kinh Thánh bản LXX (bảy mươi), từ “chairè” được dùng trong bối cảnh dân Sion được mời gọi vào sự vui mừng thiên sai trong một viễn tượng tương lai (Giôen 2,21-23; Xôphônia 3,14; Dacaria 9,9). Vì thế trong trình thuật truyền tin từ “Hãy vui lên” như thể gợi lại những câu sấm mời gọi vui mừng vì sự cứu chuộc của Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại :

“Reo vui lên! hỡi thiếu nữ Sion!

hò vang dậy đi nào, Itraen hỡi!

Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng,

Hỡi thiếu nữ Giêrusalem,

Án lệnh phạt ngươi, Giavê đã rút lại,

thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.

Giavê của Itraen ở cùng ngươi

sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ” (Xôphônia 3,14-15)

 Khi gợi lại câu sấm, Luca đưa hình ảnh Đức Maria biểu trưng cho toàn dân giao ước đón nhận biến cố cứu độ rao truyền. Maria như thiếu nữ Sion mới mà từ đây Thiên Chúa sẽ hiện diện ngay cung lòng. Ngài là khuôn mặt của Giáo Hội tông truyền.

 Thiên sứ gọi Maria là “đầy ân sủng” (Kecharitômenê). Từ này chỉ thấy có 2 lần trong Tân ước : Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô 1,6 có nói về ân sủng dành cho Giáo Hội ở thời sau hết : “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”.

 Theo từ nguyên Hy lạp, đây là một từ kép đến từ động từ Charitoô ở thể cách quá khứ thụ động, có gốc charis nghĩa là “ân sủng”. Trong Tân ước, ân sủng luôn luôn là một ân huệ do Thiên Chúa ban. Đức Maria ở đây được coi như một người đầy ân sủng của Thiên Chúa. Ngài được Thiên Chúa chiếu cố cách đặc biệt và ân sủng đó tồn tại mãi mãi. Đức Maria là người được Chúa chọn và là người yêu quí của Đức Vua.

 Câu hỏi đặt ra ân sủng Thiên Chúa hoàn thành nơi Đức Maria đó là gì? Trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô chúng ta thấy anh em Kitô hữu đã được biến đổi bởi ân sủng Thiên Chúa, tức là họ tìm thấy sự cứu chuộc trong máu của Người và được tha thứ tội lỗi như câu tiếp theo : “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (1,7). Thật thế, ân sủng xóa bỏ tội lỗi, và Đức Maria đã được ân sủng để biến đổi cũng vì ngài được thánh hoá bằng ân sủng của Thiên Chúa. Sự biến đổi bằng ân sủng là bước mở đường và là một sự sửa soạn cho Đức Maria thiên chức làm mẹ Thiên Chúa và đồng trinh.

 Sau hết, danh hiệu “Kecharitomênê” như một tên mới Thiên Chúa đặt cho Đức Maria. Trong Kinh Thánh cũng đã từng có những nhân vật được thay đổi tên : Abram trở thành Abraham; Sarai thành Sara (Sáng Thế 17,5-15); Simon thành Phêrô… Việc thay đổi tên mang ý nghĩa Thiên Chúa biến đổi Maria thành một thụ tạo mới. Nơi Ngài sẽ hoàn thành lời hứa cho toàn dân Itraen. Hình ảnh Maria nơi đây như mẫu gương một người mang lòng tin tưởng đón nhận Lời Chúa. ễ phần cuối đoạn truyền tin chính Ngài đã tự tuyên bố như “tôi tá của Thiên Chúa” (câu 48). Đó là đức tin diễn tả đầy đủ tâm tình yêu hơn là lòng khiêm nhường. Đức Maria trở thành mẫu gương cho tất cả những ai tin.

 Chúng ta cũng thấy những dữ kiện việc Thiên Chúa lựa chọn Đức Maria. Ngài là một trinh nữ đã được thuận cưới. Luca nói 2 lần nơi câu 27 và 34 về sự thụ thai đồng trinh với bối cảnh của hai từ “chairè”, “đầy ơn phúc” và câu trả lời “tôi là tôi tá Chúa” để có thể nói sự đồng trinh của Đức Maria được trình bày như thuộc về Thiên Chúa. Maria là một trinh nữ nhận lời mời gọi tình yêu của Thiên Chúa để trở thành Mẹ Đấng Thiên sai. Maria sẽ mãi mãi là một trinh nữ và là Mẹ; Đấng Cứu Thế được mạc khải sẽ là Con Ngài. Chỉ với vài câu tác giả đã đưa ra bốn hình thái căn bản về hình ảnh nhiệm mầu của Đức Maria : Ngài là thiếu Nữ Sion, là Đấng Vô Nhiễm, Đồng Trinh và là Mẹ Thiên Chúa.

 Câu “Chúa ở cùng người” kết thúc lời Thiên sứ Gabriel chào chúc tụng Maria. Trong các trình thuật về ơn gọi theo Cựu ước, câu “Chúa ở với ngươi” thường được dùng trong những cuộc loan báo trao ban một sứ mệnh khó khăn vượt khả năng thường tình của loài người như : khi ông Môsê được gọi để dẫn đưa dân Do thái khỏi đất nô lệ Ai Cập : “Ta sẽ ở với các ngươi” (Xuất hành 3,12); khi ông Gio-suê nhận sứ mệnh vượt sông Giođan với dân Do thái (Giosuê 1,9); khi Gêđêôn được Thiên sứ loan báo đi giải thoát dân tộc ông khỏi tay người Mađian : “Ấy vì Ta sẽ ở với ngươi và ngươi sẽ đánh quân Mađian như thể chỉ có một mình ngươi” (Thủ lãnh 6,16). Ngôn sứ Giê-rê-mia khi được gọi ông đã tìm mọi cách từ chối, và chỉ nhận khi nhận được lời hứa bảo đảm : “Đừng sợ… vì Ta ở với ngươi để cứu thoát ngươi” (1,8). Đó là lời Thiên Chúa hứa giúp đỡ cho những sứ mệnh đặc biệt khó khăn. Đối với Maria, không những Chúa ở cận bên nhưng còn ở ngay cung lòng cô. Câu “Chúa ở cùng người” trở thành “nơi lòng dạ” trong lời loan báo Maria sẽ thụ thai (câu 31).

 2. Về Vấn đề Đức Mẹ trọn đời đồng trinh.

 Trước hết, tôi nhắc lại Giáo lý Giáo hội công giáo về vấn đề này, và sau đó chúng ta cùng tìm hiểu Giáo Hội dựa vào đâu để giữ vững niềm tin đó.

 Trong sách “Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo” số 499 ghi như sau : “Việc đào sâu thêm niềm tin vào sự làm mẹ mà vẫn đồng trinh của Mẹ Maria đã dẫn đưa Giáo Hội tới chỗ tuyên xưng sự trinh khiết thực sự và trọn đời của Mẹ Maria, cả trong việc sinh hạ Con Thiên Chúa làm người. Đúng thế, sự sinh ra của Chúa Kitô “đã không giảm mất mà còn thánh hiến sự trinh tuyền của Mẹ Ngài. Phụng vụ của Giáo Hội tôn xưng Mẹ Maria là “Đấng trọn đời đồng trinh” (Aeiparthenos). (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Thời Điểm California, Hoa Kỳ, 1995, trang 224.)

 Giáo Hội luôn tin Đức Maria trọn đời đồng trinh, và niềm tin này đã đọc thấy ngay trong tín biểu các Tông đồ (Symbole des Apôtres) : “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sinh bởi đức nữ đồng trinh Maria…”; rồi sau đó rất nhiều công đồng trong những thế kỷ đầu đã dành từ ngữ “trọn đời đồng trinh” cho Maria. Bước đến thế kỷ thứ XVI, Đức giáo hoàng Phaolô IV là người đầu tiên khẳng định trong một văn bản Đức Maria trọn đời đồng trinh tức là “đồng trinh trước khi sinh (ante partum), đang khi sinh (in partu) và sau khi sinh (Post partum)”.

 2.1. Maria đồng trinh trước khi sinh.

 Maria sinh Đức Giêsu không do việc ăn ở với người nam nhưng do quyền năng Chúa Thánh Thần. Niềm tin này được hai thánh sử Mátthêu và Luca mạc khải : “sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô : Maria, mẹ Người đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18). Đức Giêsu ra đời là một hành động sáng tạo của Thiên Chúa và Ngài trực tiếp can thiệp thế vào tiến trình sinh học.

 Thánh sử Luca cũng khẳng định điều trên qua trình thuật truyền tin (1,26-38) : “Maria thưa với thiên thần : việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng! Thiên thần đáp : Thánh thần sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa”. Thiên thần Gabriel khẳng định sự thụ thai qua việc can thiệp của quyền năng thánh diển tả tính cách đồng trinh của đức Maria.

 2.2. Maria đồng trinh khi sinh.

 Đức Maria vẫn đồng trinh khi sinh Đức Giêsu tức là Maria không bị thương tích gì nơi thân thể. Hôm nay có nhiều người cho rằng điều này không thực tế và Giáo hội đã dựa vào đâu để khẳng định như thế. Nếu đọc lại trình thuật Truyền tin theo Luca và đặc biệt nơi câu 1,35b : “Đấng sinh ra thánh sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (xem, Ignace de la Potterie, Marie dans le mystère de l’alliance, Desclée 1988, trang 64). Từ “thánh” trong câu này cho biết cách con trẻ được sinh ra. Theo truyền thống Lê-vi có nghĩa là con trẻ sinh ra không bị tỳ ố, trong sạch. Sứ điệp do Thiên thần Gabriel mang đến cho Maria không những chứa đựng lời báo thụ thai trinh khiết của Chúa Kitô mà cũng còn là sự sinh nở trinh khiết.

 2.3. Maria đồng trinh sau khi sinh.

 Đức Maria vẫn đồng trinh sau khi sinh Đức Giêsu tức là ngài không ăn ở vợ chồng suốt cuộc đời còn lại. Ở đây có hai đoạn Thánh Kinh thường được trích dẫn để phủ nhận sự đồng trinh của Maria sau khi sinh con. Đó là đoạn Mátthêu 1,25; Luca 2,7 và đoạn nói về anh em của Đức Giêsu trong ba Tin mừng Nhất lãm. Chúng ta cùng nhau đọc lại những đoạn trên:

 – Mt 1,25 : “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh ra một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Nhiều người cho rằng từ “cho” ở đây đã rõ ràng là Maria sau đó đã ăn ở vợ chồng với Giuse. Chúng ta cần để ý đến não trạng người Sêmít khi đọc Thánh Kinh vì sách thánh được khai sinh ra từ môi trường đó. Vì thế, câu trên theo Mátthêu nằm trong cách đoãn ngữ của người Do thái như chúng ta tìm thấy ví dụ theo sách Sáng thế đoạn nói về nước rút sau trận hồng thủy 8,7 : “và ông thả con quạ ra. Nó bay đi không về cho đến khi nước khô trên mặt đất.”, nghĩa là con quạ cũng chẳng trở về sau đó. Từ “cho đến khi” (heous ou) trong câu Mát-thêu 1,25 vì vậy không mang nghĩa rằng sau đó hai người ăn ở với nhau và sinh ra mấy người con khác. Từ này thường thấy trong Thánh Kinh như Thánh Vịnh 110,1 :”Hãy ngự bên hữu Ta, cho đến khi Ta đặt quân thù làm bệ chân ngươi”. Câu này là một câu sấm của Gia-vê nói về Đấng Mêsia và Chúa Kitô đã thực hiện trọn vẹn lời sấm này (Xem Mátthêu 22,44; 28,18). Chúng ta biết rằng quyền ngự bên hữu Chúa Cha của Ngài không ngừng khi quân thù bị đánh bại nhưng đặc quyền đó mang tính cách vĩnh cửu. Thêm một ví dụ khác, trong đoạn nói về ông Mô-sê qua đời, tác giả sách Thứ Luật ghi :”Và người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Moab, trước mặt Beth-Péor, nhưng không ai biết được mộ ông cho đến ngày nay.” (Thứ Luật 34,6). Từ “cho đến ngày nay” theo Sách Thánh không có nghĩa là một ngày chúng ta chắc chắn tìm thấy mộ của Mô-sê (Xem thêm Sáng Thế 8,7; 28,15; 2Samuen 6,23).

 – Lc 2,7 : “Bà sinh con trai đầu lòng, lầy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ…”

Nhiều người đọc trong đoạn từ “con trai đầu lòng” và cho rằng sau đó có những người con kế tiếp. Một lần nữa, chúng ta phải đề ý đoản ngữ theo người Do thái, tức là trước đó Đức Maria chưa hề có một người con nào. Ngoài ra từ “con trai đầu lòng” còn nêu lên trách nhiệm và quyền hành của người con đầu lòng. Từ này trong quan niệm của người Do thái muốn nói đứa con thoát khỏi lòng bà mẹ lần đầu thuộc về Thiên Chúa và phải mua chuộc lại bằng của lễ hiến tế. Khi Luca dùng tính ngữ “con đầu lòng” chỉ định Đức Giêsu, tác giả đã sửa soạn áp dụng cho Ngài lề luật ghi lại trong sách Xuất Hành 13,2 và 13,13 :”Hãy hiến thánh cho Ta mọi con đầu lòng : vật gì bất cứ, khai thông dạ mẹ…thì đều thuộc về Ta”. Và Đức Maria cùng Thánh Giuse đã tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa trong đền thờ tại thánh đô Giêrusalem. (Lu-ca 22-28). Trong Cựu ước, khi Esau được sinh ra, chúng ta có cùng đoản ngữ như Luca 2,7 : “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa thì bà (Rêbêca) đã sinh đôi. Đứa đầu lòng sắc nó hung, cả mình nó như tấm áo choàng, bằng lông…” (Sáng thế 24-25).

 Ngoài hai đoạn Tân ước vừa nói trên, một số người khác lại dựa vào những đoạn Tân ước nói về anh em Đức Giêsu phủ nhận Maria đồng tinh sau khi sinh. Những đoạn này đều năm trong Tin mừng Nhất Lãm như Máccô 6, 3 = Mátthêu 13,55-56 : Những anh em của Đức Giêsu. (đoạn văn này đã được chú giải trong mục Hỏi để sống đạo Dân Chúa Âu châu số 156 tháng 10/1995, trang 28 và tiếp theo).

 Ngoài ra hai lý luận dưới đây cho thấy ý về những người con khác mà Đức Maria có thể có không vững : Khi gia đình lên đền thờ Giêrusalem lúc Đức Giêsu được 12 tuổi, Thánh Luca chỉ nói có Giuse, Maria và Giêsu; nếu như còn có những người con khác chẳng lẻ hai ông bà lại bỏ chúng ở nhà. Hoặc giả như Đức Giêsu có anh chị em ruột thịt thì không có lý do gì trên thập giá Ngài lại trối mẹ mình cho thánh Gioan như ông đã nói trong thư. Ông có ghi lại những người đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu nhưng lẫn lộn giữa các bản Tin Mừng. Tôi chỉ xin xếp lại cho đúng như sau :

 – Theo Tin Mừng Mátthêu 27,55-56, dưới thập giá có “nhiều phụ nữ nhìn xem từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Người. Trong số đó, có bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và Giôxê, và bà mẹ các con ông Dêbêđê”.

 – Theo Tin Mừng Mác-ô 15,40 : “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê thứ và Giôxê, cùng bà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó.

 – Theo Tin Mừng Luca 23,49 : “Đứng đàng xa xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến những việc ấy”.

 – Theo Tin Mừng Gioan 19,25-27 : “Đứng gần thập giá, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Côlôpát, cùng với bà Maria Mađalêna. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu : “Thưa bà, đây là con của bà”. Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh”. Từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”.

 Tóm lại, những câu Tin mừng được một số người trưng dẫn để bác bỏ tín điều “Đức Maria trọn đời đồng trinh” không vững lý. Thánh Kinh Tân ước không nêu vấn đề này rõ ràng hơn, và truyền thống Giáo Hội từ thế kỷ đầu đã nhất trí giảng dạy Maria trinh khiết trọn đời. Trong ngày truyền tin, Maria đã đáp lại lòi thiên sứ “tôi không biết người đàn ông” biểu lộ chủ định giữ đồng trinh. Maria nghe theo tiếng nói nội tâm cho dù có thể ngay lúc ấy ngài chưa hiểu ý nghĩa sâu xa về sự đồng trinh. Maria sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, và việc lựa chọn giữ mình đồng trinh nói lên ý chí dành cho Thiên Chúa nguyên vẹn con người mình. Trong truyền thống Giáo hội, điều Đức Giêsu trinh thai trong cung lòng Maria mang ý chính Thiên Chúa là cha Đức Giêsu, và đồng thời ngài mang thiên tính. Trinh thai là dấu chỉ ân huệ Thiên Chúa cho nhân loại. Trong cung lòng Maria, Đức Giêsu mặc lấy nhân loại mới dứt đoạn với nhân loại bị tổn thương bởi tội đến từ Ađam.

 3. Có tất cả mầy tín điều về Đức Mẹ?

 3.1. Định nghĩa tín điều.

 Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta cùng tìm hiểu ý nghiã tín điều là gì? Từ “tín điều” được dịch theo nguyên ngữ Hy lạp “dogma” có nghĩa là sắc luật, châm ngôn hay ý kiến. Từ thế kỷ thứ XVIII, từ “dogma” mang ý nghĩa hẹp hơn, chỉ định những biểu đề chân lý được Thiên Chúa mạc khải và ta phải tin. Theo tự điển Thần học tín lý do Nhóm phiên dịch tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan phát hành năm 1996, tín điều là chân lý mà Giáo hội mỗi thời tùy theo bối cảnh thời đại mình dùng văn tự và ngôn ngữ để diễn đạt kinh nghiệm đức tin của Giáo hội.

 Tóm lại những định nghĩa trên thấy rằng tín điều mang ít nhất ba yếu tố :

 – Tín điều phát biểu rõ ràng nội dung mạc khải; một cố gắng để hiểu điều gắn liền với đức tin. Tín điều chứng giám những câu hỏi quan trọng đặt ra và định hướng điều người tín hữu tìm kiếm. Chủ đích hẵn để tránh điều sai lầm, nhưng cũng để cố định nội dung đức tin hầu giúp mọi tín hữu cùng tin như nhau.

 – Tín điều giúp làm mối giây liên kết sự suy tư về mạc khải, tức là liên kết chặt chẻ vào xác định của các tín biểu. Ví dụ, chúng ta sẽ không thể nào hiểu tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời nếu như ta không chấp nhận lời khẳng định “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” trong Kinh Tin Kính. Vì vậy, tín điều không diễn tả hết đức tin nhưng chỉ là phụ đối với mạc khải.

 – Tín điều mang dấu ấn Giáo hội tức là diễn tả đức tin của một cộng đoàn.

 Với những giá trị vừa nói qua không vì thế mà tín điều không có giới hạn. It nhất chúng ta cũng thấy hai giới hạn trong việc cần thiết phải định nghĩa và cố gắng cố định chân lý trong lịch sử. Thật vậy, tín điều mang bối cảnh lịch sử thời điểm nhất định nào đó. Lúc ấy, vì có tranh luận hay một vấn đề đặt ra nên Giáo hội cần xác định chân lý qua một công thức. Và chân lý trong Kitô giáo không phải là một công thức, nhưng chân lý chính là Thiên Chúa đã đến với nhân loại qua con người Chúa Kitô. Thêm nữa, một công thức được định nghĩa trong một bối cảnh lịch sử với một nhản quan trong thời điểm đó, cho nên ngày hôm nay sự hiểu biết củng có thể tiến hoá hoàn thiện được.

 3.2. Có bao nhiêu tín điều về Đức Mẹ?

 Điểm này có nhiều người thường nhầm lẫn, nên cần phải xác định rõ ràng theo truyền thống Giáo hội Công giáo có tất cả bốn tín điều chính về Đức Mẹ : Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa; Đức Mẹ trọn đời đồng trinh; Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội và Đức Mẹ hồn xác lên trời.

 – Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)

 Từ “Mẹ Thiên Chúa” không tìm thấy trong Tân ước, nhưng Đức Maria thường được gọi là “Mẹ Đức Giêsu”, và Giáo hội nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thế làm người vì vậy khi giáo hội cố định tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” là đưa ta vào mầu nhiệm của Đức Giêsu. Ngay cả trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Ga-lát 4,4 viết vào khoảng năm 56 : “Nhưng khi thời gian tới hồn viên mãn, Thiên Cúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Thoạt tiên khi đọc đoạn này, chúng ta thường nghĩ tới chức phận của Đức Maria nhưng thánh Phaolô chỉ muốn xác định công cuộc Chúa Kitô cứu chuộc nhiều hơn. Tóm lại, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa muốn xác định chân lý về Thiên Chúa nhập thể.

 Khi công đồng Êphêsô năm 431 nhìn nhận Đức Mẹ qua công thức “đức Maria là kẻ sinh ra Thiên Chúa” (Theotokos, Deipara, Dei Genitrix), các giáo phụ muốn nhắm định nghĩa mầu nhiệm nhập thể. Công đồng xác định chân lý Kitô học để chống lại bè rối Nestôriô không nhìn nhận sự nhất tính giữa hai bản tính con người và thần thiêng nơi Đức Giêsu. Thế nhưng dù công thức nhắm trực tiếp Đức Giêsu nhưng cũng gián tiếp liên quan đến mầu nhiệm của Đức Maria. Thật ra, không phải đợi đến công đồng Êphêsô năm 431 chúng ta mới thấy xuất hiện từ ngữ Theotokos, vì tước hiệu này đã thấy xuất hiện bên Ai cập từ thế kỷ thứ III qua bản kinh “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời…” (Sub tuum praesidium, sancta Dei Genitrix). Chỉ thảo bản kinh này hiện còn đang tàng trử tại John Rylands Library. Từ này, được phổ biến mau lẹ sang Đông phương và Tây phương trong các tác phẩm thần học của các giáo phụ như Alexandre và Athanase. Năm 451, công đồng Chalcedoine cũng khẳng định tín điều Mẹ Thiên Chúa thuộc về đức tin : “Đức Giêsu được sinh ra từ trước đời đời do Thiên Chúa Cha xét theo thiên tính. Và đến thời viên mãn, thì xét theo nhân tính, và vì phần rỗi của chúng ta, cũng chính Chúa Giêsu Kitô đó đã sinh ra bởi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”.

 Tóm lại, khi nói Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thì chúng ta phải hiểu Ngài không phải là Mẹ Thiên Chúa Cha nhưng là Mẹ Con Chúa. Kinh Thánh cũng xác nhận từ “Thiên Chúa” (Theos) chỉ được áp dụng cho Thiên Chúa Cha mà thôi. Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium) khẳng định như sau : “Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Đức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cùng thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu thế”. (53) Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1992, câu 495 ghi : “Tin Mừng gọi Mẹ là “Mẹ Đức Giêsu” (Ga 2,1;19,25). Do tác động của Chúa Thánh Linh Mẹ Maria được xưng tụng là “Mẹ Chúa tôi” (Lc 1,43) ngay trước khi sinh Con. Đúng thế, Mẹ đã cưu mang người của Thánh Linh; Đấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, không ai khác hơn là người Con vĩnh hằng của Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo Hội đã tuyên xưng mẹ Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos).” Hôm nay khi nói Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa tức là chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Thiên Chúa làm người và là Emmanuel. Khoảng thập niên 80, các nhà chú giải Kinh Thánh đã giúp chúng ta khám phá ra khuôn mặt của Đức Giêsu theo Tin Mừng thánh Mác-cô. Đức Giêsu rất gần gủi với chúng ta và có tính rất con người. Điều này nêu lên đặc điểm của Kitô giáo là chúng ta tin vào một Thiên Chúa nhập thế làm người giữa chúng ta. Người đến trong lịch sử qua con người của Đức Maria.

 – Đức Mẹ trọn đời đồng trinh.

 Như đã nói ở phần trên, việc “Đức Mẹ đồng trinh” đã được nhắc đến rất sớm như chúng ta đọc thấy trong Tín biểu các Tông đồ trước thế kỷ thứ III, và trong tín biểu của công đồng Nicée-Constantinople năm 381; nhưng từ “Đức Mẹ trọn đời đồng trinh” (aeiparthenos : semper virgo) chỉ được nói tới lần đầu tiên trong tín biểu về bí tích Thánh Tẩy của Đức giám mục Epiphane thành Salamis khoảng năm 374. Công đồng Constantinople II năm 533, và Latran năm 649 xác nhận; và cho đến thế kỷ thứ XVI, Đức Phaolô IV trong tông hiến Cum Quorumdam hominum ghi rõ ràng Đức Maria “đồng trinh trước khi sinh, đang khi sinh và sau khi sinh”. Chúng ta thấy tín điều “Đức Mẹ trọn đời đồng trinh” bắt nguồn gốc sâu xa trong Giáo hội cho dù Tân ước không nói rõ ràng hơn; và điều khẳng định đó được chấp nhận suốt dòng lịch sử. Vào những năm sau công đồng Vaticanô II, tín điều này bị chỉ trích lẻ tẻ và đến ngay từ một nhóm thiểu số trong tổng thể truyền thống Kitô giáo. (Những vấn đề về “anh em của Đức Giêsu” v.v… xin xem ở phần trên)

 – Hai tín điều cận đại : Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội và Đức Mẹ hồn xác lên trời.

 Nếu như tín điều “Mẹ Thiên Chúa” và “Mẹ trọn đời đồng trinh” được tuyên xưng trong các tín biểu cổ xưa, thì hai tín điều về “Mẹ Vô Nhiễm” và “Mẹ hồn xác lên trời” chỉ mới được tuyên bố vào thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Hai tín này này nêu rõ ràng về mầu nhiệm con người của Đức Maria. Trước hết, chúng ta hãy đọc lại hai lời công bố về hai tín điều trên :

 Về tín điều Mẹ Vô Nhiễm : “… Chúng tôi tuyên bố rằng đây là một đạo lý được Thiên Chúa mạc khải : Trinh nữ rất thánh Maria, vào lúc đầu tiên thụ thai đã được gìn giữ không mắc phải tì ố của tội nguyên tổ, do ơn thánh đặc biệt và đặc ơn của Thiên Chúa toàn năng, và vì nhắm tới các công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc loài người. Vì vậy hết mọi tín hữu phải tin vững chắc điều đó” (Đức Piô IX, Sắc chỉ “Ineffabilis Deus” ngày 8/12/1854).

 Về tín điều Mẹ hồn xác lên trời : “… Chúng tôi tuyên bố như là tín điều được Thiên Chúa mạc khải : Đức Maria vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, sau khi chấm dứt dòng đời dưới đất, đã được cất về vinh quang trên trời cả xác hồn” (Đức Piô XII, tông huấn “Munificentissimus Deus” ngày 1/11/1950).

 Đọc qua hai lời công bố trên chúng ta thấy cả hai văn bản đều để mở ra câu hỏi về nền tảng Kinh Thánh. Hai văn bản rất giống nhau và có mối liên hệ mật thiết. Khi tuyên bố tín điều Vô nhiễm như “một chân lý mạc khải”, Đức Piô IX không nói Thiên Chúa mạc khải điều đó như thế nào. Vì vậy, chúng ta không thể dựa vào một bản văn Kinh Thánh đặc biệt nào nhưng phải gợi lên đây nhiều văn bản khác nhau nói về sự thánh thiện ngoại lệ của Đức Maria mà bản văn công bố tín điều cho rằng ngay từ lúc ngài được thụ thai. ễ đây hai văn bản Tân ước được ghi nhận đều rút ra từ Tin Mừng theo thánh Luca. Thứ nhất là lời thiên thần Gabriel chào Đức Maria trong trình thuật Truyền tin : “Mừng vui lên, Đấng đầy ân sủng…” (Lc 1,48); và văn bản thứ hai là lời bà Elisabeth ca tụng Đức Maria : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ…” (Lc 1,42).

 Ngoài ra khi công bố Đức Maria không mắc phải tỳ ố tội nguyên tổ, các thần học gia gợi lại lời hứa cứu độ cho người đàn bà và hậu duệ ghi trong sách Sáng thế 3,15 : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Câu văn này thường được gọi là “Tiền Tin Mừng” vì là câu nói đầu tiên về ơn cứu rỗi; và Giáo hội áp dụng câu này cho Đức Mẹ.

 Với cùng một ý tưởng trên, Giáo hội đọc thấy trong sách Khải huyền chương 12 hình ảnh người đàn bà mặc áo mặt trời là Đức Mẹ đã chiến thắng trên con rắn ghi trong sách Sáng thế. Thật ra, Giáo hội mới trực tiếp được gợi lên với đầy biểu hiện trong chương Khải huyền này. Mười hai Tông đồ là triều thiên, là dấu chỉ giáo hội được Thần khí Thiên Chúa chiếu sáng biểu hiện bằng mặt trời, và thống trị trên những thần giả biểu trưng bằng mặt trăng. Nhưng Giáo hội luôn không ngừng đụng với sức mạnh sự ác là con rồng, đôi khi phải lẫn trốn như các Giáo hội thầm lặng v.v… Chính trong trận chiến và đau khổ mà Nước Thiên Chúa đến. Trong văn bản chỉ mang hình ảnh một người nữ nhưng lại có hai khuôn mặt : Giáo hội tự nhận thấy trong Đức Maria, và Ngài là hiện thân của Giáo hội.

 Với tín điều “Mẹ hồn xác lên trời”, Đức Piô XII có nói đến hai văn bản Kinh Thánh. Chúng ta thấy lại văn bản Sáng thế 3,15. Thoạt tiên, chúng ta thấy văn bản không nói gì đến Đức Maria, nhưng theo truyền thống các giáo phụ luôn luôn trình bày Đức Mẹ như E-và mới liên kết chặt chẻ vào Ađam mới trong cuộc chiến chống lại Satan. Do đó Đức Maria cùng tham dự vào với Chúa Kitô trong cái chiến thắng toàn diện trên tội lỗi và sự chết. Và vì sự sống lại của Chúa Kitô là dấu chỉ chiến thắng sự chết thì cuộc chiến chung của Đức Maria và người Con kết thúc bằng vinh quang thân xác tinh tuyền của Đức Mẹ.

 Văn bản thứ hai được rút ra từ thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 15,22-23. Đây là văn bản căn bản nói về lòng tin của người Kitô hữu vào sự sống lại : “Quả thế, như mọi người liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đối với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Chúa Kitô, rồi khi Chúa Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người”. Khi trích dẫn văn bản này, Đức Piô chỉ định điều Đức Maria hồn xác lên trời lệ thuộc vào sự Chúa Kitô sống lại. Điều Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là dấu chỉ báo trước cho tất cả chúng ta. Đức Maria là dấu chỉ hiệp thông toàn vẹn với Thiên Chúa; và chúng ta cũng sẽ được gọi sống lại cả hồn lẫn xác như Ngài. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết để mở đường sự sống và kéo chúng ta cùng theo.

 Chúng ta thấy tín điều “Mẹ lên trời hồn lẫn xác” chỉ được xác định như chân lý đức tin ở thế kỷ thứ XX, nhưng thật ra điều này đã được Giáo hội biết đến từ hồi thế kỷ thứ V. Chúng ta đã nói sơ qua nền tảng Kinh Thánh ở trên, nhưng không nên quên chứng từ đến từ phụng vụ. Từ xưa, Giáo hội bên Đông phương mừng lễ “Đức Trinh Nữ yên nghỉ”, và sau đó lễ này cũng được cử hành trọng thể bên Tây phương.

 Đó là bốn tín điều “chính thức” về Đức Maria theo truyền thống Giáo hội nói lên liên hệ mật thiết giữa Đức Mẹ với Chúa Kitô. Ngoài ra, chúng ta vẫn thường nghe nói đến những tước hiệu khác đưa Đức Maria có liên hệ mật thiết đối với Giáo hội. Những đạo lý này chưa bao giờ được công bố thành tín điều như : Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, Đức Maria đồng công cứu chuộc và Đức Maria là Đấng trung gian các ơn.