TIN NHẬN HAY CHỐI CHÚA !

58

Bài đọc Cựu Ước nói đến sự cứng đầu cứng cổ của dân Israel: Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối cho dân để họ được hạnh phúc. Thế nhưng họ chẳng nghe theo. Thiên Chúa lại sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ. Nhưng họ vẫn không nghe.

Thời Chúa Giêsu, thái độ ngoan cố ấy vẫn tiếp tục: khi Chúa Giêsu làm phép lạ trục xuất quỷ câm khỏi người bị nó ám, lẽ ra người ta phải hiểu đó là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến. Nhưng những người Biệt phái lại không muốn hiểu như vậy, họ còn cố tình xuyên tạc rằng Ngài đã dùng thế lực của quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.

Tin Mừng Mátthêu (Mt 12, 22-32) coi đây là tội chống Thánh Thần và là tội duy nhất không được tha. Bởi vì nếu do yếu đuối hay sai lầm mà phạm tội thì dù tội có nặng hay nhiều đến đâu đi nữa Thiên Chúa vẫn rộng lượng tha thứ. Còn kẻ ngoan cố đã thấy sự thật nhưng cố tình không nhìn nhận, lại còn xuyên tạc cho nên họ không được tha. Nói đúng ra, họ không được tha vì họ không muốn được tha.

          Tin Mừng cho chúng ta niềm tin Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống, Ngài xua trừ ma quỷ và cứu giúp con người trong mọi cảnh huống. Hôm nay, Ngài trừ một tên quỷ câm, quỷ xuất rồi thì người câm nói được. Nhưng một số người trong đám đông chứng kiến việc Chúa làm thì cho rằng: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.”

Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền cho những người mà Chúa gặp gỡ, đặc biệt những ai có lòng tin vào Ngài. Tuy nhiên, không phải lúc nào Ngài cũng nhận được sự tán thưởng của dân chúng mà ngược lại, nhiều khi lại bị người Do Thái phản bác. Mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp nhưng luôn bị người Phariseu phản đối.

Dù thế nào, dù con người nhiều khi không đón nhận thì tình thương của Chúa vẫn dành cho họ, Ngài vẫn chữa lành mọi bệnh tật thân xác cũng như tâm hồn cho họ. Và Ngài cũng khẳng định: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán “. Dù biết con người chống lại mình và phân tán đấy, nhưng tình thương của Ngài không vì thế mà rút lại, Ngài vẫn hiện diện bên họ và sẻ chia thân phận con người cùng họ.

Trong thế giới hiện đại này, không ít người tự hỏi: liệu ngày nay có còn ma quỷ quấy phá chúng ta không? Câu hỏi gợi ta nhớ về câu chuyện của chị thỏ bông đã được nhiều người luận bình trên các trang mạng với nhiều quan điểm khác nhau.

Tin Mừng kể việc Chúa Giêsu làm phép lạ trừ một quỉ câm nhập vào một người. Nạn nhân này hẳn trước kia nói được nhưng khi bị ám tàng thì câm luôn. Chúa chữa cho lại nói ngay được (c.14). Điều này làm dân chúng kinh ngạc và Mt 12,24: Họ thốt lên: “Ngài chẳng là con vua Đavít sao?” Tuy nhiên có một nhóm mà theo Máccô là các thầy Biệt phái đã tố cáo Chúa dùng quyền lực của Bêendêbun.

Một nhóm nữa thấy Chúa đã làm một dấu lạ thì đòi thêm một dấu lạ hiển nhiên hơn, rõ ràng trước mắt họ xem thấy không chối cãi gì được để chứng minh nhiệm vụ siêu nhiên của Chúa. Điều họ muốn là xem một dấu lạ từ trời như cỡ tiên tri Êlia đã từng làm mưa lửa từ trời đã từng xin được mưa gió cho đồng mùa hạn hán (3V 17,1.18,38. 4V 1,10). Điều Hội Thánh xin, nếu như được liệu họ có tin không. Hồ nghi lắm, vì họ không thực lòng mà chỉ muốn thử thách Chúa mà thôi. Nếu như Chúa làm như vậy Chúa đồng tình với sự tò mò của họ và sai mục đích của phép lạ. Cho nên sự thử thách đó cũng không hơn gì nơi hoang địa (Mt 4,1). Còn nếu như Chúa không làm gì hết thì họ cho rằng: “kém Êlia.” Nhưng Chúa đã không làm gì hết ngoại trừ dấu lạ Giona xưa (Lc 11,29).

Để trả lời cho nhóm I bảo rằng Chúa làm phép lạ trừ quỉ câm là bởi Bêendêbun (c.15), Chúa đưa ra trường hợp một nước mà chia rẽ nhau thì sẽ sụp đổ tiêu vong. Đó là định luật chắc chắn. Ma quỷ vốn khôn ngoan hơn. Cho nên không dại gì mà chúng chia rẽ sát hại nhau. Kinh Thánh kể rằng khi ma quỉ bị đẩy lui ra khỏi một linh hồn thì liền rủ bảy quỉ khác tới cám dỗ nữa.

Chúa Giêsu còn đưa ra một lý chứng nữa là “cha ông các ngươi nhờ ai?” (c.19). Những người Do Thái đạo đức xưa kia cũng từng trừ được ma quỉ, có ơn đuổi quỉ. Dĩ nhiên người Do Thái đều biết nhà vua trừ quỉ được là bởi quyền năng Thiên Chúa ban. Vậy, nếu họ nhận quyền của này vua mà lại chối quyền của Chúa thì là mâu thuẫn, vì họ vẫn nhận Ngài là con vua Đavít…! Chúa Giêsu đã trừ quỉ chỉ bằng một lời Ngài phán ra như trường hợp ở Gerasa. Phúc Âm kể ra bảy trường hợp Chúa trừ quỉ ám cũng đều như vậy là phán một lời. Ngay chính các Tông đồ cũng được Chúa Giêsu trao quyền đó và họ sử dụng hữu hiệu. Xưa kia ma quỉ chiến thắng Ađam và Evà, nhưng rồi bị thất bại bởi Đấng Cứu Thế sẽ đến và Tân Ước đã minh chứng điểm đó.

Trong thế giới hiện đại, cám dỗ và tội lỗi được mặc dưới những lớp áo hấp dẫn và lôi cuốn. Nó mời gọi con người qua nhiều cách thức, đánh lừa cảm giác của chúng ta, thậm chí đánh lừa cả lương tâm của chúng ta. Như chị thỏ bông bao lần “tặc lưỡi” cho qua, bao lần cảm thấy bứt rứt lương tâm vì đã lỗi phạm nhưng rồi vẫn tiếp tục con đường sa ngã. Những cám dỗ của vật chất, hưởng thụ, cám dỗ của đời sống tầm thường và dễ dãi đang kéo con người xa dần Thiên Chúa. Chúng ta nhiều khi cũng vô tình “tặc lưỡi” để buông xuôi theo tội lỗi. Đó chính là những lúc chúng ta thỏa hiệp cùng ma quỷ, bội phản lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình.

Tin Mừng hôm nay cũng cảnh tỉnh ta về vấn đề nhận hay từ chối. Ta có nhận ra sự hiện diện của sự thật, của tình yêu và niềm tin chân thật không? Ta có tôn trọng những giá trị chân thực của cuộc sống? Hay ta cũng giống như người Do Thái hôm nay, phủ nhận điều tốt đẹp của Chúa đã làm? Soi lại hình ảnh của người Do Thái trong đoạn Tin Mừng này, biết đâu đã không ít lần ta giống họ: khi chúng ta không nhận ra việc làm tốt đẹp nơi người xung quanh, khi chúng ta chối bỏ sự thật và còn gán ghép cho nó những ý tưởng xấu xa.

Có lúc nào đó chúng ta không muốn cho đồng nghiệp của mình, không muốn cho hàng xóm của mình được tiếng tốt, ta tìm cách làm ô danh họ. Đó chính là lúc chúng ta rập khuôn theo lối sống của người Do Thái hôm nay. Có khi nào đó chúng ta sống “quy ngã”, coi cái “tôi” của mình quá lớn, lúc đó ta tìm cách làm mờ đi những hình ảnh tốt đẹp nơi người anh chị em của mình. Đó cũng chính là lúc chúng ta chối bỏ sự thật, chối bỏ Thiên Chúa như người Do Thái vậy.

Qua trang Tin Mừng hôm nay, mọi người đều phải có thái độ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô là: “Tin nhận hay từ chối”. Cả trong thời đại hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải có một thái độ rõ ràng đối với Chúa Giêsu Kitô. Ngài đến với con người qua Giáo hội, qua những sứ giả được tuyển chọn, sai đi làm chứng cho Người. Liệu chúng ta có đủ thành tâm và can đảm để cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để tin nhận Chúa hay không?

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách “Ðường Hy Vọng” đã chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau: Chúa là người, không phải là lý thuyết. Chúa là Cha ở bên con với tất cả quyền năng và tình thương. Cha năn nỉ, Cha khuyên bảo, mời gọi, trách móc, tha thứ và luôn luôn yêu thương. Chúa Giêsu là tất cả của con, là cùng đích của ý hướng, là lý do các quyết định, là định luật của tình cảm, là mẫu gương các hành động của con. Hãy sống bên Chúa, con sẽ trở nên thánh.

Chúng ta hãy cố gắng nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang tác động trong biến cố lịch sử của nhân loại. Với Chúa cùng tiến bước, chúng ta sẽ vượt được các thử thách và về đến đích điểm cách an bình.

 

Previous articleTHA MÃI MÃI, THA LUÔN LUÔN !
Next articleLÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA BÀ GÓA