TÌNH CHÚA – TÌNH NGƯỜI

98

 

Người khôn ngoan thì trong mọi lãnh vực luôn luôn phân biệt điều chính và điều phụ, điều cốt lõi và điều bên ngoài. Người không ngoan thường phân định điều cần thiết và điều ích lợi, điều quan trọng và điều không quan trọng. Khi phân biệt, người ta chọn lựa để chỉ làm điều chính và bỏ điều phụ. Và rồi có khi không thể làm được cả hai, thì phải ưu tiên cho điều chính. Rõ ràng ta thấy điều chính là yếu tố quyết định thành công, không thực hiện nó thì chắc chắn sẽ thất bại. Còn điều phụ, nếu làm được thì rất tốt, rất ích lợi, có thể làm cho sự thành công rực rỡ hơn, nhưng không làm được thì cũng vẫn có thể thành công.

Thời Chúa Giêsu, ta thấy có khi họ không biết việc nào là chính việc nào là phụ, điều nào cần làm và điều nào không cần thiết làm để rồi họ là đối tượng Chúa Giêsu hay dùng để dạy dỗ các môn đệ.

Người Biệt phái và Pharisiêu luôn tìm cách ám hại Chúa Giêsu. Họ tìm đủ mọi cách, mọi lý do, mọi cơ hội để gây hấn với Chúa Giêsu. Họ tranh luận với Chúa Giêsu không phải để tìm hiểu học hỏi, nhưng để tìm cách gày bẫy Ngài, đưa Ngài vào chỗ bí với âm mưu giết Ngài. Họ đặt cho Ngài câu hỏi mà các Rabbi đem ra để tranh cãi: “Điều răn nào là điều răn lớn nhất ? “.

Ta thấy có rất nhiều điều Luật cũ của người Do thái: Bộ luật có tất cả 613 điều khác nhau, trong đó có 365 điều cấm và 248 luật phải giữ. Vì rằng nhiều như thế, nên phân biệt khoảng nào chính, khoảng nào phụ là một điều khó. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Chúa Giêsu, chính là vừa để thử Chúa, vừa là vì chính họ cũng không nhất trí với nhau khoảng luật nào là chính, là phụ nữa.

Chúa trả lời: Phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn… Đó là điều răn thứ nhất… Còn điều thứ hai cũng quan trọng: hãy yêu tha nhân như chính mình…Hai điều răn này Chúa trích từ sách Đệ nhị luật 6, 5 và sách Lêvi 19, 18. Chính Chúa Giêsu là người đầu tiên nối kết hai khoảng luật này lại với nhau. Người đặt: luật kính yêu Chúa trước tiên, sau đó là luật thương người. Vậy yêu thương chính là cốt lõi của mọi khoản luật khác và đối tượng của tình yêu chính là Thiên Chúa và anh em mình.

Đối với Chúa Giêsu câu trả lời của Người rất thẳng thắn. Người đi thẳng vào điểm chính. Người trưng ra câu sách Đệ nhị luật 6, 4-5: “Nghe đây, hỡi Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em…” .

Điểm độc đáo của Đức Giêsu là Người liên kết: ” giữa điều răn thứ nhất: yêu mến Đức Chúa, với điều răn thứ hai: yêu mến người lân cận thành một giới răn”. Chúa Giêsu đã gồm tóm được luật của Môsê và các ngôn sứ. Như thế, Chúa Giêsu đã qui các giới răn khác vào hai giới răn thành một: yêu mến Chúa và yêu tha nhân.Chúa Giêsu cho nhân loại thấy cái mầu nhiệm thẳm sâu trong cuộc đời Người, một cuộc đời tự hiến vì ý Chúa Cha, yêu mến Chúa Cha và yêu thương đồng loại.

Trước Câu hỏi xem ra hóc búa, một lần nữa Chúa Giêsu đã gây cho họ sự ngạc nhiên lớn lao. Chúa không trả lời họ trên bình diện thông thường, trên bình diện người ta hỏi Người, nhưng Người đã đi vào chiều sâu và khái quát: hai lề luật nhưng tựu trung chỉ là một lề luật mà thôi.

Qua trang Tin Mừng này, Chúa Giêsu xác định luật yêu thương là quan trọng. Lòng mến Thiên Chúa phải toàn diện liên quan đến trái tim, linh hồn, cả khối óc của con người nữa. Tình yêu này phải là động lực thúc đẩy mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác của chúng ta. Chính vì thế mà Chúa nói: tất cả luật Môisen và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều ấy.

Khi truyền dạy chúng ta ” yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn,” đó là Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa với toàn diện con người của mình. Điều này có nghĩa là mọi việc chúng ta làm đều phải qui hướng về Chúa. Thiên Chúa có quyền đòi buộc điều này là vì chúng ta là thụ tạo của Người, và mọi cái chúng ta có đều là do Chúa ban cho. Chúng ta có thể tự tình phụng sự mến yêu Chúa và được hưởng hạnh phúc với Người; hay với sự tự do Chúa ban, chúng ta có thể từ chối phụng sự Chúa, và rồi sẽ phải lãnh chịu hiệu quả của quyết định đó.

Chúa Giêsu chính là tấm gương cao cả về việc thực thi luật yêu thương. Người trước hết luôn yêu mến Chúa Cha, sống đẹp lòng Chúa, và vì vâng lời trọn hảo mà Chúa chấp nhận sinh làm người đền thay tội lỗi cho nhân loại chúng ta. Đọc qua Phúc âm, ta thấy Chúa Giêsu thể hiện lòng yêu thương bằng việc hoàn toàn vâng phục Ý Chúa Cha.

Hơn thế nữa, Người tỏ ra lòng yếu mến Chúa Cha qua việc quan tâm yêu thương, cứu giúp hết mọi người, kể cả người tội lỗi, đỉ điếm, thu thuế, người ngoại giáo samaritanô, những người mà các kinh sư, biệt phái xa lánh, khinh thị. Lại nữa, Chúa yêu mến nhân loại không chỉ bằng lời nói thôi, nhưng bằng việc làm cụ thể là lễ tế trên thánh giá. Yêu mến là cho đi, là chết đi, là quên mình cho người khác. Vì thế cái chết của Chúa trên thánh giá chính là cái chết vì Tình Yêu.

Người Do Thái lúc đó vì bị ảnh hưởng của các nhóm: Pharisiêu, biệt phái, luật sĩ, Sadducée vv…họ tưởng giữ luật vì đó là lề luật mà thôi. Thánh sử Matthêu đã nhắc nhớ cho họ rằng cốt lõi của lề luật mới là tình yêu. Yêu Chúa sẽ gặp người và yêu người sẽ gặp Chúa. Đối với Chúa giữ luật mà thiếu hồn, chỉ dựa trên những điều luật chết mà giữ thì không hề có giá trị gì. Người ta không chỉ đi lễ, giữ vài ngày chúa nhật, đọc kinh cho có lệ là xong đâu, nhưng Matthêu vạch rõ con đường phải đi, cốt lõi đạo phải giữ: đạo tình thương và con đường tình yêu.

Tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi tình yêu tha nhân, yêu mến anh em là yêu mến Thiên Chúa, nhất là nơi những người bé nhỏ, khốn khổ, bị loại trừ. Yêu mến tha nhân, bởi vì tất cả đều có Thiên Chúa là Cha, tất cả mọi người đều là anh em, tất cả mọi người đều được tiền định, được mời gọi vào hưởng hạnh phúc Nước Trời viên mãn, tất cả đều mang một thân phận con người với những giới hạn không thể nào vượt qua được. Hơn nữa, những việc làm cụ thể giúp đỡ anh em được kể là làm cho chính Chúa Giêsu, có giá trị vĩnh cửu trong ngày sau hết.

Dĩ nhiên, yêu mến anh em thì phải hiểu biết anh em. Phải biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ. Phải biết thông cảm, chấp nhận những yếu đuối, thiếu sót, lỡ lầm của anh em. Phải biết tha thứ, bỏ qua những khuyết điểm, những bất toàn, chưa hoàn thiện. Phải biết cộng tác với nhau để xây dựng một thế giới huynh đệ, công bình  và nhân ái hơn.

Biết như vậy để rồi vấn đề chính yếu còn lại với chúng ta là chúng ta phải sống thế nào cho phù hợp với Lời Chúa dạy trong việc thực hiện đức bác ái yêu thương. Và như vậy, phải chăng đây là điều chúng ta cầu nguyện cho nhau trong thánh lễ hôm nay.

Previous articleDỌN LÒNG ĐỂ DỰ TIỆC CƯỚI
Next articleĐTC mời gọi cầu nguyện cho các phụ nữ nạn nhân của các tình trạng sống khổ đau