TINH TÚY CỦA LỀ LUẬT
(Sir 15:15-20; Tv 119; 1 Cr 2:6-10; Mt 5: 17-37)
Vào năm 1998, tờ Washington Post có đăng một câu chuyện đáng khâm phục của ông Daniel Crocker, một người sống ở ngoại ô Virginia với vợ và hai con. Ông có một đời sống khá tươm tất nhờ công việc quản lý một kho hàng. Tuy nhiên, ông vẫn giữ trong lòng một điều bí mật: mười chín năm trước, ông đã giết một phụ nữ ở Kansas tên là Tracy Fresquez.
Tuy vụ án đã chìm vào quên lãng nhưng ông vẫn không chịu nổi gánh nặng của điều bí ẩn này. Sau cùng, ông trở về với Thiên Chúa để xin ơn tha thứ và trở nên một tín hữu Kitô. Ông và gia đình ngày càng lớn lên trong đức tin và chính ông trở thành một mục sư trong Giáo Hội Tin Lành. Tuy vậy, ông vẫn không đủ can đảm để trình diện với nhà chức trách về tội ác ghê tởm mà ông đã phạm mười chín năm trước đây.
Mục Sư Daniel làm tuyên uý nhà tù và một ngày kia sau khi công tác ở nhà tù về, ông đã cầu nguyện và tiết lộ bí mật đó với vợ ông, bà Nicolette. Sau đó hai người bàn tính việc thú tội với nhà chức trách ở Kansas. Điều khó khăn nhất cho ông Daniel là phải nói thế nào với hai con nhỏ của ông, một đứa chín tuổi và một đứa tám tuổi, về việc từ giã các con để đi ở tù.
Đến ngày ra đi, các con ông khóc nức nở, nài nỉ ông đừng đi, và ông nói: “Bố phải trình diện thú tội. Vì nếu bố dậy các con phải sống Lời Chúa mà bố lại không thi hành thì bố là người giả hình.” (trích trong Prison Fellowship Ministries).
Câu chuyện của Mục Sư Daniel Crocker giúp chúng ta hiểu lời Chúa trong bài phúc âm hôm nay rõ ràng hơn về tinh thần lề luật.
Trước hết, Chúa Giêsu xác nhận rằng lề luật có giá trị của nó và cần thiết cho sinh hoạt của một tổ chức, dù đó là một tổ chức tôn giáo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Đừng nghĩ rằng Thầy đến để phá bỏ lề luật hay lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bác bỏ nhưng để kiện toàn.” (c. 17)
Đối với luật lệ, nói chung, có hai phản ứng trái ngược nhau: một là sự tuân thủ, vâng phục; hai là sự phản kháng, chống đối. Có người sẵn sàng tuân theo lề luật, nhưng cũng có người tìm cách luồn lách, tránh né lề luật.
Những người tránh né, bất chấp lề luật thường là vì họ không thấy được lý do chính đáng của lề luật. Thí dụ, hệ thống đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư đường là để điều hoà sự lưu thông của xe cộ, ai vi phạm thì sẽ bị phạt tiền. Nhưng đèn lưu thông chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một mục đích quan trọng hơn ở bên trong: sự an toàn cho mọi người. Nếu mọi người thấy được lý do quan trọng này thì có lẽ không còn tai nạn xảy ra – có khi chết người – vì những xe vượt đèn đỏ. Sinh mạng con người thì đắt giá hơn số tiền bị phạt.
Trái với sự bất tuân lề luật là sự tuân thủ lề luật một cách máy móc – luật viết như thế nào thì theo đúng như vậy. Cả hai thái độ bất tuân và tuân thủ lề luật máy móc đều có điểm giống nhau là không thấy được lý do chính yếu của lề luật. Đây là thái độ của giới Biệt Phái và kinh sư thời Chúa Giêsu, họ coi lề luật của tôn giáo là cùng đích, là đỉnh cao trong sinh hoạt tôn giáo nên họ tuân giữ rất chi ly, cặn kẽ nhưng họ quên đi tinh tuý của lề luật.
Để dễ hiểu, hãy lấy một thí dụ: có người Công Giáo nói rằng, “tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật, tôi không vi phạm mười điều răn, đương nhiên tôi sẽ lên thiên đường”.
Thoạt nghe thì ai cũng thấy hợp lý, nhưng thử hỏi nếu tôi đến nhà thờ xem lễ, nhưng chỉ có thân xác của tôi ở trong buổi lễ mà tâm hồn tôi đang ở đâu đó với những bận rộn làm ăn, những mưu mô tính toán, những ý tưởng tội lỗi, v.v., thì việc xem lễ của tôi có ích lợi gì không? Nói cách khác, tôi không đạt được mục đích tôn giáo của việc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.
Đây cũng là trường hợp của Mục Sư Daniel Crocker, dù đã ăn năn thống hối khi trở lại Kitô Giáo, dù đã là mục sư rao giảng Lời Chúa cho tín đồ, nhưng ông vẫn không đạt được mục đích của Kitô Giáo khi chưa can đảm đối diện với chính mình. Những việc đạo đức của ông vẫn chỉ là bề ngoài. Và Chúa Giêsu đã cảnh cáo chúng ta về thái độ bề ngoài này, “Nếu sự công chính của anh [chị] em không trổi vượt hơn các kinh sư và Biệt Phái, anh [chị] em sẽ không vào được Nước Trời.” Nói cách khác, nếu chúng ta chỉ chú ý đến các hình thức đạo đức bên ngoài thì Kitô Giáo sẽ chẳng ích lợi gì cho chúng ta.
Trong thực tế đời sống của người Công Giáo ngày nay, điều đáng buồn là nhiều người vẫn không thấy được ý nghĩa quan trọng của 10 Điều Răn, Tám Mối Phúc và nhất là các quy tắc của Hội Thánh đưa ra. Thí dụ, Giáo Hội yêu cầu các đôi nam nữ trước khi kết hôn phải trải qua sự chuẩn bị, ít nhất là sáu tháng. Mục đích của sự chuẩn bị hôn nhân là để đôi nam nữ biết rõ tính tình của nhau, và cùng nhau tìm hiểu những khác biệt, những khó khăn có thể xảy ra trong tương lai để họ nghĩ trước những biện pháp đối phó, với hy vọng là sẽ không còn những bất ngờ, những xung đột trầm trọng đến độ tan vỡ sau khi kết hôn.
Nói chung, sự chuẩn bị hôn nhân đem lại ích lợi thực sự cho đôi nam nữ. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều bạn trẻ và ngay cả các cha mẹ của họ cũng coi quy tắc này là một gánh nặng, một cản trở, bởi thế, họ tìm cách luồn lách, tránh né. Cha mẹ thì đến năn nỉ với linh mục để thông qua sự chuẩn bị hôn nhân với lý do đơn giản là “hai đứa nó yêu nhau”, và muốn làm lễ cưới trong nhà thờ. Đôi nam nữ thì tham dự các lớp chuẩn bị hôn nhân cho có lệ, càng ngắn gọn càng tốt. Điều đáng buồn là họ chỉ quan tâm đến đám cưới – kéo dài có một ngày – chứ không thực sự lưu tâm đến đời sống hôn nhân kéo dài cả một đời. Họ chú ý đến hình thức đạo đức bên ngoài hơn là thực chất của tôn giáo. Họ không thấy rằng Hội Thánh thực sự lưu tâm đến phúc lợi của các phần tử và muốn họ được hạnh phúc lâu dài. Khi không thấy được lý do sâu xa của luật lệ, người ta sẽ coi luật lệ của Hội Thánh là một sự cản trở tự do của con người.
Mười Điều Răn đã được Thiên Chúa ban cho dân Do Thái từ xa xưa, và đó cũng là nền tảng luân lý cho những người theo Kitô Giáo, nhưng khi loài người càng văn minh hơn thì Mười Điều Răn cũng phải được hiểu cách sâu rộng hơn.
Một hành động xảy ra thường là kết quả của một ý định đã có ở bên trong. Trước khi cầm lấy cây súng để giết người thì tên sát nhân đã có ý định ở trong đầu. Đó là lý do Chúa nói, “ai tức giận anh em mình thì đáng bị luận phạt”. Chỉ tức giận thôi, chưa cần phải giết người thì cũng đã bị lên án. Chúa muốn chúng ta ngăn chặn hành động xấu xa ngay từ bên trong. Điều đó rất đúng trên thực tế, vì người ta có thể giết người không cần gươm giáo, súng đạn mà bằng những âm mưu thâm độc.
Tương tự như vậy đối với tội ngoại tình. Chúa nói, “Ai nhìn người đàn bà [hay đàn ông] với sự thèm muốn thì đã ngoại tình với người ấy trong tâm hồn.” Có người bào chữa rằng sự thèm muốn mà chưa hành động thì chưa phải là tội. Điều đó đúng, nhưng chúng ta phải hiểu Chúa Giêsu muốn nói đến điểm chính yếu của hôn nhân – là tình yêu. Nếu vợ chồng không kềm hãm những ý tưởng ngoại tình, những thèm muốn bất chính, hậu quả chắc chắn xảy ra là tình yêu vợ chồng không còn nguyên vẹn, đằm thắm như trước.
Chúng ta cần ý thức rằng, tình yêu Thiên Chúa thì bền vững nhưng tình yêu của loài người thì mong manh, dễ phai nhạt, dễ thay đổi nếu không duy trì và nuôi dưỡng. Ngày Valentine là một trong những cơ hội tốt đẹp để vợ chồng nhìn lại tình yêu của mình. Vào thứ Sáu vừa qua, ĐGH Phanxicô cũng đã tiếp kiến và chúc lành cho khoảng trên 20,000 người đã đính hôn đến từ 28 quốc gia khác nhau (2/2014). Để nói lên tầm quan trọng của sự chung thủy, ĐGH nói, “Các con không ao ước xây đắp hôn nhân trên bãi cát của cảm xúc, nhưng trên đá vững chắc của tình yêu chân thật, tình yêu đó phát xuất từ Thiên Chúa.”
Khi xã hội càng đề cao tính dục qua báo chí, phim ảnh, internet thì các đôi vợ chồng chung thủy lại càng thấy được giá trị của tình yêu. Thỏa mãn tính dục thì dễ, nhưng kiếm được một tình yêu chân thật rất khó. Tìm một người vui chơi qua đường thì rất dễ, nhưng kiếm được một người bạn chung thủy thì rất khó. Đó là sự khác biệt giữa tình yêu và tính dục. Tính dục là bản năng sinh tồn của con người, nhưng tình yêu mới có khả năng nâng cao phẩm giá con người.
Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, và một trong những điểm quan trọng là sự tự do. Thiên Chúa có tự do hành động thì loài người chúng ta cũng được tự do lựa chọn. Trong cuộc sống hàng ngày, hầu như lúc nào chúng ta cũng phải lựa chọn, đúng như bài đọc I hôm nay đã nói, “Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, ai thích điều gì thì sẽ được điều đó… Nếu con chọn tuân giữ các giới răn, các giới răn đó sẽ giải thoát con.” (Dịch theo NABRE – Sir. 15:15-17). Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay cũng nói, “Phúc cho ai tuân giữ mệnh lệnh của Thiên Chúa!”
Xin Thiên Chúa giúp chúng ta thấy được ý nghĩa sâu xa của lề luật cũng như các quy tắc mà Hội Thánh đưa ra và can đảm vâng phục.