Thời nay, có rất nhiều bậc phụ huynh ngồi với nhau liền bảo: “Thôi, bây giờ con cái đặt đâu ta ngồi đấy!”. Một lời nói có thể coi nhẹ như gió thoảng nhưng chứa trong đó cả cuộc đảo lộn của thời đại đến mức khó lòng tin nổi. Tại sao?
Bởi xưa kia “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Có thể cha mẹ dấm chỗ từ khi mới sinh con, đến tháng đến năm thì liền bàn bạc với gia đình thông gia chuẩn bị đón dâu, con gái có khóc hết nước mắt cũng mặc, vì nếu “ vua không thể nói chơi” thì “ phụ mẫu cũng không thể nói đùa”. Đó là cách liên kết thông gia từ xa, nhưng cũng có khi cha mẹ ngẫu hứng lên, bỗng thấy đám nào hay hay, thấy chiều hướng có thể thuận lợi, bèn quyết định liền nhanh như bầu trời sẵn cơn mưa giông ào xuống,con cái thấy bất ngờ cũng đành chịu, vì cha mẹ đã quyết rồi. Hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó đã khơi chảy biết bao nhiêu hàng lệ nghẹn ngào tức tưởi sau màn the. Chao ơi, cha mẹ có thể chọn rể cho con, mà chọn một thông gia giàu có cho mình, bắt con lấy cả những “ ông lão” già ngẩn già ngơ, hoặc có anh còn trẻ nhưng ruồi đậu mép không thèm đuổi, bố mẹ liền bỏ ra một cô vợ mong rằng có một y tá chăm sóc hộ… Có những chuyện thách cưới diễn ra thật cười ra nước mắt, như báo chí đã đăng: Chàng và nàng yêu nhau lắm, phải cái bố nàng tham, đến tận hôm cưới còn vòi thêm một con lợn móc hàm khoảng một tạ. Đám mổ lợn của nhà trai tức lắm, có anh chơi khăm khi cho khênh con lợn sang nhà gái liền bỏ vào đó nguyên một bộ lòng chưa làm gì cả. Và trong lúc mọi người đang dự lễ cưới nói nói cười cười, thì đám nhà bếp của nhà gái la thất thanh lên: “ Ông chủ ơi, chúng nó bưng con lợn sang còn nguyên cả phân”. Bố vợ tím mặt, tức sùi bọt mép, ra lệnh khênh con lợn trả cho nhà trai, không có cưới xin gì nữa. Thế là đêm hôm đó con gái ông cùng chàng rể khăn gói đi biệt xứ, cưới nhau ở xứ người, ông bố chẳng kiếm được một xu lẻ nào. Đúng là tham thì thâm.
Đó là hôn nhân do con cái tự quyết định lấy cuộc đời mình. Hạnh phúc thì hưởng, nếu gặp phải cảnh ngang trái, khổ sở, thì tự làm, tự chịu, đừng có đổ tội cho bố mẹ, là những người không can dự vào con đường của trái tim.
Nhưng như người đời nói, tấm huân chương nào cũng có những mặt trái của nó, tình duyên áp đặt gặt hái ngay nước mắt ngang trái lúc ban đầu, ngậm bồ hòn suốt quãng đời, nhưng như chúng ta biết xưa kia có không đến 1% bỏ nhau. Còn hôn nhân thỏa chí do tình yêu mang lại, mở đầu là những nụ cười, tiếng sâm banh nổ và cắt bánh ga tô, nhưng lại có đến ngót 50% bỏ nhau, cư có ba đôi thì chắc có 1 đôi bỏ nhau, thậm chí có hai đôi thì có 1 đôi bỏ nhau, tỉ lệ gấp gần 50 lần xưa kia. Tại sao vậy? Có những đôi yêu nhau 1 năm, hai năm, rồi năm năm, yêu nhau lắm, hiểu nhau tọc mạch, thậm chí tình yêu hiện đại đã biến thành hôn nhân chưa có ngày cưới mà thôi, thế là, sau hôn nhân chẳng có bất kì sự chuyển tiếp huyền bí khao khát nào xảy ra cả, bởi tất cả đã xảy ra trước mắt rồi. “Cơm đã ăn và gạo không còn”. Thế là hôn nhân đành bưng nồi cơm nguội ra ăn.
“Nồi cơm nguội” nàng rất tội tình, vì khi yêu người ta đã thêu hoa dệt mộng vào rất nhiều, người ta mong đợi người yêu phải là thứ này thứ nọ, người ta đâu biết rằng, lúc đang yêu là con người ta thăng hoa nhất, bạn tình cũng chỉ có từng ấy thôi, hơn nữa lúc yêu người ta thường là những ngụy trang tài tình “ tốt đẹp phơi ra xấu xa đậy lại”, cưới được nhau rồi thì bao nhiêu cái dở, cái xấu lộ ra hết, cộng với cảnh nồi niêu xoong chảo thực tế của gia đình càng làm cho những nhân vật của những giấc mơ sớm biến thành vỡ mộng, thế là những cuộc đấu khẩu bóc mẽ diễn ra mỗi ngày một nhiều, “ Tôi cứ tưởng hóa ra anh chỉ là…” thế là hôn nhân liền ném ra những vết nứt khổng lồ.
Hôn nhân có tình yêu là điều tốt nhất, nhưng chớ có chủ quan lại kẻo dẫn đến một bi kịch tam vỡ cộng thêm vào gần 50% tan vỡ của nhân loại. Nhưng cũng đừng quá thờ ơ, than thân trách phận về thứ duyên lấy “người ta có thể”, hãy cứ “ chăm bón” đi, biết đâu tình yêu sẽ đến, từ cánh đồng chăn gối mọc lên một cây si đa tình không siết kể.