“Tôi không có giờ!” Ta vẫn thường nói như thế khi từ chối một cuộc gặp gỡ, hội họp hay khi được nhờ làm một việc mà mình không thích. Không biết cảm giác của Bạn như thế nào khi nghe người khác trả lời: “Mình muốn lắm, nhưng không có thời gian!”?
Chẳng qua, đó chỉ là một cách từ chối, chứ trong thực tế “mọi sự đều có lúc” (everything in its own time / Chaque chose en son temps). Dường như trong nền văn hóa lớn nào cũng có lối nói tương tự như thế.
Trong Kinh Thánh, tác giả sách Giảng viên cũng ghi nhận: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời : một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa” (Giảng viên 3,1-8).
Nếu bạn từng nghe anh Nick Vujicic giải thích thế nào là bận rộn, có thể chúng ta sẽ quyết định từ nay không dùng đến từ này nữa. Theo nhà diễn thuyết khuyết tật này:
BUSY = Being under Satan’s yok
Ai cũng có giờ
Dù giàu hay nghèo, thuộc giới trí thức hay lao động chân tay, là người xuất gia đi tu hay lập gia đình sống giữa đời, ai trong chúng ta mỗi ngày cũng chỉ sở hữu 24 giờ (theo quy ước) không hơn không kém. Điều làm cho người ta khác nhau là cách thức và mục đích sử dụng vốn thời gian hằng ngày ấy như thế nào.
Tôi có thể ngồi nhiều giờ trước màn hình để chơi game, xem phim hay đọc sách, học ngoại ngữ hoặc đi thăm người neo đơn, bệnh nhân, cô nhi. Tôi có thể gọi điện “tám” với bạn bè cả tiếng đồng hồ về đủ thứ chuyện trong nhà ngoài phố hay dành nửa giờ mỗi ngày để suy niệm Kinh Thánh và lần chuỗi Mân Côi.
Thiết nghĩ cần lưu ý rằng thời lượng “số học” khác với thời gian “tâm lý”. Chẳng phải khi say mê một cuốn sách hay việc gì, ta tập trung đọc đến hết trang cuối cùng hay làm cho xong việc mới ngưng, mà không để ý đến thời gian trôi qua nhanh đó sao! Nghe một người mà mình thích, thuyết giảng, thì dù họ nói cả giờ đồng hồ, mình cũng cảm thấy mau qua; đang khi ta phải miễn cưỡng ngồi lại cho đến hết tiết học 45 phút, mà cứ cảm thấy như lâu hàng giờ, vì mình không thích nội dung môn học hay không ưa giáo sư. Điều này chứng tỏ giá trị của thời gian chịu ảnh hưởng của sở thích, tâm lý, cái nhìn chủ quan của từng người.
Việc sử dụng thời gian và đặt cho thời gian một ý nghĩa tích cực, hoàn toàn do ý hướng cùng cảm xúc của chúng ta. Mỗi người – minh nhiên hay mặc nhiên – có thang giá trị để xếp đặt thời gian và thời lượng cho tha nhân, bản thân và công việc. Người ta có thể đánh giá hiệu quả của thời gian dựa trên sự hữu hiệu của việc làm, nhưng cũng có thể lượng giá theo chất lượng của các tương quan giữa người với người.
Mong sao lúc lập thời dụng biểu cũng như khi sử dụng thời gian, chúng ta biết sắp xếp thế nào để ưu tiên phát triển các mối quan hệ với Thiên Chúa và gia tăng tình huynh đệ với tha nhân. Có như thế, nén bạc thời gian mà Thiên Chúa giao phó cho ta mới sinh hạ hạnh phúc và tăng triển tình thương trong cuộc sống hiện tại và tương lai.