Tôi tin vào Thiên Chúa – Tôi tin có Giáo hội

34

Tôi tin vào Thiên Chúa – Tôi tin có Giáo hội

1/15/2021 4:51:39 PMNếu chúng ta có quan tâm tới tình hình Giáo Hội những năm gần đây, chúng ta sẽ thấy trong đời sống của Giáo Hội có nhiều biến động. Những vụ tai tiếng lùm xùm, những tội lỗi lớn lao, những khủng hoảng về niềm tin đặt nơi chính hàng giáo sĩ, những tranh luận gay gắt hiện nay trên thế giới về luân lý Kitô giáo… Những điều ấy làm cho nhiều người thất vọng về Giáo Hội.

Họ tự hỏi: “Giáo Hội của Chúa mà loạn lên thế cơ à?” Hay “Tới lúc loạn lạc rồi, tận thế tới nơi rồi!” Những người khác thì thản nhiên nói: “Có gì đâu, Giáo Hội cũng chỉ là một nhóm tham quyền cố vị và đua tranh ganh ghét nhau giữa các phe nhóm y như ngoài xã hội thôi mà!”… Người thì nhẹ dạ đơn sơ nên thất vọng, người thì chai sạn nên chẳng hy vọng về lý tưởng. Những người bảo thủ thì nói rằng: “Giáo Hội đang đứng trước nguy cơ lạc giáo và ly giáo!”, những người cấp tiến thì không ngừng nói rằng: “Giáo Hội phải cải tiến, nếu không thì sẽ chết! Thay đổi hay là chết! (Change or die)”. Có nhiều người thất vọng và muốn xa rời đức tin.

ThienChua-GiaoHoi.jpg

Thật ra, những biến động trong Giáo Hội sẽ không làm lung lay đức tin của chúng ta, nếu chúng ta đặt trót niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Nhân dịp được học môn Giáo Hội học trong học kì một của năm học này, người viết có dịp đọc một bài viết của tác giả Pedro Rodriguez tuy khó đọc nhưng khá hay. Ông nói tới một điểm rất nhỏ nhưng rất quan trọng mà chúng ta thường hay lãng quên, được nói đến trong Kinh Tin Kính của chúng ta. Sau khi tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Credo in unum Deum, là Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta tuyên xưng Credo sanctam Ecclesiam Catholicam. “ Chuyển động của hành vi đức tin kết tận trong Thiên Chúa – in Deum – chứ không phải nơi Giáo hội– in Ecclesiam– tức là: Tôi không tin vào Giáo hội, nhưng tôi tin Giáo hội. Tôi tin có Giáo hội, tôi tin đó là Giáo hội của Thiên Chúa, là một thực tại cao cả hoàn toàn quy chiếu về Thiên Chúa.”[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trích dẫn tư tưởng này khi khởi đầu nói về Giáo Hội (số 750). Hiểu như vậy, chúng ta sẽ đặt trọng tâm quy chiếu của mọi sự- kể cả Giáo Hội và những gì đang diễn ra- tất cả đều hướng về vào Thiên Chúa, còn đức tin của chúng ta dẫn đến hệ quả là chúng ta tin có Giáo Hội. Chúng ta không tin vào, hay nói đúng hơn, không chỉ tin vào Giáo Hội. Bởi lẽ Giáo Hội vừa là một thể chế hữu hình vừa thiêng liêng, vừa mang tính nhân loại vừa mang tính thiên linh. Nếu chúng ta tin vào Giáo Hội để lý tưởng hóa, chúng ta sẽ thất vọng tràn trề. Bởi lẽ lịch sử Giáo Hội 2000 năm qua đã cho thấy bao biến động, lầm lỡ, tội lỗi, thậm chí tội ác trong Giáo Hội. Giáo Hội thánh thiện, nhưng không ngừng phải hoán cải, sám hối và khiêm tốn vì luôn mang trong mình những tội nhân. Giáo Hội duy nhất, nhưng trải qua bao kinh nghiệm xương máu trong lịch sử, Giáo Hội phải học cách chấp nhận sự đa dạng trong hiệp nhất trong khi vẫn tiến lên không ngừng trong quá trình đại kết, để vươn đến tình trạng hiệp nhất như Chúa mong muốn (Ga 17), hoàn tất trong viên mãn cánh chung[2]. Giáo Hội Công Giáo, nhưng vẫn luôn thao thức hội nhập vào các nền văn hóa, tức là mang những nét riêng, những dấu ấn riêng biệt của từng nền văn hóa và thời đại, với cả những nét đẹp và giới hạn của nó. Giáo Hội Tông truyền, nhưng không phải là một nền tông truyền hoài cổ bất di bất dịch, hoàn toàn bám víu vào quá khứ, nhưng thánh truyền của Giáo Hội là một truyền thống sống động và liên tục.

Hiểu như thế, chúng ta có quyền quan tâm lo lắng cho tình hình của Giáo Hội, nhưng không mất kiên nhẫn. Chúng ta phải chống lại những gì có hại cho đức tin và luân lý, nhưng không mất niềm cậy trông là Chúa luôn giữ gìn Giáo Hội của Người, và thực ra Người, chứ không phải hàng giáo sĩ của chúng ta, mới là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên. Chúng ta ý thức về giới hạn, thiếu sót, thậm chí là tội lỗi của Giáo Hội, nhưng không ngã lòng và chán nản, vì chúng ta biết rằng Giáo Hội “vẫn chưa xong”, nhưng vẫn còn đang “trong quá trình” liên tục tiến lên trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Mọi sự chỉ hoàn tất và viên mãn trong viễn tượng của cánh chung (already but not yet). Vì thế, chúng ta còn sống là còn làm việc, còn hoạt động, còn thảo luận, còn dạy và học thần học, còn loan báo Tin Mừng cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chỉ vì, như đã nói: Chúng ta tin vào Thiên Chúachúng ta tin có Giáo Hội chứ không tin vào Giáo Hội. Nếu chỉ tin vào Giáo Hội, chúng ta sẽ vô cùng chán nản và ngã lòng vì thấy bao ngổn ngang, dở dang đến bàng hoàng trong cả Giáo Hội. Còn nếu tin vào Thiên Chúa, chúng ta còn nói được với Chúa và với nhau: “Con có Chúa mà!”[3] Tuy nhiên, tin tưởng và phó thác vào Chúa không phải là cách chúng ta thoái thác trách nhiệm và tháo thứ tất cả mọi nỗ lực. Bởi, mọi chuyện vẫn chưa xong…

Kho tàng đức tin đã được mạc khải từ từ tiệm tiến trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên kho tàng đức tin ấy đã được mạc khải trọn vẹn và viên mãn nơi Đức Giêsu Kitô. Sau Người, không còn một mạc khải nào nữa.[4] Tất cả những gì chúng ta gọi là “mạc khải tư”, cùng với suy tư thần học tiến triển theo thời gian, đều là những cách thế mà Chúa Thánh Thần sử dụng để làm cho chúng ta càng ngày càng hiểu thêm kho tàng đức tin vốn khôn dò khôn thấu, mầu nhiệm đến huyền diệu. Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng giờ các con không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật” (Ga 16,12-13) sao? Thế nên, cả lịch sử Giáo Hội chúng ta luôn luôn chứng kiến hành trình tiệm tiến trong cách hiểu mạc khải này. Với thời gian, với kinh nghiệm, với bao biến cố xảy đến, qua Ý Chúa, Giáo Hội hiểu hơn những chiều kích khác nhau của đức tin, và qua những biến cố ấy, Giáo Hội càng được thêm thanh khiết, tinh lọc khỏi những nhập nhằng, giả dối, sai lầm trong niềm tin và luân lý và càng tiến lên trong cách hiểu về mạc khải. Điều đó chắc cũng chẳng loại trừ kinh nghiệm hiện nay của Giáo Hội. Giáo Hội đang trải qua nhiều khủng hoảng. Đúng. Giáo Hội đang trải qua nhiều bất đồng và mâu thuẫn. Đúng. Giáo Hội đang trải qua một cuộc phân định về đức tin cách gián tiếp và luân lý (cách sống và diễn tả đức tin ấy) cách trực tiếp. Đúng vậy. Cuộc phân định rộng lớn này thể hiện qua việc nhiều đấng bậc hữu trách trong Giáo Hội công khai bày tỏ quan điểm của mình, nhiều khi đối nghịch với nhau. Và Đức Thánh Cha Phanxicô là người vô cùng đáng ngưỡng mộ, vì Ngài không sợ những cuộc phân định ấy. Ngài muốn những cuộc phân định ấy phải được công khai, thay vì cứ mãi xác định “không bàn cãi nữa” cho êm chuyện mọi thứ, vốn dễ tạo ra những cơn sóng ngầm cứ dồn ứ theo thời gian trong quá khứ của Giáo Hội. Hơn ai hết, ngài biết rõ dân Chúa với cảm thức đức tin (sensus fidei) luôn luôn được Chúa hứa ban ơn vô ngộ (infallibility) cùng với ơn vô ngộ của chính ngài trong những tuyên bố chính thức “ex cathedra”. Còn lại, Giáo Hội không sợ thảo luận, không sợ phơi trần những vấn đề mình đang đối diện, kể ca những tội lỗi của mình để biết khiêm nhường và chân thật hơn. Giáo Hội vẫn đang trên hành trình tiệm tiến của mình, lữ hành tiến về quê trời. Giáo Hội đã, đang và sẽ còn thanh lọc chính mình, về cách hiểu đức tin và sống đức tin của mình, để càng ngày càng trung thành hơn với giáo huấn và soi sáng của Chúa Thánh Thần. Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng chúng ta hãy lấy một ví dụ. Chẳng ai có thể trách Giáo Hội không lên tiếng công khai chống lại việc chiếm hữu nô lệ vốn được coi là rất “bình thường”, “hợp luật” trên thế giới cho tới mãi mấy trăm năm gần đây. Bởi lẽ Giáo Hội cũng đồng hành với con người, nên cũng khó tránh khỏi những giới hạn của con người. Nhưng mấy trăm năm nay, người ta đã thay đổi quan điểm. Với thời gian, khi tâm thức con người tiến triển, người ta cảm thấy như thế là không thể chấp nhận được, bấy giờ người ta mới tìm hiểu lại giáo huấn của Kinh Thánh và ngỡ ngàng khi thấy rằng, Chúa đã bảo vệ nhân phẩm của con người và chống lại cảnh chà đạp nhân phẩm người khác như thế từ lâu. Vấn đề là chưa tới lúc chín muồi và trưởng thành để con người và Giáo Hội chưa hiểu được thôi. Giáo Hội, dù không phải lúc nào cũng vậy và nơi nào cũng như nhau, vẫn cùng đồng hành tiên phong với những người thành tâm thiện chí để chống lại nạn chiếm hữu nô lệ đó. Luật tiệm tiến là như thế đó.

Hiểu như thế, chúng ta sẽ có cái nhìn bình thản, cân bằng hơn về những gì xảy ra trong Giáo Hội chứ không cảm thấy quá đỗi thất vọng hay ngã lòng. Chúng ta có lý do để “vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). Bởi lẽ dù con thuyền Giáo Hội đang bị phong ba bão táp giật lắc khủng khiếp giữa bóng đêm mịt mù, nhưng mọi sự sẽ chưa phải tới lúc tận cùng, bởi lẽ ở góc đầu thuyền kia, Thầy Chí Thánh còn đang ở đó, gối đầu mà nằm ngủ. Vì Người vẫn còn đó, chúng ta tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng, và sau cơn giông, thuyền sẽ cập bến bình an. Điều quan trọng nhất bây giờ đối với các môn đệ chúng ta là vừa lo chèo chống hết sức, vừa kêu lên, và nếu cần là la lên: “Thầy ơi, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!!!” (Mt 8,23-27)

Thứ 2/14/10/2019

Con chiên nhỏ
————–

[1] PEDRO RODRIGUEZ, “Theological Method for Ecclesiology”, trang 129-156, trong Peter Phan, (ed.), The Gift of the Church: A Textbook on Ecclesiology, The Liturgical Press, Collegeville, Minisota, 2000.

[2] GIOAN PHAOLÔ II, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 769, trang 247, bản dịch của HĐGMVN, Ủy ban Giáo Lý Đức Tin, NXB Tôn Giáo, 2010.

[3] Tên một bài hát của NS Võ Văn Thức (clb Lửa Hồng)

[4] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chê Tín lý Dei Verbum,  4: AAS 58 (1966) 819.

Previous articleNăm bài học của năm 2020
Next articleNăm bài học từ Covid-19 đối với Giáo Hội