Tổng Giáo Phận Hà Nội : Thánh Lễ truyền chức Linh mục
9 g 30 sáng nay, Thứ Ba, 23 tháng 10 tại Nhà Thờ Chính Tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ tế Thánh Lễ phong chức linh mục cho quý thầy phó tế :
- Gioan Trần Văn Chiều (giáo xứ Công Xá, Lý Nhân, Hà Nam)
- Giuse Vương Văn Đệ (giáo xứ Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Nội)
- Giuse Nguyễn Anh Đua (giáo xứ Động Linh, Duy Tiên, Hà Nam)
- Giuse Trần Khắc Hạnh (giáo xứ Đồng Đội, Vụ Bản, Nam Định)
- Phêrô Nguyễn Quang Khánh (giáo xứ Động Linh, xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam)
- Giuse Đỗ Văn Kiên (giáo xứ Tân Độ, Phú Xuyên, Hà Nội)
- Phêrô Trần Ngọc Lâm (giáo xứ Đồng Yên, Lý Nhân, Hà Nam)
- Phaolô Vũ Đức Long (giáo xứ Nam Định, Tp. Nam Định)
- Giuse Nguyễn Mạnh Tâm (giáo xứ Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội)
- Giuse Trần Văn Thắng (giáo xứ Tân Độ, Phú Xuyên, Hà Nội)
- Gioan Baotixita Nguyễn Văn Chiến (Tu đoàn Truyền Tin) (giáo xứ Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội)
- Phanxicô Xaviê Trần Văn Liên (Tu đoàn Truyền Tin) (giáo xứ Tầm Khê, Duy Tiên, Hà Nam)
Bài giảng của Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trong lễ truyền chức sáng nay :
Ba bài Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe để lại cho chúng ta vài ghi nhớ. Cách riêng các tiến chức đây. Những bài này được tuyển chọn cũng vì chúng con.
Trước hết chúng ta đi từ bài đọc một trích sách tiên tri Isaia, chúng ta chỉ cần nhớ 1 câu : “Chúa đã xức dầu cho tôi và sai tôi đi loan tin mừng cho người nghèo khó”
Các Thầy phó tế đây là những người Chúa đã chọn. Chúa chọn để Chúa sai đi. Vậy, những ai Chúa chọn, những ai Chúa trao trách nhiệm thì bao giờ Ngài cũng ban Thần khí của Ngài. Chính trong Thần Khí của Ngài mà ta thi hành sứ vụ. Ngay từ những người ở đời, là những người làm cha, làm mẹ, làm chồng thì chúng ta thi hành ơn gọi và ơn gọi đó là bởi Chúa thì Chúa ban Thần Khí của Ngài. Khi chúng ta làm nhiệm vụ của mình, chúng ta hãy tin vào Chúa.
Đối với các Thầy đây. Chúa chọn, Chúa sai đi là để đi loan báo Tin Mừng. Đó là cái nội dung của các Thầy là ưu tiên loan tin cho người nghèo khó. Người nghèo khó ngày nay nhiều hạng người, không chỉ nghèo khó về vật chất. Người bị bỏ quên lãng trong xã hội. Người sống mà đánh mất đi tự do của mình. Nhiều tình trạng đó là những con người mà khi chúng con làm linh mục thì Chúa muốn chúng con ưu tiên những người đó trước.
Vì vậy trong bài đọc 2 trích thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô, Ngài đã nói : “Thiên Chúa đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi”.
Một trong những công việc của linh mục là sứ vụ đặc biệt của linh mục là sứ vụ giải hòa và anh em biết chúng ta được chọn là đem sự bình an, đem sự giảng hòa đến cho mọi người.
Ở đây, tôi muốn trích lại một đoạn ngắn thôi mà có nhiều khi chúng ta chưa kịp suy nghĩ đó là một đoạn tông thư của Đức Giáo Hoàng Phanxico ngày 20.11.2016. Cái chữ, cái tựa tiếng Latin hay hơn là dịch tiếng Việt hay tiếng nào khác. Tiếng Latin là “Misericordiae et misera”, nó ăn vần với nhau rất là hay đó là nói về lòng thương xót. Người đàn bà đáng xót thương, chúng ta biết câu chuyện đó thì Ngài nói như thế này, cách riêng với phó tế, Ngài nói : “Tôi mời anh em linh mục một lần nữa hãy suy nghĩ sứ vụ của mình là giải tội, một sứ vụ của chức linh mục. Tôi hết lòng cám ơn anh em về thừa tác vụ của anh em và tôi xin anh em hãy tỏ ra đón nhận tất cả mọi người chứng tỏ tình yêu thương mục tử trước tính tính trầm trọng của tội lỗi. Mau mắn giúp các hối nhân suy nghĩ tội họ gây ra, trình bày minh bạch các nguyên tắc luân lý, sẵn sàng giúp cho các tín hữu thống hối. Sáng suốt minh định cho từng trường hợp riêng biệt và quảng đại trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tôi muốn nhấn mạnh chữ mà trong bản văn nhấn mạnh : “Anh em biết mau mắn đón nhận và phải biết rõ ràng minh bạch, sẵn sàng sáng suốt và quảng đại”.
Chúng ta có một cơ hội để thấy Hội Thánh luôn luôn muốn tính quảng đại giàu lòng của lòng thương xót đó vì chính trong Tông Thư này mà Đức Thánh Cha từ nay ban cho các linh mục Triều và Dòng và giám mục được tha tội và tha vạ như là cánh cửa mở ra cho các hối nhân. Đồng thời mở ra cho chúng ta là thừa tác viên của lòng thương xót.
Bài Phúc Âm mục tử tốt lành là mục tử thí mạng vì đoàn chiên. Hình ảnh về một mục tử gắn liền về con chiên, Anh em có dịp suy nghĩ về tông huấn Niềm Vui Tin Mừng ở trong đó có nói hình ảnh người chăn chiên tốt là người đi trước đoàn chiên để chỉ đường. Người đó ở giữa đoàn chiên để luôn luôn gần gũi, đơn sơ, thương xót. Người đó phải đi sau đoàn chiên để trợ giúp những con chiên lạc đàn.
Tôi nghĩ rằng anh em luôn sẵn sàng và bây giờ đúng lúc mà bây giờ anh em thực hiện những điều đó. Lời Chúa bao giờ cũng là chân lý, là sự thật cho mọi thời đại và mọi người. Ở mỗi nơi mỗi lúc là lời riêng cho mình. Vậy 12 anh em tiến chức linh mục của Giáo Phận Hà Nội, giữa bao nhiêu vấn đề, giữa bao nhiêu đều cần nhắc nhở, Cha xin nhắc chúng con 2 điều :
Điều thứ nhất, chúng con đã nghe huấn đức nhiều lần. Đức Thánh Cha bày tỏ cho chúng ta thấy những khó khăn, những thử thách mà Giáo Hội đang trải qua. Những thử thách đó là trầm trọng. Những lỗi lầm rất là nặng nề. Trong nhiều lần Ngài muốn nói với chúng ta nguyên nhân. Nhiều khi chúng ta không để ý như rõ ràng đó, nguyên nhân chính là thái độ của hàng giáo sĩ. Bây giờ người ta nói vắn tắt là giáo sĩ trị hay chế độ giáo sĩ.
Chúng con bây giờ bước vào hàng giáo sĩ, ngay từ đầu, chúng con hãy nhớ tôi là giáo sĩ, tôi được chọn là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Vì thế cửa lòng chúng tôi mở rộng, nhà xứ mở rộng, cửa giáo xứ mở rộng để đón nhận.
Cha nói với chúng con một ví dụ cụ thể. Giờ này chúng ta đang dâng lễ thì bên Roma đang họp Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15 và nhắm về Giới Trẻ. Hội Đồng Giám Mục rất nhiều bạn trẻ hiện diện không phải với tính cách là khán giả nhưng hiện diện với tư cách là chủ nhân vấn đề sự sống của mình. Chúng ta hãy học hỏi từ đó để có một sự quảng đại, sáng suốt, sẵn sàng dành chỗ đứng cho mọi thành phần dân Chúa. Chúng ta đừng đứng trên mà hãy đồng hành. Chúng ta đừng nắm mà chúng ta hãy phục vụ đó là một thái độ mà nếu chúng ta thay đổi thì nhiều vấn đề sẽ thay đổi theo.
Điều thứ 2 : Cha thấy rất vui mừng khi Cha thấy trong Giáo Phận các giáo xứ phát triển. Vì nhu cầu và đáp ứng nhu cầu cho nên nhiều Nhà Thờ, nhiều nhà Giáo Lý, nhiều nhà Mục Vụ được sửa chữa và tân tạo. Và vui mừng khi thấy giáo dân mọi thành phần mà nơi gọi là nhà của mình. Đức Thánh Cha vẫn căn dặn chúng ta. Cái chữ thứ 2 mà gần như chúng ta thấy ở cửa miệng của Ngài trong tất cả các cuộc gặp gỡ là “gần gũi”. Lúc nào cũng bên cạnh, lúc nào cũng sẵn sàng, lúc nào cũng đón nhận. Như tôi vừa nói, như các trung tâm lớn quá nên chúng ta khép kín và chúng ta xa giáo dân. Giáo dân có thành phần nào không dám bước vào không còn là nhà chung.
2 ý tưởng đó, Cha xin anh em phó tế ghi nhớ là thái độ của các giáo sĩ mang tính cách độc tài. Giáo sĩ phải gần gũi, đừng khép kín, cởi mở. Đó là những điều mà có thể nói là nơi nào cũng cần, và cách riêng Tổng Giáo Phận chúng ta rất cần. Nếu có giờ đọc lại bài đọc 2 của sách nguyện kinh sách anh em nhớ. Tự nhiên đọc đoạn đó, Cha nhớ chớ gì anh em hãy nhớ đến sau những gì long trọng hôm nay, là linh mục là thế đó.