Ai nào đó nếu như chưa biết Mẹ Têrêsa Calcutta chắc có lẽ sẽ đánh giá sai và sai hoàn toàn về người phụ nữ nhỏ bé mang tên Têrêsa.
Với hơn bốn mươi năm, Mẹ chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ, và đến các quốc gia khác.
Vào năm 1970, Mẹ Têrêsa trở nên một nhân vật toàn cầu nổi tiếng với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần là nhờ một quyển sách và cuốn phim tư liệu tựa đề Something Beautiful for God của Malcome Muggeridge. Và rồi đến năm 1979. Mẹ được trao Giải Nobel Hòa bình năm ấy như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của Mẹ.
Điểm son trong đời là Mẹ đã từ chối bữa tiệc mừng truyền thống khi nhận giải và yêu cầu gởi số tiền 192 000 USD cho người nghèo ở Ấn Độ. Mẹ đã nói rằng những phần thưởng trên thế gian chỉ có giá trị chỉ nào chúng giúp ích những người thiếu thốn trên thế giới.
Vào lúc nhận giải thưởng, Mẹ đặt câu hỏi, “Chúng ta có thể làm gì để thăng tiến nền hòa bình thế giới?”, và đưa ra câu trả lời, “Hãy về nhà và yêu chính gia đình mình.” Bài đáp từ của Mẹ Teresa cũng dựa trên chủ đề này, “Khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở những nước nghèo, tôi thấy xóa nghèo ở phương Tây còn khó khăn hơn. Khi tôi nhặt một người ngoài đường phố, đang đói khát, tôi cho người ấy một đĩa cơm, một miếng bánh, tôi cảm thấy hài lòng vì đã cứu đói cho người ấy. Nhưng khi một người bị gạt bỏ, cảm thấy mình sống thừa thãi, không được yêu thương, sống trong kinh hãi, con người đang bị gạt ra bên lề xã hội – sự nghèo khổ ấy là khốn khổ hơn, tôi thấy rất khó mà cứu giúp.” Không ngần ngại và thẳng thắn, Mẹ cũng chỉ ra rằng phá thai “là kẻ hủy diệt nguy hiểm nhất cho nền hòa bình thế giới.
Không cần phải nói nhiều lời vì có viết bao nhiêu cũng không đủ để diễn tả về con người nhỏ bé mang tên Têrêsa Calcutta. Dưới cái vỏ bọc xù xì thấp bé đó, ta thấy thấp thoáng một trái tim vĩ đại, một trái tim yêu thương những người nghèo và bất hạnh để rồi chỉ với 6 năm sau khi qua đời Mẹ đã được phong chân phúc và năm ngoái Mẹ đã được phong thánh.
Ngày 10 tháng 5 vừa qua, với thế giới và với những đại gia quý tộc cũng là ngày hết sức bình thường nhưng với những con người nghèo, những người bệnh sida, những người vùng Kontum nơi Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung sinh sống lại là một ngày mất mát lớn cho họ bởi lẽ Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung đã về nhà Cha. Cha ra đi để lại một khoảng trống vắng lớn cho người nghèo, người bệnh sida.
Có thể so sánh như Mẹ Têrêsa Calcutta, ai nào đó gặp Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung cũng sẽ chẳng tài nào nhận ra đó là một linh mục của Chúa bởi đơn giản Cha quá giản đơn. Có khi người ta còn nhầm lẫn Cha là bệnh nhân sida hay bệnh nhân phong vì Cha quá gần gũi với những người này.
Tất cả những gì Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung đã sống thì trong những ngày tang lễ và Thánh Lễ an táng đã thay lời nói cho tất cả. Những người bạn và nhất là những bạn nghèo đã khóc thương một trái tim vĩ đại mang tên Nguyễn Viết Chung đã ngừng đập.
Dòng người đến tiễn đưa Cha cũng như khóc thương Cha đông đến lạ thường dẫu rằng Cha chẳng có chức quyền gì to tát hay vĩ đại. Trong cuộc đời mục vụ và phục vụ, Cha chỉ âm thầm lang thang với những mảnh đời bất hạnh mà thôi. Cha đã sống trọn vẹn với tâm tình Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói : “Ngày hôm nay người ta cần nhân chứng hơn thầy dạy”.
Quả thật, Cha Chung rất kiệm lời và cũng chẳng bao giờ Cha nói về Cha cả. Cha chỉ sống và chỉ sống mà thôi.
Giờ này Cha đã qua đi nhưng linh đạo sống của Cha, nhân cách sống của Cha, tấm lòng của Cha vẫn còn mãi trong tâm hồn của những người nghèo hay những người mà Cha đã gặp gỡ. Cũng mong rằng Giáo Hội “để ý” một chút đến cung cách sống này và nhân rộng cách sống của Cha Chung để nhiều linh mục tu sĩ suy nghĩ và sống.
Cũng không dám gọi là ao ước vì to tát quá, chỉ mong Giáo Hội mời gọi các vị mục tử chiêm ngắm hình ảnh thân thương, cung cách sống, linh đạo yêu thương người nghèo nơi Cha Chung để áp dụng vào trong cuộc sống. Giản đơn vì Giáo Hội như Đức Thánh Cha Phanxicô nói là Giáo Hội của người nghèo và cần lắm trong Giáo Hội có những mục tử mang mùi chiên.