Truyền thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng
MỘT PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN GIÁO
Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Kitô. Và loan báo Tin Mừng là loan báo Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ trần gian. Như các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng năm xưa tại cánh đồng Bêlem (Lc 2,10-12): “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Ðức Giêsu là một hình ảnh Ðấng Cứu Thế cụ thể, một hài nhi sơ sinh có thể chạm vào được, loài người có thể nghe được tiếng khóc và thấy được Ngài. Như thế, Tin Mừng không phải là một thông tin trừu tượng, mà là một sự sống cụ thể. Các phương tiện truyền thông Kitô giáo hôm nay phải dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là phải gặp gỡ, đụng chạm thật sự. Qua đó, con người có thể được sống và sống dồi dào.
Ngày nay, dễ thấy hình ảnh trên bàn cơm của các gia đình, các chiếc điện thoại thông minh hiện diện làm mỗi thành viên mải mê theo cách riêng. Ðiều này làm cho những người trong một nhà không xích lại gần nhau mà xa nhau, tuy ngồi kề cạnh trong cùng bàn ăn nhưng mỗi người sống trong một thế giới khác nhau, thiếu liên hệ với người xung quanh. Sứ thần Gabriel có thể được xem là trưởng ban truyền thông của thiên đàng. Ngài đã đưa một tin vui đến cho Ðức Maria. Ðức Maria sau đó đã vội vã lên đường thăm chị họ của mình là bà Elizabeth. Từ đó, có thể gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng, truyền thông Kitô giáo phải hướng đến sự gặp gỡ, bước ra khỏi con người mình.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRUYỀN THÔNG KITÔ GIÁO
Truyền thông Kitô giáo giúp chúng ta gặp gỡ cộng đoàn. Truyền thông Tin Mừng còn mang lại sự sống dồi dào và hạnh phúc thật sự. Nếu không có sự sống, không có niềm vui mà chỉ có những công kích, bôi nhọ, chia rẽ như chúng ta thấy hiện nay vẫn đang phổ biến trong cộng đồng mạng, thì đó không phải là truyền thông Kitô giáo.
Truyền thông Kitô giáo là nơi chúng ta được sự nâng đỡ, đón nhận, khích lệ nhau theo tinh thần Tin Mừng. Ở đó, con người được yêu thương, lắng nghe, an ủi. “Trong bối cảnh hiện tại, mọi người đều có nhìn thể thấy những cách thức mà cộng đồng mạng xã hội không trở nên đồng nghĩa với cộng đồng. Trong trường hợp tốt nhất, các cộng đồng ảo này có thể cho thấy sự gắn kết và tình đoàn kết, nhưng thường thì chúng vẫn chỉ duy trì là các nhóm của những cá nhân công nhận nhau thông qua những điểm quan tâm chung hoặc những lo lắng về các mối ràng buộc yếu kém. Hơn nữa, trong web xã hội, danh tính thường đặt nền tảng trên sự đối lập với người khác, người bên ngoài nhóm: chúng ta thể hiện bản thân bắt đầu từ những gì chia rẽ chúng ta hơn là những gì hợp nhất chúng ta, làm nảy sinh sự hoài nghi và tạo ra mọi loại định kiến (sắc tộc, tình dục, tôn giáo và những điểm khác). Xu hướng này tạo động cơ cho các nhóm loại trừ tính đa dạng, cho thấy ngay cả trong môi trường kỹ thuật số vẫn nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân buông lỏng, đôi khi dẫn đến việc khích động vòng xoáy thù hận. Theo cách này, những gì đáng lẽ phải là cửa sổ mở ra thế giới thì lại một nơi để trưng bày và thể hiện tính tự kỷ ái mộ. (Sứ điệp truyền thông của Ðức Thánh Cha Phanxicô 2019, số 6)
BA VẤN ÐỀ LƯU Ý
Số 460, sách giáo lý Youcat đặt ra vấn đề về những mối nguy hại của truyền thông xã hội: “Nhiều người, nhất là trẻ em nghĩ rằng, những gì chúng coi trên truyền thông đều là thực. Nếu vì sự giải trí mà những cảnh bạo động được ca tụng, những thái độ chống xã hội được chấp nhận, tình dục của con người được tầm thường hóa, thì đó là tội trong truyền thông mà cả 2 phía phải chịu trách nhiệm: phía người làm truyền thông và phía người kiểm duyệt, lẽ ra họ phải chặn đứng nó ngay. Các nhà chuyên nghiệp về truyền thông phải luôn luôn nhớ trong trí rằng, các sản phẩm của họ có hậu quả trên các phong tục. Còn giới trẻ, họ phải không ngừng tự hỏi mình xem họ sử dụng các phương tiện truyền thông mà có biết giữ cho mình được tự do và giữ một khoảng cách an toàn, hoặc là họ trở thành một người ghiền một số phương tiện. Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm đối với linh hồn mình. Những người quen tiêu thụ chuyện bạo lực, hận thù, hình ảnh khiêu dâm trên các phương tiện, sẽ làm cho tinh thần u mê và gây thiệt hại cho chính mình”. Như vậy ba mối nguy hại mà truyền thông mang lại là bạo lực, hận thù và tính dục.
Tham gia vào các trang mạng xã hội, chúng ta không chỉ đón nhận mà còn sản xuất thông tin. Chính vì vậy, truyền thông đòi hỏi phải có sự cẩn trọng. Sách giáo lý Youcat cùng chỉ ra rằng, “thông truyền một sự thật đòi ta phải khôn ngoan và phù hợp với tình yêu huynh đệ. Thường sự thật được dùng như một võ khí, nó có thể sinh hiệu quả phá hủy hơn là xây dựng. Khi thông báo tin tức, phải nghĩ đến “ba vấn đề” của ông Socrate: Có thật không? Có tốt không? Có ích không? Việc cẩn trọng cũng là quy luật cho các bí mật nghề nghiệp. Ta phải luôn luôn bảo vệ, trừ trường hợp ngoại lệ cần phải xác định cách nghiêm chỉnh. Ai phổ biến công khai những chuyện tâm sự riêng tư được coi là chuyện phải giữ kín, họ đã phạm tội. Mọi cái ta nói ra phải đúng sự thật, nhưng tất cả những gì là sự thật ta không buộc phải nói ra. Cẩn trọng là khả năng xét đoán phân định xem lúc nào ta có thể nói điều gì cho một người nào” (Youcat số 457).
Các gia đình trẻ đương đại thường than phiền người vợ hoặc người chồng hay loan truyền những cái xấu của nhau trên phương tiện mạng, nhưng điều này có tốt chăng? Có mang tính dựng xây cho gia đình? Hãy nhớ rằng, thánh cả Giuse là một tấm gương về sự khôn ngoan trong truyền thông. Khi thấy Ðức Maria mang thai, ngài đã không tố cáo. Minh chứng có thể nhận ra là sau khi được sứ thần báo mộng, Giuse đã đón Maria về nhà mình.
Phải sử dụng truyền thông với tinh thần đạo đức. “Nhà chuyên nghiệp về truyền thông có trách nhiệm với khách hàng. Trước hết, họ phải cung cấp những thông tin dựa trên sự thật. Họ phải tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của khách hàng. Khi tìm kiếm và phổ biến các sự kiện đúng sự thật. Các phương tiện truyền thông xã hội phải góp phần xây dựng một thế giới công bằng và liên đới với nhau. Quả thực, không hiếm những phương tiện truyền thông được sử dụng như những khí giới trong các cuộc tranh cãi về ý thức hệ, hoặc dựa theo tỷ lệ của cử toạ, số người nghe xem nhiều ít, người ta từ chối mọi điều quan trọng về đạo đức trong nội dung của thông tin để chỉ dùng thông tin như những phương tiện nhằm quyến rũ các người sử dụng và khiến cho họ phải lệ thuộc. Các phương tiện truyền thông xã hội là những phương tiện không những chỉ nhắm tới các cá nhân mà thôi, nhưng chúng còn nhắm tới toàn thể xã hội loài người, và gây ảnh hưởng trên xã hội, Internet” (Youcat số 459).
Rất nhiều người bây giờ đã không cổ vũ điều tốt, không dùng thông tin sự thật để xây dựng cộng đoàn mà đi chia rẽ, gieo rắc thù hận. Sứ điệp truyền thông của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô năm nay một lần nữa mời gọi chúng ta cần nhận biết cách thức để các mạng xã hội giúp con người kết nối, tái khám phá và hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn, tránh lợi dụng cho việc thao túng dữ liệu cá nhân, nhằm đạt được lợi thế chính trị hoặc kinh tế mà không phải do tôn trọng con người và quyền của con người.