Tướng ăn quan trọng hơn tướng mặt, từ cách ăn nhìn rõ một người
Cách đây hơn 5 năm, tôi ứng tuyển vào vị trí giám đốc kinh doanh cho một tập đoàn đa quốc gia. Sau khi tôi vượt qua các vòng sơ tuyển, trước khi quyết định có nhận tôi vào làm hay không, Tổng giám đốc muốn mời tôi dùng cơm tối.
Lúc đó tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao họ lại tiếp đón long trọng một người còn chưa phải là thành viên trong công ty như vậy? Mãi sau này tôi mới hiểu: Kỳ thực, bữa ăn đó chính là buổi phỏng vấn sau cùng.
Từ tướng ăn, thế ngồi cũng có thể phản ánh ra dục vọng của một người
Cổ nhân có câu: “Quân tử thực lược thường chi vị, tiểu nhân sanh tử bất túc” (Người quân tử ăn biết ngon là đủ, kẻ tiểu nhân ăn tới chết cũng không vừa), ở đây không chỉ là nói đến thức ăn mà còn nói đến cả dục vọng. Bậc quân tử phàm làm việc gì cũng có mức độ, còn kẻ tiểu nhân thì vô độ mà hành.
Việc ăn uống quan trọng chính là để bản thân được thoải mái, chúng ta khó có thể làm được tuyệt đối. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng cần phải có sự chế ước tự thân, có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, cần phải học cách quan sát trước sau, đừng để vì một chút sơ ý mà trở thành nỗi ám ảnh của người khác.
Tướng ăn xấu sẽ bị người khác xem thường
Trước đây, tôi có một đồng nghiệp có thói ăn hay lấy đũa gẩy gón thức ăn, khi gặp món mình không thích thì hay chống đũa gẩy gẩy thức ăn ở đĩa. Ví như có lần ăn cùng, hôm ấy ăn món mực xào chua cay, vì không thích ăn hành tây nên anh bạn này chuyên lấy đũa gẩy sang một bên, chọn miếng mình thích để ăn, nhìn rất phản cảm.
Một lần khác, trong đám cưới một người bạn, tôi vô tình ngồi ở một bàn toàn người không quen biết. Mỗi lúc thức ăn lên liền thấy 3, 4 người khách nhanh nhanh chóng chóng gặp thức ăn, có người khi thấy món ăn mình thích nên thức ăn trong bát vẫn còn chưa ăn hết đã vội gắp món mới về ăn, thậm chí có người khi thấy mọi người đã gắp hết lượt liền trút luôn cả đĩa vào bát mình. Người ngồi trong mâm đều ăn diện bảnh bao, lịch sự nhưng tôi khó lòng tôn kính họ cho được.
Tướng ăn quyết định cả vận mệnh và sự nghiệp
Có người bạn nói với tôi: “Từ nhỏ ở nhà đã được mẹ quản giáo rất nghiêm khắc, cái gì mẹ cũng quản, từ tướng đi ra sao, tướng đứng thế nào, tướng ngồi làm sao, ngay cả tướng ngủ mẹ cũng yêu cầu. Khi ăn thì không được chọn, gắp miếng nào ăn miếng đó, tôi luôn cảm thấy mẹ quản quá nhiều, nhưng đợi đến khi lớn rồi đi làm mới phát hiện một điều, tướng ăn của một người đôi khi không chỉ là ảnh hưởng tới công việc mà còn quyết định cả vận mệnh, sự nghiệp của một người”.
Tôi còn nhớ cách đây hơn 5 năm, tôi ứng tuyển vào vị trí giám đốc kinh doanh cho một tập đoàn đa quốc gia làm về ngành điện tử. Sau khi phỏng vấn qua các vòng sơ tuyển, trước khi quyết định có nhận tôi vào làm hay không, thư ký của tổng giám đốc nhà máy đã gọi điện cho tôi, thông báo tổng giám đốc muốn mời tôi dùng cơm tối.
Tôi có chút ngạc nhiên nhưng vẫn nhận lời đi. Khi đến nơi, ngoài tổng giám đốc ra còn có cả hai người giám đốc cùng tham gia. Lúc đó tôi giật mình, không hiểu tại sao họ lại tiếp đón long trọng một người còn chưa phải là thành viên trong công ty như vậy? Mãi sau này khi vào công ty tôi mới hiểu, đây là quy định của công ty cho những vị trí quan trọng.
Kỳ thực, bữa ăn đó chính là buổi phỏng vấn sau cùng, xem tôi ứng xử như thế nào trong bữa ăn, đặc biệt có thể hoà nhập với hai vị giám đốc kia không? Bởi công việc của tôi sau này có quan hệ mật thiết với hai vị này, và cũng đây cùng là vòng phỏng vấn quan trọng nhất.
Qua đây chúng ta có thể thấy, những người làm việc lớn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết cỡ nào? Câu nói “Người làm việc lớn không quên tiểu tiết” cũng chính là ý này đây. Có thể từ cách ăn, từ cách giao tiếp ứng xử với mọi người trong bữa ăn mà nhìn được ra sự giáo dưỡng của một người.
Cách bạn ăn phản ánh sự giáo dưỡng của bạn
Có câu rằng: “Sự giáo dưỡng của một người đều thể hiện ở cách ăn”. Tướng ăn tốt không chỉ thể hiện ở thế ngồi, dáng ăn mà còn được thể hiện ở cách biết chăm sóc người khác khi ăn, biết quan tâm đến cảm nhận của người ngồi ăn cùng.
Nhớ lại hồi còn nhỏ, tôi lớn lên ở nhà ngoại. Ngay từ khi còn nhỏ bà đã dạy tôi ăn cơm phải đợi người lớn cùng ngồi vào mâm cơm, khi người lớn động đũa rồi thì tôi mới được cầm đũa ăn, trước khi ăn cần phải mời ông bà, cha mẹ, các anh các chị rồi mới được ăn. Khi ăn phải nhỏ nhẹ, không được phát ra tiếng, khi gắp thức ăn thì chỉ nên gắp thức ăn ở góc đối diện gần mình nhất, cho dù đó là thứ mình không thích ăn nhất cũng phải lặng lẽ ăn hết.
Khi còn nhỏ, luôn cho rằng bà ngoại quá khắt khe, quá nhiều quy tắc thật là phiền phức. Bây giờ nhìn lại mới cảm nhận được sự thâm thuý những lời bà dạy, có thể thu nhận được lợi ích cả đời. Nuôi dưỡng một thói quen lâu ngày sẽ biến thành tự nhiên, dần dần nó cũng trở thành tư cách của một người.
Giáo dục chính là việc được bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhoi nhất, đặc biệt là trong những việc bình thường có tần suất lặp lại nhiều lần. Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Trẻ em sinh ra như tờ giấy trắng, cần phải được chú trọng dạy bảo từ những bước cơ bản, học đi, học đứng, học nói, học gói, học mở.
Thiết nghĩ một người muốn trưởng thành, muốn có chỗ đứng trong xã hội, bước chân ra đời tạo thân, lập nghiệp cần phải có cho mình một nhân cách sống. Trẻ em cần phải được chú trọng giáo dục ngay từ khi còn nhỏ, lấy giáo dục gia đình làm nền tảng để giáo dưỡng nhân cách. Giáo dưỡng nhân cách ở đây chẳng phải là những gì quá lớn lao, mà chỉ cần bắt đầu từ những hành động nhỏ hàng ngày mà cha mẹ chính là những tấm gương cho trẻ noi theo.