Tượng chúa ở Rio.
“Đức Kito Cứu Rỗi” là một bức tượng nghệ thuật nổi tiếng tại Ba Tây.
Tượng do Điêu khắc gia Pháp Paul Landowski làm hình mẫu, Kỹ sư Ba Tây Heitor da Silva Costa xây dựng với sự hợp tác của Kỹ sư Pháp Albert Caquot, và Kiến trúc sư Rumani Gheorghe Leonida tạo dáng khuôn mặt.
Xây dựng từ năm 1922-1931, tượng cao 30m, bệ nâng cao 8m, hai tay dang rộng 28m.
Tượng nặng 635 tấn, đứng trên một đỉnh cao 700m của núi Corcovado tại Công Viên Quốc Gia Tijuca, nhìn xuống Thành Phố Rio de Janeiro.
Bức tượng vĩ đại này không những là một biểu tượng của Thiên Chúa Giáo toàn cầu mà còn là biểu tượng văn hóa cho Rio de Janeiro và cả Brazil, được sắp hạng là kỳ quan thứ 7 mới của Thế Giới.
Cha Pedro Maria Boss, giòng Vincentian, đầu tiên đề nghị đặt một Tượng Ðài Thiên Chúa trên đỉnh núi Corcovado vào giữa năm 1850 để vinh danh Công Chúa Isabel – Nhiếp Chính của Ba Tây và con gái Hoàng Ðế Pedro II, nhưng dự án không được chấp thuận.
Năm 1889, Ba Tây trở thành nước Cộng Hòa; vì sự tách biệt giữa Giáo Hội và Chính Phủ, dự án xây tượng bị bãi bỏ.
Năm 1920, Hội Thiên Chúa tại Rio đề nghị lần thứ hai về việc xây tượng trên núi. Nhóm này đã tổ chức một sự kiện gọi là “Tuần của Tượng” để quyên góp và thu thập chữ ký ủng hộ việc xây dựng.
Hầu như tiền ủng hộ là của dân Thiên Chúa Giáo Ba Tây.
Chân dung tượng Rio.
Thiết kế tượng Ðức Ki Tô bao gồm, một Thập Tự, tượng Chúa với quả địa cầu trên tay, một bệ dưới chân biểu tượng cho Thế Giới, cuối cùng thì tượng “Ðức Ki Tô cứu rỗi với vòng tay mở rộng, một biểu tượng của hòa bình, đã được chọn.”
Một nhóm kỹ sư và kỹ thuật gia đã nghiên cứu đề án của Landowski và nhận thấy rằng xây tượng bằng bê-tông thuận tiện cho tượng có dáng thập tự hơn là bằng sườn thép.
Bệ bằng bê-tông nhập từ Limhamn, Thụy Ðiển.
Lớp bên ngoài của tượng được làm bằng đá rửa, vì dễ sử dụng và bền bỉ.
Việc xây dựng kéo dài 9 năm, từ 1922 tới 1931, tốn hết 250,000 USD (tương đương $3,500,000 năm 2018).
Tượng “Ðức KiTô Cứu Rỗi” khánh thành ngày 12-10-1931. Suốt buổi Lễ, tượng được phát sáng bằng một đèn pin lớn điều khiển từ xa do Guglielmo Marconi, người Ý, nhà sáng chế làn sóng ngắn ở tại La Mã, cách xa 9,200 Km, nhưng vì thời tiết xấu nên ánh sáng được khởi động tại chỗ.
Tượng Rio được xây.
Vào tháng 10, 2006, ngày kỷ niệm 75 năm pho tượng hoàn thành, Tổng Giám Mục của Rio, Hồng Y Eusebio Oscar Scheid, khai mạc một nhà nguyện, đặt tên là Ðức Mẹ, dưới chân pho tượng để cho giáo dân Thiên Chúa đến đây rửa tội và làm đám cưới.
Sét đã đánh trúng tượng “Ðức KiTô Cứu Rỗi” trong một cơn giông bão lớn vào ngày 10-2-2008, làm hư hại những ngón tay, đầu và đôi lông mày.
Chính Phủ Liên Bang đã nỗ lực phục hồi, thay thế một phần của lớp đá rửa bên ngoài và sửa chữa những cột thu lôi trên thân tượng.
Ngày 17-1-2014, một lần nữa sét lại làm hư hại tượng, đánh văng một ngón tay trên tay phải.
Năm 2010, cuộc phục hồi lớn cho bức tượng bắt đầu. Công việc bao gồm làm sạch sẽ lớp vữa và đá rửa bên ngoài, thay thế những cột thép bên trong tượng và chống thấm nước.
Một số kẻ phá hoại đã tấn công tượng trong thời gian tu bổ này, họ phun sơn dọc cánh tay.
Thị trưởng Eduardo Paes gọi hành động này là “tội ác chống lại Quốc Gia”.
Những thủ phạm sau đó đã đứng ra xin lỗi và tự trình diện cho Cảnh Sát.
Sửa chữa tượng Rio.
Vài điều về pho tượng “Đức KiTô Cứu Rỗi”
– Bê Tông cốt sắt, chỉ mới phát triển vào những năm ấy, là một số ít chất liệu đủ mạnh để giữ vững bức tượng có thiết kế sải cánh quá rộng, nhưng Da Silva Costa và các người khác cho rằng chất liệu Bê Tông quá cứng cho các đường cong, mềm mại của hình ảnh Ðức Chúa, ông đã tìm được phương cách khác nhờ nghiên cứu các vòi nước ở khu Champs Elysées, những mảnh sành nhỏ ghép với nhau sẽ tạo đường cong thật đẹp.
Những người thợ đã dùng đá rửa cắt thành từng miếng nhỏ, ghép vào thân tượng, tạo những đường cong thật đẹp.
Theo BBC, các công nhân khi làm việc này, đã ghi những lời khấn nguyện sau lưng mảnh đá, có nghĩa là pho tượng mang trong người những lời cầu nguyện giấu kín.
Tất cả có 6 triệu mảnh đá rửa phủ chung quanh pho tượng.
Gió mưa đã làm mòn pho tượng, những năm qua tốn kém chi phí phục hồi quá nhiều, tượng “Ðức Kito Cứu Rỗi” thường xuyên bị sét đánh, nên nhiều cây thu lôi bị hư hại, do đó tượng bị nát nhiều chỗ cho đến bây giờ.
Ngay trước giải Túc cầu Thế Giới 2014, sét đã đánh cháy phía sau đầu và văng mấy ngón tay của pho tượng khiến Thành Phố Rio phải tức tốc sửa chữa cho kịp trước khi Thế Giới nhìn thấy điều tai hại này.
Ðầu tiên, khi Kiến trúc sư quyết định phủ toàn bộ pho tượng bằng nhiều mảnh đá rửa, ông đã chọn màu đá rất nhạt.
Mấy năm sau đó, thật không may, mỏ đá đã hết loại này và những chuyên viên phục hồi tượng gặp khó khăn trong việc thay thế những mảnh đá màu xám nhạt của tượng.
Sửa đỉnh đầu của tượng Rio.
Phát ngôn nhân của Viện Lịch Sử và Di Sản Quốc Gia Brazil đã nói với BBC rằng, khi cuộc trùng tu lớn vào năm 2020, những viên đá thay thế sẽ đậm hơn. “Ðá của Chúa rất khó tìm”.
Da Silva Costa đã thiết kế tượng Chúa dang rộng hai tay; các học giả cho rằng đây là một biểu tượng mới thay vì Chúa bị đóng đinh trên Thánh Giá.
Nhiều người cho rằng pho tượng Chúa dang rộng hai tay là biểu tượng của Chào đón và Hòa Bình.
Năm 1969, nghệ sĩ Ba Tây Gilberto Gil đã sáng tác một nhạc phẩm với tựa đề “Cái Ôm Ðó” cho pho tượng này.
Năm 2007, hơn 100 triệu người đã bầu 7 kỳ quan mới của Thế Giới từ một danh sách gồm 21 danh mục được đề nghị.
Pho tượng “Ðức Kito cứu rỗi” đã được chọn, cùng với Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, Khu Machu Picchu, Roman Colosseum…
Rất tiếc! Tháp Eiffel hãy đợi lần tới!
Toàn cảnh tượng Chúa Rio