Tường trình đầy đủ của New York Times về vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà tại PARIS

36
Ngày 17 tháng 7 vừa qua, tờ New York Times đã có một bài rất đầy đủ chi tiết về vụ hỏa hoạn xẩy ra cho ngôi thánh đường nổi tiếng nhất thế giới, Nhà thờ chính tòa Đức Bà (Notre-Dame) tại Paris, Thủ đô nước Pháp. Theo tờ báo này, ngôi thánh đường thời danh đáng lẽ đã sụp đổ hoàn toàn nếu các nhân viên cứu hỏa không liều mọi sự để cứu nó. Xin mời bạn đọc theo dõi bài báo (https://www.nytimes.com/interactive/2019/07/16/world/europe/notre-dame.html?action=click&module=Top%20Stories&pgtype=Homepage)

Nhân viên an ninh theo dõi khung báo động khói tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà mới nhận việc được ba ngày lúc đèn báo hiệu mầu đỏ lóe lên vào buổi tối ngày 15 tháng Tư: “Feu”. Lửa!

Lúc ấy là 6 giờ 18 phút tối Thứ Hai, một tuần trước lễ Phục Sinh. Cha Jean-Pierre Caveau đang cử hành thánh lễ trước hàng trăm tín hữu và du khách, và nhân viên trên đã gọi cho một người bảo vệ nhà thờ chính tòa, người chỉ đứng cách bàn thờ vài bước chân.

Ông nói với người bảo vệ “Đi kiểm tra lửa đi”. Ông ta đã làm theo nhưng không thấy gì cả.

Phải mất gần 30 phút trước khi họ nhận ra sai lầm của mình: Người bảo vệ đã đi lầm đến tòa nhà khác. Ngọn lửa ở trên tầng gác sát mái (attic) của nhà thờ chính tòa, hàng rào mắt cá nổi tiếng bằng loại gỗ cổ vốn được gọi là “cánh rừng”.

30 phút sau khi báo động

Người bảo vệ đi đến căn gác mái của một tòa nhà nhỏ liền kề, tức phòng áo lễ.

Thay vì gọi cho sở cứu hỏa, nhân viên an ninh đã gọi cho ông xếp của mình nhưng không liên lạc được với ông ta.

Người quản lý gọi lại và cuối cùng giải mã được lỗi lầm. Ông gọi người bảo vệ: Rời khỏi phòng áo lễ và chạy đến căn gác chính.
Nhưng đến lúc người bảo vệ leo được 300 bậc thang hẹp lên đến tầng gác sát mái, ngọn lửa đã bùng cháy ngoài tầm kiểm soát, đặt các nhân viên cứu hỏa vào vị trí gần như không thể làm gì được.

Thông tin sai lệch, được phát hiện trong các cuộc phỏng vấn với các viên chức nhà thờ chính tòa và các nhà quản trị của công ty an ninh hỏa hoạn, Elytis, đã gây ra cả một loạt chỉ tay cay đắng đối với người chịu trách nhiệm để cho ngọn lửa bùng nổ dữ dằn không được kiểm soát quá lâu. Ai là người phải chịu lỗi và vụ cháy bắt đầu như thế nào vẫn chưa được xác định và hiện là tâm điểm của một cuộc điều tra của chính quyền Pháp sẽ tiếp tục trong nhiều tháng.

Nhưng sự thiệt hại thì đã xẩy ra. Chuyện xảy ra đêm đó đã thay đổi Paris. Nhà thờ chính tòa – một cấu trúc trung cổ cao vút đã chiếm được trái tim của cả người tin lẫn người không tin trong 850 năm – đã bị tàn phá.

Hôm nay, ba khe hở lởm chởm đã làm hư trần vòm của nhà thờ chính tòa Đức Bà, đá của cấu trúc bấp bênh, và mái nhà đã biến mất. Khoảng 150 công nhân vẫn đang bận rộn thu hồi gạch đá, che chắn tòa nhà và bảo vệ nó khỏi mưa gió bằng hai tấm bạt khổng lồ.

Một số điều sai lầm đêm đó đã được tường trình trên các phương tiện truyền thông Pháp, trong đó có Le Monde và Le Canard Enchaîné. Bây giờ, The New York Times đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn và xem xét lại hàng trăm tài liệu để dựng lại những sai lầm – và cuộc chiến đã cứu Notre-Dame trong bốn giờ quan trọng đầu tiên sau khi ngọn lửa bắt đầu bùng phát.

Điều trở nên rõ ràng là nhà thờ chính tòa gần sụp đổ.

Giờ đầu tiên được định nghĩa bằng sai lầm nghiêm trọng ban đầu đó: sự thất bại không xác định được vị trí của đám cháy và do sự chậm trễ xảy ra sau đó.

Giờ thứ hai nổi bật ở cảm thức bất lực. Khi người ta đổ xô tới tòa nhà, những đợt ngỡ ngàng và thương tiếc cho một trong những tòa nhà được yêu thích và dễ nhận biết nhất thế giới, được khuếch đại trên phương tiện truyền thông xã hội, đã gợn sóng ngay tức khắc lan đi khắp mặt địa cầu.

Việc Notre-Dame vẫn đứng vững chỉ là do những rủi ro to lớn mà các nhân viên cứu hỏa đã liều mình chấp nhận trong những giờ thứ ba và thứ tư ấy.

Bất lợi vì sự bắt đầu muộn màng của họ, nhân viên cứu hỏa vội vã chạy 300 bước lên căn gác đang cháy nhưng sau đó buộc phải rút lui. Cuối cùng, một nhóm nhỏ nhân viên cứu hỏa đã được lệnh trực tiếp xông vào ngọn lửa, như một cố gắng cuối cùng, tuyệt vọng, để cứu nhà thờ chính tòa.

“Tôi có một cảm giác một điều gì đó lớn hơn cả sự sống đang bị đe dọa”, Ariel Weil nói; ông là quận trưởng Quận Bốn của Paris, vốn là quận của nhà thờ chính tòa, “và Notre-Dame có thể không còn”.

Thời gian quý giá đã mất

Paris đã chịu đựng rất nhiều trong những năm gần đây, từ các cuộc tấn công khủng bố đến các cuộc biểu tình bạo động gần đây của những người biểu tình Áo Vét Vàng. Nhưng với nhiều người Paris, cảnh tượng Notre-Dame trong ngọn lửa là điều họ chịu không thấu.

“Đối với người Paris, Notre-Dame là Notre-Dame”, Vị chủ trì nhà thờ chính tòa, Đức Ông Patrick Chauvet, nói thế; ngài là người đã chứng kiến trong nước mắt đêm đó lúc các nhân viên cứu hỏa đấu tranh để chế ngự ngọn lửa. “Người ta không thể nghĩ rằng trong giây lát chuyện này lại có thể xảy ra”.

Theo các tài liệu lưu trữ được The Times tìm thấy trong thư viện ngoại ô Paris, hệ thống cảnh báo cháy ở Notre-Dame đã được hàng chục chuyên gia trong sáu năm lắp ráp.

Kết quả là một hệ thống đầy bí mật nhà nghề đến nỗi khi nó được yêu cầu thực hiện một điều quan trọng – báo “cháy!” và cho biết ở đâu – nó lại tạo ra một tin nhắn gần như không thể nào giải mã được.

Nó đã tạo ra một thảm họa gần như không thể nào tránh đuợc, các chuyên gia về hỏa hoạn được The Times hỏi ý kiến cho biết như thế.

Albert Simeoni, một chuyên gia sinh ra và được đào tạo tại Pháp, cho hay, “Điều duy nhất làm tôi ngạc nhiên là thảm họa này đã không xảy ra sớm hơn”. Ông hiện là trưởng phòng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy tại Học viện Bách khoa Worcester ở Massachusetts.

Chẳng hạn, kế hoạch ứng phó đã đánh giá thấp tốc độ đám cháy sẽ lan rộng trên tầng gác sát mái nhà thờ chính tòa Đức Bà, nơi, để bảo tồn kiến trúc, không có vòi phun nước hoặc tường lửa nào được lắp ráp.

Các thiếu sót trong kế hoạch có thể bị tồi tệ thêm bởi sự thiếu kinh nghiệm của nhân viên an ninh, người chỉ đã làm việc tại Notre-Dame có ba ngày khi đám cháy bùng phát.

Giữ nhiệm vụ tại đây từ 7 giờ sáng bên trong những bức tường màu xanh nhạt của căn phòng nhà xứ nhỏ xíu, anh đang chờ được thay phiên sau khi đã làm việc theo ca 8 tiếng. Người thay thế anh lại vắng mặt tối hôm đó, nên anh đã tiếp tục làm ca thứ hai.

Bảng điều khiển mà anh theo dõi được nối với một hệ thống cầu kỳ bao gồm các ống có các lỗ nhỏ chạy khắp khu nhà thờ chính tòa. Ở đầu của mỗi ống là điều được gọi là máy dò tìm “khí thoát” (aspirating detector), một thiết bị có độ nhạy cao, hút khí vào để phát hiện bất cứ thứ khói nào.

Tin nhắn cuộn chạy trên màn hình phức tạp hơn nhiều không hẳn chỉ đơn thuần một chữ “Feu” (Cháy!).

Đầu tiên, nó cho ta một mô tả kiểu tốc ký về một khu vực – quần thể nhà thờ chính tòa được chia thành bốn khu vực – đọc là “Attic Nave Sacristy” (Tầng gác sát mái, Gian chính, Phòng áo lễ).

Tiếp theo đó là một chuỗi dài các chữ cái và số: ZDA-110-3-15-1. Đó là mã số cho một máy dò khói chuyên biệt trong số hơn 160 máy dò và báo động thủ công trong quần thể nhà thờ chính tòa.

Cuối cùng đến phần quan trọng: “khung khí thoát” (aspirating framework), một cái khung chỉ máy dò khí thoát tại tầng gác sát mái nhà thờ chính tòa.

Hiện vẫn chưa rõ nhân viên đã hiểu hoặc truyền đạt được bao nhiêu cho người bảo vệ – và liệu phần quan yếu của nó có được chuyển đi hay không, mặc dù Elytis khẳng định là có.

Vào thời điểm nó được khám phá ra, thì ngọn lửa đã cháy dữ dội, quá cao để được điều khiển bằng bình chữa cháy.

Cuối cùng, nhân viên bảo vệ đã gọi cho nhân viên an ninh hỏa họan, nói với anh ta gọi cho sở cứu hỏa. Lúc đó là 6 giờ 48 phút, 30 phút sau khi tín hiệu màu đỏ đầu tiên sáng lên chữ “Feu” (cháy).

Glenn Corbett, phó giáo sư khoa học về lửa tại Đại học Tư pháp hình sự John Jay ở New York cho biết, tất cả các kỹ thuật bén cảm ở trung tâm của hệ thống đã thành vô hiệu bởi một loạt các sơ suất và giả định sai lầm vốn có sẵn trong thiết kế tổng thể.

Ông Corbett nói rằng “Bạn có một hệ thống được biết chỉ có khả năng phát hiện các lượng khói rất nhỏ. Tuy nhiên, toàn bộ hậu quả của nó là phản ứng vụng về trong đáp ứng của con người. Bạn có thể chi tiêu rất nhiều để phát hiện ra một đám cháy, nhưng tất cả đều rơi xuống ống cống nếu bạn không hoạt động trên đó”.

Một cảnh tượng hoàn cầu

Nếu phải mất hơn nửa giờ để gọi cho sở cứu hỏa, thì chỉ mất vài phút sau khi khói xuất hiện để các hình ảnh bắt đầu lưu hành trên khắp thế giới trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Một người nào đó đã đăng một video trên Twitter lúc 6 giờ 51 tối “Tôi nghĩ Notre-Dame đang bùng cháy”. Chỉ trong vài phút, khói, gió thổi đưa về hướng tây, dày đến nỗi nó bắt đầu che khuất các tòa tháp.

Ít phút trước, lúc 6 giờ 44, Elaine Leavenworth, một du khách đến từ Chicago, đã chụp một bức ảnh mặt tiền trên nền trời trong xanh. Đến lúc cô đi bộ một đoạn ngắn qua Pont Saint-Michel, cô ngửi thấy mùi khói. Cô nhìn lại và thấy các tòa tháp chìm trong khói, và chụp thêm một tấm nữa.

Cô Leavenworth viết trên Twitter lúc 6:55 tối, cùng với hai bức ảnh “Thật đáng sợ sao nó thay đổi nhanh đến như thế”.

Đức ông Chauvet, chủ trì nhà thờ chính tòa, lúc ấy đang trò chuyện cách nhà thờ chính tòa chỉ vài trăm thước với các chủ cửa hàng, thì đột nhiên một người trong số họ chỉ tay và kêu lên: “Nhìn kìa, có khói bốc ra!”

Một cảm giác nôn nao xâm chiếm. “Tôi nói với chính mình: ‘Cả một khu rừng đang bốc cháy’”, Đức Ông Chauvet nhớ lại, có ý nói đến tầng gác sát mái của nhà thờ chính tòa.

Ngài rút điện thoại di động ra và cảnh báo nhân viên của ngài. Họ nói đã gọi cho sở cứu hỏa nhưng họ vẫn chưa đến.

Đức Ông Chauvet nói “Tôi không có khả năng làm bất cứ điều gì. Tôi không thể nói bất cứ điều gì. Tôi đứng nhìn nhà thờ chính tòa bị đốt cháy”.

Ông Weil, quận trưởng Quận Bốn, vừa rời khỏi một cuộc họp lâu giờ tại Hôtel de Ville, tức Tòa Đô Chánh, gần đó, khi nhìn thấy khói, ông chạy về phía nhà thờ chính tòa Notre-Dame.

Ông gọi cho thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, và bà vội vàng đến gặp ông. Khi họ đến quảng trường, những giọt nước mắt đang tuôn rơi trên khuôn mặt của Đức Ông Chauvet. Tro tàn và những mảnh lửa bay phất phới trong không khí.

Ông Weil nhớ lại “Đây giống như bầu khí của ngày tận thế”.

Trên quảng trường, đám đông tụ tập đều sững sờ, bất động.

Đức Ông Chauvet nói “Tôi khóc vì bạn bất lực, không thể làm bất cứ điều gì. Bạn chỉ biết chờ các nhân viên cứu hỏa”.

Dưới con mắt các nhân viên cứu hỏa

Đến lúc Hạ sĩ Myriam Chudzinski đến, vài phút trước 7 giờ tối, Notre-Dame đã bị bao vây bởi hàng trăm khách bàng quang kinh hoàng. Ngọn lửa đã bừng cháy qua mái nhà.

Hạ sĩ Chudzinski, 27 tuổi, vốn muốn trở thành một nhân viên cứu hỏa từ khi còn là một cô bé. Bây giờ cô đang nhìn chằm chằm không nói nên lời vào một loại lửa bùng mà cô chưa bao giờ được thấy.

Xe tải của cô dừng lại trên đường Rue du Cloitre Notre-Dame, một con đường hẹp chạy dọc một bên của nhà thờ. Tòa nhà quá khổng lồ, cô không thể thấy ngọn lửa đang lan rộng đến đâu.

Cô nói “Chúng tôi nhỏ đến nỗi khó có thể có được một ý tưởng chính xác từ dưới đáy cùng của nhà thờ. Nhưng chẳng thà như thế tốt hơn”.

Tốt hơn là không biết cái nguy hiểm cô đang bước vào.

Toán của hạ sĩ Chudzinski, là một trong những toán đầu tiên đến và đi lên tầng gác sát mái. Các nhân viên cứu hỏa ngay lập tức cắm các vòi của họ vào các ống đứng rỗng (dry risers) của nhà thờ, tức các ống thẳng đứng trống rỗng giúp họ bơm nước lên chống lại ngọn lửa.

Mang 55 cân anh thiết bị và một ống thở trên vai, Hạ sĩ Chudzinski leo lên cầu thang tối tăm ở gian phụ phía bắc nhà thờ.

Cô biết rõ cấu trúc này, đã từng thực tập tại Notre-Dame mùa thu năm ngoái. Khi leo lên, cô nhớ lại rằng tầng gác sát mái không có tường lửa để ngăn sự lan truyền của ngọn lửa – các bức tường này đã bị bác bỏ để bảo tồn mạng lưới các xà gỗ lịch sử.

Cô nhận ra: với những ngọn lửa hỏa hào như vậy, căn gác sẽ là một hộp bùi nhùi bắt lửa.

Ngoài cuộc thực tập ra, Hạ sĩ Chudzinski cũng đã đến thăm nhà thờ một lần cách đây vài năm, ngạc nhiên trước sự rộng lớn bao la của nó. Cô nói, “Thật là yên bình, thật yên tĩnh, Nhưng đêm đó, nó giống địa ngục hơn”.

Khi lên đến đỉnh, Hạ sĩ Chudzinski và nhóm của cô dừng lại ở một mái đua (cornice) ở bên ngoài tầng gác sát mái khi cô dẫn đầu dập tắt ngọn lửa, cách đó khoảng 15 bộ Anh.

Đồng nghiệp của cô đang cầm vòi nước phía sau cô vẫn có thể thấy ngọn lửa đang bị gió đẩy mạnh về phía tòa tháp phía bắc của nhà thờ chính tòa. Ngọn lửa bắt đầu bao vây họ, đe dọa sẽ nhốt họ từ bên ngoài, ở giữa đám cháy như hỏa ngục. Họ rút lui vào trong, về hướng tầng gác sát mái.

Không có gió ở đó. Nhưng không khí rất nóng, rất khó thở, đến nỗi lần đầu tiên vào tối hôm đó, Hạ sĩ Chudzinski phải sử dụng đến dụng cụ hô hấp của cô. Cơn khát của cô thật khủng khiếp.

Trên tầng gác sát mái, ngọn lửa tiến lên như một bức tường không thể nào ngăn cản. Chúng trùm phủ vô số xà nhà và gặm nhấm sàn nhà. Những mảnh gỗ bị tấn công và rơi xuống từng mảnh một.

Khoảng 7giờ 50, gần một giờ tham chiến, một tiếng nổ điếc tai nhấn chìm cô. Cô nói, giống như “một chiếc xe ủi khổng lồ thả hàng chục viên đá vào thùng rác”.

Ngọn tháp nặng 750 tấn của nhà thờ, bằng gỗ sồi nặng và chì, đã sụp đổ. Vụ nổ mạnh đến nỗi nó đóng sầm tất cả các cửa của nhà thờ chính tòa. Các mảnh vỡ như mưa đã phá vỡ một số vòm bằng đá của gian giữa.

Hạ sĩ Chudzinski và các nhân viên cứu hỏa khác tình cờ đứng đằng sau bức tường khi một quả cầu lửa xuyên qua tầng gác sát mái. Có lẽ nó đã cứu họ. Cô nói “Tôi cảm thấy bất lực, nhỏ bé một cách nực cười. Tôi quả bất lực”.

Các vị chỉ huy giám sát chiến dịch gọi mọi người quay lại. Khoảng 50 nhân viên cứu hỏa, trong đó có Hạ sĩ Chudzinski và đội của cô, được lệnh rút xuống.

Họ chiến đấu với ngọn lửa từ mặt đất, rút nước từ sông Seine. Nhưng đã không có hiệu lực chi.

Trước vụ nổ, Hạ sĩ Chudzinski và các đồng nghiệp của cô đã đưa ra một nhận xét quan trọng: Ngọn lửa đang gây nguy hiểm cho tòa tháp phía bắc. Việc nhận ra này sẽ thay đổi tiến trình của cuộc chiến.

Bên trong tòa tháp đó, tám quả chuông khổng lồ treo bấp bênh trên những xà gỗ đang bị đe dọa đốt cháy. Các nhân viên cứu hỏa lo sợ: Nếu các xà ấy sụp đổ, những quả chuông rơi có thể hoạt động như những trái phá (wrecking ball) và phá hủy tòa tháp.

Các nhân viên cứu hỏa tin rằng nếu tòa tháp phía bắc sụp đổ, nó có thể kéo theo tháp phía nam và cả nhà thờ chính tòa cùng với nó.

Đụng rồi đi

Gần 8giờ30 tối, Tổng thống Emmanuel Macron đã đến để khảo sát thiệt hại, cùng với Thủ tướng Édouard Phillippe và các viên chức cao cấp khác.

Một nhóm gồm khoảng 20 viên chức, bao gồm Thị trưởng Hidalgo, Quận trưởng Weil và Đức ông Chauvet, được triệu tập phía bên kia quảng trường tại Trụ sở Cảnh sát để nghe Tướng Jean-Claude Gallet, người đứng đầu trung đoàn cứu hỏa Paris, thuyết trình.

Mặc đồ chữa cháy, còn nhiễu nước, Tướng Gallet, 54 tuổi, từng phục vụ ở Afghanistan và chuyên về quản lý khủng hoảng. Ông bước vào phòng hội thảo và báo tin xấu cho họ.

Tầng gác sát mái không còn có thể cứu được nữa; ông quyết định để nó sụp đổ. Ông sẽ ra lệnh cho các lữ đoàn của ông tung hết năng lực của họ vào việc cứu các tòa tháp, tập trung vào phía bắc, đã bốc cháy.

Ông Patrick Weil nhớ lại “Ông ấy bước vào và nói với chúng tôi, ‘Trong 20 phút, tôi sẽ biết liệu chúng ta có mất nó hay không’. Không khí thật nặng nề. Nhưng chúng tôi biết ý ông ta muốn nói gì: Ý ông ta là Notre-Dame có thể sụp đổ”.

Ông Weil nói thêm “Vào lúc đó, điều rõ ràng là một số nhân viên cứu hỏa sẽ đi vào nhà thờ chính tòa mà không biết liệu họ có quay trở ra hay không”.

Đức ông Chauvet bật khóc. Thủ tướng xoay xoay các ngón tay cái một cách lo lắng.

Tổng thống Macron vẫn im lặng, nhưng dường như mặc nhiên chấp thuận quyết định của Tướng Gallet.

Trên quảng trường, một bộ chỉ huy tạm thời đã được thiết lập. Ở đó, phó của tướng Gallet, Tướng Jean-Marie Gontier, đang điều khiển các nhân viên cứu hỏa ở tiền tuyến.

Ông tập hợp họ xung quanh mình để chuẩn bị cho giai đoạn hai của trận chiến. Một thảm tro trơn trượt phủ đầy những viên đá dưới chân màu đen và xám.

Tình hình trông thật nghiệt ngã. Bảng trắng trình bầy các bản sơ đồ về tiến trình chữa cháy. Các ảnh chụp bằng máy bay không người lái cho thấy mái nhà thờ như một cây thánh giá rực lửa chiếu sáng cả bầu trời đêm. Ở trung tâm là một lỗ hổng, nơi tòa tháp cao đã sừng sững ở đấy hơn 160 năm.

Các cảnh tượng lấy từ máy tính xách tay của nhân viên cứu hỏa

Đối với tất cả các thiết bị kỹ thuật cao có sẵn cho các sở cứu hỏa thành phố lớn, các nhà điều tra vẫn thấy giá trị của các công cụ trường phái cũ. Những bức vẽ này được thực hiện bởi một nhân viên cứu hỏa và họa sĩ chuyên nghiệp người Pháp, Laurent Clerjeau, khi nhà thờ chính tòa bị đốt cháy, và trong những ngày sau đó. Chúng cho thấy ngọn lửa lan rộng như thế nào và ghi lại những gì nhân viên cứu hỏa đã làm để cố gắng kiềm chế chúng.

Khói dày bốc lên từ khung gỗ của tòa tháp phía bắc. Than hồng cỡ ngón tay cái bay như những chiếc sừng lấp lánh và đâm thủng một số vòi nước. Một trong những ống đứng rỗng cần thiết để đưa nước lên đỉnh nhà thờ bị rỉ, làm giảm áp lực nước.

Bây giờ, tất cả thời gian đã mất vì lính cứu hỏa được gọi quá trễ đã đem lại các thiệt hại của nó. Tướng Gontier đã so sánh nó với một cuộc thi đi bộ. Ông nói, “giống như bắt đầu cuộc thi 400 mét, mà mình ở phía sau vài chục mét”.

Gabriel Plus, phát ngôn viên trung đoàn cứu hỏa Paris, cho biết, “chúng tôi cần quyết định, nhanh chóng”.

Tại sở chỉ huy, Trung sĩ Rémi Lemaire, 39 tuổi, có một ý tưởng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu họ đi lên cầu thang ở tòa tháp phía nam, nơi anh ta đã ở đó trước trong cuộc chiến đấu. Bằng cách đó, họ có thể mang thêm hai vòi có thể cắm trực tiếp vào xe cứu hỏa. Nó sẽ cung cấp cho đội nhiều áp lực nước hơn so với chiếc ống đứng bị rỉ có thể cung cấp.

Và rồi từ đó, những nhân viên cứu hỏa có thể đi vào tòa tháp phía bắc đang rực lửa.

Đó là một chiến lược có rủi ro cao. Nhưng Tướng Gontier đồng ý.

Không lối thoát

Trung sĩ Lemaire đã từng thấy những nguy hiểm mà tòa tháp phía bắc phải chịu trước đó vào tối hôm ấy. Trong thời gian cần thiết để quyết định kế hoạch mới, mọi thứ đã chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Ông nhớ lại “ Thoạt đầu, chúng tôi không muốn đi vì chúng tôi không biết chắc chúng tôi có lối thoát ra hay không”.

Một nhóm nhân viên cứu hỏa từ một vùng ngoại ô lân cận đã từ chối đi, nhưng một nhóm khác nói họ sẵn sàng làm điều đó.

Họ đã tiến lên phía trước với kế hoạch cứu tòa tháp phía bắc vốn đang rực cháy.

Trung sĩ Lemaire dẫn họ lên tòa tháp phía nam, và họ dựng lên một cái bục giữa hai tòa tháp.

Ông ta và nhóm của ông ta thả vòi qua một bên để nối với một chiếc xe tải cứu hỏa trên mặt đất, với hy vọng sẽ nhận được nhiều áp lực hơn so với ống đứng bị rỉ có thể cung cấp.

Hơn chục hay gần như thế các nhân viên cứu hỏa đã dập tắt ngọn lửa đe dọa làm sập sàn nhà bên dưới họ. Những người khác ngăn chặn ngọn lửa trên mái nhà.

Những quả chuông khổng lồ trên đầu họ có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Họ cần phải làm việc nhanh chóng.

Các nhân viên cứu hỏa di chuyển lên cao hơn, cấu trúc bấp bênh hơn bao giờ hết.

Nhưng họ cứ tiếp tục, lên một tầng khác, gần hơn với một bộ chuông khác.

Phải mất 15 phút có tính quyết định, nhưng đến 9 giờ 45 tối, ngọn lửa đã được thuần hóa.

Tướng Gontier đi lên ban công nhà thờ Đức Bà để kiểm tra tình hình.

Ông tuyên bố lúc đi xuống “Nhà thờ đã được cứu”.

Đến lúc 11 giờ, Tướng Gallet nói với các viên chức rằng họ tin tưởng ngọn lửa trong các tòa tháp sẽ được kiểm soát. Khoảng 11giờ 30, Tổng thống Macron nói chuyện trực tiếp với quốc dân trên truyền hình ngay trước mặt nhà thờ chính tòa.

Ông nói “Điều tồi tệ nhất đã tránh được, mặc dù trận chiến vẫn chưa kết thúc”. Sau đó, ông đưa ra lời cam kết: “Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại nhà thờ chính tòa này”.

Chỉ ngón tay 

Trong ba tháng qua, các nhà điều tra đã thực hiện khoảng 100 cuộc phỏng vấn và sàng lọc đống đổ nát, tìm kiếm manh mối cho những gì khởi đầu vụ cháy.

Họ đã tập trung vào khả năng chập điện trong những quả chuông chạy bằng điện của tòa tháp, hoặc trong thang máy được thiết lập trên giàn giáo để giúp công nhân tiến hành việc tân trang. Họ cũng đang xem xét các tàn thuốc lá, được tìm thấy trên giàn giáo, dường như do công nhân để lại.

Một viên chức cảnh sát Paris, lên tiếng dấu tên vì cuộc điều tra vẫn còn đang tiến hành, cho biết, “chúng tôi không loại bỏ bất cứ viễn cảnh nào, chúng tôi chỉ biết đây không phải là tội phạm”.

Thông tin thiếu sót để ngọn lửa bùng phát dữ dội không được kiểm chứng quá lâu hiện là nguồn gốc của một cuộc tranh cãi gay gắt về việc ai là người phải chịu trách nhiệm.

Các quan chức nhà thờ nói rằng nhân viên của Elytis, công ty an ninh hỏa hoạn, không bao giờ nhắc đến khung của mái nhà thờ. Ông André Finot, phát ngôn viên của Notre-Dame, cho biết “Một số người trong số họ đã dùng máy bộ đàm [walkie-talkie] và người ta chỉ nghe thấy ‘Tầng Gác sát mái, Gian chính, Phòng áo’. Thế thôi”.

Đức ông Chauvet, Chủ trì Notre-Dame, đã từ chối cho các nhân viên tự động sẵn sàng để phỏng vấn, trích dẫn cuộc điều tra. Ngài nói “Một số người có thể mất việc. Tôi yêu cầu họ đừng nói”.

Arnaud Demaret, giám đốc điều hành của Elytis, cho biết nhân viên của ông vẫn còn bị sốc. Công ty đã nhận được hai đe dọa giết người qua điện thoại trong những ngày sau vụ cháy.

Nhưng ông khăng khăng cho rằng nhân viên của mình đã thông báo đám cháy đúng cách.

Ông Demaret nói trong một cuộc phỏng vấn “Chỉ có một khung gỗ. Nó ở trên tấng gác sát mái”.

Ông nói “Nếu nhân viên nhà thờ chịu đi lên tầng gác sát mái ngay sau khi nhân viên của tôi báo cho anh ta, chắc chắn anh ta đã thấy khói rồi”.

Một bài học về sự mong manh

Sau khi đám cháy đã được khống chế, Trung sĩ Lemaire và các đồng nghiệp đã ở lại trên mái nhà thờ để dập tắt ngọn lửa ở đó và bảo vệ tòa tháp phía nam, nơi ba đám cháy nhỏ đã bắt đầu.

Hạ sĩ Chudzinski dành phần còn lại của đêm đó để giúp tạo không gian cho các xe cứu hỏa khác và giữ an toàn cho khu vực. Sau đó cô quay trở lại trạm của mình. Thành phố trở nên yên tĩnh.

Cô nhớ lại việc cô rút lui, và đoạn phim của máy bay không người lái cho thấy thánh đường từ trên cao như một cây thánh giá rực lửa. Chỉ sau đó, khi cô không còn mải mê chiến đấu với ngọn lửa, cô mới hoàn toàn hiểu được phạm vi của phản ứng.

Cô nói “Trước đây, tôi không biết tinh thần đồng đội vĩ đại đến mức nào”.

Thật lạ lùng thay, không ai bị mất mạng.

Ba ngày sau, cô và Trung sĩ Lemaire nằm trong số hàng trăm nhân viên cứu hỏa và cảnh sát được Tổng thống Macron vinh danh tại Cung điện Élysée.

Vô số người dân Paris đã dừng chân tại các trạm cứu hỏa của thành phố để tặng thực phẩm và những món quà nhỏ và bày tỏ lời cảm ơn. Thư từ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Quận trưởng Weil nói, “Những người này đều là những vị anh hùng”.

Tuy nhiên, không ít người tự hỏi vào thời điểm mà các công dân đang xuống đường phản đối sự bất bình đẳng và khó khăn kinh tế, khi rất nhiều người đang chết trong các cuộc chiến tranh xa xôi và trên những chiếc thuyền di cư đến châu Âu, thì Notre-Dame đâu có quan trọng đến thế.

Nhưng Notre-Dame còn hơn cả một tòa nhà. Nó nằm trên Île de la Cité, hòn đảo ở giữa sông Seine nơi Paris được hạ sinh. Được dựng và tái dựng qua nhiều thế kỷ, nó vẫn là một tâm điểm của nền văn hóa Pháp, một nền văn hóa đã đáp ứng yêu cầu của từng thời đại mà nó đã đi qua.

Và trong thời điểm hiện tại, nó đại diện cho một liên kết không thể phá vỡ với điều, đối với nhiều người Pháp, vốn là yếu tính của quốc thể [nationhood] đang ngày càng mong manh hơn của họ.

Nhà thơ Gérard de Nerval đã từng viết “Đức Bà là bà già tốt lành: Có lẽ chúng ta dám được thấy bà chôn cất Paris, người mà bà từng chứng kiến lúc sinh”.

Đó là vào thế kỷ 19.

Cảm thức đó về nhà thờ chính tòa như một thực thể sống động, bị thương chỉ càng tăng cường hơn nữa kể từ vụ cháy.

Đức Ông Chauvet, Chủ trì Nhà Thờ, nói trong một suy tư, “Trước hết, đây chỉ là thân phận mong manh của chúng ta. Chúng ta chẳng là gì cả. Sự mong manh của con người, đối với Thiên Chúa. Chúng ta chẳng là gì, chỉ là – các tạo vật”. VVA

Previous articleTình trang sa sút trí nhớ.
Next articleVì sao giáo hoàng mặc áo trắng?