Vai trò và nhiệm vụ của ca trưởng

117

Vai trò và nhiệm vụ của ca trưởng

 Để thấy được  vai trò và các nhiệm vụ của ca trưởng, chúng ta sẽ bắt đầu từ một vài khái niệm trong âm nhạc.

1. Âm nhạc : Là nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả tình ý con người. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái tài của con người biết khéo dùng các phương tiện khả giác, tức là các phương tiện mà các giác quan chúng ta có thể cảm nhận được, để diễn cho đạt những điều mình nghĩ, những điều mình cảm. Phương tiện khả giác trong âm nhạc là âm thanh, với các đặc tính cơ bản là cao độ, trường độ, cường độ và âm sắc

– Âm nhạc có lời ca, gọi là Thanh nhạc, tình ý được cụ thể hoá nhờ ngôn ngữ, nên nhạc dựa trên lời để “chắp cánh” cho lời.

– Âm nhạc không lời ca, gọi là Khí nhạc, diễn đạt tình ý chỉ bằng âm thanh của các nhạc khí, nên gợi ý nhiều hơn, và như vậy cũng trừu tượng hơn.

Người Hy-lạp đã chia nghệ thuật ra làm 2 loại :

a. Loại bất động (trong không gian) : Kiến trúc, Điêu khắc, Hội hoạ.

b. Loại chuyển động (trong thời gian) : Nhạc, Vũ, Thơ văn …

Đối với loại bất động, người nghệ sĩ hoàn thành tác phẩm là có thể an tâm. Người thưởng thức có thể chiêm ngắm tác phẩm khi nào cũng được, sự đánh giá khác nhau chỉ lệ thuộc vào trình độ hiểu biết của người xem mà thôi.

Đối với loại chuyển động trong thời gian, như âm nhạc, thì khi nhìn một bản nhạc chi chít dấu trắng đen trên trang giấy, chúng ta biết tác phẩm tuy đã xong, nhưng chỉ mới có giá trị tiềm ẩn. Chỉ khi nào bản nhạc đó được trình tấu lên từ dấu đầu cho đến dấu cuối thì nó mới có giá trị thực thụ đối với người thưởng thức. Và như vậy giá trị thực thụ của bản nhạc còn tuỳ vào tài năng của người trình tấu.

2. Trình tấu (Diễn tấu, Diễn tả, Thể hiện, Biểu diễn) : Là chuyển những ký hiệu âm nhạc (và ngôn ngữ) thành âm thanh sống động vang đến tai người nghe, sao cho họ đón nhận được những  tình ý mà tác giả gửi gắm nơi nhạc phẩm. Khâu trình tấu đóng vai trò trung gian giữa tác giả và thính giả.[1]. Sự kiện “cần phải có người trung gian” trong nghệ thuật âm nhạc, thường được coi là điều “bất hạnh” cho người soạn nhạc, vì cùng một bản nhạc, mà có thể mỗi ban trình tấu với mức độ nghệ thuật khác nhau rất nhiều.

Người trình tấu có thể ví như người thông ngôn, làm trung gian giao tiếp giữa hai người dùng ngôn ngữ khác nhau. Có lúc thông ngôn dịch lại chưa hết ý của người nói, đó là chuyện khá thông thường. Cũng có khi thông ngôn diễn đạt khá hơn người nói. Theo nghĩa đó, người ta có thể nói Ca-nhạc-trưởng là tác giả thứ hai. Điều đó đòi hỏi một sự trung thành không mù quáng, không máy móc, nhưng sáng suốt và sáng tạo.

3. Ca trưởng : Là người điều khiển, chỉ huy việc trình tấu. Làm thông ngôn, nhưng không phải đơn độc một mình, mà phải điều khiển cả một tập thể thông ngôn đa dạng, nhưng lại phải cùng chung tiếng nói để thông đạt tình ý tác giả. Cho nên việc lãnh đạo, điều khiển khâu trình tấu đòi hỏi tính tập thể cao, đồng thời cũng đòi hỏi khắt khe tính nhịp nhàng đồng bộ.Và như vậy cũng đòi hỏi cả tính bình tĩnh trong khi điều khiển.

Vai trò ca trưởng – thông ngôn – đòi buộc người ca trưởng phải đọc được và hiểu thành thạo ngôn ngữ của người nói, rồi có khả năng điều hành việc trình tấu, “dàn dựng” việc thông ngôn tập thể cho có hiệu quả, đáp ứng được ước vọng của người viết và người nghe. Như vậy chúng ta thấy nổi lên hai loại nhiệm vụ : một là nhiệm vụ liên quan đến tác giả và tác phẩm ; hai là nhiệm vụ liên quan đến người trình tấu và người nghe, tức ca viên, nhạc công và cộng đoàn.

4. Nhiệm vụ liên quan đến tác giả và tác phẩm : Trách nhiệm của ca trưởng là phải hiểu cho ra tình ý của tác giả qua tác phẩm. Yêu cầu cơ bản là phải đọc được những ký hiệu mà tác giả dùng : Nhạc lý và Ký xướng âm là cửa dẫn ta vào lãnh vực này. Hơn nữa :

4.1. Ca trưởng phải hiểu biết căn kẽ các yếu tố cấu tạo âm nhạc, tức là các phương tiện biểu hiện của âm nhạc, như giai điệu, tiết tấu, hòa âm (đa âm đồng điệu và phức điệu), cường độ, nhịp độ, sắc thái âm thanh, âm sắc, âm vực, tiết nhịp, cấu trúc…[2] Ba yếu tố quan trọng thường được nói tới là giai điệu, tiết tấu và hòa âm.

– Giai điệu (Nhạc điệu) : do các âm thanh cao thấp liên kết với nhau theo chiều ngang. Cơ cấu tổ chức cung bậc khác nhau tuỳ theo từng hệ thống âm thanh, chẳng hạn, các thể nhạc Hy-lạp, Bình ca, hệ thống ngũ âm, thất âm …Ca trưởng cần biết phân tích giai điệu để xem giai điệu diễn tả được ý nghĩa lời ca như thế nào.

– Tiết tấu [3] : là sự móc nối, liên kết các âm thanh dài ngắn thành từng đơn vị, từng nhóm khác nhau : Tiết tấu đơn, Tiết tấu kép, Tiết tấu mạch, chi, câu, bài … Tiết tấu xử lý trường độ tương đối của âm thanh, và đồng thời gợi ý cách xử lý cường độ âm thanh. Ca trưởng cần biết phân tích tiết tấu để nắm được cấu trúc câu, đoạn, bài…và nhất là để phân phối cường độ  cho phù hợp.

– Hoà âm : là sự móc nối các hội âm với nhau. Hoà âm xử lý cao độ âm thanh theo chiều dọc, làm tăng thêm độ dày, độ vang, màu sắc cũng như ý nghĩa cho âm thanh. Ca trưởng cần biết phân tích hòa âm để biết các lối viết, để hiểu ý nhạc được đề cao bằng độ dày và âm sắc, từ đó điều chế âm lượng sao cho cân bằng, điều chỉnh âm sắc sao cho hài hòa, bảo đảm được tính thông đạt của bài hát trong trình tấu.

Giai điệu có thể ví như bộ mặt tạo nên sự duyên dáng cho toàn con người, còn Tiết tấu như hơi thở đem sinh khí, sự sống, cái hồn cho con người, trong khi Hoà âm như áo quần tô điểm thêm cho con người. Tiết tấu có thể đứng một mình, nhưng giai điệu luôn gắn liền với Tiết tấu. Đó là hai yếu tố then chốt mà hoà âm phải tuỳ đó mà tô điểm sao cho phù hợp : lúc thoáng mỏng, lúc đồ sộ tuỳ theo từng người, từng dân tộc …Các môn như phân tích giai điệu, phân tích tiết tấu, phân tích hòa âm, phân tích cấu trúc sẽ giúp ca trưởng nắm bắt được phần nào tình ý của tác giả. Ngoài ra, những hiểu biết về lich sử âm nhạc, các thể loại âm nhạc, các lối hát tập thể (đồng ca và hợp ca …) các lối viết, các tác giả, các nhạc khí và tính năng nhạc cụ…cũng sẽ góp phần giúp ca trưởng hiểu bản nhạc hơn.

4.2. Ca trưởng cũng cần hiểu biết về ngôn ngữ mà tác giả sử dụng:

-Nếu là lời ca tiếng nước ngoài như tiếng La-tinh, tiếng Ý, Pháp, Anh..tối thiểu ca trưởng phải biết các vần nhấn giọng của từng ngôn ngữ, cách phát âm và ý nghĩa của từng chữ, từng câu…

-Nếu là lời ca tiếng Việt, ca trưởng cân ý thức sự khác biệt cơ bản với các ngôn ngữ trên, đó là các dấu giọng cao thấp, bằng trắc trong tiếng Việt, cũng như sự có mặt thường xuyên của các vần đóng, trong số đó có những vần có thể đóng từ từ được, nhưng cũng có những vần buộc phải đóng tiếng sớm mới rõ lời, rồi cả  cách biến cải lời ca trong nhạc ngữ dân tộc và cách xử lý ngôn ngữ trong ca hát tiếng Việt…

4.3. Ngoài ra, ca trưởng cũng cần mở rộng kiến thức ở các bộ môn nghệ thuật khác như thơ văn, hội họa…sao cho tâm hồn mình nhạy cảm với những trạng thái khác nhau của lòng người được thể hiện trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống.

5. Nhiệm vụ liên quan đến người trình tấu: Sau khi đã nắm bắt được tình ý của tác giả qua nhạc phẩm nhờ khả năng chuyên môn của mình, ca trưởng phải có khả năng “dàn dựng” như ý mình, và đáp ứng được lòng mong đợi của người nghe. Muốn hoàn thành trách nhiệm trên, ca trưởng còn phải đáp ứng các yêu cầu sau :

5.1. Biết điều hành ca đoàn (tương tự như ban hợp ca, hợp xướng) về mặt chuyên môn, như chọn lựa ca viên, phân bè, sắp xếp chỗ đứng, duy trì kỷ luật, liên kết ca viên thành một thực thể biết hợp tác nâng đỡ nhau trong tiếng hát cũng như trong đời sống phục vụ.

5.2. Biết huấn luyện ca viên về chuyên môn : ca viên càng có tinh thần và trình độ hiểu biết về âm nhạc càng cao (nhạc lý, xướng âm, thanh nhạc …) thì công việc tập dượt sẽ nhẹ nhàng và mau lẹ, sức diễn tả dễ dàng và nhạy bén hơn. Ngoài ra cũng phải giúp ca viên hiểu biết về Phụng vụ và Thánh nhạc.

5.3. Biết chọn bài cho phù hợp, tuỳ theo mục đích là phụng vụ hay giải trí, tuỳ theo khả năng của ca viên hoặc cộng đoàn, tuỳ theo sự cảm nhận của người nghe … Các bài đạo thì rất nhiều, nhưng bài đáp ứng được các yêu cầu phụng vụ thì còn đang khá hiếm, người ca trưởng ví như người đầu bếp, có trách nhiệm chọn lựa để chỉ giới thiệu những món ăn có chất lượng, vừa ngon lại vừa bổ, tức chọn những bài hát vừa ”thuận miệng” người hát, vừa “lọt tai” người nghe. Các tiêu chuẩn chọn bài trong đạo có thể quy về 5 tính cách sau : Tính Giáo hội, Tính Thánh thiện, Tính Thông đạt, Tính Nghệ thuật và Tính Dân tộc cơ bản (được thể hiện qua việc âm nhạc tôn trọng bản sắc riêng của từng ngôn ngữ trong các bè hát).

5.4. Biết dọn bài để tập hát : Ca trưởng phải chuẩn bị trước cẩn thận để thuộc bài hát, một cũng như nhiều bè (cao độ và tiết tấu khó, thì phải biết cách để giúp ca viên khắc phục), thấy trước cách phát âm phù hợp cho từng trường hợp, nghiên cứu các nguồn diễn tả của bài hát để tìm ra cách thể hiện đúng tình ý của bài hát. Đây là khâu tìm hiểu ý nghĩa bài hát : Ca trưởng phải biết “điểm mặt chất liệu” để “tìm hiểu thâm ý”. Ngoài ra, để hát cho hay, cho có hồn, ca trưởng còn cần vận dụng đến cường độnhịp độ, các sắc thái âm thanh là những ưu quyền của ca trưởng. Cuối cùng, ca trưởng cũng cần xem nên chọn cách tập nào cho hữu hiệu, hứng thú, mau lẹ. Ca trưởng càng chịu khó “mất giờ” riêng của mình để DỌN BÀI cho kỹ bao nhiêu, thì ca viên càng đỡ mất giờ và cảm thấy hứng thú nhiều bấy nhiêu.

5.5. Biết tập dượt cho ca viên:

-Ca trưởng còn phải có khả năng hát mẫu, ít nhất cũng phải là một ca viên có giọng ca trên trung bình. Càng  cho mẫu tốt  thì công việc tập hát càng nhanh chóng và hữu hiệu (Xem Phần II, Thanh Nhạc)

-Ca trưởng còn phải có khả năng nghe để nhận ra những sai sót về cao độ, tiết tấu, cường độ, âm sắc : hài hòa âm sắc, cân bằng âm lượng, hoà kết âm thanh

-Ca trưởng phải học để biết cách tập dượt sao cho hữu hiệu và sinh động. (Điều kiện nơi chốn, thời gian, thời điểm, chỗ đứng ngồi … phương pháp tập, tinh thần phải có khi tập …).

Tập dượt là công việc nặng nề nhất của ca trưởng liên quan đến tập thể. Chính trong khâu này mới biểu lộ khả năng đích thực của ca trưởng.  

5.6.  Biết tìm cách điều khiển xứng hợp, sao cho các cử chỉ không những hữu hiệu mà còn đẹp mắt (Kỹ thuật và nghệ thuật) và có ý nghĩa. Thế nào là điều khiển ? Và điều khiển bằng cách nào? Đó là 2 vấn đề không phải ai ai cũng nhất trí với nhau. Điều khiển chỉ là giữ nhịp? Hay là  giữ nhịp và diễn tả ? Hay làgiữ nhịp cùng với diễn tả ? Hay là giúp người khác cùng sống bản nhạc với mình?  Nhiều tác giả đã và đang thiên về quan niệm cho rằng điều khiển là Giúp người khác cùng sống (diễn ta)û bản nhạc với mình bằng một thứ ngôn ngữ thầm lặng với những cử chỉ hữu hiệu, nghệ thuật và ý nghĩa.[4]

Khâu cuối cùng này chỉ tốt đẹp, khi các khâu chuẩn bị trước đó được hoàn thành một cách chu đáo. Nếu không, ca trưởng chỉ còn đóng vai trò giữ nhịp của máy tính nhịp, hoặc phô trương vài động tác không ăn nhập gì với bài hát

6. Nhiệm vụ liên quan đến người nghe/cộng đoàn :

6.1.Ca trưởng cần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của cộng đoàn bằng cách chọn lựa những bài hát phù hợp với từng hoàn cảnh phụng vụ, và nhất là bằng cách giúp ca đoàn cũng như cộng đoàn hát càng ngày càng có nghệ thuật hơn.

6.2. Ca trưởng cần giúp cộng đoàn tham gia tích cực vào phụng vụ băng lời ca tiếng hát. Cộng đoàn tham gia vào bộ lễ (cũng nên thay đổi “món ăn” bằng vài bộ lễ khác), nhất là tham gia đối đáp và tung hô, cũng như tham gia hát các câu Đáp của Thánh vịnh đáp ca, câu chung trong các Ca nhập lễ, Ca hiệp lễ, Halêluia, Ca tạ lễ….

6.3. Ca trưởng cần biết tập hát và điều khiển cộng đoàn . Đây thật ra là công việc của ca xướng viên, nhưng khi không có ca xướng viên thì  ca trưởng thay thế. Tập hát và điều khiển cộng đoàn thường đơn giản hơn là ca đoàn. Nhưng cũng có những đòi hỏi riêng : như giọng hát tốt; cách tập mau lẹ, linh hoạt; cử chỉ rõ ràng, áp đặt; ăn nói bình tĩnh, ngắn gọn mà lịch sự…..Nên huấn luyện vài ca viên có giọng hát vững thành ca xướng viên để linh hoạt cộng đoàn ca hát.

6.4. Ngoài những nhiêm vụ có tính cách chuyên môn như trên, ca trưởng biết cộng tác với các thành phần khác để công việc phục vụ của ca đoàn  được tốt đẹp: “Mọi người  có trách nhiệm, hoặc về nghi thức, hoặc về mục vụ và âm nhạc, phải đồng tâm nhất trí với nhau để chuẩn bị  cách thiết thực cho cuộc cử hành phụng vụ, dưới sự điều khiển của vị quản thủ thánh đường…” (QCTQ-SLR 73)

7. Nhiệm vụ liên quan đến bản thân :

7.1. Ca trưởng  biết khiêm tốn lắng nghe những ý kiến xây dựng của người khác, để càng ngày càng làm cho việc ca hát của ca đoàn và cộng đoàn được thêm chất løượng. Trong những lời phê bình góp ý, ca trưởng phải biết nhận ra cái đúng để làm tốt hơn cho những lần khác, và đừng quá quan tâm đến những nhận định khen chê không cụ thể. Nên hỏi cảm tưởng của người có hiểu biết về nghệ thuật và chân thành, khách quan, để cải tiến công việc của mình. (Theo Linh mục Pierre Kaelin, thì khi ca trưởng hiểu thấu tác phẩm 100, thì ca đoàn thể hiện độ 50, đến tai người nghe có thể chỉ còn 10 [5]. Những con số đó không làm nản lòng ca trưởng, mà trái lại thúc đẩy ca trưởng cố gắng trau dồi thêm để thu ngắn khoảng cách giữa ca trưởng với tác giả, ca trưởng với ca đoàn, và ca đoàn với người nghe)

7.2. Ca trưởng biết khiêm tốn học hỏi nơi bạn bè, nơi sách vở, nơi những người có kinh nghiệm hơn để luôn đáp ứng những chờ đợi của ca đoàn , của cộng đoàn, của Giáo hội….Luôn có thao thức làm tốt hơn, hay hơn, phù hợp với phụng vụ hơn.

8. Chương trình học tập:

Ca trưởng sẽ trải qua một giai đoạn tìm hiểu và thực tập gồm hai cấp :

8.1. Cấp I gồm 3 năm ca trưởng :

– Ca trưởng 1 : thời kỳ bắt chước : đánh nhịp cho sáng suốt và gọn ghẽ.

– Ca trưởng 2 : thời kỳ chuyển tiếp : bắt chước và biểu lộ dần cá tính (tập pha trộn đánh nhịp và phác hoạ tiết tấu).

– Ca trưởng 3 : thời kỳ biểu lộ cá tính : Điều khiển thực thụ.

Song song với tay nhịp là các môn bổ túc ký xướng âm, thanh nhạc, phân tích giai điệu, tiết tấu, hòa âm, khúc thức và các phần chuyên môn cần thiết khác cho ca trưởng.

8.2. Cấp II gồm 2 năm Ca nhạc trưởng :

– Ca trưởng 4: điều khiển ca đoàn và giàn nhạc ( Những đòi hỏi khác nhau giữa điều khiển ca đoàn và giàn nhạc giao hưởng; lịch sử hợp ca, lịch sử giàn nhạc; tính năng nhạc cụ, lối đệm đàn organ, phong cầm, các vấn đề liên quan đến phối khí, sáng tác, thẩm mỹ ; lối viết đệm cho giàn nhạc theo các phong cách khác nhau)

– Ca trưởng 5: điều khiển ca đoàn và giàn nhạc (tổng kết về lịch sử âm nhạc, các hình thể âm nhạc; tổng kết lối trình tấu sống động và lối viết đa điệu thoáng mỏng bằng tiếng Việt Nam…).

9. Tóm kết: Vai trò ca trưởng đòi hỏi ca trưởng phải học tập nhiều để ngang tầm với trọng trách của mình giữa các ca viên và cộng đoàn. Cần khiêm tốn và tận tuỵ để làm tròn nhiệm vụ mình. Mượn lời cố nhạc sư HẢI LINH, thân chúc các ca trưởng tìm được “niềm vui trong tâm hồn, một niềm vui càng ngày càng đậm nét theo đà dấn thân học hỏi, để sửa soạn cho mình có được :

– một giọng hát khả quan,

– hai tay nhịp sắc bén,

– một nguồn nhạy cảm dồi dào phong phú,

– một sở thích tinh vi vững chãi,

– một thân hình ca trưởng vắt ra chất nhạc, và …

– một con người ca trưởng xứng đáng làm gương mẫu cho ca viên, và làm đẹp cho thế giới âm thanh.”

10. CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP

  1. Âm nhạc là gì ? Thuộc loại nghệ thuật nào ?
  2. Trình tấu là gì ?
  3. Ca trưởng là ai ?
  4. Cho biết vắn tắt các nhiệm vụ của ca trưởng liên quan đến tác giả và tác phẩm.
  5. Cho biết vắn tắt các nhiệm vụ của ca trưởng liên quan đến ca viên và cộng đoàn.
  6. Cho biết vắn tắt các nhiệm vụ của ca trưởng liên quan đến bản thân.

[1] Các nhạc khí, các phương tiện khuyếch đại âm thanh, nơi chốn … cũng là những trung gian trình tấu, nhưng là trung gian vô hồn, còn con người là trung gian sống động, có hồn [Back]

[2] Dựa theo Ô. X.X.Xcrep-cốp, Phân tích tác phẩm âm nhạc , Bản dịch tiếng Việt của Ban Nghiên cứu âm nhạc (Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hóa) xuất bản, tập I. Trích lại của Vĩnh Long, Sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc, Hanội 1976, tr.42..Xem Kiến thức chuyên môn Ca trưởng II, Quê hương. [Back]

[3]:Rythme (Pháp), Rhythm (Anh) [Back]

[4] . Cố nhạc sĩ Ca trưởng HẢI LINH nói : “Chính lúc điều khiển, Ca trưởng dùng một thứ ngôn ngữ thầm lặng : tất cả những hiểu biết trong đầu sẽ biểu lộ ra ngoài nét mặt, là tấm gương phản chiếu linh hồn của bản nhạc, và tự nhiên sẽ chan hoà ra hai cánh tay và toàn thân con người Ca trưởng.” 

 Harry Robert Wilson, Artistic Choral Singing, tr. 11 : “Điều khiển là một nghệ thuật thuộc loại trình tấu. Nó đòi hỏi nhiều hơn là việc giữ nhịp. Nó là nghệ thuật diễn tả âm nhạc thông qua các mẫu phác hoạ tiết tấu, tư thế của thân thể và sắc thái của nét mặt.”

 Max Rudolf, trong The Grammar of Conducting, New York 1980, tr.xvi, cũng quan niệm tương tự khi viết: “Một khi làm chủ được các kỹ thuật điều khiển, người nghệ sĩ sẽ diễn tả một cách thật đơn giản tự nhiên, đó là mục tiêu của mọi việc trình tấu có nghệ thuật. Đối với ca nhạc trưởng, điều này có nghĩa là các cử chỉ của mình phải trở thành bản tính thứ hai và người điều khiển có thể hoàn toàn phó mình cho âm nhạc làm chủ mình.”

 Leonard Bernstein, The Joy of Music, N.Y. 1967. Chương bàn về Nghệ thuật điều khiển, trang 149.: “Người điều khiển cần có năng lực truyền thông mọi thứ đó ( hiểu biết và cảm nhận của mình) cho dàn nhạc –qua cánh tay, khuôn mặt, đôi mắt, các ngón tay, và bất cứ cử động nào, chấn động nào phát ra từ người điều khiển” [back]

[5] Pierre Kaelin, L’Art Choral, E’ditions Berger-Levrault, Paris 1974, số 384, tr.128 [Back]

Previous articleHướng dẫn mục vụ Thánh Nhạc
Next articleLINH MỤC NHẠC SĨ THÀNH TÂM VÀ ĐÊM GIAO LƯU ÂM NHẠC “MỘT ĐỜI TẠ ƠN”