Vị trí của triết học trong Thần học luân lý

121

Chuyên mục: Bài Viết Thần Học

Thần học luân lý có cần đến triết học không? Nếu có, nó đứng ở vị trí nào và nắm vai trò gì? Nói một cách dễ hiểu, đâu là mối quan hệ giữa triết học và thần học trong Giáo lý về luân lý Ki-tô Giáo? Chúng ta có thể thảo luận về những vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau. Theo quan điểm của chúng tôi, cách đơn giản và có tính sư phạm hơn cả chính là việc đưa ra một sự tổng hợp kiến thức thần học đã được phát triển đầy đủ về chúng, trong đó, cách làm của Thánh Tô-ma A-qui-nô chính là khuôn mẫu mang tính kinh điển; nó được coi là sự kế thừa trực tiếp của nền thần học thời các Giáo phụ và được dùng như một tham chiếu cho các trào lưu thần học hiện đại sau này.

Đức tin và Lý trí kết hiệp

Minh họa: Đức tin và Lý trí kết hiệp  – Bức bích họa của họa sĩ Ludovico Seitz (1844-1908) tại bảo tàng Vatican.


Trước hết, chúng ta có thể giản lược các giáo huấn về luân lý trong thần học Tô-ma về bốn điểm:

1. Luân lý (hay đạo đức), về bản chất, chính là câu trả lời cho vấn đề về hạnh phúc và mục đích cuối cùng của hành vi con người, dựa theo những cách thức chung mà các triết gia cổ đại và các Giáo phụ quan niệm về nó. Đó là luận thuyết về hạnh phúc và cùng đích.

2. Con người tiến tới hạnh phúc thông qua hành động của mình, dựa trên cơ sở là hai loại nguyên tắc tương ứng với hai phần: hành động bên trong và hành động bên ngoài. Trước tiên là các nguyên tắc bên trong (hay các nguồn cá nhân của hành động), đó là các nhân đức.

3. Sau đó, các nguyên tắc bên ngoài (hay nguyên tắc ưu việt) của hành động bắt đầu phát huy tác dụng, đó là lề luật và ân sủng.

4. Cấu trúc này giả định một sự phân tích được thực hiện bởi con người. Theo đó, anh ta dựa vào bản chất như đã được Thiên Chúa tạo dựng (tức là theo hình ảnh Người), đồng thời, kết hợp nó với những khả năng khác nhau nhằm đưa ra một hành động cụ thể – quá trình này được gọi là sự tự do lựa chọn. Tất cả công việc của giáo lý về luân lý là cung cấp thông tin cho con người, dựa trên cơ sở các nguyên tắc phổ quát, để qua đó, anh ta đưa ra sự lựa chọn để thực hiện một hành động cụ thể.

Chúng ta hãy lưu ý rằng, theo tư tưởng của Thánh Tô-ma, quá trình từ việc xem xét các nguyên tắc đến việc đưa ra lựa chọn có vẻ “liên hợp”, theo nghĩa là nó hướng tới sự hợp tác của tất cả các khả năng trong con người, dưới sự bảo hộ là sự cộng tác giữa lý trí và ý chí. Do đó, quyết định hành động là sự kết hợp không thể tách rời giữa một phán đoán thực tiễn và một sự lựa chọn tự do. Tính chất liên hợp này cũng sẽ được thấy trong thành phần của các luận thuyết về những nhân đức cụ thể, nơi mà nhân đức (nguyên tắc bên trong) cùng với ân huệ sinh ra từ ân sủng và lề luật của Mười Điều Răn (nguyên tắc bên ngoài) sẽ được nghiên cứu tùy theo từng trường hợp.

Trên mỗi điểm trong số bốn điểm này, chúng ta sẽ xem xét vị trí và vai trò của triết học trong Thần học luân lý của Thánh Tô-ma.

1. Luận thuyết về hạnh phúc

Trong năm vấn đề cấu thành luận thuyết về hạnh phúc, vai trò của triết học, được đại diện chủ yếu bởi Aristotle và Boethius, xuất hiện phổ biến đến nỗi một số nhà chú giải thần học Tô-ma đã coi chúng là những vấn đề mang tính triết học thuần túy.

Trước hết, họ không thấy rằng việc nghiên cứu về cùng đích và những điều thiện hảo được ban tặng cho con người có thể tạo thành một phương pháp ba phần[1] nhằm đưa chúng ta đến với câu trả lời của Ki-tô Giáo về vấn đề hạnh phúc, rằng con người được mời gọi để hưởng nhan thánh Chúa sau khi kết thúc cuộc sống đời này, vì “chỉ có Thiên Chúa” mới có thể đáp ứng đầy đủ những khao khát về hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, khi giải quyết vấn đề được coi là cao điểm này trong lý luận của mình, Thánh Tô-ma không còn dựa vào một triết gia, nhưng dựa vào một nhà thần học, vào Thánh Augustinô – người đã tự mình giảng giải luân lý Công Giáo bằng cách bắt đầu với câu hỏi về hạnh phúc mà mỗi người đặt ra, trước khi diễn tả về nó. Theo thánh nhân, chỉ có Thiên Chúa Ba Ngôi mới là câu trả lời đích thực cho hạnh phúc mà con người khao khát, đồng thời, con người có thể nhận được sự mặc khải về Đấng ấy và tiến lại gần Người ở nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

Thứ hai, họ phủ nhận rằng sự giải thích về các Mối Phúc Thật trong phần Chú giải Tin Mừng Mát-thêu có thể được coi là nguồn căn bản cho luận thuyết trong cuốn Tổng luận thần học. Tuy nhiên, luận thuyết của nó đã đi theo đúng kế hoạch tìm kiếm điều thiện thực sự trong Câu hỏi 2 và cho thấy rằng chỉ có Chúa Ki-tô mới tiết lộ cho con người về niềm hạnh phúc trọn vẹn mà các triết gia, kể cả Aristotle, đã không thể khám phá ra. Hơn nữa, luận thuyết về hạnh phúc sẽ chỉ được hoàn thành trong phần giải thích các Mối Phúc Thật ở Câu hỏi 69 về hạnh phúc của người Ki-tô hữu ở đời này, với sự trợ giúp của các nhân đức và ân huệ.

Như vậy, cả triết học và thần học đều đóng một vai trò quan trọng trong luận thuyết về hạnh phúc; đồng thời, chúng không chỉ đơn giản là xếp cạnh nhau, nhưng còn được kết nối với nhau bằng một mối quan hệ tự nhiên. Trên thực tế, cùng với nhau, chúng trả lời một câu hỏi nảy sinh từ bản chất thiêng liêng của con người rằng, rốt cuộc, điều thiện thực sự hay hạnh phúc thực sự là gì? Được Mặc Khải soi sáng, nhà thần học nhận thức rằng ước muốn tự nhiên này chỉ có thể thỏa mãn khi con người được hưởng nhan thánh Chúa – Đấng Vô Hạn, vì trí tuệ và ý chí của con người mở ra đối với cái vô hạn. Từ đó, lập luận nổi bật về ước muốn tự nhiên được diện kiến tôn nhan Chúa đã trở thành cơ sở cho lý luận của Thánh Tô-ma trong vấn đề hạnh phúc. Liên quan đến thiên hướng này, triết học cũng cho thấy nó vừa đóng vai trò cần thiết, nhưng cũng vừa thiếu sót. Nó không thể chạm tới hay thậm chí, không thể dùng để suy xét một hạnh phúc hoàn toàn vô vị lợi[2] và thực sự siêu nhiên. Nhưng mặc dù nhà thần học biết được lời mời gọi đạt tới hạnh phúc trong Thiên Chúa thông qua đức tin, anh ta vẫn không thể chỉ ra những con đường dẫn đến nó nếu không có những công việc của lý trí, hay những suy tư triết học về các hành vi và nhân đức của con người.

Được tổ chức theo cách này, luận thuyết về hạnh phúc cung cấp một cấu trúc tổng thể cho phần luân lý của thần học. Do đó, chúng ta sẽ tìm thấy mối liên hệ giữa triết học và thần học trong mỗi luận thuyết của Phần thứ hai (Secunda Pars), cuốn Tổng luận thần học.

Sau cùng, chúng ta cần lưu ý rằng luận thuyết về hạnh phúc vừa nêu đã không còn xuất hiện trong các cuốn chỉ dẫn về thần học luân lý thời kỳ hậu Công đồng Tren-tô, cũng như luân lý học hiện đại dưới ảnh hưởng của Immanuel Kant, hay các phê bình của chủ nghĩa hạnh phúc[3]. Thay vào đó, nó chỉ còn sót lại trong nghiên cứu về một thứ hạnh phúc trần tục và mang tính kinh nghiệm, được chủ trương bởi những người theo chủ nghĩa vị lợi[4]. May mắn thay, Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã đưa trở lại những lưu ý về hạnh phúc khi bắt đầu luận bàn về ơn gọi hưởng vinh phúc của con người dưới ánh sáng của các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng (Giáo lý số 1716-1729).

2. Nhân đức và ân huệ

Luận thuyết về thói quen và nhân đức là một kiệt tác của giáo huấn về luân lý theo Học phái Tô-ma. Trong luận thuyết sâu rộng này, chúng ta tìm thấy di sản của triết học cổ đại và những suy tư của các vị Giáo phụ, mỗi người trong số họ đều coi nhân đức là bản chất tận cùng của sự hoàn thiện đối với con người nói chung và Ki-tô hữu nói riêng. Ở đây, một lần nữa, triết học lại cho thấy nó có vai trò trọng yếu, cũng như được coi là yếu tố tiên quyết. Trên thực tế, giáo huấn của Thánh Tô-ma về các nhân đức là kết quả của sự tìm kiếm kiên nhẫn của các nhà thần học thời trung cổ, được hướng dẫn bởi các tác phẩm dần được khám phá lại của Aristotle. Thánh Tô-ma thậm chí đã sử dụng các phân tích chính xác của triết gia này một cách kỹ càng tới từng chi tiết, chẳng hạn trong luận thuyết về đức khôn ngoan. Để xác định và phân chia các nhân đức liên quan, ngài muốn dựa theo danh sách được thiết lập bởi Cicero và Macrobius, điều sẽ gây khó khăn cho việc tìm kiếm chỗ đứng của các nhân đức Ki-tô Giáo như khiêm nhường, vâng phục và thận trọng. Ấn tượng rằng việc giảng dạy về các nhân đức chủ yếu là triết học thậm chí còn mạnh mẽ hơn; đồng thời, chúng ta cũng dần quen với việc nghĩ rằng nhân đức, về cơ bản, là kết quả từ những nỗ lực của con người, hoặc của các hành vi được lặp đi lặp lại.

Tuy nhiên, khi đọc luận thuyết về các nhân đức một cách tổng thể, chúng ta thấy rằng nó chủ yếu là một công trình của thần học. Các nhân đức thực sự tạo thành một cơ thể sống động giống như cơ thể con người cùng với các cơ quan của nó. Chúng không tồn tại cũng như không hoạt động riêng lẻ, như người ta có thể giả định từ một nghiên cứu phân tích về cuốn Tổng luận thần học; trái lại, chúng liên kết với nhau bằng những mối dây năng động được rèn giũa bởi đức ái và đức khôn ngoan; đồng thời, cùng với nhau, chúng hành động như các chi thể trong một thân thể duy nhất. Cấu trúc này cũng được áp dụng chặt chẽ cho mối quan hệ giữa các nhân đức đối thần và nhân đức luân lý. Trong đó, đức tin, đức cậy và đức mến tạo thành phần đầu trong cơ thể Ki-tô hữu của các nhân đức và mang lại sự sống từ bên trong – giống như một xung lực sống[5] – cho cơ thể này, nhằm giúp con người đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu; đồng thời, giúp biến đổi các nhân đức ở một mức độ nào đó. Về ảnh hưởng này, Thánh Tô-ma có một ý thức mạnh mẽ, đến nỗi ngài cho rằng cần phải bổ sung các nhân đức luân lý được tuôn đổ[6] để hoàn thiện các nhân đức đã có. Trong mỗi chuyên luận về các nhân đức luân lý, chúng ta cũng thấy được những thay đổi mà ngài thực hiện với sự kính trọng dành cho Aristotle. Ở đó, tử đạo đã trở thành hành vi chóp đỉnh của đức dũng cảm thay vì lòng can đảm nơi trận mạc, cũng như sự trinh khiết vì Chúa Ki-tô chính là sự trọn hảo của đức khiết tịnh. Thậm chí, Thánh Tiến sĩ khẳng định rằng không thể có sự nhẫn nại đích thực nếu không có đức ái và ân sủng (lla-llae, q. 136, a. 3).

Ngoài ra, ngài liên kết các nhân đức với ân huệ của Chúa Thánh Thần – thứ đi vào cơ thể các nhân đức để hoàn thiện chúng. Các ân huệ này chính là một phần không thể thiếu trong giáo huấn luân lý của ngài, phù hợp với định nghĩa của Lề Luật Mới về ân sủng Thánh Thần, và cần thiết cho mọi Ki-tô hữu. Chúng bổ sung tính dễ tiếp thu cho các nhân đức và tính dễ ưng thuận cho các các xung lực tâm linh. Theo cách này, tác động của Chúa Thánh Thần, giống như các nhân đức, có thể ảnh hưởng đến tất cả những gì mà người Ki-tô hữu thực hiện. Vì vậy, luân lý đã thực sự trở thành “Đời sống trong Thánh Thần”, như cách gọi của Sách Giáo lý Công Giáo (số 1699). Ở đây, chúng ta thấy không có sự tách biệt giữa luân lý và chủ nghĩa huyền bí liên quan đến các ân huệ, điều đã được nền thần học sau này bảo lưu.

Trên thực tế, dưới tác động của Mặc Khải và kinh nghiệm Ki-tô Giáo, chính quan niệm sâu xa về nhân đức đã được biến đổi, chúng không còn là những nhân đức chỉ xuất phát từ cố gắng của con người nữa, nhưng là những nhân đức có được sau khi đã bổ sung những nhân đức được tuôn đổ vốn bắt nguồn từ ân sủng Chúa Ki-tô. Những nhân đức này, trước tiên là những nhân đức đối thần, được liên kết mật thiết với những nhân đức của con người đến nỗi hành động của họ sẽ là công việc của Thiên Chúa trong sự cộng tác với con người và được hiệp nhất trong đức ái.

Sau cùng, chúng ta cần lưu ý rằng giáo lý tông truyền (x. Giáo lý số 1971), đặc biệt là giáo huấn của Thánh Phao-lô về nhân đức và nết xấu trong Thư gửi tín hữu Rô-ma – mà sự chú giải về nó đã chuẩn bị cho cuốn Tổng luận thần học – chính là đại diện cho nguồn gốc và nguyên tắc “thẩm quyền” đối với học thuyết của Thánh Tô-ma, cũng như sự giảng giải của các Giáo phụ, đặc biệt là Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô I,… Việc nghiên cứu về các nhân đức theo trường phái Tô-ma, vì thế, là sự kết hợp của các trào lưu Kinh Thánh, triết học và thần học hàng đầu.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự kết hợp của triết học với Mặc Khải không chỉ trong các vấn đề thần học, theo lời khuyên nhủ của Thánh Phao-lô: “những gì là… đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8); mà còn trong ý tưởng rằng Lời Chúa có khả năng đào sâu kiến thức triết học và phát triển nó vượt ra ngoài những tư tưởng và hy vọng của con người.

3. Lề luật và giới răn

Trong giáo huấn Ki-tô Giáo, Mười Điều Răn luôn luôn được coi là nền tảng căn bản. Thần học kinh viện liên hệ nó với luật tự nhiên được khắc ghi trong tâm hồn mỗi người. Thậm chí, trong Thần học hậu Công đồng Tren-tô, nó đã trở thành đá tảng của việc giảng dạy luân lý đến mức việc phân chia tài liệu giáo huấn thời kỳ này đã không còn theo các nhân đức như cách làm của Thánh Tô-ma, nhưng theo Mười Điều Răn – dưới ý nghĩa là sự thể hiện các nghĩa vụ và những điều cấm kỵ dành cho con người được quy định bởi Thánh ý Thiên Chúa.

Tương tự như vậy, Thánh Tô-ma cũng dành cho Mười Điều Răn và luật tự nhiên một vị trí trọng yếu; tuy nhiên, ngài đặt chúng vào một bối cảnh lập pháp rộng lớn hơn, khiến chúng phải phụ thuộc vào Mặc Khải Ki-tô Giáo. Theo quan điểm của ngài, các lề luật cùng hợp lại thành một cơ thể thực sự có nguồn gốc từ Thiên Chúa và Luật Vĩnh Cửu của Người. Chính Lề Luật này là điều mà con người có thể biết đến thông qua luật tự nhiên và được coi như nền tảng của giới luật phàm nhân. Trong khi đó, Mặc Khải của Thiên Chúa sẽ làm sáng tỏ, chứng thực và hoàn thiện việc lập pháp này dưới hình thức của Luật Cũ (tập trung trong Mười Điều Răn) và Luật Mới (hay Luật Phúc Âm) (được truyền dạy chủ yếu trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-su). Luật Mới đại diện cho đỉnh cao của luật luân lý và đưa Luật Vĩnh Cữu đi đến sự hoàn thiện của nó ở đời này. Do đó, Mười Điều Răn và luật tự nhiên được đưa vào động lực lập pháp có nguồn gốc từ Thiên Chúa và trở lại với Người thông qua Luật Mới. Điều này dẫn đến việc giảng giải lại Mười Điều Răn theo ý nghĩa nội tại hóa[7] và hoàn thiện hơn. Đối với Thánh Tô-ma, Mười Điều Răn đặt ra những quy tắc cho các hành vi bên ngoài; trong khi đó, Luật Mới có tác dụng đưa những quy tắc này đi tới sự hoàn thiện bằng cách điều chỉnh các hành vi bên trong – chính là những nguồn đã truyền cảm hứng cho chúng – với sự trợ giúp của các nhân đức, mà đứng đầu là đức tin và đức ái. Vì vậy, Mười Điều Răn được tạo ra là để phục vụ các nhân đức. Nó đóng một vai trò đặc biệt ở giai đoạn đầu tiên trong đường lối sư phạm của Thiên Chúa, trong việc đào tạo những người mới bắt đầu, những người phải đấu tranh chống lại tội lỗi và loại bỏ những nết xấu của họ.

Phần triết học của giáo huấn luân lý Ki-tô Giáo chủ yếu liên quan đến nền tảng của nó – tức là luật tự nhiên và Mười Điều Răn, bằng cách đặt nó trong bối cảnh của giao ước. Nhiệm vụ của nó cũng được tiếp tục trong việc xây dựng luật dân sự bằng phương pháp loại bỏ hoặc bổ sung – một công việc đặc biệt của lý trí, cùng với sự suy ngẫm về các nhân đức, vốn đòi hỏi kinh nghiệm và sự trưởng thành.

Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý rằng luật tự nhiên không xuất hiện như một rào cản đối với sự tự do. Thay vào đó, theo Thánh Tô-ma, nó sở hữu một bản chất năng động: nó xuất phát từ khuynh hướng tự nhiên và khao khát bảo tồn bản thể, quà tặng cuộc sống, những điều tốt đẹp, sự thật và đời sống xã hội – vốn đã được tìm thấy trong cuốn De Officiis của Cicero (cuốn I, chương IV). Những khuynh hướng này sẽ được phát triển thông qua các nhân đức. Đối với các điều răn tiêu cực, chúng cấm các hành vi không phù hợp với việc hình thành các nhân đức và do đó, đặt nền tảng cho chúng. Theo cách này, luật tự nhiên và Mười Điều Răn có thể được xếp đặt theo Luật Phúc Âm với mức độ hoàn thiện cao hơn, một sự thỏa mãn toàn diện. Ở đây cũng vậy, thần học tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ triết học.

Sau cùng, chúng ta cần đề cập đến bản tính khôn ngoan của lề luật trong tư tưởng của Thánh Tô-ma; trong đó, lề luật được coi là chức năng cấu thành của lý trí đến từ phía người lập pháp (Thiên Chúa hay con người), chứ không phải hành vi duy ý chí của một người có thẩm quyền, theo những gì thường thấy trong quan điểm hiện đại. Điều này dẫn đến một sự phục tùng khôn ngoan ngang bằng về cả hai mặt lý trí và ý chí – được kết hợp lại. Sự phối hợp của các cấp độ triết học và thần học khác nhau trong luật luân lý sẽ là công việc của sự khôn ngoan này.

4. Phán đoán thận trọng

Nhiệm vụ chính của lý trí thực tiễn trong lĩnh vực luân lý bao gồm việc áp dụng các giới luật vào hành động cá nhân trong những hoàn cảnh cụ thể. Chúng ta có thể coi hoạt động này như một sự suy diễn bắt đầu từ những nguyên tắc đầu tiên của trật tự luân lý, với điều kiện là chúng được liên kết với những khuynh hướng tự nhiên tạo thành nền tảng của lề luật và là nguồn đầu tiên của hành động con người. Do đó, những nguyên tắc này không mang tính lý thuyết và trừu tượng, ngay cả khi nền tảng của chúng là phổ quát và có vẻ phi cá nhân. Chúng ứng với tương quan giữa chân lý và điều thiện, tình yêu dành cho chính mình và cho tha nhân, vốn là những điều tự nhiên đối với con người và bắt nguồn từ tia sáng tâm linh[8] mà Thánh Tô-ma gọi là lương tâm (synderesis).

Nhiệm vụ áp dụng các nguyên tắc của lý trí thực tiễn là công việc của đức khôn ngoan trong sự phối hợp với dữ liệu của khoa luân lý và của lương tâm – chứng tá nội tại của lề luật. Nó không chỉ giới hạn trong việc xác định những gì được phép thực hiện hay bị cấm, mà là tìm kiếm sự hoàn hảo, một sự hoàn thiện nhất định của hành động trong tình huống hiện tại, giống như người thợ thủ công tìm cách tạo ra điều gì đó tốt đẹp bằng cách miệt mài với công việc của anh ta. Công việc này đòi hỏi trí tuệ, kinh nghiệm, nỗ lực và sự chăm chú. Đây là lý do tại sao hành động luân lý lại đòi hỏi sự tham gia từ tất cả các khía cạnh của chủ thể, kết hợp với việc sử dụng các khả năng bên ngoài có được thông qua giáo dục.

Còn đối với phán đoán thận trọng thì khác, vì nó vượt ra ngoài những ý tưởng (dù chúng có tốt đẹp tới đâu), những ý định, những lời khuyên hay những lệnh truyền (dù chúng có sáng suốt đến mấy) để đưa ra một quyết định, để từ đó, dẫn đến hành động và biến đổi chủ thể hành động: khiến anh ta trở nên một người tốt hơn và giúp anh ta có khả năng tăng trưởng bản thân mình. Đây là lý do tại sao đức khôn ngoan đích thực lại cần những nhân đức khác vốn chi phối đời sống tình cảm một cách đặc biệt. Chúng ta có thể nói rằng phán đoán hay lựa chọn thận trọng có tính bao hàm tất cả; nó gắn kết nhân vị con người với toàn bộ thực thể của anh ta, quá khứ mà anh ta thừa hưởng, hay thậm chí là sự vô thức của anh ta. Từ đó, tính cách của một người sẽ được đánh giá qua hành động của người ấy, giống như xem quả thì biết cây vậy.

Ngoài ra, bản chất bao hàm của hành động cụ thể đòi hỏi sự can thiệp mang tính gắn kết của triết học và thần học, của lý trí và đức tin vào phán đoán luân lý trên tinh thần Ki-tô Giáo. Đặc biệt, việc nghiên cứu “các trường hợp” đó không thể chỉ giới hạn trong việc phân tích theo chiều hướng hợp lý hay áp dụng một cách trần tục các nguyên tắc đã được mặc khải. Nó đòi hỏi việc sử dụng đức tin, trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và lý trí, bằng cách suy ngẫm và cố gắng tìm cách khám phá một cách cụ thể xem điều gì là tốt và tốt nhất để làm. Do đó, nhà luân lý học Ki-tô Giáo nên đồng hóa những lời dạy của Tin Mừng (vốn thường rất cụ thể trong việc xây dựng các nguyên tắc) và suy ngẫm bằng các nguồn triết học và khoa học của mình (mặc dù biết rằng công việc này sẽ không trọn vẹn và thậm chí vô ích nếu anh ta không chịu khó đưa sự khôn ngoan cá nhân vào hành động); điều này sẽ giúp anh ta kinh nghiệm và tận hưởng những kết quả tốt đẹp của mình.

Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô đã đưa ra cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về điều có thể được gọi là thuật giải nghi[9] tông truyền. Khi xem xét các trường hợp khác nhau được đưa ra, phương pháp của thánh nhân luôn giống nhau. Nó có thể được đặc trưng bởi sự đồng thâm nhập[10] của hai cấp độ: thứ nhất là các tiêu chí của trật tự hợp lý, giống như những gì người ta có thể được tìm thấy nơi các triết gia và kinh sư Do-thái (ráp-bi). Chẳng hạn, về tội gian dâm, ngài viết: “Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình” (1 Cr 6,18). Nhưng thứ hai, các tiêu chí rút ra từ đức tin cũng phát huy tác dụng: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1 Cr 6,15.19). Do đó, chúng ta có thể thấy rằng trong nhận định của Thánh Phao-lô, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa ý nghĩa mang tính phàm nhân và ý nghĩa bắt nguồn từ Chúa Ki-tô; đồng thời, hai ý nghĩa này tương trợ và củng cố lẫn nhau. Nhưng các tiêu chí Ki-tô Giáo sẽ chiếm ưu thế, đặc biệt là qua hành động của đức ái nhằm hiệp nhất các tín hữu như anh chị em với nhau, như những chi thể của một thân thể duy nhất dưới sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần.

Kết luận

Qua việc xem xét bốn điểm tóm lược vừa nêu, chúng ta có thể thấy một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa triết học và thần học trong giáo huấn luân lý của Thánh Tô-ma. Không hề tách biệt mà cũng chẳng cạnh tranh, trái lại, các môn khoa học này làm việc cùng nhau thông qua cái mà chúng ta có thể gọi là sự cộng tác mang tính sống còn giữa triết học và thần học. Theo sự thúc giục của nhà thần học, nhà triết học suy nghĩ về những vấn đề cơ bản liên quan tới mục đích và ý nghĩa của đời người, về điều thiện và điều ác, về hạnh phúc và đau khổ, về sự chết và cuộc sống đời sau; đồng thời, anh ta không còn nghĩ rằng chỉ một mình mình mới có thể đưa ra câu trả lời trọn vẹn cho những vấn đề này. Về phần mình, nhà thần học cần đến nhà triết học để học cách sử dụng lý trí của mình một cách nghiêm ngặt và sáng suốt khi nghiên cứu các chiều kích trong hành động của con người, cùng với đó, cung cấp cho anh ta những phạm trù và ngôn ngữ cần thiết trong việc giải thích cách đúng đắn về sự phong phú của Tin Mừng và kinh nghiệm Ki-tô Giáo.

Sự kết hợp giữa triết học và thần học này dựa trên câu châm ngôn của Thánh Tô-ma: “Gratia non feeit, sed perficit naturam”, tạm diễn đạt là: thần học không phá hủy, nhưng hoàn thiện triết học. Tuy nhiên, theo ý kiến của chúng tôi, nguyên tắc này không nên được hiểu theo nghĩa rằng triết học, với tư cách là một công việc của lý trí, trước tiên phải được xây dựng trên nguyên tắc rằng trong mọi trường hợp, nó phải được xác nhận bởi ân sủng; mà là theo nghĩa ngược lại: chúng ta phải có sự can đảm để tin vào Lời Chúa và từ bỏ chính mình cho ân sủng, với sự tin tưởng chắc chắn rằng ân sủng sẽ không phá hủy bất cứ điều gì là chân chính, tốt đẹp và hợp lý trong triết học, mà trái lại, sẽ dạy chúng ta cách biến triết học thành của mình, để chúng ta phát triển và hoàn thiện nó, đồng thời, tiết lộ cho chúng ta một sự khôn ngoan rộng lớn và sâu sắc hơn bất kỳ tư tưởng nào của con người, sự khôn ngoan đó được ban xuống bởi Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết chúng ta với con người Chúa Ki-tô và Thập giá của Người bằng cách dạy chúng ta “sống trong Chúa Ki-tô”.


Lược dịch từ bài viết cùng tên (xuất bản năm 1999) của cha Servais Pinckaers O.P. (1925-2008), nhà thần học luân lý người Bỉ, trên tạp chí L’Osservatore Romano của Tòa Thánh.


Chú thích

[1] threefold way – phương pháp ba phần – Một phương pháp bao gồm ba phần song song trong việc đưa chúng ta tiếp cận một đối tượng nào đó. Lấy thí dụ, trong tư tưởng của Thánh Phanxicô Asisi, để đến với Thiên Chúa, chúng ta phải yêu Chúa qua ba con đường tình yêu: yêu người khác, yêu thiên nhiên và yêu chính mình.

[2] gratuitous – nhưng không, vô vị lợi – Không thể mua, bán được bằng tiền của vật chất.

[3] eudaemonism – chủ nghĩa hạnh phúc – Chủ thuyết này xuất hiện lần đầu năm 1827, nó cho rằng hạnh phúc cá nhân là điều tốt đẹp nhất và là mục tiêu đúng đắn của hành động, cách đặc biệt, hạnh phúc đó được hình thành về mặt phúc lợi dựa trên sự tự nhận thức có tính luân lý và hợp lý.

[4] utilitarianism – chủ nghĩa vị lợi – Chủ thuyết được khởi xướng bởi hai nhà triết học và kinh tế học người Anh cuối thế kỷ XVIII và XIX là Jeremy Bentham (1748-1832) và John Stuart Mill (1806-1873); theo đó, một hành động (hoặc loại hành động) là đúng nếu nó có xu hướng thúc đẩy hạnh phúc hay hoan lạc và sai nếu nó có xu hướng tạo ra bất hạnh hoặc đau đớn – không chỉ cho người thực hiện hành động mà còn cho tất cả những người khác bị ảnh hưởng bởi nó.

[5] vital impluse – xung lực sống – Hình thức thấp nhất của sự sống tâm thần. Hình thức này được xem là chưa có ý thức, cảm giác và sự phản hồi (Tham khảo từ sjjs.edu.vn).

[6] infused moral virtue, nó thuộc về infused virtue – Nhân đức được tuôn đổ – nghĩa là nhân đức do Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải nhân đức có được do thói quen tốt mà người ấy rèn luyện.

[7] interiorization – nội tại hóa (hay nội tâm hóa) – Việc sáp nhập thái độ và tiêu chuẩn luân lý của người khác để làm cho chúng trở thành của riêng mình. Khái niệm này cũng áp dụng cho sự đồng hóa sâu xa một giáo lý đức tin, chẳng hạn cuộc Khổ nạn của Chúa Ki-tô, để nó trở thành nguyên động lực chủ yếu cho đời sống thiêng liêng của mình (Tham khảo từ Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo của Nguyễn Trọng Đa).

[8] spiritual spark – tia sáng tâm linh – Từ này con chưa tìm thấy trong tài liệu Công Giáo nào khác, nhưng dựa trên khái niệm “divine spark” được minh giải khi phản đối giáo thuyết của phái Ngộ đạo của một số tác giả, có thể hiểu đây là sự soi sáng của Thánh Thần tồn tại trong mỗi con người và được ban cho họ ngay từ lúc được Thiên Chúa tác tạo.

[9] casuistry – thuật giải nghi (hay giải nố) – Thuật vận dụng các chuẩn mực luân lý tổng quát vào các hành động luân lý riêng biệt.

[10] compenetration – đồng thâm nhập (thâm nhập cùng lúc).

Previous articleTội ngoại tình trong Kinh Thánh và Giáo lý Công Giáo
Next articleNói về niềm hy vọng của cha Hans Urs von Balthasar