Virus xâm hại tình Chúa và tình người

26

Virus xâm hại tình Chúa và tình người

Ông bà ta thường nói: “Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, nghĩa là con người có lầm lỗi to lớn thế nào đi nữa, nếu biết ăn năn hối hận thì được mọi người thương và tha thứ. Hơn nữa, họ còn được có cơ hội để làm lại cuộc đời. Ghen tị là một trong bảy mối tội đầu. Thấy ai hơn, người ghen tị buồn bã, nói xấu, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tương ăn sâu vào lòng con người. Từ nguyên thủy đã có: Cain vì ghen mà giết Aben, Anh em con Giacob ghen Giuse, Saolê ghen Đavít, Đavit ghen Uria có vợ đẹp.

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Êdêkiel cảnh báo những ai cho rằng mình đã đạo đức, đã tốt rồi không cố gắng sống tốt hơn, coi chừng ngày nào họ phạm tội thì họ cũng phải chết. Đàng khác, nhìn rộng hơn về các sách Cựu ước, Isaia khuyên kẻ đố kị từ bỏ sai lầm: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình và kẻ bất lương hãy bỏ các tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót” (Is 55,7).

Tục ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đời sống đạo đức thực sự, lòng đạo đức được thể hiện qua việc làm cụ thể chứ không do lời nói suông, không qua hình thức bên ngoài. Dụ ngôn kể về kẻ ghen tị phàn nàn: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc cả ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?”[1] (Mt 20,12). Đức Giêsu lên án hành vi ghen tị: “Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”[2] (Mt 20,15).

Hẳn là ghen tị đang là thứ “virus” cần phải loại trừ. Trước hết, ghen tương làm tâm hồn mất bình an: Ghen với ghét luôn đi liền nhau, dèm chê, sát phạt nhau, ‘không được ăn thì phải đạp đổ.’ Ghen tị không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người khác, mà còn gây ra thiệt hại cho cuộc sống của chính mình nữa, tâm trạng luôn bất an. Nếu người ta biết chia sẻ niềm vui với anh em, thì điều đó cũng mang lại lợi ích cho chính mình và cộng đồng. Hơn nữa, khi sống ghen tương, người ta sẽ dễ làm hại người khác.

Do ghen tuông, nên khi thấy có ai hơn mình, họ sẽ bới lông tìm vết, thêu dệt, ‘bé xé ra to,’ ‘nghe một nửa, hiểu một phần tư, kể lại thì gấp đôi.’ Họ không chấp nhận thành quả của người khác, ‘trâu buộc ghét trâu ăn.’ Dụ ngôn dạy hãy chia sẻ đau khổ với người xung quanh, như lời thánh Phaolô: “Hãy vui với người vui, hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15). Việ sống trong thù hằn, xung đột cũng có thể nói là hệ quả phát sinh từ sự ghen tuông; ‘ngoài miệng thơn thớt, dạ thì ớt ngâm,’ chẳng còn công lý và tình thương. Ghen tị xuất phát từ tính ích kỷ, chỉ muốn mình hơn, dẫn tới tiêu cực, triệt hạ lẫn nhau. Chúa dạy hãy quảng đại, vì những gì người ta có đều do Chúa ban nhưng không. Kitô hữu hãy thực hành Lời Chúa dạy, luôn thể hiện tình yêu thay vì ăn thua với nhau. Và cuối cùng, ghen tị làm người ta không nhận ra ơn Chúa. Họ không nhận ra lòng Chúa thương xót. Kitô hữu hãy nhìn lại mình, mở rộng trái tim với mọi người, vì tất cả những thành quả mình đạt được đều do hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho. Hãy sống vô tư, hòa thuận, để xứng đáng đón nhận ơn Chúa ban xuống dồi dào.

Hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy đi làm vườn nho cho Cha”! Chúng ta sẽ trả lời với Chúa như thế nào? – Chắc các chúng ta sẽ hỏi lại: làm vườn nho của Chúa là làm những gì? Với người Kitô hữu, mỗi tuần đến nhà thờ, dự thánh lễ nghiêm trang, siêng năng chầu Thánh Thể, sốt sắng rước Chúa, hăng say học giáo lý… là chúng ta đang làm vườn nho tâm hồn của Chúa.

Mong sao tất cả chúng ta, mỗi người luôn ý thức rằng mình đều là những người đang lữ hành, nên chưa phải là hoàn hảo. Vì thế: “Không hề có tình trạng đã thành một Kitô hữu mà chỉ có trong tình trạng đang trở thành một Kitô hữu” (Soren Kierkegaard).

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thuộc về sự thật và trở nên chứng nhân cho sự thật, bởi vì chỉ có sự thật mới giải thoát được chúng con mà thôi. Amen.
[1] Nếu tính ra giờ hôm nay ông chủ đi ra tìm thợ từ sáng sớm, rồi lúc 9 giờ sáng lúc giữa trưa, lúc 3 giờ và lúc 5 giờ chiều. Vì thế chúng ta phải đoán ra rằng đây không phải là một ông chủ bình thường: không ai lại đi thuê thợ làm vườn trước lúc nghỉ việc chỉ có một giờ! Đây là một “ông chủ” quan tâm sâu sắc đến bi kịch của những kẻ thất nghiệp ấy: “Tại sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Câu chuyện mà Đức Giêsu kể lại nhắc chúng ta rằng vấn đề thất nghiệp trầm trọng, than ôi, không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Và nếu chúng ta dừng lại ở phần đầu của dụ ngôn này không để cho các thiên biến của ý thức hệ chi phối, thì chúng ta thấy Đức Giêsu mô tả một người đã nhân từ một cách tuyệt vời rồi: năm lần trong một ngày, ông không mệt mỏi, lo lắng đem lại việc làm, đồng lương, nhân phẩm, cho những người nghèo bị rơi vào cảnh khốn cùng.

Chúng ta không quên ghi nhận điệp khúc được nhắc lại: “Hãy đi vào vườn nho” trong toàn bộ Cựu Ước, và do đó đối với các thính giả đầu tiên của Đức Giêsu, vườn nho là biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78, 9-16). Theo nghĩa này, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào. “Hãy đi vào vườn nho của tôi… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25, 21-23).
[2]  Thay vì giữ chặt chúng ta trên vẻ bề ngoài bất công, giờ đây chúng ta được mời gọi hãy vui mừng chỉ vì lòng nhân từ tuyệt vời của Cha chúng ta. “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng xót thương”. Từ vài thập kỷ, yêu sách về sự công bình hay công lý trên thế giới đã có nhiều tiến bộ. Dĩ nhiên là không có vấn đề quay lại đàng sau. Nhưng việc thế giới tiến bộ về hướng tình yêu thương và tấm lòng há chẳng cần thiết sao? Đó là một chủ đề mà Đức Giáo Hoàng diễn tả trong một thông điệp của ngài:

“Trong thế giới hiện đại, ý thức về công lý trên bình diện rộng đã trỗi dậy… và Giáo Hội chia sẻ với nhân loại ở thời đại chúng ta ước muốn mãnh hệt, sâu xa và một đời sống công bằng ở mọi phương tiện. Tuy nhiên, người ta dễ dàng nhận ra những chương trình xây dựng trên ý tướng công bằng khi đem ra thực hiện nhiều khi phải chịu sự biến dạng… bởi lòng oán hận, thù nghịch mà cả sự tàn ác. Kinh nghiệm của quá khứ và của thời đại chúng ta chứng tỏ chỉ có công lý mà thôi không đủ, nếu người ta không cho phép một sức mạnh sâu xa hơn là tình yêu thương xây dựng đời sống con người.

Thế thì, chúng ta được trả về với sự chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lòng nhân hậu là một sức mạnh đặc biệt của tình yêu còn mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung. Trong một nghĩa nào đó, lòng nhân hậu ở vị trí đối lập với công lý của Người, và trong nhiều trường hợp tỏ ra mạnh hơn, căn bản hơn công lý” (Thánh Gioan Phaolô II).

Đức Hữu