VÔ CẢM

331

 

Vô cảm” là một căn bệnh dường như khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Nó là một trong 15 căn bệnh của những người phục vụ tại giáo triều Roma và cũng là cám dỗ của mọi tín hữu. Điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến trong buổi tiếp kiến các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh sáng ngày 22-12-2014.

Dửng dưng hay vô cảm là thái độ thờ ơ không có một chút cảm xúc, một chút tình cảm nào trước con người hay tình cảnh nào đó. Nó không chỉ dừng lại trên phương diện thiếu nhân bản, kém về giao tế… nhưng là một trong những tội mà nhân loại phạm ngày càng nhiều, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô lên án tình trạng chung của thế giới.

Nói riêng về đời sống dâng hiến, thái độ dửng dưng hay vô cảm với nhân loại, nhất là với anh chị em cùng chung sống, khiến nhiều ngườikhông tìm thấy niềm vui, mất đi ý nghĩa, ảnh hưởng đến căn tính của đời dâng hiến và không hạnh phúc với chọn lựa. Liệu ta có mắc phải căn bệnh này không và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó? Giải pháp nào cho “căn bệnh trầm kha” này? Đây cũng là những vấn đề sẽ được minh giải trong bài viết.

 

  1. Nguyên nhân

Hiểu một cách chung chung “Vô cảm” hay “Dửng dưng” là trạng thái con người không có tình cảm, sống khép mình lại, thờ ơ lạnh nhạt với sự việc hay con người xung quanh. Với nhịp sống hiện đại và văn hóa: “Đèn nhà ai nhà ấy rạng” như ngày nay, khiến một số người chỉ lo vun vén cho đời sống cá nhân mà quên đi các mối tương quan với người lân cận. Một số người tự làm mình trở nên xa lạ, không quan tâm đến ai, không biết đến niềm vui nỗi buồn ngay cả sự hiện hữu của người khác. Đó là “bệnh vô cảm”, là thái độ dửng dưng trước hoàn cảnh của người đồng loại, họ sống phần “con” nhiều hơn phần “người”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô cảm, nó xuất phát từ cách sống ích kỷ, thượng tôn cá nhân hoặc sợ bị phiền phức.

  1. Đề cao mình – chủ nghĩa cá nhân.

Tâm lý chung ai cũng cho mình quan trọng, giỏi giang, hiểu sâu biết rộng; còn người khác kém hơn hay ít ra phải thừa nhận khả năng của mình. Vì ngộ nhận mình là “cái rốn của vũ trụ” nên người khác bị lọt khỏi tầm nhìn hoặc chẳng đáng để quan tâm. Do đề cao mình quá đáng, chỉ lo cho mình…. nên chẳng còn thời giờ và sức lực quan tâm đến người khác. Triết gia cổ đại Socrate đã dạy chúng ta bài học khôn khi nói: “Hãy tự biết mình” để giảm bớt tình trạng bệnh tật hão huyền do mình tự tạo nên. Đúng vậy, tự biết mình mới có khả năng biết người. Bao lâu không nhận ra chỗ đứng của mình thì mọi trật tự đều bị đảo lộn. Tội nguyên tổ cũng khởi đi từ đó, nó trở thành mẫu số chung của mọi lạm dụng quyền hành, dẫn đến thái độ bất chấp tất cả, sẵn sàng lên án hay hạ gục người khác, ngay cả Đấng Tạo Hóa.

Một trong những điều tự mãn với những gì mình có. Đó là của cải, tài năng và sắc đẹp…. Người lắm tiền nhiều của sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh. Trường hợp nhà phú hộ trong Tin mừng (Lc 16, 19-26) là một dẫn chứng cụ thể. “Ông có nhà cao cửa rộng, mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời giờ nghĩ đến người khác. Ladarô nằm thoi thóp bên cửa nhà mà ông không nhìn thấy. Ladarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy. Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì. Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Ladarô. Và người ta vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác trong khi Ladarô mơ ước được những mẩu bánh dư ăn cho đỡ đói. Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành ích kỷ, thiếu tình liên đới”.

Lẽ thường nếu không có tiền của vật chất để coi mình đã đủ thì có những thứ khác như sức khỏe, tài năng, hay địa vị….. cũng rất dễ làm ta có lý để tự mãn hay thấy thiếu mình cộng đoàn khó phát triển hoặc cộng đoàn phải cung ứng những gì tôi cần tôi mới phục vụ…. Đó chẳng phải là thái độ đề cao mình quá đáng hay sống theo chủ nghĩa cá nhân sao?

Những thờ ơ lãnh đạm của ta nếu có cũng xuất phát từ việc thiếu lòng tin. Chính vì chưa đủ lòng tin nên đây đó vẫn còn xảy ra những điều thiếu tích cực trong các tương quan huynh đệ trong cộng đoàn. Điều này không phải chuyện thời nay nhưng đó là chuyện “xưa như trái đất”. Quả vậy, khi Đức Giêsu trở về quê hương của mình thì dân làng Nazareth, tỏ thái độ hết sức lạnh nhạt, thờ ơ, lãnh đạm. Mặc dù thấy sự khôn ngoan của Đức Giêsu khi giảng trong hội đường nhưng họ không đủ vô tư, còn bị ám ảnh bởi quá khứ mờ nhạt của Người: thành kiến về “bác thợ mộc” chưa được thay thế bởi Đấng Messia. Họ dửng dưng và vấp ngã đối với Đức Giêsu.

Đúng vậy, một khi lãng quên Thiên Chúa, không tin vào Ngài, thì chẳng có gì để bàn thêm nữa: “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13, 58). Có lẽ chúng ta không dửng dưng với Thiên Chúa nhưng lại chưa quan tâm đủ đối với những anh chị em của mình, không còn nhận ra người đối diện là hình ảnh Thiên Chúa. Thiếu đi tính thánh thiêng đó,ta cũng chỉ xử sự với nhau như “kẻ qua đường”, chuyện đó không liên can gì đến tôi.

Nhìn vào thế giới hôm nay chúng ta thấy ngày càng nhiều những hậu quả đáng tiếc do việc sống thiếu trách nhiệm, vô cảm, dửng dưng giữa con người với nhau, thậm chí xảy ra ngay trong gia đình, giữa con cái với cha mẹ hay giữa anh chị em ruột thịt với nhau: con người trở nên xa lạ, dị hợm nếu không muốn nói là có biểu hiện của sự độc ác, hành động như một kẻ điên – không còn tính người; trái lại hành xử với nhau như bản chất của những loài thú hoang (Jean Paul Sartre). Dụ ngôn người đi vay món nợ khổng lồ được chủ mình tha bổng, nhưng lại không biết tha cho kẻ mắc nợ mình món nợ nhỏ nhoi là minh chứng cụ thể về lối sống đó (x. Mt 18, 23-35). Nhân vật xử tệ với con nợ trong dụ ngôn đã thiếu lòng quảng đại, sự bao dung để thỏa mãn tính ích kỷ của mình, một thái độ khép kín lòng mình trước nỗi khổ đau của tha nhân.

  1. Ích kỷ – “cửa lòng” khép kín.

Sự “Dửng dưng” hay “Vô tâm” xét cho cùng là biểu hiện của một thái độ ích kỷ, chỉ biết có mình. Tự rút mình vào đời sống an toàn bản thân, xây dựng pháo đài và ấp chiến lược để cho mình khỏi bị phiền hà nhằm tôn thờ mình, đã tự biến mình thành gỗ đá. Sự ích kỷ cá nhân là mầm mống sinh ra vô cảm và muôn vàn hệ lụy khác, bởi khi sống ích kỷ, người ta không còn thấy ai, mà chỉ thấy có bản thân mình. Xét mọi mặt nó tệ hơn thái độ lạnh nhạt hay vô tư quá đáng, vì nó mang chiều kích của một hành vi nhân linh rõ ràng: một thái độ sống có chọn lựa, với ý thức rõ ràng và tự do đầy đủ.

Không nhìn nhận người khác là anh em của mình cũng đồng thời không nhìn nhận Thiên Chúa là Cha. Thái độ khép kín dẫn đến những hành động tội lỗi, bất lương mà đôi khi người ta cứ tự ru ngủ rằng tôi chẳng làm gì nên tội vì tôi sống công bằng. Dụ ngôn nhà phú hộ và anh Lazaro là một trong những ví dụ như vậy. Nhà phú hộ tự nhủ mình có tiền thì mình ăn xài chứ có làm chuyện bất lương gì đâu, nhưng vì vô cảm với kẻ nghèo khổ bên mình, ông đối xử với người đồng loại của mình không bằng một con chó. Ông phú hộ đã đánh mất ơn cứu độ chỉ vì ông ta đã sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình và ăn chơi hưởng thụ đến độ không còn nhìn thấy hay giả bộ không nhìn thấy để khỏi phải trợ giúp cho Lazarô. Nhà phú hộ sống trên nhung lụa, ngày ngày yến tiệc linh đình thế mà ông lại không hề biết ra tay giúp đỡ cho Lazarô, là kẻ bần cùng, luôn ngồi trước cửa nhà ông. Thái độ bàng quang lạnh lùng, sự dửng dưng, coi như không có sự hiện diện của Lazarô xuất phát từ sự ích kỷ quá đáng, dẫn đến tình trạng mù quáng, thiếu trách nhiệm liên đới với tha nhân. Sẽ không giải quyết được gì nếu sự vô cảm còn tồn tại, khi con người chỉ biết qui hướng về bản thân.

Một dụ ngôn khác trong Tin mừng thánh Luca cho chúng ta rõ hơn diện mạo của những người sống vô cảm: thầy Lêvi và thầy Tư Tế trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10, 29-37) xuất hiện với tội thiếu trách nhiệm, dửng dưng với người đồng loại. Những người đầu tiên gặp kẻ khốn khổ đang nằm bên đường là thầy Tư tế và thầy Lêvi – những người có nhiệm vụ chăm sóc và giúp đỡ người khác – lại là những kẻ vội vàng tránh đi. Họ không biết chạnh lòng thương, từ chối ra tay giúp đỡ vì sợ bị phiền hà.

Khi chân thành xét mình, ta cũng sẽ nhận ra, có không ít lần chúng ta hành xử như thầy Tư tế và thầy Lêvi để đánh mất đi cơ hội quí đóng vai người Samaritanô tốt lành đối với anh chị em của mình. Vì chúng ta ích kỷ, sợ mất công sức, thời gian… và đủ mọi lý do khác, nên chúng ta tìm đường để thoát. Chúng ta đã quên hay cố tình làm ngơ trước lời nghiêm khắc của thánh Giacôbê khi đưa ra nguyên tắc chung cho tất cả mọi người phải thực hiện, đó là: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (x. Gc 4, 17).

Dửng dưng với người khác cũng xuất phát từ nguyên nhân là do lòng ghen tị. Đó là bước tiếp theo của tính ích kỷ và quên ân huệ Thiên Chúa. Kinh Thánh đã mạc khải cho chúng ta điều đó ngay từ những ngày đầu tiên của loài người: với lòng ham muốn do ma quỉ gợi lên để cuối cùng người phụ nữ đầu tiên của nhân loại đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa. Sự đổ vỡ của con người với Đấng Tạo Hóa là một tiến trình phát xuất từ động lực sâu kín. Đó là việc quên ân huệ dẫn đến nghi ngờ Thiên Chúa, ghen tị với Thiên Chúa và ham muốn trở nên bằng Ngài. Ghen tị là một trong bảy mối tội đầu, từ ghen tị sẽ phát sinh biết bao điều xấu xa khác: lòng ghen tị của Cain với Abel (St 4, 1-8); các người anh lớn trong gia đình ông Giacóp đối với Giuse (St 37, 3-4…); nhóm kinh sư và biệt phái đối với Đức Giêsu,… và nhân loại cứ thế đi vào vết xe đổ của tội nguyên tổ. Sở dĩ họ không chấp nhận người khác, vì người đó là nguyên nhân làm mất quyền lợi của mình hay ít ra cũng gây phiền hà ít nhiều cho mình.

  1. Không muốn bị quấy rầy – sợ mất quyền lợi.

Vì không muốn mất quyền lợi, sợ bị người khác quấy rầy nên chúng ta cứ vô cảm trước nỗi khó khăn, sự đau khổ của người đồng loại. Như thế liệu chúng ta có công tâm và bình an để nhận mình yêu mến Thiên Chúa được không? Thánh Gioan đã viết: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20). Cứ theo logic tính thì vô cảm là một hình thức vi phạm điều này, một sự lừa dối Thiên Chúa.

Chúng ta hãy tiếp tục nghe lời dạy của thánh Gioan: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 17-18). Yêu mến Thiên Chúa đúng mức phải được cụ thể hóa cách rõ ràng qua hành động cụ thể đối với những người thân cận của mình. Thật vậy, người ta ưa nói lý thuyết hay mơ tưởng thực hiện những tham vọng lớn lao nhưng dễ quên những tương giao bình dị và ra tay kịp thời khi người anh chị em của mình cần được giúp đỡ.

Một trong những biểu hiện của thái độ dửng dưng trong đời sống cộng đoàn đó là sự thinh lặng chết. Chúng ta sẽ nghĩ gì và bình luận thế nào nếu nghe có một người anh em hay chị em ở chung vách tường với anh hay chị em của mình trong Đan viện, nhưng một đêm kia người anh hay chị em đó bị “tụt” huyết áp, chẳng còn biết làm cách nào để đánh thức người bên cạnh giúp đỡ mình. Cây cọc giăng mùng được cố gắng đập vào tường báo hiệu, nhưng tiếng kêu đơn điệu đó không được hồi đáp thì người anh chị em đó cũng phải đành tủi nhục chịu trận một mình trong vô vọng. Hoặc có vị giảng thuyết kia giảng rất hay, các đề tài của bài giảng toàn là bác ái yêu thương nhưng khi trông thấy một anh em có chuyện bất thường về sức khỏe, cần giúp đỡ thì không có bất cứ một động thái nào. Tại sao? vì sợ bị phiền phức, mất giờ, mất ngủ nên chọn giải pháp không nghe, không thấy.

Nguy cơ xảy ra những trường hợp đáng tiếc kể trên đây thường xuất hiện trong các cộng đoàn lớn và mọi sự đã ổn định: một nguyên tắc bất thành văn khi “việc ai người đó làm”, tôi không xía vào việc của người khác khiến xảy ra nhiều điều đáng tiếc. Với chủ trương làm vừa đủ, tránh bao nhiêu hay bấy nhiêu, nên có biết bao lần nghe thấy chuông điện thoại reo hoài, hay bất chợt gió làm chốt cửa bung ra…. mà vẫn “án binh bất động”, thản nhiên như không hề có chuyện gì. Ngay cả đến việc chu toàn bổn phận cũng dễ bị “lạm dụng”: nếu các công tác trong cộng đoàn được giao để mọi người phục vụ nhau nhưng chủ trương từ chối giúp đỡ người khác bao nhiêu có thể để khỏi bị phiền phức là chúng ta chưa thực thi nghĩa vụ công bằng, đừng nói đến chuyện thiếu bác ái.

Ai cũng thấy ngại ngùng và đau buồn khi phải tỉ mỉ nhắc đến những nguyên nhân dẫn đến lối sống vô cảm. Tuy nhiên nó lại rất cần thiết để chúng ta tìm cách khắc phục. Vậy toa thuốc nào cho căn bệnh đó?

 

  1. Một vài đề nghị cách khắc phục.

Vô cảm là căn bệnh khó điều trị, nó “hâm hẩm” như cách nói của sách Khải Huyền:”Phải chăng ngươi nóng hay lạnh hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 15-16). Tác hại của bệnh vô cảm gây nên rất lớn, nó ảnh hưởng trực tiếp đối với người khác, đặc biệt khi sống chung suốt đời trong một cộng đoàn Đan viện như các Đan sĩ. Cần có một nhãn quan mới về chính mình và về người đồng loại, chúng ta mới hy vọng chữa khỏi căn bệnh vô cảm tai hại này. Khởi đi từ cái nhìn siêu nhiên, từ đó chúng ta sẽ có hướng thể hiện lòng yêu thương quảng đại của chúng ta với mọi người.

  1. Nhìn ra ân huệ của Chúa trong cuộc đời.

Người vô cảm lấy mình làm quan trọng, đặt mình ở vị trí trên hết, tưởng mình làm được tất cả nên từ chối nhận ra ân huệ Chúa ban cho mình cũng như người khác. Người dửng dưng sẽ không sống được tâm tình của thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15) nhưng ghen tức với người vui và hoan lạc khi người khác phải đau khổ. Họ cũng không đủ nhạy bén để đọc ra ý nghĩa của mỗi hoàn cảnh hay biến cố xảy đến trong đời.

Toa thuốc thứ nhất giúp những ai mắc bệnh vô cảm là làm thế nào nhận ra những ân huệ Chúa bao trùm cả cuộc đời mình. Công tâm mà nói cuộc đời của chúng ta được như thế này là một chuỗi tháng ngày đón nhận hồng ân bao la của Thiên Chúa ban tặng qua cha mẹ, thầy cô, họ hàng, bạn bè, hàng xóm, cộng đoàn Đan viện và thậm chí cả những người chúng ta không hề quen biết. Một khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa và sự quan trọng của tha nhân trong cuộc đời, chúng ta mới thốt lên lời cảm nghiệm giống thánh Phaolô: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15, 10).

Vâng, cuộc sống chỉ tồn tại và có ý nghĩa khi chúng ta ý thức tất cả những gì mình có đều đã nhận lãnh một cách nhưng không. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn từ rất lâu rồi để ta có thể đảm nhiệm tốt hơn ơn gọi và sứ mạng hiện tại. Chúng ta sống được là nhờ người khác, và lúc khởi đầu luôn luôn là ơn huệ nhưng không và tuyệt đối. Vì thế, chúng ta được mời gọi ghi nhớ những ơn huệ thuở ban đầu này, một đàng để không ngừng tạ ơn và ca tụng tình thương bao la của Thiên Chúa, đàng khác để định hướng đời mình, làm sao sống tốt hơn ơn gọi từng ngày. Mặc lấy tâm tình của Vịnh gia, chúng ta cũng hát lên: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng” (Tv 88, 2a).

Nhận được ơn Chúa thì chúng ta có trách nhiệm sử dụng những “nén bạc” Chúa trao để sinh lời ra nhiều nén khác; đồng thời cũng biết chia sẻ và trao ban cho người khác, vì người khác cũng là anh chị em của ta, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa.

  1. Thấy người khác là anh em và hình ảnh của Thiên Chúa.

Sống dửng dưng vô cảm là chưa sống theo lương tâm Kitô giáo. Đan sĩ là gì nếu không phải là những người được mời gọi sống sung mãn ơn gọi Kitô hữu. Vì thế, việc nhạy bén trước nhu cầu người khác chỉ có được nếu Đan sĩ nhìn ra trên khuôn mặt họ dung mạo của Thiên Chúa. Ai sống đúng lương tâm Kitô giáo là biết nhận ra nhu cầu của anh em mà tìm cách đáp ứng.

Dụ ngôn ngày phán xét chung thẩm (x. Mt 25) là cả một bức tranh toàn cảnh nói lên đầy đủ về hình ảnh Thiên Chúa hiện diện nơi những người anh chị em cần được nâng đỡ, điều mà rất nhiều khi chúng ta quên hay không biết. Chúng ta như những người bên tả Vị Thẩm Phán cứ chờ cơ hội để làm phúc cho Chúa nhưng lại ngang nhiên hất hủi, sỉ vả, mắng chửi, đánh đập những người chung quanh là hình tượng sống động của Thiên Chúa do chính Ba Ngôi Thiên Chúa dựng nên mà không áy náy lương tâm.

Sở dĩ điều lành không còn cơ hội để làm lại và bị loại khỏi vương quốc như thế cũng chỉ vì người ta không nhận ra những người đang sống chung quanh mình là những hình tượng sống động của chính Thiên Chúa. Mọi người chung quanh chúng ta, dù bần cùng cơ cực, dù đau yếu bệnh tật, dù bị tù đày hay bị ruồng bỏ… cũng đều đáng được tôn trọng, đáng được yêu thương và phục vụ vì họ là hiện thân của Chúa Cứu Thế, là phần thân thể của Chúa Giêsu.

Sống với nhau ta “không làm các việc phi thường” nhưng “làm các việc bình thường một cách phi thường”, khi thực hiện tình bác ái huynh đệ qua những điều nho nhỏ đúng lúc và tế nhị cho nhau nhưng nó lại rất cần thiết, ý nghĩa và quan trọng. Một nghĩa cử đơn giản khi trao ban cho nhau những nụ cười chân thành cũng đem lại nghị lực và hạnh phúc cho người anh chị em. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Chúng ta được kêu gọi để cảm nghiệm và tỏ ra rằng Thiên Chúa có thể làm tràn đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, mà không cần tới việc đi tìm nơi khác, hạnh phúc của chúng ta là tình huynh đệ đích thực được sống trong cộng đoàn của chúng ta”. Có thể một nụ cười, một lời động viên hay một lời chia sẻ chân thành và cảm thông của chúng ta với anh chị em trong cộng đoàn đúng lúc, sẽ xua tan đi những buồn phiền, chán nản, mệt mỏi nơi anh chị em. Thái độ đồng cảm, ý nhị đó bộc lộ gương mặt của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ: Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta và anh chị em của chúng ta.

  1. Xót thương như Chúa.

Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã thể hiện Ngài chính là Thiên Chúa giàu tình yêu. Ngài chạnh lòng xót thương nhân loại, nhưng không phải nhân loại chung chung nào đó, mà là chạnh lòng thương cụ thể từng người một. Lịch sử cứu độ vẫn còn đó như một bằng chứng hết sức cụ thể, hết sức lớn lao về sự không hề vô cảm, nhưng nghiêng mình xuống của Thiên Chúa để thể hiện lòng xót thương trên nhân loại. Suốt dòng lịch sử cứu độ là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thiên Chúa từ muôn đời và cho đến tận cùng thời gian đã không vô cảm nhưng luôn chạnh lòng thương con người. Vì thế, Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa làm người đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương không mệt mỏi của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thờ ơ lãnh đạm, vô cảm đi ngược với đường lối của Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương trước mọi khổ đau của con người. Đan sĩ cũng được mời gọi bắt chước lòng thương xót yêu thương của Thiên Chúa. Năm thánh lòng thương xót mở ra không những là cơ hội tốt cho chúng ta nhưng đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về những thiếu xót trong lãnh vực này.

Thánh Gioan đã lên án thái độ dửng dưng khi đề cập hai từ trong sách Khải Huyền: “Phải chi ngươi nóng hay lạnh hẳn đi còn cứ hâm hẩm thì….”. Thiên Chúa không thích, cũng chẳng ưa cách sống như vậy. Vì vậy ta hãy học lấy sự “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu, noi theo tấm gương hy sinh của Chúa Giêsu để tình thương của chúng ta cũng được dàn trải trên mọi người chúng ta gặp gỡ, nhất là những anh chị em sống cùng với mình. Ta được mời gọi theo sát Đức Kitô, thì việc sống theo những gì Đức Kitô đã sống trở thành điều kiện tất yếu, một đòi hỏi không được miễn chuẩn: ta không chỉ an phận sống theo các lời khuyên Phúc Âm và luật lệ trong dòng mà phải sống chính lòng thương xót của Chúa. Có như vậy thì ta mới thực sự có giá trị trước mặt Chúa.

Ta nếu không tìm ra ý nghĩa và mục đích tinh tuyền của hành trình theo Chúa, thì việc vào Đan viện cũng là việc trốn đời, một sự dửng dưng, vô cảm trần gian như nhận định của Thomas Merton. Quả vậy, tác giả cuốn An bình viết:”Ta không thể chỉ hài lòng với chuyện trốn tránh một thế giới tội lỗi khủng khiếp để ẩn mình nơi Đan viện trong cuộc sống không vương tội lỗi nhưng lại tự mãn và và vô trách nhiệm”.

Kết

Vô cảm trước nỗi khó khăn nỗi đau khổ của người đồng loại là căn bệnh không chỉ xảy ra với người đời, nơi các Kitô là mẫu người được coi là sống và chết vì mọi người. Căn bệnh này thật nguy hại vì có khả năng giết chết tính người trong ta. Chữa trị bệnh dửng dưng, phòng chống bệnh vô cảm là điều cấp thiết đối với chúng ta ngay lúc này. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Chỉ khi nào tôi phục vụ cho láng giềng của tôi thì mắt tôi mới mở ra được để thấy những gì Chúa đã ban cho tôi và Người yêu tôi chừng nào”.

Người xứ Samaria là hình ảnh rõ nhất gương mặt nhân hậu của Chúa Giêsu vì ông có một trái tim nhạy bén, biết rung cảm với người đau khổ. Trái lại, người vô cảm lại biến trái tim mình thành tảng băng giá lạnh. Chung quanh ta có biết bao nhiêu người nghe, thấy và biết các nhu cầu của anh chị em mình, nhưng vì trái tim bị đóng kín nên vẫn còn đó những thiếu xót bất công và cay đắng. Chỉ khi nào trái tim con người biết mở ra thì người ta mới có khả năng quan tâm đến người anh chị em của mình. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em như gương của Chúa Giêsu: Người không lãnh đạm, không vô cảm trước nỗi đau, sự thống khổ, hay những hình ảnh đáng thương của con người.

Ta lấy Chúa Kitô làm lẽ sống của mình và làm tất cả theo gương Người. Mặc dù ít có cơ hội làm những gì ngoạn mục nhưng ta có đủ điều kiện, có đủ cơ hội để sống chan hòa tình bác ái yêu thương anh chị em của mình. Ước gì những nguyên nhân của căn bệnh dửng dưng hay vô cảm sẽ được khắc phục bằng những giải pháp cụ thể, để căn bệnh nguy hiểm đó không còn lý do để tồn tại trong ta, trong cộng đoàn của ta.

 

 

Previous articleĐỨC MARIA CON CHIM HÓT HAY NHẤT
Next articleThánh Gioan Maria Vianney, mang nặng mùi chiên