Ý nghĩa kinh Kính Mừng

165

Ý nghĩa kinh Kính Mừng

Ý nghĩa kinh Kính Mừng

Đọc kinh Kính Mừng để ngợi khen, tôn vinh, đền đáp tình yêu Thiên Chúa.

Khi Mẹ Maria dạy nhân loại đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta mới thấy rõ sự khiêm nhường của Mẹ lớn làm sao ! Mẹ không dạy nhân loại ca tụng Thánh Danh Mẹ, mà Mẹ đã dạy nhân loại ngợi khen, chúc tụng, tôn vinh cùng đền đáp tình yêu Thiên Chúa đã yêu dấu chúng ta thế nào, khi Ngôi Hai Nhập Thể. Sự ca ngợi cùng đền đáp tình yêu Thiên Chúa không mang lại vinh quanh cho Chúa, mà kéo ân sủng tình yêu cùng sự thứ tha của Chúa xuống cho nhân loại. Thế nên tại sao Mẹ lại dạy loài người chúng ta phải siêng năng lần hạt Mân Côi. Thiên Chúa cảm động xiết bao khi thấy nhân loại luôn ngợi khen cùng đền tạ tình yêu của Người trong mọi giây phút. Thiên Chúa nhân từ, Người sẽ lại tuôn đổ tình yêu hơn nữa, cùng thứ tha cho loài người án công thẳng đã ra.

Siêng năng lần hạt là năng ngợi khen Thiên Chúa để kéo ơn tha thứ xuống cho nhân loại.

Mẹ Maria đã ẩn dấu Mẹ đi để chỉ nghĩ đến phần rỗi nhân loại trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha, nên Mẹ đã khẩn thiết kêu nài loài người phải siêng năng ngợi khen cùng nhận biết tình yêu của Thiên Chúa yêu dấu loài người, hầu ơn tha thứ được đến với tất cả nhân loại, nếu tất cả chúng ta đều thực thi mệnh lệnh Mẹ Thiên Chúa ban ra. (S. Đ. D. trang 60)

Giai thoại : Đức Mẹ nằm vạ

Đệ tử là biệt danh khiêm tốn của đấng đáng kính Gioan Hêrôn (Jean Herold), Dòng Thuyết Giáo. Trong bài giảng 161 ngài kể lại mẫu chuyện cảm động sau đây:

Một ông kia đã lập gia đình và sống trong tội lỗi. Vợ đương sự rất đạo đức, ngày đêm năn nỉ chàng dứt bỏ đàng tà. Chàng coi như pha. Nàng cố gắng van xin mãi, ít nhất là trong thảm trạng đó, chàng trung thành với một việc sùng kính nào đối với Đức Trinh Nữ Maria. Nàng yêu cầu : « Thôi, anh nể tình em, chỉ đọc một kinh Kính Mừng mỗi lần anh đi qua tượng ảnh Đức Mẹ ». Anh chàng chấp nhận.

Một đêm kia, trên đường truy hoan, chàng thấy xa xa một ánh sáng. Chàng đến gần và nhận ra là một cây đèn thắp trước một bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con. Chàng đọc Kinh Kính Mừng như thông lệ. Nhưng chàng thấy gì ? Chúa Hài Đồng tràn đầy những thương tích thê thảm và dầm dề máu chảy. Khiếp sợ và cảm kích nghĩ là chính mình, bởi tội lỗi mình gây nên thương tích cho Đấng Cứu Chuộc, chàng khóc nức nở.

Nhưng kìa, Chúa Hài Nhi quay mặt đi không nhìn chàng. Tội nhân hết sức thẹn thùng, ngỏ lời cùng Đức Trinh Nữ : « Hỡi Mẹ nhân hậu, Con Mẹ từ khước con. Con chạy đến cùng Mẹ là Mẹ Ngài và là Đấng biện hộ quyền phép vô song mà cũng nhân hậu vô cùng nữa. Vậy xin Mẹ hãy giúp con, cầu bầu cùng Chúa cho con ! »

Đức Mẹ liền đáp : « À, các người tội nhân, các người gọi ta là Mẹ nhân hậu, nhưng các người không ngừng làm cho ta trở thành một người Mẹ đau khổ khi tái diễn tấn Thương Khó của Con Ta và khổ não cho chính Ta nữa ».

Tuy nhiên, Mẹ Maria không thể để anh ấy trở về mà không được an ủi. Anh đã chào Mẹ bằng Kinh Mân Côi khi vừa quì dưới chân Mẹ, Mẹ quay về phía Chúa Giêsu để xin tha thứ.

Đức Trinh Nữ để Chúa nằm trong khăn và quì xuống nói với Ngài : « Con ơi, Mẹ quì mãi dưới chân Con cho đến khi nào Con tha thứ cho tội nhân nầy, Mẹ mới đứng dậy… »

Chúa thưa : « Thưa Mẹ, Con không thể từ chối sự gì với Mẹ. Mẹ muốn Con tha cho nó ? Thế thì Con tha vì yêu mến Mẹ. Xin Mẹ bảo nó đến hôn các thương tích của Con ».

Phạm nhân bước tới, giàn giụa nước mắt, và hôn đến đâu thương tích Chúa biến tan đến đó. Sau cùng, Chúa ôm chàng để tỏ dấu thứ tha.

Hoàn toàn đổi mới, tội nhân từ đó sống như một vị Thánh và mỗi ngày đọc hằng ngàn hằng vạn Kinh Mân Côi để tạ ơn Mẹ.

Lời nguyện

Lạy Mẹ Mân Côi, nếu hằng ngày con không đọc được hằng ngàn, hằng vạn Kinh Kính Mừng, ít nữa xin cho con nhớ đọc 50 Kinh, 100 Kinh, để con biết nguyện xin như Rabindranath Tagore : « Hồn tôi ơi, sao ngươi mất dần kiên nhẫn ? Đấng canh giữ chim trời, dã thú và côn trùng, Đấng đã chăm sóc ngươi còn trong lòng Mẹ, làm sao Ngài không bảo vệ ngươi một khi ngươi đã chào đời ».

Đọc Kinh Kính Mừng là cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa.

Thiên Chúa quá nhân từ để Người không còn nhìn thấy tội lỗi chúng ta nữa khi chúng ta cứ luôn miệng ngợi khen và lòng trí chúng ta luôn hướng về Người mà tán tạ tình Người yêu dấu chúng ta. Như Thánh Nữ Têrêsa nhỏ đã nói : « Thiên Chúa mù và dốt không biết tính toán ». Vì Người sẽ quên hết và không còn nhìn thấy những tội lỗi, những xấu xa và ô nhiễm nơi hồn xác chúng ta nữa, khi chúng ta luôn ngợi khen và ca tụng tình yêu Người. Vậy khi dậy nhân loại đọc Kinh Kính Mừng là Mẹ Maria đã dạy cho nhân loại biết cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa hơn hết những lời cầu nguyện khác.

Ngợi khen, tán dương Tình Yêu Thiên Chúa để kéo Tình Yêu và sự thứ tha đến với mọi người.

Kinh Mân Côi đã liên kết các linh hồn thế nào khi chúng ta sử dụng. Trong Tình Yêu Thiên Chúa nơi các linh hồn như chúng ta đã rõ : Tất cả chúng ta đều là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh Chúa. Mỗi lần chúng ta ngợi khen cùng tán dương Tình Yêu Thiên Chúa trong các linh hồn thì không những chúng ta đã ngợi khen Thiên Chúa trong tình yêu Chúa ban cho chúng ta, mà lại ngợi khen thay cho tất cả mọi chi thể trong thân mình chúng ta nữa. Nếu sự chúng ta ngợi khen ấy đủ cho tất cả mọi hơi thở đang hiện hữu trên trần gian, thì chính chúng ta đã kéo tình yêu cùng sự thứ tha đến với tất cả mọi người trong nhân loại.

Giai thoại : Ghì chặt tội nhân không cho đến máy chém.

Trong quyển III sách truyện Các Phép Lạ số 39, LM. Radi (Razzi) thuộc dòng Thánh Biển Đức kể truyện lạ sau đây :

Một thanh niên mồ côi cha sớm, được mẹ gởi ở trong triều của một ông hoàng. Khi từ giã, bà mẹ đạo đức và rất sùng kính Đức Trinh Nữ, bắt con hứa mỗi ngày đọc một Kinh Kính Mừng và thêm lời đơn giản : « Lạy Đức Trinh Nữ có phúc, xin bảo trợ con trong giờ lâm tử ». Thế là anh chàng vào triều. Nhưng chẳng bao lâu, anh quá trác táng, ông hoàng buộc lòng phải thải hồi. Tuyệt vọng và không biết sống bằng cách nào, anh bắt đầu đi cướp của giết người. Tuy vậy, anh vẫn tiếp tục đọc một Kinh Kính Mừng hằng ngày và lời nguyện hứa với mẹ. Rồi anh bị bắt và bị án tử. Trước ngày bị xử, ở trong tù, đương sự than phiên nỗi ô nhục của mình, mối đau thương của mẹ và cái chết đang chờ đợi chàng.

Quỉ lấy hình một thanh niên tuấn tú hiện ra và hứa cứu chàng khỏi tù và khỏi chết, nếu chàng chịu làm điều quỉ bảo. Người bất hạnh tuyên bố sẵn sàng hết. Thanh niên trá hình cho chàng biết hắn là quỉ đến cứu giúp chàng. Hắn bắt đầu buộc từ bỏ Chúa Giêsu Kitô và các bí tích. Tên khốn nạn bằng lòng. Quỉ còn buộc hắn bỏ Đức Trinh Nữ và không nhận sự bảo hộ của Ngài. Anh chàng đáp : « Việc đó tôi không làm bao giờ ». Và tâm trí hướng về Mẹ Maria, chàng đọc Kinh Kính Mừng và lời nguyện mà thân mẫu bảo.

Nghe vậy, quỉ biến mất, để tên tử tù khốn khổ, buồn phiền đến cực độ, vì đã phạm tội tầy đình là chối Chúa. Nhưng chàng chạy đến cùng Đức Trinh Nữ. Ngài ban cho chàng ơn thống hối tội lỗi và xưng tội với lòng ăn năn trọn hảo trong lệ sầu chan chứa.

Trên đường đến máy chém, tên tử tù đi ngang trước tượng Đức Mẹ. Chàng chào kính bằng Kinh Kính Mừng và lời nguyện xin hộ phù trong giờ lâm chung. Và kinh ngạc thay : mọi người đều thấy tượng Mẹ gục đầu chào lại. Vô cùng cảm động, chàng xin đến hôn chân Mẹ. Các người thi hành án lệnh chẳng thích gì việc đó, nhưng vì quần chúng biểu dương ồn ào mối xúc động, buộc lòng họ cho chàng đến đặt đôi môi nóng hổi lên thánh tượng Mẹ. Khi chàng cúi hôn, tượng Đức Mẹ bỗng sinh động, đưa tay ra nắm tay chàng, chặt đến nỗi không thể rứt chàng ra được.

Quần chúng thấy sự lạ hô to : « Xin tha ! Xin tha ! ». Và chàng được tha bổng. Anh chàng hồi hương sống đời thánh thiện và trở nên tông đồ nhiệt thành của kinh Kính Mừng vạn ứng để cứu chàng hai phần hồn xác.

Lời nguyện

Lạy Mẹ Mân Côi, chúng con thật nghẹn ngào trước lòng khoan dung, nhân hậu bao la, bát ngát như trời như bể của Mẹ. Xin cho chúng con luôn hăng say đọc Kinh Mân Côi, để ít nữa chúng con cũng biết nguyện xin như Rabindrâth Tagore : « Tim tôi hỡi, làm sao ngươi có thể quay đi khỏi nụ cười của Chúa ngươi và lạc loài xa Chúa. Ngươi đã bỏ Đấng dấu yêu ngươi để nhớ đến kẻ khác, vì thế công việc ngươi hóa thành vô nghĩa ».

Mẹ Maria là hiện thân của Thiên Chúa giữa loài người.

Ý nghĩa thứ hai siêu việt hơn ý nghĩa thứ nhất. Trong mầu nhiệm Maria mà chúng ta đã biết nơi đây, Mẹ Maria là hiện thân của Ngôi Ba Thiên Chúa ở giữa loài người. Nên khi chúng ta đọc kinh Mân Côi là chúng ta đã ca tụng Thiên Chúa trong tình yêu mà Người đã thể hiện giữa loài người nơi Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ngôi Ba hiện diện giữa loài người trong xác thánh Maria để tỏ lộ tình yêu Thiên Chúa nơi Ngôi Hai Nhập Thể, hầu cho tình yêu Thiên Chúa được duy trì và tái sinh sự sống cho nhân loại trong chính Ngôi Hai và bởi Ngôi Ba.

Đọc kinh Kính Mừng là ta tha thiết xin ơn cứu rỗi.

Chúng ta đã biết rõ : sự sống của Ngôi Hai trong xác phàm được Phục Sinh bởi Ngôi Ba. Vậy khi Ngôi Hai đã sống lại vinh hiển thế nào thì sự sống của loài người cũng được vinh hiển như vậy bởi Ngôi Ba (điều nầy lại nhắc chúng ta nhớ lại lời trăn trối trong phút cuối cùng của Chúa Ngôi Hai là loài người phải được tái sinh trong cung lòng Mẹ Đồng Trinh Maria). Thế nên trong ý nghĩa thứ hai của kinh Kính Mừng, Mẹ Maria đã dạy loài người ca tụng tình yêu lạ lùng của Chúa trong sự tái sinh sự sống Đức Kitô, bởi Tình Yêu là Chúa Thánh Thần. Cùng với ý nghĩa này khi đọc kinh Kính Mừng là chúng ta đã tha thiết xin được cứu rỗi bởi tình yêu Thiên Chúa trong nhân loại. (S.Đ.D. trang 61-62)

Giai thoại : Đức Mẹ đi tu 15 năm.

Có gần mười tác giả danh tiếng như Césaire, Rho, Raymond Dòng Tên, Niquet Dòng Tên v.v…. đã tường thuật câu truyện hi hữu sau đây.

Nữ tu Bêatrích, tuy đã ở Phước Viện Phôngrô, vẫn chưa dứt « mùi tục lụy dường kia cay đắng ». Thiếu nữ đã phải lòng một thanh niên và quyết trốn theo chàng để thoả tình nguyệt hoa. Nàng có nhiệm vụ giữ cửa nhà dòng, nên trước khi bôn đào, đã đến một tượng Đức Maria gởi bộ khóa lại. Nàng qua vùng kế cận để buông theo nghiệp phấn hương. Sau 15 năm giang hồ, ngày kia, nàng gặp người cùng cấp lương thực cho nhà dòng. Khi đã điều tra kỹ lưỡng và biết chắc chắn người kia không rõ tông tích mình, nàng hỏi đương sự có biết dì phước Beatrích không.

– Tôi biết rõ dì phước ấy lắm, dì là một thánh sống, anh chàng đáp, và thêm : Hiện giờ dì là bề trên tập viện.

Nghe vậy, từ ngỡ ngàng đến kinh hãi, Bêatrích không hiểu ất giáp gì hết.

Nàng thay đổi xiêm y, ẩn hình khách lạ và đến dòng tìm hiểu điều bí ẩn. Khách bấm chuông xin gặp nữ tu Bêatrích. Người ra gặp chính là Đức Trinh Nữ mà nàng, khi trốn tu viện theo trai, đã để dưới chân bộ chìa khóa và áo nhà tu. Mẹ Thiên Chúa dịu dàng bảo :

– Bêatrích con, con nên biết là để bảo toàn danh giá cho con, Mẹ đã mang lốt hình hài giống con, và trong 15 năm, con ở ngoài dòng và xa Chúa, Mẹ đã chu toàn mọi phận vụ thay thế cho con. Con gái của Mẹ, con hãy trở lại dòng và ăn năn hối cải, Con Mẹ còn chờ đợi con. Con hãy nỗ lực duy trì danh thơm Mẹ đã tạo cho con bằng đời sống gương mẫu ».

Nói đoạn Ngài biến mất. Bêatrích vào tu lại.

Để tỏ lòng biết ơn và đền ơn Đấng đã tỏ lượng khoan hồng phù trợ, nàng đã sống chuỗi ngày còn lại hết sức thánh thiện. Trước khi chết, nàng kể lại tự sự và không quên nêu lên như một lời trối :

– Gặp hoàn cảnh nào, và bất cứ sao đi nữa cũng phải luôn luôn chào kính Mẹ bằng Kinh Mân Côi. Tôi đã đọc kinh Mân Côi hàng ngày. Các bạn cũng phải đọc Kinh cứu rỗi đó hằng ngày !

Lời nguyện

Kính lạy Mẹ Mân Côi yêu dấu, lòng từ bi của Mẹ thật bao la như biển Thái Bình. Chúng con đang ngợp sóng lân ái đó và nguyện chết ngất đi trong tình yêu mến Mẹ. Nguyện luôn luôn chào yêu Mẹ bằng Kinh Mân Côi.

Ta nghĩ gì khi đã bỏ phí thời gian không lần chuỗi Mân Côi.

Đến đây chúng ta đã hiểu rõ về ý nghĩa của Kinh Kính Mừng. Chúng ta nghĩ sao về những ngày tháng mà chúng ta đã bỏ phí vô ích không lần chuỗi Mân Côi ? Chúng ta nghĩ sao về những ý nghĩ và lời nói đã xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa cách nặng nề, khi chúng ta chê chối và coi thường Kinh Mân Côi? Chúng ta nghĩ thế nào trước mệnh lệnh mà Mẹ Thiên Chúa đã khẩn nài chúng ta thực thi?

Đọc Kinh Mân Côi là ca ngợi một thụ tạo hay là những lời khẩn cầu cho chính sự sống chúng ta ?

Đọc Kinh Mân Côi có phải là chúng ta đã thể hiện tình yêu giữa các chi thể trong thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh Chúa chăng ?

Đọc Kinh Mân Côi, phải chăng chúng ta đã kéo tình yêu cùng ơn tha thứ từ Thiên Chúa xuống cho tất cả những người tội lỗi ?

Chúng ta hãy suy nghĩ trong sự soi sáng của Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy được công việc phải làm cho chính sự sống chúng ta hôm nay.

Để tìm thấy chính xác cách khẩn thiết cho công việc chúng ta phải làm, chúng ta hãy tự hỏi : Mẹ Thiên Chúa có dạy chúng ta làm một việc vô ích không? Hay công việc ấy có lợi cho chính sự sống chúng ta ? Và hơn nữa cho chính sự sống của mọi linh hồn mà Thiên Chúa đã phải cứu bằng giá máu của Người.

Hỏi như thế là chúng ta đã trả lời Mẹ Thiên Chúa khi hiện ra tại Fatima với 3 thần dược để cứu linh hồn nhân loại.

Giai thoại : Một cô gái nõn nà được nâng trên cánh nhạc.

Trong sách Affecti Scambievoli, phần II chương VIII của linh mục Auriemma, mẩu truyện sau đây được tường trần như một bài thơ diễm ảo. Một thiếu nữ dịu dàng, trinh trong và nõn nà như một nhành hoa rừng, phô hương sắc bên bờ suối trong mát, ngày ngày chăm sóc một bầy chiên hiền hậu. Nàng trìu mến Đức Trinh Nữ đến nỗi nàng cảm thấy chỉ có một diễm phúc ở thế trần, là lòng, trí và chân chỉ nhắm đến một nguyện đường nhỏ, khuất giữa đồi núi bao la trùng điệp.

Trong khi đoàn chiên gặm cỏ và nhởn nhơ chung quanh nàng, nàng lần hạt và cầu nguyện trước Bà Mẹ muôn vàn kính mến. Mẹ Maria được biểu trưng bằng một pho tượng tầm thường không được trang sức, điểm xuyết. Thấy vậy, cô gái nghèo, lòng se lại, băn khoăn… rồi lên thác xuống ghềnh, nàng tìm lá móc, chặt cây nứa về: cây khéo vót thành óng chuốt, lá sành phơi trở nên nõn nà, được chắp thành một áo tơi xinh xắn mang cho Mẹ. Đôi ba hôm nàng bay lượn qua rừng qua suối như một con bướm và đi tìm đủ thứ hoa ngào ngạt hương sắc đem về kết thành mũ triều thiên đôi cho Mẹ. Nàng kính cẩn bước lên bàn thờ và âu yếm thưa : « Mẹ, con muốn đội lên đầu Mẹ một mũ triều thiên óng ánh ngọc châu, nhưng con nghèo quá Mẹ ạ. Xin Mẹ vui nhận cài mũ bằng hoa hèn mọn này, nói lên lòng yêu mến thiết tha nồng hậu của con ».

Sau đó, cô gái ngã bệnh và sắp chết. Hai tu sĩ qua xứ nàng và nghỉ giải lao dưới một gốc cây. Một thầy ngủ một thầy thức, nhưng cả hai cùng có một thị kiến. Hai thầy chiêm ngưỡng một đoàn thiếu nữ đẹp như tiên. Giữa đám tố nữ đó nổi bật một hoa khôi uy nghi và lộng lẫy hơn cả.

Một thầy hỏi :

– Thưa hoa hậu, ngài là ai và đi đâu qua lối này ?

– Ta là Mẹ Thiên Chúa, bà đáp, các trinh nữ kia và ta đến làng gần đây để thăm viếng một cô gái chăn chiên nghèo sắp lìa trần. Vì  trước đây nàng thường đến chào kính Ta bằng Kinh Mân Côi.

Nói đoạn Bà biến mất. Hai nhà tu hành bảo nhau : « Nào chúng ta đến thăm cô mục tử ». Quý thầy vào làng và tìm thấy trong túp lều xơ xác người bần nữ hấp hối trên mấy nắm rơm. Nàng bảo : « Quý thầy hãy cầu nguyện Chúa để xem thấy Đấng đang đến phù trợ con ». Các tu sĩ quỳ xuống và thấy Mẹ Maria, tay cầm một mũ triều thiên cúi xuống ủy lạo cô gái sắp chết. Các trinh nữ khác xướng lên những ca khúc êm đềm, như mời hồn em ra khỏi xác, để Mẹ Maria đội mũ triều thiên cho em, và được nâng trên cánh nhạc du dương đến cõi vĩnh phúc muôn đời.

Lời nguyện 

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin giữ trong con một tâm hồn trẻ thơ tinh tuyền trong suốt như một dòng suối. Xin đem đến cho con, một tâm hồn đơn sơ, không mang vương chất chứa sầu muộn. Một tâm hồn cao đẹp để hiến dâng, luôn mở rộng cho cảm thông nhân ái. Một tâm hồn trung tín và quảng đại, không hay quên bất cứ việc thiện nào, không oán hờn dẫu mảy may sự ác …

Ý nghĩa 10 kinh Kính Mừng trong mỗi đoạn của chuỗi Mân Côi

Tại sao Đức Mẹ lại không dạy loài người chỉ đọc 5 hoặc 8 Kinh Kính Mừng sau mỗi ngắm mà lại phải đọc 10 Kinh? Sau 10 Kinh Kính Mừng liên tiếp, chúng ta lại suy đến mầu nhiệm, nó có ý nghĩa quan trọng nầy: 10 Kinh Kính Mừng này, mỗi Kinh tượng trưng cho một nhân đức của Đức Mẹ. Chúng ta đọc Kinh Mân Côi với ý nghĩa đã được trình bầy ở trên đây, chúng ta lại xin cho được những nhân đức của Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, hầu cho phần rỗi chúng ta nhờ đó mà được tăng phần tốt đẹp hơn, trước nhan thánh Chúa.

Thế nên, càng lần nhiều chuỗi Mân Côi bao nhiêu, chúng ta càng được Mẹ Thiên Chúa trang điểm cho chúng ta những nhân đức cao đẹp của Người nhiều bấy nhiêu. Cũng nhờ bởi những nhân đức ấy, chúng ta mới được tình yêu soi dẫn và tuôn đổ cho chúng ta nguồn ân sủng của Thiên Chúa.

Giai thoại : Một chiếc tàu tự rẽ sóng

Linh Mục Nguyễn Tri Ân, Dòng Đaminh, tác giả nhiều sách về Đức Mẹ Maria. Ngài lấy làm hân hạnh kể lại câu truyện cảm động sau đây, do một Cha chánh xứ nhờ ngài phổ biến. Cha xứ bảo đảm biến cố đích thực đã xảy ra cho con chiên ngài.

Tại Nam Định, có một gia đình chài lưới đạo đức. Một hôm, mấy cậu con ra khơi đánh cá. Bỗng một cơn dông tố kéo đến làm cho con thuyền của mấy cậu đứt dây chằng và phiêu bạt giữa ba đào hỗn loạn. Bồi hồi, khắc khoải trước cơn nguy biến có thể làm triệt nòi, người gia trưởng, miệng không ngớt đọc Kinh Kính Mừng chân nhảy lên chiếc bè, quyết đi tìm để góp công sức và kinh nghiệm. Rủi thay trận cuồng phong dai dẳng và hung ác làm phiêu  linh luôn chiếc bè giữa biển nước mênh mông. Tuy nhiên, miệng ông vẫn luôn luôn lâm râm: « …Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho con, cầu cho chúng con khi này, vâng khi này… »

Sau bốn ngày đêm vật lộn với gió loạn sóng cồn, quá đói rét và mỏi mệt, ông lả người, nằm sõng soài lên chiếc bè, mặc cho sóng gió cuốn trôi, nhưng miệng ông vẫn không mệt mỏi bập bẹ kinh Kính Mừng. Bỗng đâu ông thấy có người đến nhấc đỡ ông lên một chiếc tàu rất lớn, rồi được ân cần cấp cứu và bồi dưỡng trọng hậu. Khi ông được hồi phục, vị thuyền trưởng, người Công Giáo, đến chào mừng và cho ông biết :

« Đúng ra tàu không đi hướng này, nhưng không biết có sức nhiệm mầu nào thúc ép tàu rẽ sóng qua đây. Bây giờ sung sướng cứu nguy cho ông, tôi mới hiểu áp lực thiêng liêng đó. Chắc ông đã van vái một Đấng nào ? »

Câu chuyện đang dở dang thì một thủy thủ đến trình ông thuyền trưởng:

« Có một chiếc thuyền đang bềnh bồng trên mặt sóng ».

Lại một pha cấp cứu hào hứng nữa: thả xuồng nhỏ xuống bơi vớt mấy chàng thanh niên hốc hác và bải hoải đang vật lộn với ba đào. Khi các người lâm nạn đã lên hết trên chiếc tàu lớn, họ ngơ ngác nhìn nhau và sung sướng nhận ra… Một niềm vui, một niềm vui khôn tả ôm choàng cả mọi người, cả mấy ngư dân và cả mấy cha con đạo đức lại ca lên : « Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ ! »

Previous article7 loại nước ép giải quyết tốt 7 loại bệnh thường gặp trong cuộc sống
Next articleLịch Sử Ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn!