Một số hành động hay món ăn, thức uống nạp vào cơ thể vào thời điểm gần lúc đi khám bệnh, lấy máu hay nước tiểu có thể làm sai lệch kết quả kiểm tra, khiến bác sĩ đánh giá bệnh nặng hoặc nhẹ hơn thực tế.
Không nên uống cà phê hay bất kỳ món gì có caffeine trước khi kiểm tra huyết áp SHUTTERSTOCK
Không uống cà phê trước khi kiểm tra huyết áp
Mọi người không nên uống cà phê trước khi đến bác sĩ kiểm tra huyết áp.
Uống cà phê hay các loại tức uống có nhiều caffeine khác, chẳng hạn như nước tăng lực, trong vòng một giờ trước khi đo có thể khiến huyết áp tăng cao hơn mức thật, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ James Dewar Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (Mỹ).
Không ăn nhiều chất béo trước khi lấy máu
Để kết quả kiểm tra có thể chính xác nhất thì mọi người không nên ăn bất kỳ món gì có nhiều chất béo trước khi đi xét nghiệm máu, các chuyên gia khuyến cáo.
Ngoài ra, ăn một bữa quá thịnh soạn với khối lượng thực phẩm nhiều bất thường cũng có thể khiến kết quả xét nghiệm máu bị sai lệch, phó giáo sư y khoa Deepa Iyengar, tại Trường Y khoa McGovern (Mỹ) cho biết.
“Nếu việc xét nghiệm máu nhằm mục đích kiểm tra nồng độ cholesterol hoặc các loại chất béo khác trong máu thì tốt nhất là nên tránh mọi loại thực phẩm có nhiều calo trong vòng 8 đến 10 giờ trước khi thử nghiệm”, ông nói thêm.
Không uống thuốc
Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ thường muốn đánh giá chính xác các triệu chứng bệnh để có thể biết được tình hình sức khoẻ thực sự của bệnh nhân. Do đó, nếu có thể, đừng uống bất cứ loại thuốc nào có thể ảnh hưởng đến triệu chứng bệnh, bác sĩ Iyengar nói.
Một số loại thuốc khi uống vào có thể làm tăng huyết áp. Trong những tình huống này, bác sĩ không biết nguyên nhân tăng huyết áp là do bệnh lý hay tác động của thuốc. Nếu là bệnh cấp tính và buộc phải uống thuốc thì hãy cho bác sĩ biết, ông giải thích thêm.
Không uống rượu trước khi thử cholesterol
Không nên uống rượu trong vòng 24 giờ trước khi kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu.
Uống rượu có thể làm tăng mức chất béo trung tính, một trong 4 yếu tố dùng để đánh giá nồng độ cholesterol trong máu, trưởng khoa tim mạch Joon Sup Lee, tại Trường Y khoa Đại học Pittsburgh (Mỹ), nói.
Ngoài ra, người đi kiểm tra cholesterol trong máu cũng cần tránh đồ ngọt và các thực phẩm giàu chất béo khác. Vì tất cả chúng đều ảnh hưởng đến nồng độ chất béo trung tính, ông nói thêm.
Không để quá khát khi xét nghiệm nước tiểu
Với người muốn xét nghiệm nước tiểu thì các chuyên gia khuyến cáo là không để cơ thể quá khát vào thời điểm trước khi lấy mẫu nước tiểu. Nếu bạn tập thể dục trước đó không lâu thì hãy đảm bảo cơ thể được uống đủ nước.
“Tránh rơi vào tình trạng quá khát vì điều này có thể làm thay đổi đáng kể quá trình phân tích nước tiểu”, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ tiết niệu Benjamin Davies.
Nếu không có thói quen tập thể dục thường xuyên thì cũng tránh tập thể dục vào thời điểm gần với lúc lấy mẫu nước tiểu kiểm tra. Nguyên nhân là không quen với cường độ tập sẽ khiến cơ thể dễ mất nước, ông nói thêm.
Không ăn thức ăn màu đỏ trước khi soi ruột già
“Chúng tôi thường yêu cầu là không ăn thực phẩm có màu tím hoặc đỏ bởi vì chúng có thể che phủ lớp niêm mạc của ruột và từ đó ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra”, bác sĩ Randall Brand, tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, lưu ý.
Một điều có thể ít người nghĩ tới là các chất bổ sung sắt cũng gây tình trạng tương tự. “Chất bổ sung sắt có thể nhuộm đỏ thành ruột”, bác sĩ Brand nói thêm.
Nếu muốn soi ruột già, mọi người nên ngừng uống các thuốc bổ sung chất sắt trong khoảng 1 tuần. Các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ, có màu đỏ thì nên tránh ăn khoảng 3 ngày trước khi kiểm tra ruột già, các chuyên gia khuyến cáo.