Năm bài học của năm 2020
1/16/2021 8:34:02 AMVới Đức Ông Charles Pope của tổng giáo phận Washington (https://www.ncregister.com/blog/2020-vision), năm 2020 cho ta năm bài học quan trọng và bài học quan trọng nhất có lẽ là sự sợ hãi có tính cưỡng bức và việc tôn trọng quyền bính xuống dốc thê thảm.
Đức Ông cho hay năm 2020 bắt đầu với thật nhiều hy vọng và mong đợi lớn lao. Các giáo dân tham dự thánh lễ đầu năm nhận định rằng vì con số 20/20 nói lên một dự kiến hoàn hảo, nên chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta nhiều rõ ràng và viễn kiến lớn lao hơn.
Đức Ông cho hay: dù sức khỏe của ngài khá kém từ tháng Giêng tới giữa tháng hai, nhưng năm mới bắt đầu với thật nhiều hy vọng. Nền kinh tế lên cao, nạn thất nghiệp gần như không có, và diễn văn về Tình Trạng Liên Bang của Tổng Thống Trump tràn trề một niềm lạc quan khỏe khoắn. Cuộc diễn hành phò sự sống được lên sinh lực nhờ việc tham dự lần đầu tiên của một Tổng Thống đương nhiệm. Mặc dù có những tranh luận về di dân, bức tường biên giới, thông đồng với Nga, chủng tộc, tình dục (phong trào #MeToo) và không biết Tổng Thống là vị anh hùng hay tên ác qủy, Hoa Kỳ xem ra đang tiến về phía trước. Tình yêu tổ quốc dâng cao, ít nhất nơi những người Hoa Kỳ bảo thủ.
Tuy nhiên, ngay đầu tháng Giêng, đã có tường thuật về một chứng bệnh phổi kỳ lạ do virút gây ra ở Vũ Hán, Trung Hoa. Trường hợp Covid-19 thứ nhất đến Hoa Kỳ ngày 21 tháng Giêng. Ngày 31 tháng Giêng, cơ quan W.H.O. (Y Tế Thế Giới) công bố tình trạng khẩn trương về y tế công cộng và qua ngày 2 tháng hai, Tổng Thống Trump ra lệnh hạn chế đối với những người từ Trung Hoa tới Hoa Kỳ. Các tiên đoán tàn khốc về số tử vong ồ ạt được loan truyền suốt tháng hai (các tiên đoán sau đó đã được điều chỉnh). Qua ngày 13 tháng Ba, Tổng Thống Trump công bố tình trạng khẩn trương cả nước và ra lệnh cấm việc du hành từ phần lớn các nước Âu Châu.
Lệnh đóng cửa và “ở trong nhà” mau chóng được tuân theo ở nhiều tiểu bang. Nền kinh tế trước đây nở rộ là thế bỗng nhiên bị thắng lại gần như tê liệt với thật nhiều vụ đóng cửa các cơ sở kinh doanh, và nạn thất nghiệp dâng cao. Rồi, việc không ai có thể nghĩ tới đã diễn ra: các linh mục Công Giáo được lệnh ngưng các buổi phụng vụ công cộng. Một số Giám Mục ra lênh đóng cửa các nhà thờ, và một số thậm chí ngăn cấm ban các bí tích trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các mùa Chay và Phục Sinh chủ yếu hoàn toàn bị tước khỏi giáo dân. Người ta không thể tả nổi nỗi thất vọng bị mất hết thánh lễ. Năm mới vì thế khởi sự bằng một khởi đầu đầy thất vọng và ngày càng tệ hơn với những ngày tháng bất ổn sắc tộc và rồi cuộc bầu cử bị thách thức gay gắt.
Chúng ta cần nhớ bầu khí hoảng loạn trong các tuần lễ đầu tháng ba để khỏi quá nghiêm khắc trong các phán đoán đối với những người phải ra các quyết định khó khăn. Nhưng nếu 20/20 có nghĩa một viễn kiến hoàn hảo, thì chắc chắn chúng ta đã thấy mình có nhiều bài học khó khăn để học và mình đã làm nhiều điều sai lầm.
Theo Đức Ông Pope, chúng ta đã quá tin tưởng, phó thác trong tay các chuyên viên chuyên nghiệp, hy sinh nhiều quyền lợi và từ bỏ nhiều bổn phận và ơn phúc tôn giáo. Do đó, sau đây là 5 bài học đáng học:
Bài học 1: Sợ hãi có thể có tính cưỡng bức.
Một trong những quan sát đáng kinh ngạc nhất là sự hoảng loạn trên toàn thế giới đã khiến chúng ta tê liệt vì sợ hãi. Nỗi sợ hãi này có cường độ mạnh đến mức người ta không thể chỉ đơn giản gán nó cho những phương tiện nhân bản như những người theo chủ nghĩa hoàn cầu hoặc các phương tiện truyền thông; chắc chắn nó cũng có tính chất ma quỷ. Kinh thánh chứng thực điều này:
“Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Chúa Kitô đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2: 14-15).
Do đó, Kinh Thánh dạy rằng nỗi sợ chết có thể khiến chúng ta bị cột chặt trong cảnh nô lệ. Chưa bao giờ trước đây trong phần lớn cuộc đời của chúng ta, nỗi sợ bệnh và sợ chết lại hành hạ chúng ta như vậy. Cha mẹ, ông bà và những tổ tiên tương đối gần đây khác của chúng ta hàng ngày đã ra ngoài để đi vào một thế giới có những mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với COVID-19. Họ phải đối đầu với bệnh đậu mùa, bệnh lao, bệnh sốt bại liệt và những căn bệnh nguy hiểm chết người khác. Bất chấp như vậy, họ vẫn đi làm hàng ngày, nhiều người ở những khung cảnh nguy hiểm và / hoặc không lành mạnh như hầm mỏ, máy nghiền và sưởng máy. Họ không có thuốc kháng sinh hay nhiều loại thuốc khác như ngày nay. Tuy nhiên, họ vẫn đã đi ra ngoài.
Ngày nay, mức sợ hãi một loại vi-rút giết chết ít hơn một phần trăm nạn nhân dưới 65 tuổi thật khiến chúng ta kinh ngạc. Các tường thuật của truyền thông giải thích một phần về nó, nhưng vẫn có một cái gì đó bí ẩn và ma quỷ trong cường độ của nỗi sợ. Bởi vì nó, nhiều người quá sẵn lòng trao phó các quyền tự do cho bàn tay nặng nề của Nhà nước.
Viễn kiến 20/20 dành cho chúng ta ở đây là nỗi sợ hãi có thể buộc chúng ta phải chấp nhận các biện pháp khắc nghiệt và thậm chí hà khắc để làm cho mình cảm thấy an toàn. Chúng ta có thể lập luận không ngừng về những biện pháp phòng ngừa nào là cần thiết và trong thời gian bao lâu. Các biện pháp thận trọng có vị thế của chúng, nhưng chưa bao giờ trong lịch sử Hoa Kỳ lại có một cuộc cấm cửa kéo dài và nghiêm trọng như vậy. Chúng ta đã từng có đại dịch trong quá khứ, nhưng chúng ta chỉ cách ly những người bệnh và dễ bị tổn thương, chứ không phải những người khỏe khoắn và mạnh mẽ.
Khoảng 10 tháng áp dụng các biện pháp nghiêm khắc này, “ca bệnh” tiếp tục tăng lên; các cột gôn tiếp tục di chuyển, từ một sự “làm phẳng đường cong” mơ hồ để không vượt quá sức chứa của bệnh viện, tới việc giờ đây nhấn mạnh đến một thế giới không có COVID trước khi chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường. Thật là sốc đối với chúng ta khi chúng ta chấp nhận khá lâu các biện pháp khắc nghiệt này ở nơi từng được gọi là vùng đất của tự do và quê hương của những người dũng cảm. Nỗi sợ hãi kìm kẹp chúng ta một cách mạnh mẽ, và chúng ta tự hỏi, “Khi nào nó sẽ giảm bớt?”
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nhiều lần ra lệnh cho các tín hữu không được sợ hãi. Hãy lưu ý, Người ra lệnh điều này. Người không chỉ đơn thuần an ủi các tín hữu. Chúng ta không được sợ hãi vì Người đang ở gần để giải thoát chúng ta. Có lẽ nỗi sợ hãi đè bẹp này là kết quả của chủ nghĩa duy tục lan rộng và sự vắng bóng của Thiên Chúa trong trái tim và tâm trí của nhiều người. Dù nguyên nhân đầy đủ của nó là gì, nó đã khiến chúng ta dễ bị thao túng. Cuộc sống là điều quan trọng, nhưng tự do cũng quan trọng như thế. Như Franklin từng viết, “Những người từ bỏ quyền tự do thiết yếu để mua lấy một chút an toàn tạm bợ, không đáng được hưởng cả tự do lẫn an toàn”.
Bài học 2: Những điều khác và những người khác cũng quan trọng.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 có một mối bận tâm gần như độc chiếm đối với những người có thể bị bệnh nặng hoặc chết vì vi rút. Đức Ông Pope là một trong những người dễ mắc bệnh nghiêm trọng vì COVID-19 do suy yếu phổi kinh niên. Đúng, cuộc sống của Đức Ông Pope và cuộc sống của những người dễ bị tổn thương khác là điều quan trọng, nhưng cuộc sống của hàng triệu người đã bị tước đoạt sinh kế, học hành, thể thao, giải trí, vô số biến cố đời sống và nghi thức quá độ (rite of passage) cũng như khả năng an ủi bạn bè và người thân trong những ngày cuối cùng của họ cũng quan trọng đâu kém!
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đã mất tất cả những gì họ đã làm việc cả đời để có được. Chúng ta hoàn toàn sẵn lòng thấy những chi phí kinh tế và xã hội to lớn mà những người khác phải gánh chịu, đặc biệt là những người lao động có mức lương thấp hơn, những người không thể quét sàn nhà hoặc lắp ráp các sản phẩm theo phương thức “ảo”.
Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy: trầm cảm, nghiện ngập, căng thẳng gia đình và tự tử tất cả đều đã gia tăng. Chúng ta coi sự đau khổ của họ ra sao? Các con số không hơn 300.000+ người chết (từ / với COVID-19). Nhưng rõ ràng, hàng chục triệu người Mỹ đã thấy cuộc sống của họ bị hạn chế một cách đáng kể và thường có tính tàn phá. Đức Ông Pope cho rằng ngài chỉ có thể nói cho bản thân mình, nhưng như một trong những người “dễ bị tổn thương” ( đã trải qua hơn 11 ngày trong Phòng Chăm Sóc Tăng Cường (ICU) vì COVID-19), ngài có thể nói ngài chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình và không hề yêu cầu được bảo vệ mà gây tổn hại về xã hội và bản thân cho các đồng bào Mỹ của ngài.
Làm thế nào chúng ta cân bằng được mọi quyền lợi ngược nhau này? Trước đây, chúng ta đã cách ly các người bệnh và dễ bị tổn thương. Nhưng trước đây, chưa bao giờ chúng ta đóng cửa toàn bộ quốc gia để bảo vệ một số người nhỏ hơn nhiều. Sự cân bằng quả đã bị lật nhào; chỉ đơn giản buộc những người nêu ra điều này tội không quan tâm đến người chết là điều không xây dựng và cũng không đúng. Mọi sinh mạng đều quan trọng và phải xem xét mọi hiệu quả đối với mọi người trong thời gian đại dịch này. Chúng ta cần một viễn kiến 20/20 tốt hơn.
Bài học 3: Khả năng bất đồng đang nhanh chóng biến mất.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất liên quan đến hiệu quả lan rộng của nó là việc đàn áp các quan điểm thay thế các quan điểm của Nhà nước và tường thuật của truyền thông. Viễn kiến 20/20 của chúng ta đã cung cấp cho chúng ta bằng chứng rõ ràng rằng tự do ngôn luận đang chết dần ở đất nước chúng ta. Điều này đã được ghi nhận rộng rãi trong khuôn viên đại học, nhưng gần đây hơn, chúng ta thấy nó trên các diễn đàn truyền thông xã hội rộng lớn vốn ngăn cấm hoặc đàn áp những tiếng nói không phù hợp với tường thuật của các phương tiện truyền thông chính dòng.
Việc đăng bất cứ thông tin nào liên quan đến COVID mà không nhất trí với những gì được khẳng định bởi các chuyên gia truyền thông có thể khiến tài khoản của người đăng bị chặn đứng hoặc ít nhất bị cảnh cáo. Một gợi ý dù hiển nhiên cho rằng bạo loạn, đốt phá và cướp bóc không phải là những phản ứng tốt hoặc thích đáng đối với sự bất công chủng tộc, có thể dẫn người ta đến những biện pháp tương tự. Các phương tiện truyền thông, cùng với các diễn đàn truyền thông xã hội, thực thi những quyền lực lớn lao trong những gì họ tường trình hoặc không tường trình và những bài đăng nào họ cho phép hoặc chủ động ngăn chặn.
Hiện tượng ngày càng đàn áp việc viết và nói không phù hợp với một trình thuật đặc thù thực sự là một xu hướng đáng lo ngại. Cuộc tranh luận sôi nổi về các ý tưởng vốn là dấu ấn đặc biệt của khung cảnh Hoa Kỳ. Tự do ngôn luận từng là một trụ cột của chủ nghĩa tự do, nhưng điều này đã bị thay đổi hoàn toàn. Những quan điểm bất đồng giờ đây bị cánh tả coi không những “sai trái” mà còn nguy hiểm nữa, cần phải đàn áp để chúng không “làm tổn thương” người khác. Ngày càng có nhiều quan điểm bị dán nhãn hiệu là thù hận, “kỳ thị”, “bạo lực” hoặc bất khoan dung. Thật không may, xu hướng này dường như chỉ mỗi ngày trở nên tồi tệ hơn. Với viễn kiến 20/20, vấn đề này đã trở nên rõ ràng một cách đáng ngỡ ngàng.
Bài học 4: Những người đặt câu hỏi bị coi là ma quỉ.
Luôn có cơn cám dỗ muốn loại bỏ đối thủ của mình chỉ dựa trên các điều kiện bản thân thay vì thông qua các lý lẽ luận lý. Nhiều người nhanh chóng gắn nhãn cho một ai đó là người tin tưởng mù quáng, phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bài đồng tính luyến ái hoặc cuồng tín tôn giáo nếu người đó có quan điểm khác.
Về COVID-19, một số người đã đặt câu hỏi không biết con số những người đã chết có chính xác không; những người khác hỏi về tỷ lệ tử vong thấp ở những người dưới 65 tuổi; lại có những người khác đặt câu hỏi liệu việc “chữa” bằng cách đóng cửa có tệ hơn chính căn bệnh hay không. Những người hỏi như vậy thường bị bác bỏ một cách đơn giản, bị coi như khinh suất hoặc vô tâm, không quan tâm rằng hơn 300.000 người đã chết. Họ bị khinh miệt, bị coi là ích kỷ và không quan tâm đến phúc lợi của người lân cận. Cũng có những phản ứng ngược lại, trong đó những người ủng hộ các mệnh lệnh và đóng cửa được mô tả như những con cừu bị tẩy não hoặc những kẻ rao bán sợ hãi.
Xung đột chủng tộc ở đất nước chúng ta trong năm 2020 cũng có những thông số tương tự. Một bên bị biếm họa như những người tràn đầy chủ nghĩa thượng tôn da trắng kỳ thị chủng tộc, phạm tội sử dụng đặc quyền của người da trắng để trục lợi từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống. Bên kia bị phỉ báng là bị ám ảnh bởi tư cách nạn nhân vĩnh viễn.
Ở đâu đó chúng ta đã đánh mất khả năng tranh luận thực sự. Chủ nghĩa duy tương đối và chủ nghĩa duy chủ quan đã biến mọi sự trở thành bản thân; sự thật khách quan bị bác bỏ như không hề hiện hữu. Năm 2020 đã đưa vấn đề này trở thành trọng điểm 20/20 rõ ràng hơn.
Bài học 5: Sự tôn trọng quyền bính đang xuống dốc thê thảm.
Trong năm 2020, chính phủ, các nhà báo và các nhà khoa học đều đã mất uy tín ở một mức độ đáng kể đối với người Mỹ. Các cuộc tấn công không ngừng vào tổng thống đương nhiệm từ các phương tiện truyền thông và giọng điệu của các cuộc họp báo đã cho thấy một cách rõ ràng 20/20 sự thiên vị nặng nề trong hầu hết các bài tường thuật của truyền thông. Đây vốn là một xu hướng đã lâu, nhưng trong vài năm qua, tất cả sự giả vờ công bằng hoặc cam kết cho thấy mọi sự kiện đã bị gạt sang một bên.
Việc chính trị hóa mọi sự, từ khoa học đến thể thao, không những chia rẽ chúng ta hơn nữa mà còn khiến mọi người hoài nghi về mọi sự họ đọc hoặc nghe. Các chuyên gia khoa học rât dễ dàng cấu kết với nhau để công bố sự kiện hơn là khám phá ra chúng. Những lời kêu gọi “tuân theo khoa học” đã vấp phải sự chế nhạo cân xứng của nhiều người Mỹ, những người từ lâu vốn nhận ra rằng khoa học đã trở nên chính trị hóa cao độ và chỉ được tuân theo khi nó phục vụ những quan điểm mong muốn. Đó là một điều đáng buồn – khoa học cần phải kiên vững quan tâm đến các sự kiện và dữ kiện, bất chấp chúng dẫn đến đâu. Ngày nay điều này hiếm khi xảy ra, ít nhất trong thế giới truyền thông chuyên đưa tin về khoa học.
Tất cả những điều trên có xu hướng phá hoại việc tôn trọng mà người Mỹ trước đây vốn có đối với khoa học, chính phủ và báo chí. Thêm vào đó là sự kiện này: nhiều người không tin vào kết quả được báo cáo của cuộc bầu cử tháng 11. Có một sự hoài nghi rộng rãi rằng mọi sự đều được định hướng theo nghị trình, và điều này đã thay thế lòng tôn trọng và tin tưởng đối với các nhà lãnh đạo mọi loại.
Điều đó cũng có hại cho nền văn hóa của chúng ta và đã dẫn đến tình trạng nhiều người sống trong những buồng dội âm trong đó mọi người ở phía chúng ta đều cùng có một ý nghĩ duy nhất và chúng ta đều cho rằng phía bên kia đang nói dối chúng ta. Chúng ta biết tin ai đây? Ngay trong Giáo Hội, người Công Giáo cũng mất niềm tin ở hàng giáo sĩ, coi các ngài không thành thật chia sẻ sự thật với họ.
Vũ Văn An