CẦU NGUYỆN
Ai sống trong những ngày kinh hoàng của Thế Chiến II có thể nhớ đến một bài thơ có tên là “Hoán Cải”.
Các minh tinh màn bạc thường trích dẫn bài thơ ấy trong những cuộc biểu tình nói lên sự đoàn kết. Các chính trị gia đề cập đến bài thơ ấy. Các đài phát thanh đọc bài thơ ấy.
Sau khi bài thơ được đọc trên một đài phát thanh, ban giám đốc đã phải thuê thêm nhân viên để thoả đáp thỉnh cầu của hàng ngàn thính giả muốn có một bản sao.
Trong các khu rừng ở Nam Thái Bình Dương, bài thơ ấy được thấy ghim trên một thân cây. Ở Anh, một bản chép tay bài thơ ấy được tìm thấy trong túi của người pháo thủ bị thương nặng, được lôi ra từ chiếc phi cơ tan nát.
Vào ngày quan trọng nhất của Thế Chiến II (D-Day), một tuyên uý tìm thấy bài thơ ấy được nắm chặt trong tay các binh lính tử trận ở bờ biển Normandy.
Một bình luận gia nói về bài thơ này như sau:
Bài thơ này hấp dẫn vì nó đơn sơ diễn tả một sự thật lớn lao về tâm linh trong một phương cách mà dân chúng thời ấy có thể thông hiểu được.
Nếu chúng ta không tự đưa mình trở về một thời đại kém hiện đại hơn thời bây giờ–khi hàng ngàn người lính tử trận hằng ngày–chúng ta sẽ thấy khó để cảm kích giá trị hay thông hiểu được.
Bài thơ được bà Frances Angermayer ở Kansas City sáng tác vào mờ sáng hôm 3 tháng Sáu, 1943.
Đó là một đêm nóng bức và bà không ngủ được. Bà nghĩ về người em trai của mình đang trong quân ngũ.
Sau đó bà nghĩ đến hàng ngàn thanh niên nam nữ khác sẽ phải ra chiến tuyến đêm hôm ấy và, có lẽ, họ không bao giờ trở về.
Bà tự hỏi không biết một người lính sẽ nói gì với Thiên Chúa trước khi ra trận nếu trước đây họ chưa bao giờ cầu nguyện.
Bà bước ra khỏi giường và viết bài thơ “Hoán Cải.” Bà không ngờ rằng bài thơ ấy đã đánh động hàng triệu con tim.
Bài thơ viết:
Chúa ơi, con chưa bao giờ nói chuyện với Chúa… Chúa thấy đó, họ nói là không có Chúa–và như một người điên–con tin ngay như vậy.
Đêm qua từ hầm trú ẩn, con nhìn lên bầu trời của Chúa–ngay tức khắc con hiểu là họ đã nói dối.
Thật buồn cười–con phải đến chỗ khủng khiếp như hỏa ngục này trước khi con có thời giờ để nhìn thấy Dung Nhan Chúa… Nhưng, Chúa ơi, con thực sự vui mừng vì gặp Chúa hôm nay…
Hỏa châu kìa!–Thôi, con phải đi đây Chúa ơi… Có thể đó là một cuộc chiến khủng khiếp–đâu có ai biết được–có lẽ con sẽ đến Nhà Chúa đêm nay–tuy trước đây con không phải là một người bạn của Chúa. Con tự hỏi–không biết Chúa có đợi con ở cửa–Kìa–con đang khóc! Con mà khóc sao! Con ao ước phải chi đã biết Chúa nhiều năm trước… Thật lạ lùng–từ khi gặp Chúa–con lại không sợ chết.
Bài thơ đó đã được viết cách đây 60 năm. Nhưng ý nghĩa của bài thơ và câu chuyện đằng sau đó vẫn có liên quan đến hôm nay như mới được viết tối hôm qua.
Đó chính là ý nghĩa trong các bài đọc hôm nay, nhất là bài Phúc Âm.
Trong mọi cuộc sống, có những lúc chúng ta thấy mình rơi vào hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của chúng ta hoặc không thể đối phó được.
Không phải những cơn bão ở biển cả với gió to và sóng cả, nhưng vẫn là cơn bão.
Tỉ như, nó có thể là cơn bão tâm linh đe dọa sẽ thổi bay đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa.
Nó có thể là cơn bão tình cảm đe dọa sẽ tiêu hủy hôn nhân của chúng ta hay một tương giao quan trọng với người mà chúng ta yêu mến và chăm sóc cách sâu đậm.
Hoặc có thể là một cơn bão tâm lý–một sự hiểu lầm khó để đối phó.
Các cơn bão đời sống có thể bùng lên và có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng, đưa chúng ta ra xa khỏi Thiên Chúa và kết thúc bằng cái chết tinh thần.
Hoặc chúng có thể đưa chúng ta về gần với Thiên Chúa, là nguồn mạch sự sống tinh thần.
Sự khác biệt giữa cơn bão đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa và cơn bão đẩy chúng ta ra xa khỏi Người là điều mà bà Frances Angermayer đã làm–và các tông đồ đã làm. Họ đã cầu nguyện. Nhưng không phải là bất cứ sự cầu nguyện nào. Chính là loại cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ.
Đó là loại cầu nguyện giúp chúng ta hoàn toàn tín thác vào Chúa.
Đó là loại cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu khi Người nói với Chúa Cha, “Không phải ý con… nhưng ý cha sẽ được thể hiện.” Luca 22:42
Đó là loại cầu nguyện mà hoàn toàn tin tưởng rằng Thiên Chúa biết điều gì tốt nhất cho chúng ta.
Đó là loại cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã có trong đầu khi Người nói với các môn đệ, “Hãy xin, và các con sẽ nhận được.” Mt 7:7
Nhiều người trong chúng ta không nhận được theo kiểu cách chúng ta xin hoặc mong đợi. Nhưng lời cầu của chúng ta sẽ được trả lời–trong một phương cách thích hợp với sự khôn ngoan không cùng và tình yêu không cùng.
Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Isaia 40:31)
Ta dẫn người mù tối qua những lối chưa tường, trên nẻo đường mới lạ, sẽ dìu họ bước đi.
Ta biến đổi bóng tối thành ánh sáng soi họ, và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng.
Những điều ấy, Ta sẽ thực hiện, không bỏ sót điều nào. (Isaia 42:16)