THÀNH THẬT VỚI CHÍNH MÌNH

98

 

Trang Tin Mừng hôm nay gợi ý để ta suy nghĩ về điều mà chúng ta có thể gọi là sự thành thật của người Kitô. Thành thật với chính mình, thành thật với kẻ khác và thành thật với Thiên Chúa.

Con người thành thật là con người nhìn nhận thực thể của mình và cảm nhận thực thể đó một cách trung thực. Thành thật trước tiên không có nghĩa là nói thẳng ra điều mình nghĩ hay điều mình cảm nhận. Nói thẳng điều mình nghĩ, điều mình cảm nhận được không đủ để sống thành đạt. Trước hết, yếu tố quan trọng phải là chân thành nhìn nhận thực thể mình, nhìn nhận chính điều mình nghĩ về mình, và khi ta nhận thực thể mình và ý thức những giới hạn của nó, ta sẽ không còn hứng thú để xét đoán kẻ khác.

Người thành thật ý tứ để đừng lừa gạt chính mình và cũng không lừa gạt kẻ khác. Người thành thật không thích người giả hình, không thích mánh mung, nói láo. Đây không phải là điều dễ, cần phải kiên trì quan sát mình, phải xét mình hằng ngày dựa theo lời Chúa và trong sự khiêm tốn vâng phục ơn soi sáng nội tâm của Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta cần dâng lên Chúa hằng ngày phải là: “Lạy Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa xin thương xót con vì con là kẻ có tội.

Lời cầu nguyện của ông biệt phái trước hết là một lời tạ ơn, cùng với những thói hư tật xấu mà ông không hề phạm, và những việc đạo đức ông thường làm. Chẳng những ông đã làm các việc đạo đức do luật buộc, như ăn chay mỗi năm vào dịp lễ xá tội, nộp 1/10 lợi tức cho đền thờ, mà hơn thế nữa, ông còn tự nguyện làm những việc đó ở một mức độ cao. Chúng ta không thấy ông xin gì cho bản thân, mà chỉ luôn tạ ơn. Điều đáng tiếc là lời cầu nguyện của ông đầy vẻ tự hào, tự mãn và khinh bỉ tha nhân. Chính vì thế mà chúng ta có thể nghi ngờ về tâm tình tạ ơn của ông, bởi vì tâm tình tạ ơn thực sự bao giời cũng gắn liền với sự khiêm tốn.

Người biệt phái cầu nguyện đứng thẳng, chi tiết này nói lên tinh thần tự kiêu, ỉ lại trước nhan Thiên Chúa, và nội dung lời cầu nguyện của ông chỉ là những lời khoe khoang với Chúa và gây chia rẽ: “Con không phải như người thu thuế, tôi lỗi kia, con không giống như những kẻ khác: tham lam, bất công, ngoại tình…” Đó là những lời kết tội anh em, lỗi đức ái, không có chút gì tích cực xây dựng cộng đoàn và tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngược lại, người thu thuế đã ý thức được thân phận tội lỗi của mình, nên khiêm tốn cúi mình xin Chúa thương xót, hướng dẫn mình trở về với tình thương của Chúa, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm.

Người Pharisêu đến đền thánh, không phải để cầu nguyện nhưng để khoe khoang, để cho Chúa biết ông ta tốt chừng nào, để cổ võ chính hình ảnh của ông. Lời cầu nguyện của ông đầy những chữ “tôi”, “tôi” và “tôi”. Đó là “tự kỷ trung tâm” (tự cho mình là trung tâm điểm của vũ trụ), thay vì đặt để Thiên Chúa làm trung tâm điểm.

Người biệt phái rất tự phụ, vênh vang phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: “Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không như tên thu thuế kia!”

Rồi ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Lời cầu nguyện của người Pharisêu nhằm đề cao “cái tôi”, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế nhắm đến “Thiên Chúa”. Người Pharisêu nói: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình…” (Lc 18, 11). “Tôi!” Còn người thu thuế chỉ nói: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18, 13). “Chúa!”

Trong khi đó, anh thu thuế lên đền thờ để thú tội. Anh ý thức mình là kẻ tội lỗi. Anh đặt mình trước tôn nhan Chúa một cách trung thực và khẩn khoản nài xin: Lạy Chúa, xin thương xót con vì con chỉ là kẻ tội lỗi. Điều anh khao khát là được Chúa tha thứ và được hoà giải với anh em. Anh chỉ dám đứng xa xa vì thấy mình bất xứng.

Người thu thuế, dẫu không cầu nguyện dài lời cũng cho thấy ông là người đã tới mức tin vào Thiên Chúa và phó thác hoàn toàn cho Ngài. Bởi thấy mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, nên ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa; bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp, nên con người ông nếu có cái gì phải tiến dâng thì đó chính là cuộc đời tội lụy của tấm lòng tan nát khiêm cung cúi đầu đấm ngực xin ơn tha thứ. Và bởi thấy mình chỉ đáng tội nên Thiên Chúa lại thấy ông chỉ đáng thương, nên bằng tình thương, Ngài đã ban ơn cho ông theo như ông tin vào Ngài.

Người thu thuế vốn biết thân biết phận tội lỗi của mình nên chỉ đứng ở đằng xa, thậm chí không dám ngước mặt lên, chỉ biết đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Anh nầy đến với Chúa như một chiếc bình trống rỗng, nghĩa là với lòng thống hối khiêm cung và khao khát được Chúa tuôn đổ ơn tha thứ nên anh đã được Thiên Chúa thứ tha.

Rõ ràng là tình thương Thiên Chúa ban cho con người như nước chảy về chỗ trũng, chỉ khi gặp tâm hồn khiêm tốn khai hoang, tình thương ấy mới có thể đổ vào tràn đầy chan chứa. Hay nói cách khác, tình thương Thiên Chúa là một “tình cho không biếu không”, nhưng chỉ những ai đã gạt bỏ ảo tưởng về mình để nhìn nhận mình là không, người ấy mới có thể nhận được tình thương của Thiên Chúa.

Từ hai hình ảnh trên chúng ta thấy: Ông biệt phái đi gặp Chúa vì ông cảm thấy mình có thế giá nhiều hơn những người khác. Ông đã sống một đời sống đạo đức và nghiệm nhặt. Ông đi gặp Chúa với một kho tàng công nghiệp to lớn của riêng ông. Thế nhưng cái kho tàng đó quá lớn đến độ đã ngăn cách ông với Chúa, nó không cho ông thấy được Ngài nữa, mà chỉ còn thấy có chính mình ông. Có quá nhiều chữ tôi trong lời cầu nguyện của ông: Tôi thế này, tôi thế nọ, tôi không như người này người khác… Rốt cuộc, ông lại là người quay vào mình, khép lại trên chính mình, mặc dù môi miệng ông đã kêu lên: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa.

Dụ ngôn ngày hôm nay cũng như nhiều dụ ngôn khác mà thánh Luca ghi lại cho thấy rằng: Đức Giêsu luôn đứng về phía những người tội lỗi để bênh vực, giúp đỡ họ và Ngài luôn lên án những người biệt phái. Thế nhưng chúng ta hãy coi chừng có thể mình sẽ kết án người biệt phái ở những khía cạnh không chính đáng. Thực vậy, khi so sánh người biệt phái: đứng, còn người thu thuế: quì gối khi họ cầu nguyện mà có người cho đó là kiêu ngạo và khiêm nhường. Thực ra đứng khi cầu nguyện là một thái độ rất thường làm của người Do thái. Người khác nữa khi nghe lời cầu nguyện của người biệt phái chỉ thấy anh ta cảm tạ, tri ân mà không van xin gì thì cho đó là kiêu ngạo. Chúng ta phải công nhận đó là lời cầu nguyện hết sức tuyệt hảo. Cầu nguyện không chỉ để xin mà còn để tạ ơn nữa. Vậy, Đức Giêsu không căn cứ vào bên ngoài để kết án anh biệt phái.

Điều Thiên Chúa cần nơi con người là lòng thống hối để được Người làm cho nên công chính. Việc tuân giữ lề luật không làm cho con người nên công chính khi không nhận biết Đấng Công Chính và nhận sự thánh hoá từ nơi Người. Không dừng lại ở lề luật và cho mình là công chính vì đã tuân giữ chúng.

Previous articleTHIÊN CHÚA NHẪN NẠI
Next articleĐức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người cao niên