Tứ Đại Phú Hộ Sài Gòn: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa

115

Tứ Đại Phú Hộ Sài Gòn: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa

Tứ đại gia này giàu có thể nói không chỉ giàu nhất Sài Gòn mà còn thuộc vào hàng giàu nhất Đông Dương trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

“Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa – tứ đại phú hộ
Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được”

Nhất Sỹ

Nhân vật này chính là ông ngoại của Hoàng hậu cuối cùng của đất An Nam –  Nam Phương hoàng hậu. Ông xuất thân trong một gia đình công giáo tại Sài Gòn và là con chiên ngoan đạo, chính vì vậy khi ở tuổi thiếu thời ông Lê Nhứt Sỹ (1841 – 1900) được các tu sĩ người Pháp đưa sang Malaysia để học tập và sau này khi về lại quê hương, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên thật trùng với một người thầy trong tu viện.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 1.

Tượng điêu khắc ông Huyện Sỹ tại Giáo xứ Chợ Đũi

Có học vấn cao và biết nhiều ngôn ngữ, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn rồi tiếp sau đó là Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Dân chúng gọi ông là Huyện Sỹ bởi tên họ chỉ thay trên giấy tờ, còn xưng hô ngoài đời thì người quen vẫn quen gọi bằng tên cũ.

Có nhiều giai thoại về sự giàu có của ông Huyện Sỹ, người thì bảo rằng do ngôi nhà gốc của Huyện Sỹ ở đất Tân An (Long An) được xây trên đất hàm rồng nên phong thủy tốt, đường tài danh cả dòng họ phất lên. Nhưng theo một số tài liệu ghi lại thì Huyện Sỹ giàu lên là do may mắn “trúng đất”.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 2.
Giáo Xứ Chợ Đũi, Quận 1
Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, dân di tản tứ phương, ruộng không nhà trống đầy rẫy. Thế nhưng, chính quyền khi ấy bắt ép ông phải mua ruộng đất, bất đắc dĩ ông chạy vạy khắp nơi để mua đất tứ phương. Nhưng số trời đã định, ông Huyện Sỹ phải giàu, đất ông mua liên tiếp trúng mùa, lúa thóc bạt ngàn khiến ông phất lên không tưởng.
Ông Huyện Sỹ dùng sự giàu có của mình để xây dựng các công trình tôn giáo vì nhờ đạo mà ông được đi học và có nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời. Quy mô nhất phải kể đến là Nhà thờ Huyện Sỹ – hay còn biết đến tên Giáo xứ chợ Đũi, công trình kiến trúc quy mô nhất tốn hơn 1/7 gia sản của ông.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 4.

Nơi an nghỉ của Huyện Sỹ và vợ tại Giáo Xứ Chợ Đũi, Quận 1

Về phần đất đai rộng lớn, để dễ hình dung hãy thử chạy xe từ Nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1) đến nhà thờ Chí Hòa (quận 10) rồi nhà thờ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), bạn sẽ thấy sự trải dài đất đai của phú hộ giàu nhất Nam Kỳ thời bấy giờ này. Tất cả các nhà thờ đều được xây dựng trên đất của ông.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 5.

Nơi an nghỉ của Huyện Sỹ và vợ tại Giáo Xứ Chợ Đũi, Quận 1

Huyện Sỹ qua đời năm 1900 còn vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất sau đó 20 năm. Thi thể 2 người được chôn ở gian sau cung thánh nhà thờ Huyện Sỹ. Tại đây, 2 bên là 2 tượng bán thân của 2 ông bà, bằng thạch cao. Ở giữa là 2 phần mộ bằng đá cẩm thạch, bên trên mộ là 2 bức tượng toàn thân của 2 ông bà, cũng đều bằng đá cẩm thạch với hoa văn tinh xảo. Đây có thể xem là ngôi mộ đẹp nhất và còn bảo toàn trọn vẹn nhất trong các ngôi mộ của tứ đại phú hào.

Nhì Phương

Nhì Phương là tên gọi của Đỗ Hữu Phương (1841 – 1914), con trai đại địa chủ Nam Kỳ thời bấy giờ là Bá Hộ Khiêm. Ông Đỗ Hữu Phương thuộc vận mệnh sinh ra đã ngậm thìa vàng, cuộc sống nhung lụa giàu sang và địa vị khủng hiếm địa chủ nào cùng thời có được.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 6.

Hình ông Tổng đốc Phương in trên con tem Đông Dương

Không những gia sản ruộng vườn rộng lớn, bá hộ Khiêm – cha ông Phương là một trong những người thức thời, khi biết làm ăn buôn bán với người ngoại quốc từ sớm.. Chính lẽ đó, tài sản gia đình ông Phương ngày một tăng lên, người ta còn nói vui rằng, của cải nhà ông có khi đếm cả đời chẳng hết.

Bá hộ Khiêm dạy con khá nghiêm khắc, ông Phương được cha cho học tiếng Hán từ nhỏ, sau này biết thêm cả tiếng Pháp và là một thanh niên có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức văn hóa, chứ không phải chỉ biết tiêu tiền như những công tử con nhà bá hộ khác. Sau khi cha mình qua đời, ông Phương được thừa hưởng khối tài sản khổng lồ và cũng từ đó người ta gọi ông bằng cái tên Bá hộ Phương.

Năm 1861, Sài Gòn – Chợ Lớn được chia làm 20 hộ, ông Phương qua lời giới thiệu của cai tổng Đỗ Kiến Phước, được người Pháp trọng dụng cho làm hộ trưởng, rồi từ đó ngày càng thăng tiến với nhiều chức vụ khác nhau. Ông gia nhập quốc tịch Pháp năm 1881, đưa các con sang Pháp du học. Gia đình ông có 8 người con, 5 trai 3 gái.

Tam Xường

Tam Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842-1896), tên tự là Phước Trai. Được biết đến là một người giàu có, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường – Lý Tường Quan được ghi chép lại rất ít. Theo đó, Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa Kiều trung thành với nhà Minh) chống lại nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam .

Lý Tường Quan trở thành thông ngôn cho Pháp nhờ thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, và được tin tưởng, trọng dụng. Tuy nhiên, trong lòng ông luôn muốn trở thành người có dấu ấn đậm nét hơn việc chỉ làm một viên thông ngôn quen, chính vì vậy ông đã tham dự thương trường, tập tành buôn bán kinh doanh.
Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 7.

Căn nhà thờ của Lý Tường Quan hiện tại ở Quận 5

Lý Tường Quan chọn buôn bán lương thực, thực phẩm cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Bằng sự khéo léo cùng với huyết quản vốn nhạy cảm với thương trường, chẳng mấy chốc ông phất lên trông thấy. Bên cạnh đó, ông còn biết cách đi cửa sau, lấy lòng quan Tây, quan ta nên việc làm ăn cứ xuôi chèo mát mái. Do Tường Quan còn có tên khác là Xường, lại rất giàu có, nên người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường.

Bá hộ Xường bắt đầu mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán, càng ngày càng trở nên giàu có. Dinh thự của Bá hộ Xường rất bề thế, ngày nay tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Không giỏi dạy con như Bá hộ Khiêm, thành thử khi ông qua đời vào năm 1896, tất cả sản nghiệp cả đời ông gầy dựng chẳng mấy chốc tiêu tan do con cháu ăn xài phung phí.

Tứ Hỏa

Một trong những cái tên được người dân biết nhiều nhất chính là Hứa Bổn Hỏa, hay còn gọi là Chú Hỏa. Tên tiếng nước ngoài của ông là Hui Bon Hoa (1845 – 1901), chú Hỏa là người gốc Hoa và cũng theo đạo Công Giáo giống Huyện Sỹ – Lê Phát Đạt.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 8.

Tượng Chú Hỏa

Chú Hỏa nổi tiếng bởi các công trình kiến trúc mà ông xây dựng cùng giai thoại về người con gái chết trẻ của mình (chuyện này là sự đồn thổi dân gian không rõ thực hư). Một trong các dinh thự lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ chính là tòa nhà có 99 cánh cửa nay là Bảo tàng Mỹ Thuật Hồ Chí Minh ngụ trên đường Phó Đức Chính, và khách sạn có vị trí đẹp bậc nhất Sài Gòn – Majestic.

Không có nhiều tài liệu ghi chép về Hứa Bổn Hỏa, chính vì thế có khá nhiều lời đồn đoán về sự giàu có của ông. Nổi tiếng hơn cả là giai thoại chú Hỏa vốn dĩ chỉ là anh “đồng nát”, trong một lần đi nhặt nhạnh, may mắn tìm ra túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ và dùng số vàng đó làm ăn rồi giàu lên nhanh chóng. Các phiên bản khác của giai thoại này thay túi vằng bằng bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng, hoặc những thứ đồ cực kỳ quý hiếm trong những món đồ vứt đi. Và giai thoại vẫn mãi là giai thoại, chuyện vì sao chú Hỏa giàu đến vậy, hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 9.

Căn biệt thự 99 cánh cửa nổi tiếng với giai thoại “con ma nhà họ Hứa”

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 10..

Bảo sanh viện Đông Dương – Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ)

Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa - tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được - Ảnh 11.

Khách sạn Majestic đắc địa Sài Gòn

Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây, được chôn cất tại Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến. Chú Hỏa có tổng cộng 3 người con trai và họ đều là những nhân vật kiệt xuất, xây dựng và phát triển sự nghiệp sau khi cha hạ thế, cũng như giữ gìn sản nghiệp còn nguyên vẹn đến không ngờ. Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa đã dần dần chuyển sang các nước khác: Pháp, Mỹ… Trước ngày 30-4-1975, tất cả thành viên của dòng họ Hứa Bổn Hỏa đã rời Việt Nam .

Chú Hỏa và gia tộc là những người có tấm lòng bác ái, khi tự bỏ tiền xây dựng khá nhiều các công trình công cộng để phục vụ nhân dân như: Bảo sanh viện Đông Dương – Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ), Thành Chí học hiệu (nay là trường THCS Minh Đức – Q1), Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (đối diện chợ Bến Thành)…

(Tổng hợp)

Previous articleCác Linh Hồn Luyện Ngục Chịu Thanh Tẩy Thời Gian Bao Lâu?
Next articleNghi thức về TANG LỄ của người Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn