Dạy con như thể ngày mai mẹ không còn nữa…

79

Cách đây gần 15 năm, trong một chuyến đi công tác, anh cùng đoàn kể, anh hay bảo con rằng: “Bố nói cho con biết, bố đi ra ngoài đường, có thể bị xe kẹt chết bất cứ lúc nào. Mẹ thì có thể bất cứ lúc nào cũng có thể đi lấy chồng. Vì thế, hãy sống tự lập đi!” Nghe xong, mọi người ai cũng cười vì nghĩ rằng: ông này dạy con gì mà phũ thế, gở mồm, gở miệng. Mất rất nhiều năm sau, mình mới thấy được sự có lý của anh ý…

Năm mình 30 tuổi thì mẹ mất. Vô cùng đau đớn. Mình hiểu việc vượt qua là cũng vô cùng vất vả nếu như không có những kỹ năng được trang bị từ sớm. Không phải ngẫu nhiên mà học sinh trường Tiểu học Thực nghiệm đã được dạy điều này từ rất sớm qua bài: Làm thế nào khi người thân em ra đi.

Năm mình 37 tuổi, mình bị chẩn đoán K (may quá, hoá ra là chẩn đoán nhầm). Lúc đó, điều làm mình đau đớn, trăn trở nhất là liệu con mình có biết cách để nhanh chóng vượt qua cú shock không và rồi con có phát triển tốt được không khi không có mẹ bên cạnh. Vì vậy, sau này mình đã dạy con theo hướng tập trung vào một số điểm như:

1. Sống lạc quan, yêu đời, yêu thương mọi người: Con cần hiểu rằng: mọi nỗi đau, mọi mất mát dù lớn đến đâu cũng chỉ là một phần của cuộc sống. Cuộc sống vẫn rất tươi đẹp và con là người may mắn. cần nhìn vào những điều tốt đẹp đó. Đừng coi điều gì đó là bình thường, tất yếu. Ví dụ, con đang đi trên đôi chân của mình con thấy đó là điều đương nhiên. Nhưng chỉ những ai bị bệnh nặng, không đi được hay các tù nhân thì khi được tự do đi trên đôi chân của mình, họ mới thấy giá trị đến như thế nào. Hạnh phúc là ở quanh con. Nó có thể đến từ những điều giản đơn trong cuộc sống.

2. Năng lực tự quyết định: Tự biết phải trái, đúng sai. Nhiều khi con vẫn hay hỏi mẹ, cái này cái kia thế nào nhưng mình đã yêu cầu con tự suy nghĩ và quyết định. Rồi có những lần, mẹ con xích mích. Dù biết rằng, nếu giải quyết thì con sẽ hiểu ngay, nhưng cứ kệ. Mình nói: “Con hãy tự đặt vào địa vị mẹ, nhìn lại con để biết đâu là phải, trái, đúng, sai. Mẹ không giải thích vì về sau khi con vào đời, khi có mâu thuẫn, không phải ai cũng đến bên con và giải thích cho con mà lúc đó, con phải tự biết nhìn lại sự việc…”

3. Xây dựng hạnh phúc tự thân: Đó là cái hạnh phúc không phải do các yếu tố bên ngoài đem lại như: được mọi người quan tâm, thăng tiến… vì đó là những mục tiêu di động. Khi con đạt được nó thì nó lại lên mức cao hơn để con phải đuổi theo. Và khi những điều đó vì lý do nào đó không như ý thì con sẽ buồn chán. Hạnh phúc tự thân là khi con có lý tưởng, trình độ, nghị lực, ý chí, yêu đời, yêu bản thân và mọi người, có một cuộc sống ý nghĩa…

4. Sống tự lập: Tự lo được cho bản thân mình. Chính vì vậy mà cu con nhà mình khi mẫu giáo (5 tuổi) đã biết rửa bát, lớp 5 tự nấu nướng, lớp 7 tự đi chợ thiết kế bữa cơm và nấu được nhiều món đầy đủ, ngon lành. Còn mẹ thì có thể đi chơi khi hết giờ làm việc vì ở nhà con đã quán xuyến được. Ngoài ra, mẹ cũng khuyến khích con tự lên kế hoạch học tập trước mắt và lâu dài.

5. Khả năng tự nhận biết bản thân và tự học: Con cần biết được những ưu điểm, hạn chế của bản thân mình; con đang ở mức độ nào so với mọi người hay so với yêu cầu của chính con. Tự học kiến thức và những điều cần thiết khác để hoàn thiện mình.

Có thể là mình đã lo xa quá khi “Dạy con như thể ngày mai mẹ không còn nữa!” Nhưng 5 điều đó hoàn toàn cần thiết cho sự trưởng thành của một đứa trẻ ngay cả khi có mẹ bên cạnh. Và cũng khiến mình nhàn hơn trong việc dạy con, yên tâm hơn trong trường hợp bận rộn. Rồi sau này khi con đã bước vào đời thì những phẩm chất như: sống lạc quan, yêu đời; năng lực tự quyết định… vẫn rất cần thiết để con vững vàng trước sóng gió của cuộc đời (nếu có) và con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.

Previous articleTHỬ BÀN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN BẢN TRONG MỤC VỤ LINH MỤC
Next articleVì cuộc đời này chưa có điểm dừng chân