Bảy Lời Cuối của Chúa Kitô không phải là những lời riêng rẽ, nhưng là bảy câu cuối cùng mà Chúa đã thốt ra khi trên thập giá. Những câu này không được ghi nhận trong một Phúc Âm nhưng được lấy ra từ các tường thuật của bốn Phúc Âm. Những lời cuối của Đức Giêsu rất được tôn kính và trở thành chủ đề của nhiều cuốn sách, bài giảng, và âm nhạc. Những suy niệm sau đây được dựa trên các bài của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen trong cuốn sách, Seven Words of Jesus and Mary (Bảy lời cuối của Đức Giêsu và Đức Maria).
“Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23:34)
Khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, Người đã xin tha thứ cho những ai chịu trách nhiệm về sự dữ lớn lao này, và Người đã đưa ra lý do để họ được tha thứ. Người nói, bởi vì họ không hiểu về hành động của mình. ĐGM Fulton Sheen nói, sự ngu dốt của họ là một ơn phúc lớn cho họ. Chúng ta thường nghe nói chúng ta biết đến đời sống qua cảm nghiệm. Điều này đúng với các lãnh vực du lịch và ăn uống, nhưng nó không áp dụng cho đủ mọi loại. Chúng ta phải hết sức khao khát đừng biết về tội cũng như một bác sĩ lành mạnh thì không bị bệnh. Khi khao khát có được sự hiểu biết mà vì đó nó đã tiêu huỷ sự hiệp nhất với Thiên Chúa như ADong và EVà, đó là một sự khao khát rối loạn.
Giữ mình xa lánh tội lỗi là điều giúp chúng ta biết được tội lỗi thực sự ghê tởm là chừng nào. Để biết quân thù mạnh mẽ thế nào thì chúng ta phải đánh bại chúng, chứ không phải đầu hàng nó. Nếu kiến thức và kinh nghiệm là chìa khoá hạnh phúc và đời sống luân lý thì chúng ta sẽ là những người đoan chính nhất trên cõi đời này.
Sự Thống Khổ của Chúa Kitô thì thật khủng khiếp bởi vì Người rất trong trắng. Tội phạm đến người vô cùng nhân đức là tội vô cùng nặng nề, nhưng khi Người bị treo trên thập giá, Người đã xin tha thứ cho những kẻ xúc phạm. Vì tội lỗi, chúng ta cũng là các phần tử trong sự Thống Khổ, nhưng chúng ta cũng có cùng một cơ hội để được tha thứ. Chỉ có Bí Tích Hoà Giải mới có thể giúp chúng ta được tha thứ khi chúng ta “cảm nghiệm” quá nhiều.
“Quả thật, ta nói với ngươi: ngày hôm nay ngươi sẽ ở với ta trên thiên đường”(Luca 23:43)
Lời cuối thứ hai của Chúa là để trả lời cho người trộm lành mà lời của anh ta được chúng ta đọc trong Thánh Lễ: lậy Chúa xin nhớ đến con khi Ngài vào trong Vương Quốc của Ngài. Khi so sánh người trộm lành và trộm dữ, chúng ta thấy sự khác biệt giữa hai người là ý muốn của họ. Một người nhận ra sự bất công khổ hình thập giá của Đức Kitô và anh xin được tha thứ; người kia chế nhạo và xúc phạm đến Chúa. Người trộm lành chấp nhận sự công bằng của hoàn cảnh của anh ta và được Chúa thưởng.
Ai cũng có thập giá riêng của mình, và khi gánh lấy thập giá ấy, chúng ta trở nên hoàn hảo trong mắt Thiên Chúa. Chúng ta không nên nghĩ về sự đau khổ của mình như một hình phạt, bởi vì nó được trao cho chúng ta với một lý do. Ngay cả Đức Maria, là người không bị tội nguyên tổ cũng phải trải qua sự đau khổ ghê gớm. Thảm kịch trong thế giới thì không phải là sự đau khổ, nhưng là sự đau khổ thường bị uổng phí.
Nếu chúng ta chấp nhận các thập giá riêng cho từng người phải chịu, chúng ta sẽ được đối xử như vua ở thiên đường. Người trộm lành tìm thấy ơn cứu độ bởi vì anh ta bị treo trên thập tự. Lý do mà chúng ta có khuynh hướng trở nên Kitô Hữu tầm thường là vì chúng ta từ chối không để Thiên Chúa dùng chúng ta theo phương cách của Người. Khi Đức Trinh Nữ Maria được Sứ Thần Gabriel báo tin, người không hỏi là cần phải làm gì; người chỉ để Thiên Chúa thi hành những gì Thiên Chúa cần phải thi hành. Chúng ta cũng phải trở nên như miếng đất sét trong tay nhà nghệ thuật. Đức Fulton Sheen nói cuộc đời chúng ta chỉ gồm có hai điều: tích cực trong nhiệm vụ và tiêu cực trong hoàn cảnh. Điều thứ nhất thì trong sự kiểm soát của chúng ta và phải được hoàn thành trong danh thánh Chúa. Điều thứ hai thì ngoài tầm kiểm soát và phải cam chịu trong danh thánh Chúa. Chúng ta không trở nên hoàn hảo vì biết được thánh ý Chúa, nhưng bởi quy phục thánh ý ấy.
“Này bà, đây là con bà.” Với người môn đệ, “Đây là mẹ của con.” (Luca 19:26-27)
Khi ai đó nói với chúng ta, “Bạn có một cuộc đời để sống,” hãy nhớ rằng chúng ta đang sống bên cạnh người nào đó. Là một Kitô Hữu, yêu thương tha nhân thì không thể tách rời khỏi yêu mến Thiên Chúa. Giá trị của sự tương giao này được minh hoạ trong lời cuối thứ ba của Đức Giêsu. Ngày xưa, thảm kịch của sự Thống Khổ đã kết hợp gia đình của Đức Giêsu thì ngày nay các thảm kịch vẫn tiếp tục kết hợp mọi người. Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, Người đã kết hợp mẹ Người với mọi Kitô Hữu.
Khi đề cập đến mẹ Người là “bà”, Đức Giêsu đã không coi Đức Maria là mẹ của riêng mình nhưng Người đã trao Đức Maria cho tất cả chúng ta. Đêm hôm trước, Chúa đã ban thân thể Người cho chúng ta trong bữa Tiệc Ly. Dưới chân thập giá Người cũng muốn ban mẹ Người cho chúng ta. Trong ba mươi ba năm, Đức Maria đã nhìn thấy Thiên Chúa trong Đức Kitô và từ giây phút này trở đi, người sẽ nhìn thấy Đức Kitô trong mọi Kitô Hữu. Và cũng như người mẹ khi sinh con, Đức Maria trở thành mẹ của nhân loại trong sự đau đớn và khổ não. Khi chúng ta vinh danh mẹ Đức Kitô, điều đó không làm thiệt hại đến Đức Kitô. Cũng như Đức Kitô được hình thành trong lòng Mẹ Maria, chúng ta cũng phải được uốn nắn trong người. Chỉ có người đã nuôi nấng Đức Kitô mới có thể dậy bảo một Kitô Hữu.
“Lậy Chúa, lậy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15;34)
Văn hoá của chúng ta ngày càng bị tàn phá bởi vấn đề ham muốn. Rất nhiều người phải vật lộn với sự nghiện ngập, sự dâm dục, và bạo lực. Đây là những đau khổ của một thế giới trong sự tuyệt vọng. Với tâm tình bị bỏ rơi, chúng ta có thể kêu lên cùng những lời của Chúa Giêsu, nhưng những lời của Người có ý nghĩa khác biệt. Lời cuối thứ tư của Chúa được lấy từ dòng thứ nhất của Thánh Vịnh 21. Đây là thánh vịnh đã viết, “xương tôi có thể đếm được và chúng rút thăm áo choàng của tôi.” Nhưng phần đầu của thánh vịnh là về sự đau khổ, phần sau của thánh vịnh là về niềm hy vọng. Thánh vịnh chấm dứt với sự nhìn nhận rằng bất cứ gì xảy ra, chúng ta được bảo đảm sẽ chiến thắng kẻ thù.
Không có lúc nào tăm tối cho Đức Giêsu bằng khổ hình thập giá, tuy nhiên Người đã tin tưởng vào Chúa Cha mặc dù mọi sự bên ngoài đều trái ngược với kết quả sau cùng. Người không bị bỏ rơi hay bị quên lãng nhưng Người phải chịu đau khổ trước khi nhận được phần thưởng. Cũng như không có ăn mừng nếu không có chuẩn bị và không có thành công nếu không thất bại, cũng không có ngôi mộ trống nếu trước đó không có thập giá. Với người có hy vọng, không có trở ngại nào mà không thể vượt qua. Với người tuyệt vọng, chỉ có sự tăm tối. Chúng ta phải cầu nguyện trong sự tin tưởng rằng mọi lời cầu xin của chúng ta sẽ được đáp trả, và ngay cả khi không có câu trả lời, chúng ta phải nhớ rằng điều đó xuất phát từ tình yêu của Chúa Cha.
“Ta khát.” (Gioan 19:28)
Lời cuối thứ năm của Đức Kitô vang vọng lời Ngôn Sứ Isaiah 55:1, “Hãy đến, tất cả những ai khát.” Dù chúng ta có ý thức điều đó hay không, mọi người đều khao khát Thiên Chúa. Ai ai cũng khao khát điều gì đó sâu xa hơn và tìm kiếm ai đó cao cả hơn. Khi Chúa Giêsu treo trên thập giá, Người nói điều đó theo hai phương cách. Thiên Chúa cũng trong công việc tìm kiếm linh hồn chúng ta. Chúng ta cũng khao khát Thiên Chúa, nhưng chúng ta muốn có bằng chứng trước khi phó thác cho Thiên Chúa, Đấng dường như xa vời. Chúng ta không nhận ra rằng chính chúng ta là người giữ khoảng cách với Thiên Chúa chứ không phải là Thiên Chúa giữ sự cách biệt với chúng ta, vì Người tìm kiếm chúng ta như mục tử tìm chiên lạc.
Nhiều người ghét bỏ Thiên Chúa và Hội Thánh mà điều đó không thể không có ảnh hưởng. Chúng ta phải cầu nguyện cho những người này, bởi vì họ giống như Thánh Phaolô trước khi trở lại. Họ có thể làm những điều xấu xa ghê gớm nhưng vì họ không muốn từ bỏ Thiên Chúa, điều này lại có thể giúp họ trở về với Chúa sau này. Bất kể lý do nào họ đưa ra để ghét bỏ Hội Thánh, hầu như họ nhận ra rằng vấn đề thực sự là ở bên trong chính họ và không liên can gì đến Thiên Chúa. Ý thức tội lỗi của họ tạo thành một môi trường chân không mà nó chỉ có thể lấp đầy bằng ơn sủng. Thiên Chúa khao khát các linh hồn, ngay cả những người tội lỗi nhất và trong khi không ai xứng đáng với Thiên Chúa, mọi người đều có thể tiếp nhận Người.
“Thế là hoàn tất” (Gioan 19:30)
Lời phát biểu này của Chúa Giêsu có thể được tìm thấy trong ba chỗ trong Kinh Thánh. Nó được tìm thấy trong Sáng Thế Ký sau khi tạo dựng vũ trụ, trong sách Khải Huyền vào lúc tận thế, và ở đây trên thập giá. Nó có nghĩa là điều gì được thi hành thì giờ đây đã hoàn tất, và với Đức Kitô, nó đánh dấu sự chấm dứt giờ của Người. Trong tiệc cưới ở Cana, lần đầu tiên Đức Giêsu nhắc đến giờ của Người. Người nói với Đức Maria là giờ của Người chưa đến; đó không phải là giờ khởi đầu sứ vụ của Người. Với giờ của Người, được kéo dài ba năm, đó là thời gian sỉ nhục, thống khổ và chết. Với chúng ta, điều đó cũng giống như vậy.
Nhiều người chán nản với đời sống của mình vì họ từ chối thập giá. Thay vì cố gắng đừng bị ràng buộc với thế gian, họ lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn với những vật chất. Thay vì trân quý những mầu nhiệm tôn giáo, họ say đắm những câu chuyện giả tưởng trong truyền hình. Họ chỉ trích con người và tôn giáo về chính những điều mà họ khinh miệt chính họ. Họ tự tiêu huỷ chính mình, tuy nhiên họ thất bại bởi vì không ai có thể trở nên hoàn hảo nếu không từ bỏ chính mình. Chúng ta phải tích cực sử dụng “giờ” của chúng ta để cải thiện đời sống Kitô Hữu nếu chúng ta muốn tìm thấy hạnh phúc. Chỉ khi nào chúng ta tự phó mình như Đức Kitô, chúng ta mới có thể đón nhận ơn sủng của Người.
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Luca 23:46)
Chúa Giêsu lớn tiếng nói những lời cuối này; đối diện với cái chết. Thay vì đợi cái chết đến và cướp đi sự sống, Người đã hoàn toàn tự do chọn cái chết. Có hai loại tự do. Có loại tự do thoát khỏi điều gì đó, và sự tự do cho điều gì đó. Hầu hết người ta thích loại tự do đầu bởi vì nó dễ. Tự do khỏi phải ăn rau, tự do không bị đàn áp. Loại tự do thứ hai thì rất khó bởi vì nó bao hàm một trách nhiệm mà thường là một gánh nặng. Tự do để lựa chọn, tự do để thay đổi. Để hiểu bản chất siêu phàm của loại tự do này, chúng ta phải nhìn đến Đức Kitô trên thập giá.
Có ba điều chúng ta có thể thi hành với sự tự do. Chúng ta có thể hướng sự tự do đến chính mình một cách ích kỷ, chúng ta có thể tiêu tán sự tự do trong hàng ngàn thứ tầm thường, và chúng ta có thể dâng sự tự do cho Thiên Chúa. Lựa chọn thứ nhất thì vô cùng nguy hiểm bởi vì khi tin rằng chúng ta có tự do hành động theo ý muốn, chúng ta trở nên nô lệ cho sự say mê của chính mình. Như ĐGM Fulton Sheen nói, “sự tự do không giới hạn sẽ dẫn đến sự bạo ngược vô giới hạn”. Sự tự do không bị kềm chế thường đưa người ta vào vòng nô lệ. Lựa chọn thứ hai thường thấy ở những người không có định hướng. Những ao ước chóng qua của họ thay đổi mà không có sự thay đổi bên trong linh hồn, và họ không thể chọn lựa giữa quá nhiều những hấp dẫn và cám dỗ trong đời. Nhưng vẫn còn hy vọng bởi vì vẫn còn sự tìm kiếm. Những ai trống trải thì có thể lấp đầy, nhưng những người say sưa cái tôi của mình thì không còn chỗ cho Thiên Chúa.
Lựa chọn sau cùng là phó thác chính mình cho Chúa và thánh ý của Người. Chỉ khi nào chúng ta có thể bỏ đi “cái tôi” của mình, lúc ấy chúng ta mới tìm thấy sự tự do tuyệt hảo mà Đức Kitô đã có khi Người thở hơi cuối cùng. Chính sự tự nguyện hy sinh của Người đã tạo ra sự Phục Sinh.
Kết luận
Bảy lời cuối của bạn là gì? Bảy Lời Cuối của Đức Kitô thì đầy dẫy ý nghĩa và giúp thiết lập sự tương giao giữa Kitô Hữu và Hội Thánh, giữa Đức Mẹ và mọi tín hữu Kitô, và giữa Đức Kitô và gia đình của Người. Muốn biết xem những lời cuối này liên hệ thế nào đến những lời đầu tiên của Đức Maria, hãy tìm đọc cuốn Seven Words of Jesus and Mary. Một nguồn tài liệu tuyệt hảo khác về Bảy Lời Cuối của Fulton Sheen là The Cross and the Beatitudes. Cùng một kiểu văn, đức giám mục so sánh các Lời Cuối với các Mối Phúc Thật mà Đức Giêsu đã giảng dậy trong Bài Giảng trên Núi.