Bệnh thích dự án

45

Có dự án là có nhiều thứ nên ai cũng thích. Thứ nhất có dự án là có tiền, đồng nghĩa với việc có công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên, tất nhiên là thu nhập chung sẽ từ đó mà tăng lên. Nói cho cùng thích dự án không phải là một cái tội, nhưng thích dự án đến mức thành bệnh và mưu cầu lợi ích riêng, lấy tiền công đút túi thì cần nghiêm túc phê phán.

Bệnh thích dự án không phải là mới phát sinh mà nó có nguồn gốc từ xa xưa. Có điều trước kia chưa có từ dự án nên người ta gọi theo kiểu khác. Các cụ ngày xưa vẫn tương truyền câu truyện:” giả đói đảo ngói mà ăn”. Câu truyện nói về một cậu ấm con nhà giầu khi đã có gia đình riêng, ở riêng rồi nhưng vẫn dựa dẫm vào cha mẹ. Vì không có nghề ngỗng gì, không có thu nhập nên mỗi khi thiếu tiền cậu ta lại giở “chiêu” nhà dột, cần “đảo ngói”. Vậy là với số tiền cha mẹ cấp (kiểu như dự án bây giờ), cậu ta lại có tiền tha hồ ăn nhậu, chiêu đãi bạn bè.

Câu chuyện “đảo ngói” của các cụ xưa vẫn còn nguyên tính thời sự trong thời buổi hiện nay. Điều mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn: “vỉa hè đang đẹp đào lên lát lại bằng đá xanh trơn trượt” là một minh chứng rõ nhất.

Lại nói câu chuyện mà thời gian qua báo chí và dư luân xôn xao về việc Ban quản lý Hồ Gươm lật tung cả vỉa hè mới lát chưa được bao lâu(theo nhiều người dân và chuyên gia thì còn rất tốt) để thay bằng đá xanh Thanh Hoá khổ lớn (60cm X 60cm, trọng lượng 50kg). Nhiều người dân bức xúc cho rằng vỉa hè Hồ Gươm vừa mới lát còn rất đẹp vì sao phải làm lại mà không mang số tiền đó đầu tư vào những hạng mục công trình khác cần kíp hơn . Có phải đây là cách cố tình “đảo ngói” để tiêu tiền dự án. Phải chăng tiền chi cho các công trình 1000 năm Thăng Long quá nhiều nên phải bằng mọi cách tiêu cho hết?

Công luận cho rằng làm cái gì và làm như thế nào cần có sự lựa chọn sáng suốt của lãnh đạo thành phố không thể chiều theo ý thích của một nhóm lợi ích mà quên đi những ý kiến đóng góp thiết thực và có lợi cho sự nghiệp chung.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì: “dân mình nghèo, người ta xếp mình vào nước nợ thế giới rất lớn. Trong hoàn cảnh còn nhiều người nghèo, chi đồng tiền phải rất thận trọng. Hà Nội, nhất là Hà Nội mở rộng còn nhiều trường học khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất.Việc xây dựng nhiều công trình trên đất Hà Nội mở rộng đồng nghĩa với việc đẩy khu vực dân cư rất đông phải di chuyển.Họ sẽ mất đất trồng lúa, việc này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn tác động đến đời sống của biết bao nông dân. Vậy mà thành phố lại chủ trương thay vỉa hè, không chỉ xung quanh Hồ Gươm mà trên diện rộng, khi vỉa hè còn tốt, rất lãng phí.

Đây chính là một mặt của căn bệnh thích dự án, mà phải là dự án hoành tráng tốn nhiều ngân sách. Tốn nhiều ngân sách đồng nghĩa với hoa hồng lại quả nhiều làm lợi cho một thiểu số có chức, có quyền.

Nhân nói đến căn bệnh thích dự án, cũng nên nhắc đến một số chuyện dở khóc, dở cười vì dự án thời gian qua. Ông Nguuyễn Minh Thuyết cho biết: Cách đây 2-3 năm, một người lừa đảo giả làm chuyên viên của văn phòng Chính phủ đến một thành phố để giới thiệu dự án. Người này được đón tiếp rất linh đình, hoành tráng, bố trí ở khách sạn 4-5 sao, cấp cả ô tô để muốn đi đâu thì đi.