“Các con xứng đáng yêu và được yêu” – Đức Phanxicô nói với người trẻ WYD

80

Hàng ngàn người vẫy cờ chào mừng khi Đức Giáo hoàng đi qua Campus Misericordiae. Hơn một triệu người trẻ, đã đóng trại ở đây qua đêm. Nhiều người cầu nguyện suốt đêm.

Hôm nay, trong ngày bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Ba Lan, bài đọc Tin mừng trong ngài nói về chuyện ông Giakêu hoán cải, một người thu thuế lùn và giàu có bị mọi người ở thành Giêricô ghét bỏ, ông đã trèo lên một cái cây để được thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, và Chúa đã thấy ông, mời ông xuống. Chúa Giêsu muốn đến nhà ông, khiến cho mọi người đều sốc, khi Ngài quyết định đến nhà một người tội lỗi.

 

Trong bài giảng, Đức Phanxicô nói về ba chướng ngại mà ông Giakêu phải đối diện.

Thứ nhất là tầm vóc của ông.

‘Ngay cả ngày nay, chúng ta không thể liều lĩnh đến gần Chúa Giêsu được, bởi chúng ta cảm thấy mình không đủ to lớn, bởi cảm thấy mình không xứng đáng. Đây là một cám dỗ rất lớn, không phải về chuyện tự trọng, mà là về đức tin.

Chúng ta được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã mang lấy xác phàm con người và trái tim Ngài không bao giờ xa cách chúng ta.

Không chấp nhận bản thân, sống u sầu, sống tiêu cực, nghĩa là không nhận ra chân tính thâm sâu của mình. Nó như thể tránh đi khi Chúa muốn nhìn mình vậy, cố gắng phá hoại giấc mơ của Ngài dành cho mình.

Thiên Chúa yêu chúng ta, yêu con người thật của chúng ta, và không một tội lỗi, sai lầm nào của chúng ta khiến Ngài đổi ý được. Với Chúa Giêsu, không một ai là không xứng đáng, không một ai Ngài không nghĩ đến. Không một ai tầm thường. Ngài yêu thương tất cả chúng ta với một tình yêu đặc biệt, với Ngài, tất cả chúng ta đều quan trọng và Thiên Chúa nghĩ đến các con bằng con người thật của các con chứ không phải bằng những gì các con có.

Trong mắt Ngài, áo quần các con mang, điện thoại các con dùng, chẳng có chút ý nghĩa gì cả. Ngài không quan tâm các con có hợp thời trang hay không. Ngài chỉ quan tâm đến các con mà thôi. Trong mắt Chúa, các con là quý báu, là vô giá.

Thiên Chúa vẫn thành tín, thậm chí là ngoan cố, khi yêu thương chúng ta. Sự thật là, Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu bản thân mình. Ngài tin tưởng chúng ta hơn cả chúng ta tin bản thân mình. Ngài luôn luôn ủng hộ, ngài là fan hâm mộ lớn nhất của chúng ta. Ngài ở đó cho chúng ta, chờ đợi với kiên nhẫn và hi vọng, ngay cả khi chúng ta thu mình và chìm trong những tổn thương vấn đề của quá khứ.

Chúng ta không được mê đắm trong sự buồn bã. Thật tốt nếu các con biết cầu nguyện mỗi sáng. ‘Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa yêu con, xin giúp con sống đời mình trong yêu thương!’ Những sai lầm cần được sửa đổi, nhưng nó không quan trọng bằng đời sống, một ơn trọng, một thời gian để yêu và được yêu.’

Chướng ngại thứ hai của ông Giakêu là ‘sự tê liệt của xấu hổ.’

‘Ông kiểm soát được nỗi xấu hổ của mình, bởi sự lôi cuốn của Chúa Giêsu còn mạnh hơn nhiều. Các con biết chuyện gì xảy ra khi có ai đó quá lôi cuốn khiến các con đem lòng yêu thương, và lúc đó các con sẵn sàng làm mọi chuyện mình chưa từng làm hay chưa từng nghĩ là làm được.

Đây là bí mật của niềm vui, không phải chỉ là một sự hiếu kỳ lành mạnh, mà phải là một sự liều lĩnh, bởi cuộc sống không nên bị mắc kẹt. Với Chúa Giêsu, chúng ta không thể ngồi đó khoanh tay chờ được. Ngài cho chúng ta sự sống, và chúng ta không thể đáp lại chỉ bằng cách nhắn vài tin.

Đừng xấu hổ khi nói cho Chúa mọi chuyện lúc xưng tội, nhất là nói ra những yếu đuối, đấu tranh và tội lỗi của mình. Ngài sẽ khiến các con ngạc nhiên vì sự tha thứ và bình an Ngài ban. Đừng ngại thưa ‘vâng’ với Chúa bằng cả trái tim, đáp lời quảng đại và theo Chúa. Đừng để linh hồn mình tê liệt, nhưng hãy nhắm đến mục tiêu của một tình yêu đẹp cần có hi sinh. Hãy nói không với thứ thuốc phiện là muốn thành công bằng mọi giá, và cả thứ thuốc giảm đau là chỉ nghĩ cho mình và tiện nghi của mình.’

Chướng ngại thứ ba mà ông Gia kêu phải vượt qua là những tiếng càu nhàu của đám đông, những người lúc đầu đã ngăn cản ông rồi sau lại chỉ trích ông.

‘Thật sự là khó để chào đón Chúa Giêsu, để chấp nhận Ngài là một ‘Thiên Chúa giàu lòng thương xót” Người ta cố gắng ngăn các con, làm cho các con nghĩ rằng Thiên Chúa xa cách, khắc nghiệt và vô cảm, chỉ tốt với người tốt và xấu với người xấu. Nhưng Cha trên trời đòi hỏi chúng ta phải có can đảm thật sự, lòng can đảm mạnh hơn sự dữ khi biết yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của mình.

Người ta cười các con bởi các con tin vào sự trìu mến và quyền năng nhún nhường của lòng thương xót. Người ta phán xét các con là kẻ mơ mộng, bởi các con tin tưởng một nhân văn mới, một nhân văn loại bỏ sự thù hận, một nhân văn không chấp nhận những đường phân ranh và hàng rào, một nhân văn trân trọng các truyền thống mà không tự quy hay nhỏ nhen. Đừng nản lòng. Với một nụ cười và cánh tay rộng mở, các con đang tuyên bố niềm hi vọng và các con là phúc lành cho gia đình nhân loại, mà các con là những đại diện tuyệt đẹp.

Khi phải đối diện với tâm thức khép kín, các con đừng từ bỏ, nhưng hãy tìm sự thiện vì chính sự thiện, mãn nguyện vì mình giữ được một trái tim thanh khiết và chiến đấu trong hào bình vì sự liêm chính và công bằng. Đừng chỉ qua loa bên ngoài, chớ tin tưởng vẻ ngoài son phấn của thế gian. Thay thay vào đó, hãy ‘tải về’ những ‘đường link’ tốt nhất của thế giới, cho một trái tim thấy và truyền sự thiện không mệt mỏi. Trong những ‘liên hệ’ và ‘chat’ mỗi ngày, hãy dùng Tin mừng như là kim chỉ nam.

‘Bộ nhớ’ của Thiên Chúa không phải là môt ‘đĩa cứng’, ‘lưu trữ’ và phân loại các dữ liệu của chúng ta, nhưng là một trái tim đầy lòng thương, một trái tim vui mừng khi ‘xóa’ những dấu vết sự dữ trong chúng ta. Nguyện xin cho chúng ta cũng cố gắng noi gương bộ nhớ của Chúa, và trân trọng những điều tốt đẹp chúng ta nhận được mỗi ngày.’

Previous articleNgười Tôi Tá Chúa
Next articleBế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới 2016: “Chúa muốn đến nhà các con và ở lại”