Cánh cửa

57

CÁNH CỬA

Bí tích Thánh Thể được báo trước ở Cana, được hứa ban ở Caphácnaum, được thiết lập ở Giêrusalem, và được cử hành ở Emmau

Một nghệ nhân thiết kế một cánh cửa khác thường cho một nhà thờ ở Đức. Ông chia cánh cửa làm bốn mảnh. Mỗi mảnh vẽ một vài dấu hiệu ám chỉ đến một biến cố trong Phúc Âm.

Mảnh thứ nhất vẽ sáu bình nước, ám chỉ phép lạ tại Cana, ở đây Đức Giêsu biến nước thành rượu.

Mảnh thứ hai vẽ năm cái bánh và hai con cá, ám chỉ phép lạ tại Caphácnaum, ở đây Đức Giêsu biến bánh và cá hóa nhiều.

Mảnh thứ ba vẽ mười ba người ngồi ở một cái bàn, ám chỉ bữa Tiệc Ly.

Mảnh thứ bốn vẽ ba người ngồi ở một cái bàn, ám chỉ bữa ăn của Đức Giêsu Phục Sinh tại Emmau với hai môn đệ.

Nghệ nhân này chọn bốn biến cố bởi vì chúng liên quan đến Thánh Lễ. Chúng liên quan đến món quà của chính Đức Giêsu ban cho chúng ta trong hình bánh và rượu.

Chúng ta hãy nhìn đến từng mảnh để xem nó liên quan đến Thánh Lễ như thế nào. Hãy bắt đầu với phép lạ ở Cana, ở đây Đức Giêsu biến nước thành rượu.

Các Kitô Hữu tiên khởi không có khó khăn với phép lạ này. Họ sinh sống với ruộng đất và đã nhìn thấy một số điều tương tự xảy ra trong khu vườn của họ vào mùa hè.

Các cây nho rút nước từ lòng đất và, với sự giúp đỡ của mặt trời, nó thay đổi nước thành rượu.

Nhưng điều quan trọng về phép lạ ở Cana thì không phải là kiểu cách Đức Giêsu làm, nhưng là lý do tại sao Người làm. Có phải nó chỉ cứu đôi vợ chồng trẻ khỏi bị lúng túng khi hết rượu trong tiệc cưới của họ không?

Nghệ nhân vẽ cánh cửa này gợi ý rằng Đức Giêsu có một lý do sâu xa hơn, Người muốn chuẩn bị các môn đệ cho bữa Tiệc Ly, khi Người sẽ thay đổi rượu thành máu.

Điều này đưa chúng ta đến mảnh thứ hai. Nó vẽ năm chiếc bánh và hai con cá, ám chỉ phép lạ bánh và cá hóa nhiều.

Một lần nữa, một số Kitô Hữu ngày nay có khó khăn với phép lạ này.

Tuy nhiên, các Kitô Hữu thời tiên khởi, không có khó khăn đó. Họ đã nhìn thấy điều gì đó tương tự xảy ra mỗi năm trong cánh đồng lúa. Vào mùa xuân họ chỉ gieo năm giạ lúa, và khi mùa hè chấm dứt, số lúa ấy sẽ nhân lên thành 500 giạ.

Nhưng một lần nữa, điều quan trọng thì không phải kiểu cách Đức Giêsu làm phép lạ này, nhưng là lý do. Có phải chỉ vì thương đám đông đang đói không?

Một lần nữa, nghệ nhân này gợi ý một lý do khác. Phép lạ này đem cho Đức Giêsu cơ hội để nói với dân chúng rằng không bao lâu nữa Người sẽ nuôi họ ăn một cách lạ lùng hơn điều Người mới thi hành. Người sẽ nuôi họ một cách phi thường hơn cả Môsê đã nuôi tổ tiên của họ trong sa mạc. Đức Giêsu nói với dân chúng:

“Những gì ông Môsê ban cho các ngươi thì không phải bánh từ trời… Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Nếu các ngươi ăn bánh này, các ngươi sẽ sống đời đời. Bánh tôi sẽ ban cho các ngươi là thịt của tôi.” Gioan 6:32, 51

Và điều này dẫn chúng ta đến mảnh thứ ba. Nó vẽ mươi ba người ngồi tại một cái bàn, ám chỉ bữa Tiệc Ly.

Ở bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu thi hành nhiều hơn là biến nước thành rượu; Người thay đổi rượu thành máu của Người. Và Người thi hành nhiều hơn là biến bánh hóa nhiều; Người thay đổi bánh thành chính thân xác của Người. Máccô diễn tả điều đó theo cách này trong bài phúc âm hôm nay:

“Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và trao chén đó cho họ; và tất cả đều uống từ chén ấy. Đức Giêsu nói, ‘Đây là máu của ta được đổ ra cho nhiều người, máu ta ghi dấu giao ước của Thiên Chúa’.”

Và điều này dẫn đến mảnh sau cùng. Nó vẽ ba người ngồi tại một bàn ăn, ám chỉ bữa tiệc Đức Giêsu Phục Sinh ăn với hai môn đệ ở Emmau.

Nghệ nhân này giải thích bữa tiệc tại Emmau như lần đầu tiên cử hành bữa Tiệc của Chúa. Luca diễn tả điều đó theo cách này: Đức Giêsu “cầm lấy bánh và dâng lời chúc tụng; sau đó Người bẻ bánh ra và trao cho họ.” Luca 24:30

Cánh cửa của nghệ nhân này là một tóm lược tuyệt hảo về bữa Tiệc của Chúa khi nó phát triển theo thời gian của Phúc Âm này. Nó truy nguồn từ Cana, ở đây nó được tiên báo, đến Caphácnaum, ở đây nó được thiết lập, đến Emmau, ở đây lần đầu tiên nó được cử hành.

Tất cả điều này được gom lại một cách mỹ miều với ngày lễ Kính Mình Máu Chúa Kitô, mà chúng ta cử hành hôm nay.

Lễ Mình Máu Chúa Kitô tán dương quà tặng của Đức Giêsu là chính Người cho chúng ta để làm của ăn và của uống tinh thần cho chúng ta.

Mầu nhiệm tình yêu này thì vượt quá mọi tưởng tượng. Đức Giêsu ban chính mình cho chúng ta quá trọn vẹn đến nỗi không còn gì hơn để Người cho đi.

Một thời gian trước đây, những người thợ lặn tìm thấy một chiếc tầu Tây Ban Nha xưa 400 năm bị chìm trong vùng nước biển ở phía bắc Ái Nhĩ Lan.

Trong các báu vật tìm thấy ở chiếc tầu này là một nhẫn cưới bằng vàng của một ông. Được khắc trong vòng nhẫn ấy là một bàn tay nâng trái tim với hàng chữ: “Anh không còn gì hơn để trao cho em.”

Cũng hình ảnh và lời này có thể được dùng để diễn tả ý nghĩa của ngày lễ hôm nay. Đó là Đức Giêsu nói với chúng ta, “Thầy đã ban cho anh em quá trọn vẹn đến nỗi không còn gì hơn để cho đi.”

Tôi xin chấm dứt với một đề nghị. Trong một vài phút nữa, khi Rước Lễ, khi thừa tác viên Thánh Thể nâng bánh thánh lên và nói, “Mình Thánh Chúa Kitô,” hãy cố gắng nhận biết điều anh chị em lãnh nhận, trong một cách đặc biệt.

Đó là thân thể sống động của Chúa Giêsu.
Đó chính là Chúa Giêsu, người hạ sinh ở Bêlem.
Đó chính là Chúa Giêsu, người chết trên thập giá.
Đó chính là Chúa Giêsu, người đã chỗi dậy từ kẻ chết.

Khi các bạn suy nghĩ về điều này theo cách này, thật không thể tin rằng điều đó thật khó để mường tượng. Nhưng chúng ta biết, bởi đức tin, đó là sự thật. Chỉ có người Cha yêu thương mới có thể ban cho con cái của mình một món quà không thể tin nổi như thế.