“To you I call for you will surely heed me, O God. Turn your ear to me, hear my words. Guard me as the apple of your eye. In the shadow of your wings protect me (Lạy Chúa, con kêu cầu lên Chúa vì chắc chắn Chúa sẽ đoái đến con. Xin Chúa hãy nhìn đến con, xin hãy nghe lời con. Xin Chúa hãy canh chừng con như con ngươi mắt Chúa. Trong bóng cánh tay của Ngài xin hãy bảo vệ con)!”
“Jesus, I know you have more to give me. Help me not to be satisfied with what I already have. Lord, I want to be a genereous receiver of your grace (Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa có nhiều hơn nữa để cho con. Xin hãy giúp con đừng hài lòng với những gì con đã có. Lạy Chúa, con muốn trở nên một người lãnh nhận quảng đại những ân sủng của Chúa)
Đức Hồng Y Francesco Saverio đã khẳng định: «Việc cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Khi bạn cầu nguyện bạn đặt mình trong mối liên lạc với Thiên Chúa, như một bóng điện bởi vì nó được gắn với một máy phát điện hiện hành» (n. 120)[1]. Cầu nguyện cần thiết và quan trọng đến thế, bởi lẽ, nhờ và trong cầu nguyện, chúng ta có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa như bóng điện muốn tỏa sáng phải được gắn với nguồn điện[2]. Bởi thế, Đức Hồng Y nói tiếp, «Thứ nhất cầu nguyện phải được đặt lên hàng đầu; rồi tới hy sinh; thứ ba mới tới hành động (Al primo posto viene la preghiera; poi c’è il sacrificio; solo al terzo posto c’è l’azione)» (n.119)[3]. Còn Thánh Augustino thì cho rằng: «Lời cầu nguyện của bạn là lời của bạn hướng về Thiên Chúa. Khi bạn đọc là Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện bạn nói với Thiên Chúa» (Enarrationes in Psalmos, 85, 7: PL 37, 1086)[4].
1. Cầu nguyện là gì ?
Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo, cầu nguyện là «một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống … mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời»[5]. Một cách nôm na, chúng ta có thể hiểu cầu nguyện là nâng lòng trí lên cùng Thiên Chúa, là cuộc gặp gỡ và đàm đạo của con người với Thiên Chúa, hoặc có thể chỉ đơn giản là “con nhìn Chúa, Chúa nhìn con” cũng là một cách, một tâm tình cầu nguyện. Khi cầu nguyện chúng ta bày tỏ niềm tin, cậy, mến vào Thiên Chúa – Đấng Tạo dựng muôn loài và đặc biệt cho chúng ta được làm con cái của Ngài. Chúng ta cũng tin Thiên Chúa tiếp tục và hằng yêu thương, che chở mỗi người chúng ta … Chung quy, cầu nguyện bao gồm năm hình thức cơ bản: thờ lạy, cầu xin, cầu bầu, cảm tạ, và ngợi khen.
– Thờ lạy: trong tâm tình khiêm tốn và tôn thờ, chúng ta sấp mình thờ lạy Chúa vì Ngài là Đấng cao cả, uy quyền, Đấng Tạo Hóa toàn năng, toàn hữu, là Vua trên các vua, Chúa trên các chúa. Thiên Chúa uy phong và khoan dung đại lượng rất xứng đáng được chúng ta tôn thờ và mến yêu.
– Cầu xin: khi cầu xin là chúng ta bày tỏ sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa, đồng thời bày tỏ lòng sám hối, ăn năn và cầu xin Chúa ban ơn tha thứ.
– Cầu bầu: là chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa – là Cha hằng xót thương con cái và hằng quan tâm, lo lắng cho mọi nhu cầu của chúng ta.
– Cảm tạ: diễn tả lòng biết ơn của chúng ta với Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Chúa thương ban, đặc biệt hồng ân được cứu độ và được hưởng sự tự do nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
– Ngợi khen: lời cầu nguyện ngợi khen là chúng ta «ca hát Chúa vì chính bản thân Ngài, tôn vinh Ngài không những vì các kỳ công của Ngài, mà còn vì Ngài là Ngài»[6].
2. Tại sao phải cầu nguyện ?
Có thể nói, cầu nguyện là hơi thở của người Kitô hữu. Chính thánh Gregory thành Nazianzen nhắc nhở: “Ta phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là ta thở”. Điều này càng đòi hỏi hơn đối với các tu sĩ chúng ta. Bởi lẽ, mức độ và tâm tình cầu nguyện của chúng ta có thể diễn tả mối tương quan sâu đậm hay lạnh nhạt của của chúng ta với Thiên Chúa. Thật vậy, theo Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, các tu sĩ phải như «những chuyên gia cầu nguyện (specialisti di preghiera)», và ngài cũng khẳng định rằng «sự trung thành với việc cầu nguyện hoặc sự từ bỏ cầu nguyện là khuôn mẫu của sự sống còn hay sự suy đồi của đời sống tu trì (la fedeltà alla preghiera o il suo abbandono sono il paradigma della vitalità o della decadenza della vita religiosa)»[7]. Vì khi cầu nguyện chúng ta diễn tả lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, lòng cậy trông và phó thác vào sự quan phòng của Ngài và lòng yêu mến vì Ngài là Cha hằng yêu thương, chờ đợi chúng ta. Cho dẫu Thiên Chúa «Cha ta trên trời biết ta cần gì trước khi ta cầu xin Ngài, nhưng Ngài chờ đợi ta cầu xin vì phẩm giá của con cái Ngài ở nơi sự tự do của họ»[8]. Thật vậy, ta cần cầu nguyện để thực hành sự tự do của chúng ta, vì dù Thiên Chúa luôn muốn và sẵn sàng ban phát mọi ơn lành cho từng người, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta lãnh nhận cách tự do, do đó, khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta nói với Chúa rằng: “con ước ao và cầu xin Chúa điều đó, xin Chúa hãy ban cho con”. Như có lời đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng để cứu độ con Ta cần đến sự cộng tác của con”. Chúng ta phải cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ để không chỉ xa tránh mọi cám dỗ mà còn chiến thắng ba thù cũng nhưng như mọi mưu mô chước độc của chúng. Đặc biệt, «Trong cầu nguyện, ta tìm ra được phẩm giá thực sự của mình, đó là “Thiên Chúa đặt ta ở thế gian này để ta nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài, và do đó ta được lên thiên đàng” (số 1721)»[9]. Quả thật, qua và nhờ cầu nguyện mỗi người chúng ta ngày càng khám phá sự thật về chính mình, với những ưu khuyết và nhất là biết chấp nhận những giới hạn và yếu đuối của mình. Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chia sẻ kinh nghiệm: «Đó là cầu nguyện, đó là sự hy sinh để cho ta đầy sức mạnh; đó là những vũ khí ma quỉ không thể thắng được mà Chúa Giêsu ban cho tôi».
Là những người tu sĩ, chúng ta càng phải cầu nguyện và sống đời cầu nguyện cách sâu sắc và liên lỉ. Người tu sĩ không có đời sống cầu nguyện cũng sẽ là người không có đời sống tâm linh. Người tu sĩ cầu nguyện hời hợt hay biếng nhác cầu nguyện sẽ không thể hoàn thành được ơn gọi tu trì và cũng không thể thi hành tốt những sứ vụ được trao phó. Quả đúng như lời Thánh Giáo Hoàng Giovanni Paolo II đã nhắc nhở: «Không có cầu nguyện nỗ lực của chúng ta sẽ vô ích và niềm hy vọng của chúng ta về việc rao giảng Tin Mừng mới mẻ, thay vì phải hữu hiệu, có thể thiếu nền tảng (Senza la preghiera il nostro sforzo sarebbe vano e la nostra speranza di una nuova evangelizzazione, che sia efficace, potrebbe restare senza fondamento)»[10].
Và như chúng ta đã công nhận, mức độ và tâm tình cầu nguyện chính là thước đo lòng yêu mến, tin tưởng và phó thác của chúng ta vào Thiên Chúa nên chúng ta hãy luôn luôn cầu nguyện và sống tâm tình cầu nguyện liên lỉ mọi nơi mọi lúc. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về đời sống cầu nguyện: Ngài luôn bắt đầu một ngày sống bằng việc cầu nguyện[11], Ngài cầu nguyện khi giảng dạy, khi làm phép lạ hay chữa bệnh, Ngài cầu nguyện khi kết thúc một ngày sống[12], … Qua cầu nguyện, Chúa Giêsu diễn tả một mối tương quan thân mật và khăng khít với Chúa Cha. Và cũng chính nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã vượt qua mọi cám dỗ từ lúc đầu thi hành sứ vụ[13], trong lúc thực thi sứ vụ[14] và nhất là cám dỗ cuối cùng trên thập giá[15]. Và Ngài đã để lại cho chúng ta Lời Kinh cầu nguyện tuyệt vời nhất đó là Kinh Lạy Cha.
Chúng ta hãy lắng nghe những nhận định của Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong buổi yết kiến chung ngày 30.11.2011 về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu, một đời sống rất đáng cho chúng ta noi gương bắt chước. Thật vậy, Cầu nguyện có thể nói là một đặc tính nổi bật của Chúa Giêsu, cầu nguyện «chạy suốt cuộc sống của Ngài như mà một dòng kênh kín ẩn tưới gội cho tất cả các cử chỉ và hành vi hướng đến sự hiến thân hoàn toàn, theo kế hoạch của Chúa Cha»…[16]. Và theo Đức Thánh Cha «trong việc cầu nguyện, Chúa Giêsu luôn luôn tiếp xúc với Chúa Cha để thực hiện cho đến cùng kế hoạch yêu thương của Ngài đối với con người». Quả thật, Chúa Giêsu đã luôn gắn bó với Chúa Cha qua việc cầu nguyện liên lỉ, đặc biệt «việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đánh dấu mỗi một giai đoạn của tác vụ của Ngài, mỗi một ngày sống của Ngài. Không gì làm cho Ngài mệt mỏi và Tin Mừng cho thấy rằng Ngài trải qua suốt đêm cầu nguyện…Khi phải đưa ra các quyết định khó khăn, việc cầu nguyện của Ngài gia tăng và kéo dài»[17].
3. Canh tân cách thức và tâm tình cầu nguyện
Những điều trên đây về cầu nguyện chắc hẳn tất cả chúng ta đều thông suốt. Điều quan trọng cần làm là chúng ta hãy xem lại cách thức và tâm tình cầu nguyện của chúng ta. Lâu nay chúng ta đã và đang cầu nguyện như thế nào? Chúng ta hãy khiêm tốn lắng nghe lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng Benedicto để có thể canh tân thích đáng thái độ và tâm tình cầu nguyện.
«Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đứng trước một Chúa Giêsu đang cầu nguyên, ta phải tự hỏi bao nhiêu thời gian ta dành cho Chúa và cho phẩm chất của đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của lectio divina, đọc Thánh Kinh trong tâm tình cầu nguyện: “Lắng nghe, suy niệm, thinh lặng trước nhan Chúa, Đấng đang nói, là một nghệ thuật được học hỏi qua việc thực hành kiên trì…” Điều này đòi hỏi nỗ lực và lòng kiên trì… Ngày nay, các kitô hữu được mời gọi làm chứng ta trong việc cầu nguyện, vì thế giới thường khép kín trước Thiên Chúa và trước niềm hy vọng dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta có thể mở một cửa sổ về trời bằng cách trở thành bạn hữu của Chúa Kitô và bằng cách sống với Ngài mối tương quan hiếu thảo của chúng ta với Chúa Cha… Khi sống một đời sống cầu nguyện, chúng ta có thể giúp đỡ người khác đến cầu nguyện… Chúng ta phải tự tập luyện một đời sống cầu nguyện kiên trì, chú tâm và tin tưởng, chứ không phải một đời sống cầu nguyện theo tình cảnh, vì chỉ nó mới có thể soi sáng cuộc đời chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói»[18].
Một cách cụ thể, chúng ta hãy cùng xét lại mình qua những câu hỏi và tâm tình dưới đây:
– Chúng ta có cầu nguyện với lòng tin tưởng, phó thác và yêu mến chưa hay chúng ta chỉ cầu nguyện cho có, cho xong bổn phận?
– Chúng ta có cầu nguyện với những hình thức và tâm tình nói trên: thờ lạy, cầu xin, cầu bầu, cảm tạ, và ngợi khen hay chúng ta chỉ đến để xin xỏ, để bắt Chúa làm theo ý chúng ta, khi đó chúng ta đang biến Chúa thành nô lệ phải đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, phải làm những điều chúng ta thích và chúng ta muốn. Thật tội nghiệp cho Chúa! Thánh Giacôbê đã nhắc nhở: “Anh em không có là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”[19].
– Chúng ta có quan tâm, nhớ đến các anh chị em chúng ta, và cầu nguyện cho họ đặc biệt những người nghèo khổ, bất hạnh, … hay chúng ta chỉ lo cầu nguyện cho bản thân mình. Nếu có cầu cho bản thân thì tiên quyết hãy cầu xin cho mình mỗi ngày thêm thánh thiện, thêm lòng tin, cậy và mến yêu Chúa cũng như thương mến tha nhân nhiều hơn. Hãy sống tâm tình đơn sơ, phó thác như trẻ thơ, nghĩa là luôn dễ dàng thưa với Chúa mọi chuyện cuộc đời chúng ta, hãy dâng Chúa mọi tâm tư, nguyện vọng và cả những yếu hèn để xin Chúa thanh luyện và chữa lành. Tuy nhiên, chúng ta cũng hãy hành xử như những người trưởng thành và khôn ngoan như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, trong mọi sự hãy xin được theo thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha xin cất chén này xa khỏi con, nhưng một theo ý Cha, đừng theo ý con”[20]. Một trong những sứ điệp của Đức Thánh Cha Benedicto XVI dành cho các chủng sinh và tu sĩ trẻ của Giáo Hội Công Giáo Úc ngày Đại hội giới trẻ XXI tại Sydney, Úc 28.7.2008: “Hãy lấy sự tự hiến trong vâng phục Thánh Ý Chúa Cha của Chúa làm khuôn mẫu cho đời sống hằng ngày của các con. Khi đó các con sẽ khám phá ra sự tự do và niềm vui có thể kéo người khác đến Tình Yêu nằm đằng sau tất cả các tình yêu khác như là nguồn mạch của sự sung mãn tối hậu của chúng”[21].
– Cầu nguyện với và bằng tâm tình của Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện hay nhất và ý nghĩa nhất mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta. Chúng ta cần hiểu được ý nghĩa của từng câu từng ý của Lời Kinh và sống, thực hành được những lời đó thì có thể nói chúng ta đang đạt đến đỉnh cao của việc cầu nguyện.
– Để sống và cầu nguyện đúng tâm tình Chúa muốn, chúng ta cần biết cách Chúa trả lời trước lời cầu xin của chúng ta. Thực ra, Thiên Chúa không bao giờ từ chối trả lời hay ngoảnh mặt làm ngơ trước những lời khẩn nài của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa luôn trả lời “có (yes, sì, oui, ja)” nhưng tùy điều chúng ta xin, câu trả lời “có” ấy sẽ mang những sắc thái khác nhau:
+ khi chúng ta xin điều thánh thiện, đẹp ý Chúa (chẳng hạn, chúng ta xin được yêu mến Chúa mỗi ngày nhiều hơn, sống bác ái với chị em hơn, …) Thiên Chúa sẽ nhận lời ngay, nghĩa là Ngài trả lời “có (yes, sì)” trước điều chúng ta xin[22] như chính Chúa Giêsu đã hứa.
+ khi chúng ta xin điều gì đó có thể đẹp ý Chúa, nhưng Chúa nhân lành và khôn ngoan thấy điều đó chưa cần thiết lúc này, có những điều khác cần kíp hơn, Ngài cũng trả lời “có” nhưng vào lúc thuận tiện và hữu ích nhất cho chúng ta hoặc có thể Chúa muốn chúng ta thêm lòng kiên nhẫn và tín thác vào Chúa, hoặc thậm chí Chúa muốn thế để thực hiện những điều kỳ diệu cho chúng ta. Chẳng hạn: mặc dù đã hứa đến chữa cho con gái ông trưởng Hội đường Giaia đang ốm nặng, nhưng trên đường đến đến nhà ông, Chúa còn chữa cho người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm và khi còn đang trên đường, người nhà của Ông Trưởng Hội Đường báo rằng «con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy làm chi nữa …»[23] nhưng rồi Chúa đã cho cô bé sống lại; sau khi được báo tin La-da-rô đau nặng, Chúa Giêsu không đến chữa ngay mà còn lưu lại hai ngày, khi đến La-da-rô đã chết và Ngài đã cho anh sống lại, qua đó “bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa”[24].
+ khi chúng ta xin những điều theo ý riêng chúng ta và không đẹp ý Chúa, chắc chắn Chúa sẽ không ban điều đó cho chúng ta vì chúng sẽ không mang lại lợi ích mà còn có thể gây hại cho bản thân, gia đình, cộng đoàn của chúng ta. Tuy nhiên, Chúa vẫn đáp lại lời chúng ta xin, nhưng Ngài sẽ ban cho chúng ta một ơn khác, một điều khác có thể không vừa ý chúng ta ngay lúc đó nhưng lại hữu ích cho cả linh hồn và thể xác chúng ta. Điều Chúa ban cho chúng ta chắc chắn tốt hơn nhiều điều chúng ta cầu xin. Nhưng nếu không nhạy bén và thân quen với cách của Chúa, thường chúng ta không cảm thấy hài lòng vì cho rằng Chúa không thương nên không nhận lời chúng ta. Thực ra, Chúa rất thương yêu chúng ta nên Ngài không thể ban điều xấu, điều hại cho chúng ta, mà chỉ luôn muốn và ban những điều tốt nhất ngay cả trước khi chúng ta xin, phương chi khi chúng ta xin, lẽ nào Chúa lại không cho[25].
Vậy chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết phải cầu nguyện thế nào cho phải lẽ, cho đẹp lòng Thiên Chúa[26] và để việc cầu nguyện phải nên như hơi thở của mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, cầu nguyện không chỉ là phương thế giúp chúng ta thanh lọc những tư tưởng xấu, xa tránh những cám dỗ, phòng ngừa những hành động bất chính mà còn là con đường ngắn nhất giúp chúng ta luôn gần gũi với Thiên Chúa và tha nhân. Thật vậy, cầu nguyện cách chân thành và tận tâm sẽ giúp chúng ta giảm bớt được những tham sân si, những đam mê dục vọng và cả những tư tưởng, ý nghĩ tiêu cực, đồng thời, hướng đến Thiên Chúa là Đấng thiện hảo và rồi tâm hồn, tâm trí chúng ta mỗi ngày sẽ được canh tân đổi mới. Điều quan trọng hơn cả, chính trong cầu nguyện chúng ta sẽ lắng nghe được tiếng Chúa qua tác động và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ học biết và phân định được thánh ý Chúa Cha và sẽ can đảm (cùng với Chúa Giêsu) thực thi ý Chúa Cha và sẽ quảng đại dấn thân phục vụ anh em đồng loại như Chúa Giêsu Đấng đã đến chỉ để thi hành thánh ý Chúa Cha và trao ban tình yêu thương cho nhân loại.