CẦU CHO BẠO CHÚA SỐNG LÂU

25

CẦU CHO BẠO CHÚA SỐNG LÂU

Có một lão bà ở Syracuse. Lúc bấy giờ Vua Dennys trị dân tàn bạo một cách không thể nói.

Thiên hạ đều cầu khẩn cho Vua chóng chết.

Thế mà lão bà sáng nào cũng vào giáo đường cầu nguyện cho bạo chúa sống lâu. Hơn nữa, lại còn vái lạy thần linh, nếu có làm chết thì xin làm chết mình đi thay cho hôn quân.

Vua biết tin, lấy làm lạ lùng quá, bèn vời lão bà vào hỏi cho rõ lý do. Lão bà nói:

Tôi nay không còn xuân xanh nữa! Trước đây, khi tôi còn trẻ, nước tôi đã gặp phải hôn quân vô đạo, thật là khổ sở vô cùng, tôi cầu nguyện cho nước thoát khỏi hôn quân. Sau có kẻ hành thích, vua khác lên kế nghiệp. Ngờ đâu lại tàn bạo hơn vua trước. Tôi lại nghĩ, giả sử vua này chết đi, thì có lẽ nhân dân thoát khỏi lầm than. Hay đâu Vua ấy qua đời, thì đến bệ hạ lên ngôi, thiên hạ lại lầm than nhiều hơn các đời vua trước nữa. Lấy đó mà suy, thì đời sau chắc hẳn vua lại còn tàn ác hơn đời này. Sở dĩ tôi cầu nguyện đem thân này thế cho nhà vua được trường thọ là để trì hoãn được cuộc thay đổi ấy ngày nào hay ngày đó!

LỜI BÀN

Câu chuyện đó bắt đầu là đã có sự bất ngờ. Và từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, ta đi đến một bất ngờ vô cùng hài hước này. Trong khi ai ai cũng đều cầu mong cho bạo chúa chết đi, lại có một bà lão vái van cho bạo chúa sống lâu, và nếu cần, chết thế cho bạo chúa.

Nhất là câu giải thích cuối cùng của lão bà, thì quả là điều mà không ai tưởng tượng. Phải chăng đó là lời nói của một tâm hồn tuyệt vọng. hay một tiếng cười nghịch ngợm chua chát, vô cùng can đảm, đề mà đùa cợt với cuộc đời?

Sau hồi ngạc nhiên và thỏa mản với câu “chửi” táo bạo vào mặt hôn quân, ta cảm thấy có một ý vị sâu sắc trong lời nói đầy kinh nghiệm và “khôn ngoan” của lào bà. Tâm sự của bà lão, cũng là tâm sự của phần đông chúng ta ngày nay. Lúc bà còn trẻ tuổi, bà cũng tin rằng hễ giết được bạo chúa thì thay đổi được cuộc diện xã hội tức khắc.

Nhưng, qua bao nhiêu lần thay đổi, bà lại thấy xã hội càng ngày càng điêu linh thống khổ hơn. Nay bà đã già rồi, với bao kinh nghiệm đã trải qua, bà không còn ảo vọng nữa.

Bàn về bài văn trên đây, Anatole France, với điệu u-mặc đặc biệt của ông, có viết đại khái như sau: “Các con cừu non của chúng ta ôi! Các bạn nên tỏ vẻ không ngoan như mụ già này: thà để cho lão chăn cừu lẩm cẩm của chúng ta hớt lông các bạn còn hơn là đả đảo họ để đưa những anh chăn cừu trẻ đầy nhiệt huyết và tài hoa hơn, họ sẽ cạo sát da các bạn không còn để chút lông nào!”