Cho, chân dung lòng quảng đại của nước Pháp

72

Nước Pháp cho càng ngày càng nhiều và càng ngày càng sớm. Đây là một tin vui, vì, người nhận được ơn ích, người cho được hạnh phúc!

Quà tặng không bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. Theo tài liệu của tổ chức Nước Pháp Quảng đại năm 2016 thì năm 2015, 68% các ân nhân cho biết họ vẫn duy trì mức cho, hoặc họ cho thêm. Năm 2014, người Pháp cho hơn năm 2013 4 % (vào khoảng 4,2 đến 4,4 tỷ €) theo các con số cuối cùng của Nghiên cứu và Tương trợ, một tổ chức kiên trì thống kê về lòng quảng đại của người Pháp từ 20 năm nay. Ông Jacques Malet, chủ tịch hiệp hội Nghiên cứu và Tương trợ nước Pháp cho biết: “Về vấn đề tiền, gần một nửa người dân Pháp là ân nhân, nhưng chỉ có 20 % người dân là cho thường xuyên và với một số tiền đáng kể.” Ông Xavier Delattre, chủ tịch Hiệp hội những người gây quỹ của Pháp cho biết: “Tổng số tiền được gia tăng vì có những số tiền tặng lớn, nhưng từ nhiều năm nay, số lượng người cho lại giảm. Món tiền trung bình cho gia tăng mỗi năm, cách đây 10 năm là 180 ơrô, bây giờ là 436 ơrô. Nhất là các món tiền tặng liên hệ đến tổ chức Thuế Tương trợ trên tài sản (ISF), tổ chức này đã bắt đầu công việc vị tha ở Pháp và đã tạo một năng lực rất tích cực”.

Người trẻ, mục tiêu mới phải đạt tới

Một dấu hiệu lạc quan cho những người đi gây quỹ, năm 2014, những người trẻ dưới 30 tuổi cho 1,8 % số tiền họ thu nhập, khá hơn số tiền trung bình chung chung (1,1 %), nhưng, nhất là, lần đầu tiên trong 20 năm, những người trẻ này cho nhiều hơn các người lớn hơn 70 tuổi (1,4 %), dù họ cho những món tiền nhỏ: 67 % cho ít hơn 50 ơrô theo biểu kế của Nước Pháp Quảng đại. “Thật đáng khích lệ, nhưng các ân nhân rất trẻ thì còn ít, bà Marie-Carmen Carles Montfort nhận xét, bà là chủ tịch phân bộ quảng đại và vị tha của tổ chức Cứu cấp Công giáo. Có một thời kỳ thuận lợi để cho tiền, chúng ta trở nên ân nhân khi chúng ta xây dựng đời sống, trả tiền nhà, nuôi con ăn học… Những việc này không ngăn cản chúng ta đóng góp vào các hình thức quảng đại khác, và các hành động chúng ta phát triển bên cạnh các sinh viên hay các em trẻ năng động sẽ tác động trên các em càng ngày càng nhiều.” Ông Nolwenn Poupon, phụ trách truyền thông và nghiên cứu của tổ chức Nước Pháp Quảng đại cho biết: “Làm cho các em rất trẻ ý thức là công việc của tất cả các tổ chức và hiệp hội từ thiện để danh sách ân nhân có thêm người mới. Vì 92 % người cho là những người đã từng cho. Làm sao kiếm thêm người mới? Như thế phải trao truyền cho người trẻ một văn hóa trao tặng và vị tha, giải thích cho họ hiểu, nếu không còn ai cho, thì không còn hoạt động!”

Chi phiếu vẫn thắng quà tặng trực tuyến

Nếu các phương cách mới để gây quỹ, đóng tiền trực tuyến, cổ động cho việc tham dự tài trợ (crowdfunding) thuận tiện cho các người trẻ thì tiền thu được đa số vẫn qua chi phiếu. Bà Laurence Lévy, giám đốc truyền thông của Hiệp hội Di sản giải thích: “Năm 2014, chúng tôi lên chương trình đóng tiền bằng một cái clic. Kết quả: Năm 2015 tiền thu được theo lối trực tuyến tăng 84 % so với năm 2014, nhưng tiền thu trực tuyến không qua 8 % tổng số thu.” Ông Jacques Malet, chủ tịch hiệp hội Nghiên cứu và Tương trợ nói tiếp: “Quà trực tuyến rút ngắn đoạn đường đi từ tâm hồn đang xúc động qua hành động cụ thể, đó là một chuyện tốt, vì người cho không cho ngay, thì có thể cuối cùng họ cũng không cho gì…” Một cách khác có thể dùng để gây quỹ là thâu tiền qua SMS: 65 % người trẻ dưới 35 tuổi cho rằng dùng cách này là một ý kiến hay.

Trung thành với ý nguyện của mình

Theo điều tra của tổ chức Nghiên cứu và Tương trợ, ba ý nguyện không lay chuyển trong đầu của những ân nhân trung thành là: muốn giúp những người gặp khó khăn ở Pháp, sức khỏe, nghiên cứu y khoa hay khoa học. Cuối danh sách là văn hóa, di sản, các tổ chức tôn giáo, và cuối cùng hết là thể thao và giải trí. Theo tài liệu của Nước Pháp Quảng đại, các kết quả này thay đổi theo giới tính, tuổi tác, những người trẻ tuổi nhất thích cho trong ba địa hạt: bảo vệ súc vật, giúp nạn nhân các cuộc xung đột và giúp khẩn cấp các việc làm nhân đạo quốc tế. Dù vậy, mỗi lãnh vực đều thấy số tiền quyên của mình tăng lên, ngay cả trong Giáo hội: Con số tiền trung bình cho năm 2012 là 194 ơrô, năm 2013 là 203 ơrô và năm 2014 là 208 ơrô.

Những người đi quyên càng ngày càng đông hơn

Nét mới trong khung cảnh này là con số người đi quyên góp tăng lên gấp bội từ mười mấy năm nay: Ông Éric Dutertre, chủ tịch công ty Excel phân tích (Excel là một trong những hiệp hội gây quỹ tư chính của nước Pháp): “Năm 2003, Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin tuyên bố, ‘Quốc gia không độc quyền trong việc lo cho lợi ích chung’. Từ đó, mỗi tổ chức tìm các trợ cấp tài chánh riêng cho mình: các viện bảo tàng, các bệnh viện, các trường học, các đại học, các quỹ tập thể, trong khi trước đó, việc gây quỹ chỉ ở trong phạm vi từ thiện, Giáo hội và nghiên cứu y khoa! Ngay cả các các cá thể cũng hoạt động qua chương trình cổ động tham dự tài trợ (crowdfunding). Chúng ta đi vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự tài trợ vì lợi ích chung theo công thức của người anglo-saxon, chấm dứt tình trạng Quốc gia bao thầu!” Và người cho sẽ càng ngày càng được… hỏi thăm.

Cho vào dịp cuối năm

Theo nghiên cứu của Nước Pháp Quảng đại, 42 % tiền cho cc năm 2015 là vào tam cá nguyệt cuối, trong đó một nửa là vào tháng 12. Tổ chức Cứu cấp Công giáo cho biết, số thu hai tháng 11 và 12 của họ chiếm 50 %! Bà Marie-Carmen Carles Montfort cho biết: “Năm 2015 là năm rắc rối. Sau vụ tấn công ngày 13 tháng 11-2015, người dân bị chấn động. Và lòng quảng đại tìm lại được vào dịp lễ Giáng Sinh, nhưng chỉ cần 15 ngày này bị ảnh hưởng là cả năm ít thuận lợi. Năm 2016 sẽ cao hơn, còn năm 2017 chúng ta sẽ xem, vì những năm có bầu cử tổng thống Pháp không bao giờ là những năm dễ dàng, người cho ở trong trạng thái chờ đợi…” Cơn khủng hoảng kinh tế năm 2008 cũng có tác động trên vấn đề này nhưng lại ảnh hưởng tích cực: “Có một tinh thần tương trợ. Trong khả năng của họ và khi có thể được, người dân cho nhiều hơn để hỗ trợ cho những người bị thua thiệt nhất”, bà kết luận.

Lòng quảng đại bất vụ lợi

Còn về động lực, “giúp người khác, tham dự vào một chương trình tập thể”, đó là động lực chính, ông Jacques Malet nhấn mạnh. Sau đó là luật thuế má, hơn 85 % người dân cho rằng tiền thuế đã không dùng đúng chỗ. Các người ưu tú thật sự không cho một hình ảnh chia sẻ và tương trợ, trong khi nhiều người dân bình thường lại muốn hành động khi họ đứng trước các khó khăn hiện nay, và điều này làm thuận lợi cho việc đóng góp”.

Các hình thức cho khác

Nhưng quà tặng không phải chỉ có tiền! Ông Jacques Malet quan sát: “Cần nhắc lại một chuyện quan trọng, không phải chỉ có tiền cho để trừ thuế. Nếu người giàu cho tiền thì những người có diều kiện kinh tế khiêm tốn họ cho hiện vật, sách vở, thức ăn…. Những người này là những người ngày xưa họ đã từng cho tiền, bây giờ họ không còn khả năng đóng góp tài chánh. Chúng ta cũng đừng quên những hình thức đóng góp khác: thì giờ, hiến máu hay đóng góp ở cơ quan, và tương trợ trong gia đình! Vào khoảng 40 % người Pháp cho thì giờ của mình cho người khác, và một phần tư trong số họ cho thì giờ cho các hiệp hội.”

Khi cho thì giờ hay tiền bạc, người cho được phong phú hơn vì như Linh mục Dòng Tên  Pierre Ceyrac đã từng nhắc một câu ngạn ngữ Ấn Độ: “Tất cả những gì không cho là mất”.