Đức Phanxicô mang đến “hy vọng” cho chúng tôi

47

Hai người tị nạn nói lên lời chứng của mình trong Ngày Quốc tế liên tôn cầu nguyện cho hòa bình ở Axixi ngày 20 tháng 9-2016

Trong lần đến Axixi nhân ngày kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế liên tôn cầu nguyện cho hòa bình 20 tháng 9-2016, Đức Phanxicô đã ăn trưa ở nhà ăn của Thánh Tu viện Phanxicô với sự có mặt của 12 người tị nạn từ những nước có chiến tranh.

Hiện nay các người tị nạn này được Cộng đoàn Sant’Egidio lo, hai trong số người tị nạn này là người gốc Mali và Nigeria. Họ kể câu chuyện của mình. Abulladra Sanogo là người hồi giáo tị nạn trẻ Mali. Anh mặc áo truyền thống màu đỏ và vàng, nụ cười trên môi, anh cho biết bữa cơm “rất dễ chịu”. “Tôi rất vui được tham dự ngày này với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tôi được chào ngài trên sân của Đền thờ Thánh Phanxicô và chúng tôi nói về về di dân và hòa bình. Tôi kể cho ngài nghe câu chuyện của tôi, tôi đã đến Ý như thế nào với tư cách là người tị nạn. Ngài đã cho tôi can đảm để tiếp tục cuộc sống của tôi”.

“Tôi rời xứ sở của tôi để đi tìm hòa bình”

Người thanh niên trẻ rời xứ mình năm 2012 khi chiến tranh ở Mali bắt đầu, chiến tranh này do sự nổi dậy của một nhóm lãnh tụ hồi giáo vũ trang. “Đó là thời điểm rất khó khăn cho những người trẻ như chúng tôi. Tôi không muốn bị trưng dụng, anh cho biết. Tôi đành phải bỏ xứ ra đi để tìm hòa bình và để tiếp tục được đi học”.

Anh kể: “Trong bữa ăn, Đức Phanxicô nói hòa bình là điều có thể và mọi người phải làm việc để có hòa bình”. “Với tất cả các tôn giáo tụ họp lại để nói về hòa bình, hôm nay tôi thấy điều này có thể có được, anh tiếp tục. Mỗi người có tôn giáo của mình. Các tôn giáo không phải là để chia rẽ, các tôn giáo là để mọi người sống chung với nhau, đó là cái nhìn của tôi về tôn giáo”. Được hỏi về nạn khủng bố nhân danh tôn giáo do các nhóm hồi giáo cực đoan chủ trương, anh thanh niên hồi giáo trả lời: “Đối với tôi, các tên khủng bố không có tôn giáo. Chúng mạo danh tên của các tôn giáo để hành động. Đối với tôi, họ không phải là người hồi giáo”.

“Các thiện nguyện viên của Cộng đoàn Sant’Egidio đã giúp tôi bớt căng thẳng”

Cô Paulina Osato, người Nigeria đã trốn xứ của mình vì chồng vũ phu. Như nhiều người khác, cô vượt biển Điạ Trung Hải để đến được Âu châu dù phải trải qua bao nhiêu hiểm nguy. Tháng 7 năm 2015, cô lên chiếc thuyền bơm và cô được cứu ngoải biển khơi đảo Lampedusa vùng Sicile, nước Ý. Sau khi ở trong trại tị nạn hai tháng, cô được Cộng đoàn Sant’Egidio lo. “Tôi xém chết”, cô thầm thì. Các thiện nguyện viên của Cộng đoàn Sant’Egidio “đã giúp tôi bớt căng thẳng, đã mang lại hy vọng cho tôi”. Từ đó cô đi học tiếng Ý để hội nhập, nhờ sự giúp đỡ của Cộng đoàn công giáo Sant’Egidio, cô theo lớp huấn nghệ nghề may.

Cô mặc áo truyền thống màu sặc sở của Phi Châu, giọng còn xúc động, cô nói: “Tôi rất vui được gặp Đức Giáo hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ngài, tôi thật hạnh phúc. Tôi bắt tay ngài. Tôi nói với ngài tôi sẽ học nghề may, và tôi sẽ tự may áo cho mình. Ngài mang lại hy vọng cho tôi, ngài nói tôi phải tiếp tục”, cô hãnh diện khoe món quà ngài tặng cho từng người khách: ảnh triều giáo hoàng của ngài và huy hiệu Tòa Thánh.

Previous article“Đức ái không phải là một chuyện phụ trội nhỏ thêm!”
Next articleCác Giám mục Pêru kêu gọi Nhà nước bảo vệ sự sống