HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ SÔNG XOÀI 13.10.2018

330

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ SÔNG XOÀI 13.10.2018

          Hôm nay, 13 tháng 10 năm 2018, kỷ niệm 101 năm biến cố Mẹ hiện ra tại Fatima, dòng người dắt díu nhau về với các Trung Tâm hành hương lớn nhỏ không phân biệt lương giáo. Đơn giản vì lòng Mẹ Maria còn hơn cả biển Thái Bình và Mẹ ban ơn cho tất cả những ai chạy đến nài xin Mẹ.

          Sông Xoài, một địa danh nhỏ bé của Giáo Phận Mỹ Tho ngày mỗi ngày được nhiều người biết đến hơn nhờ nhiều phép lạ mà Mẹ đã ban cho những ai đến đây với Mẹ. Sông Xoài thuộc Giáo Hạt Tân An – Giáo Phận Mỹ Tho, tọa lạc tại Ấp Vàm Lớn, Xã Thuận Nghĩa Hòa, Huyện Thạnh Hóa, Tỉnh Long An.

          Ở Sông Xoài có gì lạ mà nhiều người kéo đến như vậy ? Dạ thưa ở Sông Xoài có linh đài Đức Mẹ Mân Côi được dựng nên ngay giữa những ngôi mộ ấy, như để yên ủi những tâm hồn bơ vơ…

Lịch sử còn ghi lại những sự kiện không thể xóa nhòa. Thời chiến tranh loạn lạc, những người lính trong đồn trú và dân trong vùng đêm đêm nhìn thấy một ánh sáng dịu dàng phát ra từ phía cù lao nhỏ ngoài xa xa ấy… Ánh sáng màu trăng trên dòng Vàm Cỏ Tây khiến lương hay giáo, tay cầm súng hay cầm cày đều tin tưởng vào sự linh thiêng của Đức Trinh Nữ Maria.

Thế và rồi vào một đêm bom rơi đạn lạc, máy bay oanh kích dữ dội, một nhóm người lương chạy qua sông, núp dưới linh đài Đức Mẹ giữa cù lao, cầu xin Đức Maria chở che. Đêm ấy đạn rải như mưa, người ta thấy một Bà xinh đẹp, đứng trên linh đài, dùng áo choàng của mình như gà mẹ che đoàn con nhỏ. Đạn từ máy bay rải xuống đều bị dạt ra hai bên…

Trời sáng, những người lương tin tưởng chạy đến nhờ Mẹ chở che mới hay mình còn sống. Ghi tạc ơn Đức Maria cứu họ khỏi mũi tên hòn đạn, những người không có đạo nhưng vì tin mà cậy nơi Mẹ – họ lấy một tấm tôn thật to, ghi lên đó dòng chữ “Tạ Ơn Đức Mẹ Hòa Bình” hàm ý rằng : Tình yêu của Đức Mẹ đem lại hòa bình cho quê hương, cho gia đình và chính bản thân họ, những người giờ đây đã thấy được quyền năng Thiên Chúa.

          Sau này, người ta dựng thêm một bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình – tay ôm địa cầu, phía trên linh đài Đức Mẹ Mân Côi, mô phỏng lại câu chuyện linh thiêng thuở xưa họ đã được tận mắt chứng kiến…

Chiến tranh đã qua, bình yên trở về bên dòng sông Vàm Cỏ. Mẹ vẫn đứng đó, như bóng trăng dịu dàng lặng lẽ giữa rừng tràm u tịch. Lắng nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng lá reo mùa gió, tiếng thì thầm cầu nguyện của đoàn con – chạy đến bên Mẹ dâng lên bao tâm sự nhọc nhằn nhờ Mẹ ủi an… Đoàn con của Mẹ, dù lương hay giáo Mẹ đều thương, đều lắng nghe và chở che qua cơn khốn khó.

Cứ thế, vào mỗi ngày 13 hàng tháng, bến cù lao dưới linh đài Đức Mẹ đậu kín ghe xuồng, những thế hệ dân Chúa nơi vùng sông nước này – già trẻ gái trai đều tụ về bên chân Mẹ, đọc kinh cầu nguyện sớm hôm, quên đi hết những vất vả mưu sinh. Mẹ yêu con trong bình yên lặng lẽ – con yêu Mẹ từ trong nôi đến khi mái tóc con bạc phơ, rồi yêu mãi đến khi về già, yêu tha thiết bao la …

Trong dòng người về với Sông Xoài hôm nay, có thể nói người đến xa nhất có lẽ hay nói cách chính xác đó chính là Đức Cha Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên (không kể đến những du khách ngoại kiều về thăm quê hương và ghé thăm Mẹ vì lòng sùng kính Mẹ).

Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến ca đoàn Mai Tâm. Từ ngày “bén duyên” với Cha Sở Sông Xoài Phêrô Ký Ngọc Tuấn, cứ mỗi dịp Lễ Đức Mẹ hay lễ lớn gì của Giáo Xứ, ca đoàn Mai Tâm lại lặn lội về đây để cùng với cộng đoàn dâng lời ca tiếng hát lên Chúa và Mẹ.

Trước khi bước vào Thánh Lễ tạ ơn, cộng đoàn cùng nhau lên ghe, lên tàu, lên xà lan sẵn có để đến linh đài của Mẹ để dâng lời kinh tiếng hát lên Mẹ.

9 g 30, Thánh Lễ được cử hành hết sức trang nghiêm và sốt sắng.

Chủ tế Thánh Lễ là D(ức Cha Giuse – Giám Mục Giáo Phận Hải Phòng. Cùng hiệp thông với Đức Cha Giuse có cha quản xứ Phêrô Ký Ngọc Tuấn và Cha Phaolô Lê Ngọc Toàn (cha phó Lương Hòa Hạ giáo phận Mỹ Tho).

Trong bài chia sẻ của mình, rất thực tế và để mọi người dễ hiểu, Đức Cha mời cộng đoàn cùng nhìn lên gương khiêm hạ của Đức Trinh Nữ Maria mà gương khiêm nhường ấy lại xuất phát tự Thiên Chúa.

Thiên Chúa tự trời cao khiêm hạ xuống trần và sống kiếp con người.

Đức Giêsu mặc lấy thân phận con người, chấp nhận mọi gian khó và sống như con người ngoại trừ tội lỗi. Con Thiên Chúa gặp con người để giao hòa họ với Thiên Chúa. Ta có suy nghĩ cả đời cũng không hiểu được. Chúa Giêsu đã hiện diện trong cuộc đời khi chúng ta nghe Lời Chúa, dự Thánh Lễ, lãnh nhận các bí tích.

Đức Cha nói rằng ngày hôm nay trong gia đình và tương quan con người đổ vỡ vì lẽ con người ta không sống tâm tình khiêm hạ, Khiêm hạ chính là mẹ của các nhân đức khác, nhân đức cao nhất và lớn nhất của mọi nhân đức.

“… Thiếu khiêm nhường gia đình tan vỡ, thiếu khiêm nhường không còn kính trên nhường dưới hiếu thảo trong truyền thống gia đình Việt Nam, cộng đoàn đức tin xáo trộn, thiếu khiêm nhường con người loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình, thiếu khiêm nhường con người khó có thể nối kết tình huynh đệ giữa với anh chị em, giữa đồng nghiệp, với mọi người chung sống trong môi trường xã hội, với lối xóm và cộng đoàn”

Để kết thúc cũng như nhấn mạnh những gì mình nói, Đức Cha mời gọi cộng đoàn chiêm ngưỡng Đức Maria để xin Đức Mẹ ban cho mỗi người nhân đức khiêm nhường như Mẹ.

Thánh Lễ kết thúc, những tấm hình lưu niệm của những người xa thật xa cũng như cộng đoàn ghi lại để nhớ nhau trong tình Chúa và tình người.

Tin tưởng vào tình thương của Mẹ Sông Xoài, con cái của Mẹ cứ về đây và nép mình bên tà áo Mẹ để cuộc đời thấy bình an hơn, nhẹ nhàng hơn và thanh thản hơn trước những sóng gió của cuộc đời.

DSC_0011