HÃY TIN ! ĐỪNG CỨNG LÒNG NỮA

82

Chúa Giêsu phải đương đầu với sự cứng lòng tin của những người Do Thái dù đã có ba cách làm chứng cho Ngài: lời chứng của Gioan Tẩy Giả, chứng từ của những công việc Đức Giêsu đã làm, và sự chứng nhận của Chúa Cha về Ngài. Vậy thì điều gì cản trở những kẻ nghe lời rao giảng của Chúa Giêsu tin vào Ngài? Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”

Sau khi Chúa Giêsu chữa lành một người trong ngày Sabát, những người Pharisêu chất vấn Ngài về thẩm quyền thần linh của Ngài và việc Ngài tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trả lời cho họ, Chúa Giêsu nêu lên các chứng cứ cụ thể và rõ ràng để làm chứng cho Ngài.

Chúa Giêsu chữa anh bất toại bên hồ nước gần Đền thờ Giêrusalem (cc. 1-9). Anh được khỏi và vác chõng đi vào ngày sabát theo lệnh Đức Giêsu. Chuyện đó dẫn đến việc người Do thái chống đối Ngài (c. 16). Khi nghe Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” họ tìm cách giết Ngài, vì cho rằng Ngài mắc tội phạm thượng, dám gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (c. 18). Không chút sợ hãi, Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha: quyền làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết (cc. 19-30). Dù có quyền, lúc nào Ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai Ngài.

Trang Tin Mừng này, ChúaGiêsu như người bị đứng trước tòa, bị kết án tử. Vì không được tự làm chứng cho chính mình, nên Ngài phải tìm những lời chứng để biện hộ cho lời nói, việc làm của Ngài. Trước hết là lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35). Ông là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Đức Giêsu (Ga 1, 8-9). Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy. Kế đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36).

Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai. Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40). Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39). Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).

Lời chứng thứ nhất là lời chứng của Gioan Tẩy giả. Ông là ngọn đèn cháy sáng, ông làm chứng về ánh sáng thật là Chúa Giêsu (x.Ga 1,8-9). Ông đã công khai giới thiệu Chúa Giêsu là đấng Thiên Sai khi Thánh Thần ngự xuống trên Ngài : “Đây tôi đã thấy và làm chứng rằng Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34). Nhưng người Pharisêu đã không đón nhận lời chứng ấy. Lẽ ra họ phải lấy làm lạ khi một người vĩ đại và thánh thiện như Gioan lại làm chứng rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chúa Giêsu nhắc nhở họ về sự nghịch lý này : Dường như những người Pharisêu đều cho rằng ông Gioan là một ngôn sứ, nhưng họ lại không tin vào lời sấm quan trọng nhất của ông !

Lời chứng thứ hai là những công việc Chúa Cha giao mà Chúa Giêsu đã hoàn thành. Chúa nói : “Chính những việc tôi làm đó làm chứng chotôi”. Những việc Ngài làm, không chỉ về chính Ngài, nhưng chỉ về quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong và qua Ngài. Lẽ ra người Pharisêu phải suy nghĩ khi thấy đám đông dân chúng lũ lượt tìm kiếm Ngài. Lẽ ra ra người Pharisêu phải thắc mắc khi thấy những người tội lỗi đã thay đổi đời sống và đi theo Ngài rất đông.

Lời chứng cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói : “Cha tôi, Đấng đã sai tôi, cũng đã làm chứng về tôi”. Chúa Cha làm chứng bằng những lời của Người trong Kinh Thánh (c.39). Nhưng họ không giữ lời Chúa Cha ở trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Chúa Cha sai (c.38. 40).

Sau những lời chứng biện hộ của Chúa Giêsu, ta thấy khung cảnh như đảo ngược lại. Chúa Giêsu, người bị chất vấn buộc tội nay trở thành Đấng cáo tội : “Các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha Tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.” Người bị đưa ra trước toà giờ đây lại trở thành thẩm phán chất vấn lại chính những người đã đưa mình ra toà : “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?”

Có nhiều chứng từ về Chúa Giêsu. Nhưng có ít người tin vào Ngài. Trước khi chúng ta đứng lên phán xét sự vô tín của người đời, có lẽ chúng ta nên kiểm điểm chính mình. Ngoài những chứng từ vào thời Chúa Giêsu, chúng ta còn có Tân Ước, có hơn hai ngàn năm lịch sử Kitô giáo, có chứng từ của một Hội Thánh sống động trong ân sủng Chúa Thánh Thần, có chứng từ của những con người thánh thiện qua mọi thế hệ vẫn nỗ lực phác họa hình ảnh Thiên Chúa nơi chính đời sống của mình. Thế nhưng, chúng ta vẫn không nhận ra hình ảnh của Chúa Giêsu nơi tâm hồn chúng ta và nơi những người chung quanh. Biết bao lần chúng ta suy nghĩ và hành động như thể Chúa Giêsu vắng mặt, như thể Ngài chẳng liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta.

Lời cáo tội của Chúa Giêsu đối với những người Pharisêu cũng có thể dành cho chúng ta: Khi chúng ta không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ đi tìm hư danh cho bản thân mình. Khi chúng ta sống đạo chỉ nhắm đến tôn vinh mình mà không thực tâm mến Chúa. Khi chúng ta tôn vinh những gì thuộc về trần thế và bám vào nó như là cứu cánh. Khi chúng ta không thoát khỏi những thành kiến để đón nhận lấy sự thật. Khi chúng ta không dám ra khỏi những ích kỷ để tin vào tình yêu Thiên Chúa, để ra khỏi cái tôi chật hẹp để sống cho tha nhân. Lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Hãy tin vào Ngài, Đấng được Cha sai” đang là lời mời gọi thúc bách mỗi tín hữu. Hãy đến với Ngài để được sống và sống tròn đầy.

Nếu chúng ta muốn tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài để được sự sống, chúng ta phải tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa tức là sự chấp thuận của Thiên Chúa. Và chúng ta sẽ được Thiên Chúa chấp thuận chỉ khi chúng ta biết  tìm thi hành thánh ý Chúa trong tình yêu. Chúng ta sẽ đón nhận ân sủng để nhận ra Chúa Giêsu là ai – là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa chân thật – khi chúng ta vâng phục Chúa Cha trong tình yêu.

Ta siêng năng đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ mỗi ngày để gặp Chúa, đón nghe Lời Chúa và sống các Lời dạy của Ngài. Qua các Thánh lễ hằng ngày chúng ta dâng, cùng với Linh mục, chúng ta tôn thờ Chúa Cha với lòng tin, lòng yêu mến cách chân thành.

Trong Thánh lễ, ta đón nhận bí tích Thánh Thể, là ân sủng, là bảo đảm cho sự sống đời đời, nên chúng ta rước lễ với lòng tin và yêu mến Thánh Thể. Chúng ta còn tiếp tục đón Chúa đến gia đình qua việc cầu nguyện tối sớm, qua việc đọc Lời Chúa và suy niệm trong các buổi đọc kinh chung.

 

Previous articleÐA SỐ CÁC VẬN ÐỘNG VIÊN ÐỀU KHÓC
Next articleHÃY LOẠI BỎ LÒNG DẠ QUANH CO