Hiến dâng đúng nghĩa Kitô
Thế giới đang chứng kiến sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức con người. Sự đổ vỡ của các gia đình, nạn nạo phá thai nghiêm trọng và cả lối sống buông thả của giới trẻ, điển hình là “sống thử”…đang ngày một gia tăng. Những điều đau lòng và đáng lo ngại ấy cũng bởi thiếu tình yêu, thiếu sự cho và nhận đúng nghĩa. Nói cách khác thiếu đi sự dâng hiến mẫu mực Kitô giáo.
Tình yêu phải hiến dâng. Muốn có tình yêu bạn phải hiến dâng để tìm thấy tình yêu và hiến dâng cho ta một tình yêu đúng nghĩa. Hiến dâng trong cái nhìn của Kitô giáo thực sự mang một ý nghĩa sâu sắc và siêu nhiên. Cách hiến dâng mà Thiên Chúa dành cho con người và cách hiến dâng mà Người muốn con người đáp trả tình yêu đó, vượt lên trên lối hiến dâng mang xu hướng dung tục và tầm thường của chúng ta. Hiến dâng của con người thường để thỏa mãn cả hai bên, do đó nó dễ dẫn đến một sự hiến dâng nặng về tính xác thịt, sự ích kỉ và toan tính cho bản thân. Chúng ta thường thấy một dạng yêu trong tầng lớp trẻ hiện nay nặng về sự đối chiếu, so sánh, thậm chí thỏa mãn nhục dục hay chỉ để “vui chơi qua đường”, hoặc nói vui một câu là “yêu cho bằng bạn bằng bè”… Trách nhiệm trong tình yêu cũng vì thế mà bị lãng quên hoặc không muốn nhắc tới. Hậu quả của thứ tình yêu vụ lợi, bâng quơ trên tạo nên sự hiến dâng sai lầm, vô nghĩa, phản Kitô.
Thực tế cho chúng ta thấy con người thời nay, đặc biệt các bạn trẻ đang lao vào một thứ “phản tình yêu”. Chúng ta luôn tự biện minh ‘vì yêu nên tôi làm thế này’, ‘vì yêu nên mới có chuyện đáng tiếc như vậy’. Phải chăng đó là tình yêu hay chỉ là sự ngộ nhận. Nhiều cặp trai gái đến với nhau, sống chung như vợ chồng khi chưa có một mảnh giấy hôn thú, một sự bảo đảm của gia đình hai bên hay của cộng đồng xã hội. Được hỏi thì chỉ một câu trả lời ngắn gọn “chúng tôi yêu nhau và trao hiến cho nhau tất cả”. Câu trả lời nghe có vẻ đúng và thật ý nghĩa, vì “trao hiến cho nhau” đúng là biểu hiện của tình yêu. Thế nhưng, suy xét thật kĩ và đối chiếu vào trường hợp cụ thể, cũng như nghiêm túc nhìn nhận kết quả cuối cùng của những cuộc tình “vô định” kia, chúng ta phải đặt lại vấn đề “như thế nào là trao hiến đúng nghĩa trong tình yêu”.
Đến với Kitô giáo chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác và hoàn hảo nhất. Bởi vì chính Thiên Chúa đã yêu và đã trao hiến thật sự khi Ngài đã trao chính Con Một cho nhân loại. Ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã yêu khi ban tặng tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con người. Ngài lại còn đi bước trước khi con người phản bội Ngài, đó là lời hứa cứu độ. Đó chính xác là một sự trao hiến trong tình yêu, bởi với địa vị là Đấng Tối Cao trước một loài thụ tạo thấp hèn như chúng ta, Ngài lại nhượng bộ, lại cầu xin chúng ta trở về với Ngài. Để làm sáng tỏ điều này, xin được minh họa một cách đơn giản: Giả như có một vị vua khi vi hành tìm hiểu đời sống người dân trong vương quốc của ông, ông gặp một người con gái và nảy sinh tình cảm. Người con gái này thân phận nghèo hèn thấp kém, dung mạo tầm thường không có điểm gì nổi bật. Thế nhưng, vị vua kia đã phải lòng cô gái ấy và muốn cưới nàng làm vợ, ông muốn dành tất cả mọi điều tốt đẹp cho người con gái ấy… Nàng từ chối vì nghĩ mình không xứng. Nàng trốn tránh tình yêu của nhà vua và tìm cách xa ông ta vì nghĩ ông ta chỉ đùa vui rồi cũng bỏ rơi mình… Nàng tính đến những gì xấu nhất có thể xảy đến với nàng nếu nàng đồng ý với đề nghị của nhà vua. Thế nhưng, vị vua kia vẫn không lay chuyển ý định, vẫn bằng mọi cách để được gần người con gái mà ông yêu thương. Đến một ngày, vị vua nọ đã từ bỏ ngai vàng để ra đi tìm kiếm người con gái ấy. Nhà vua cứ đi tìm mãi, tìm mãi mà không cần biết người con gái đó đang nghĩ gì, có chấp nhận một người bây giờ cũng bình thường như bao người khác, bây giờ không còn là Đức vua sang trọng, uy nghiêm mà đã trở nên rách nát hao mòn vì tháng năm lăn lộn tìm kiếm.
Con người chúng ta đối với Thiên Chúa có lẽ cũng gần như người con gái kia đối với vị vua của mình. Chúng ta thường không thể hình dung về một Thiên Chúa trao ban đến như thế, do đó chúng ta sinh ra mặc cảm tự ti. Chúng ta quá cứng nhắc khi chỉ nhìn về một Thiên Chúa quyền năng mà lãng quên tình yêu thương có vẻ điên rồ, khờ dại của Ngài. Hơn nữa, nhiều lúc vì ích kỉ hẹp hòi chỉ nghĩ cho bản thân nên ta thường đặt nặng cuộc sống trần thế mau qua chóng tàn mà không muốn chấp nhận liều lĩnh đặt cuộc đời ta trong tay Thiên Chúa. Ta không tin tưởng Ngài. Ta chỉ nghĩ cho bản thân. Ta không biết trao hiến như Ngài để đạt được tình yêu của Ngài. Ta nghĩ về tình yêu theo lối nghĩ con người, đó là thứ tình yêu lợi dụng nhau để đạt được một điều gì đó cho bản thân. Chính vì không hiểu nổi, không chấp nhận nổi tình yêu trao hiến của Thiên Chúa nên con người cũng không tìm thấy một định nghĩa đúng đắn mà sống trao hiến tình yêu thật sự.
Đến cùng Chúa Kitô để khám phá tình yêu của Ngài và từ sự trao hiến của Ngài trên cây Thập Giá mà cho ta một định nghĩa đúng đắn về sự trao hiến trong tình yêu. Đến cùng Ngài ta sẽ giải quyết sự bế tắc và sai lầm trong cách dâng hiến của chúng ta. Nhờ khám phá và chấp nhận sự trao hiến tuyệt vời của Đức Kitô các bạn trẻ sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc do cách yêu và cách trao hiến sai lầm.
Ngày nay, các linh mục phải đau đầu khi giải quyết những trường hợp “ăn cơm trước kẻng” của các đôi xin thủ tục làm phép hôn phối, các tội nạo phá thai, li dị…. Đây phải chăng là kết quả của lối sống phương Tây đã len lõi vào đất nước chúng ta trong xu thế hội nhập những năm gần đây? Hay đời sống vật chất càng tiện nghi thì con người càng ngày càng đòi hỏi cao hơn trong tìm kiếm lạc thú mà rõ ràng và dễ dàng nhất đó là bằng việc thỏa mãn tình dục? Thực ra, chúng ta có thể thấy đó chỉ là điều kiện đi liền với một nguyên nhân sâu xa hơn mà thôi. Thiết nghĩ: nguyên nhân của tình trạng trên vẫn là do thiếu một định nghĩa đúng đắn trong việc trao hiến của tình yêu. Bởi vì: đời sống có tiện nghi, luồng văn hóa có thay đổi thì tri thức nhân loại cũng theo đó mà tiến bộ thêm. Con người cũng hiểu được điều gì nên và điều gì không nên. Nhưng nếu mang một ý thức mơ hồ và sai lầm vào trong vuồng quay của xã hội và sự tiện nghi của vật chất thì chắc chắn chuyện gia tăng tần số những hậu quả không đáng có là điều tất nhiên. Giả như, chúng ta mang một lối nghĩ đúng đắn, trao hiến trong tình yêu một cách đúng nghĩa thì dù xã hội có như thế nào cũng không lay chuyển được quan điểm của chúng ta.
Vấn đề chỉ được giải quyết khi chúng ta bắt đầu đề cập và phổ biến quan điểm dâng hiến theo Kitô giáo. Khi sự dâng hiến của Đức Kitô cho nhân loại được đưa lên thành mẫu mực, trở thành qui chuẩn thì mới có thể thay đổi hành vi của con người. Để đạt được mục tiêu đó, việc giáo dục giới tính theo lứa tuổi, việc dạy hôn nhân gia đình, dạy giáo lí phải kết hợp với giáo dục nhân bản Kitô giáo và tình dâng hiến trọn vẹn của Chúa Kitô cũng phải được đề cập một cách đồng thời.
Dâng hiến sẽ không còn nặng tính toán ích kỉ. Dâng hiến không còn hệ lụy ở việc “trao thân cho nhau” mới là dâng hiến đúng nghĩa. Dâng hiến phải bắt đầu từ trong tình yêu thực sự, đó là một tình yêu tất cả vì hạnh phúc của người mình yêu. Tình yêu đó khi hiến dâng là trao ban tất cả mà không cần nhận lại, là gìn giữ cho nhau và hướng đến một tương lai chung thủy hạnh phúc. Dâng hiến đúng nghĩa cũng mang trong nó đau thương của Thập Giá, đó là sự hi sinh những đòi hỏi của xác thịt nặng nề, sự kiềm chế những ước muốn dung tục và chiến đấu với những cạm bẫy quyến rũ của Satan…
Chúng ta cần khám phá ý nghĩa đích thực của sự dâng hiến để có thể dám thốt lên như thánh Augustinô: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Đây là phát biểu của một con người đã trải qua rất nhiều những sai lầm, những phóng túng, những ham muốn điên cuồng,.. để cuối cùng nhận ra cần yêu và yêu đúng nghĩa. Quả vậy, hiểu được câu nói đơn giản của ngài thiết tưởng không phải là chuyện dễ dàng. Cứ yêu đi, và cứ phải yêu thực sự thì muốn làm gì cũng được. Mà một khi chúng ta đã yêu thực sự thì tin chắc rằng chẳng ai lại có thể làm cái điều không tốt cho người mình yêu. Nhưng, ngược lại, họ sẽ làm tất cả những gì khiến cho người yêu mình được hạnh phúc kể cả việc đó có tổn hại cho bản thân mình. Con người cần can đảm chấp nhận Đức Kitô, cần học và yêu theo cách Ngài đã yêu, cần dâng hiến bản thân và can đảm hi sinh cho nhau trong tình yêu như Ngài mới có thể đạt được ý nghĩa thực sự trong tình yêu và mới giữ cho mình một cuộc sống hạnh phúc tương lai.
Peter Thái Hùng