Ích lợi của việc xin lễ cầu cho các linh hồn luyện ngục và cho mình

225

Giáo hội dâng lễ Misa như Chúa đã dạy để “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến” (Lời tung hô sau tryền phép).
Thánh lễ cũng được dâng lên để thờ phượng Chúa, tạ ơn Chúa, đền bù tội lỗi nhân loại và xin ơn phúc cho Giáo Hội và thế giới (Giáo Lý Công Giáo). Lễ vật dâng lên trong Thánh lễ để “tôn vinh Danh Chúa, mưu ích cho chúng con cùng toàn thể Hội Thánh Người” (Lời đáp trước kinh Tiền Tụng).

Công đồng Trentô dạy rằng: “Thánh lễ Misa không những ca tụng Chúa, mà còn là lễ đền tội cho người sống và người đã qua đời” (Khóa 22 chương 2). “Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi tớ nam nữ Chúa đã gọi ra khỏi thế gian, xin ban cho kẻ đã chết như con Chúa, thì cũng được sống lại như Người” (Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ).

Từ thời xưa, Giáo Hội đã chấp nhận cho Linh mục chủ tế được nhận một số tiền lễ của giáo dân để chỉ lễ theo ý người xin. Theo lịch sử thời trước nữa, giáo dân thường đem hoa mầu như bánh trái, rượu dâng lên chủ tế trong phần dâng lễ vật, dần dần để thuận tiện hơn, người ta dâng tiền để tùy ý chủ tế sắm các vật dụng cần thiết” (Martimort, The Signs of the New Covenant, The Liturgical Press, 1963 NY, p. 208).

Thánh Bênađô thuật truyện về Thánh Malaiki, tổng giám mục Armagh, nước Ái Nhĩ Lan đã dâng nhiều thánh lễ cho linh hồn chị mình. Tưởng thế là đủ, ngài không dâng nữa. Ba mươi ngày sau, ngài nghe tiếng chị khóc trong phòng mặc áo lễ. Bà than rằng, bà “đã chờ 30 ngày mà không được ai giúp đỡ”. Ngài tiếp tục dâng lễ cầu cho chị rồi thấy chị mặc đồ đen. Ngài lại tiếp tục dâng lễ cầu cho chị tới khi thấy chị rực rỡ vào Thiên đàng cùng với một số rất đông các linh hồn được giải thoát trong ngày hôm ấy (199).

Thánh Nicholas thành Tolentino thấy vô vàn linh hồn luyện ngục ở trong một cánh đồng hợp nhau lại xin van ngài dâng lễ cầu cho họ. Sau 8 ngày dâng lễ, ngài được biết các linh hồn ấy đã được giải thoát khỏi luyện ngục (204).

Thánh Antôn Padua kể rằng, Chân phúc Gioan Alverina một lần dâng thánh lễ vào ngày lễ Các Thánh. Sau khi truyền phép, ngài cầm Mình Chúa trong tay và khẩn khoải nài xin Chúa vì công nghiệp Chúa Giêsu xin cứu lấy các linh hồn luyện ngục. Ngài được thấy một số đông linh hồn từ luyện ngục bay lên như những ánh lửa tung tóe từ lò lửa về hướng thiên đàng (204).

Theo Thánh Tôma tiến sĩ, “Khi linh mục dâng lễ cầu cho linh hồn nào, dù ngài đọc bài lễ kính Đức Mẹ, lễ kính các Thánh, lễ cầu hồn hay bài lễ nào đi nữa thì công phúc của Thánh lễ cũng như nhau, nhưng nếu ngài đọc bài lễ cầu hồn thì công phúc được đặc biệt hơn, vì Giáo hội đã dọn riêng những lời cầu nguyện và bài đọc chỉ cho người quá cố (215).

Có người như ông Pasqualio còn chủ trương rằng thánh lễ hát cầu cho người đã chết lại gia tăng hiệu quả thánh lễ đặc biệt hơn nữa, vì không có những linh mục mà có cả các giáo dân cũng thông phần hợp lời cầu nguyện cách trọng thể hơn (222). Giáo hội đặt ră những lời ca hát không phải để cộng đoàn vui vẻ, hay cá nhân người xin lễ tự hào, mà để những lời van xin làm Chúa cảm kích dễ nghe hơn và ý chỉ lễ dễ được chấp nhận hơn.

Người ta cũng có thể xin dâng lễ để cầu nguyện cho người còn sống, cho chính mình. Thánh Leonard Marurice khuyên người ta dâng Thánh lễ cho chính mình khi còn sống tốt hơn là sau khi đã qua đời, vì những lý do sau đây:

1. Dâng lễ khi còn sống, chính mình được dự, chết rồi không chắc có được dự không.

2. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu mình là kẻ có tội, hy vọng sẽ được lòng thương xót Chúa ban ơn ăn năn xưng thú đền bù, dù mình không đáng. Chết rồi và đã xuống hỏa ngục thì không còn cứu vãn cách nào nữa, dù có dâng cả ngàn lễ cũng không đổi được số phận đời đời.

3. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống để được ơn chết lành, Chúa sẽ phù hộ trong giờ lâm tử nhờ ơn phúc thánh lễ.

4. Dâng lễ dâng cầu cho mình khi còn sống, ơn phúc vẫn còn, và nếu có phải luyện ngục, ngày giờ trong ấy sẽ được rút ngắn hơn. Chết rồi mới dâng lễ cầu cho thì linh hồn phải chờ đợi khốn khổ.

5. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống làm vinh danh Chúa hơn. Khi dâng lên Chúa tiền bạc Chúa đã ban cho, ta được công từ bỏ của cải. Chết rồi, tiền bạc về tay con cái họ hàng, mấy ai lo cứu giúp, đâu họ có cảm tháy nỗi khổ sở nóng nảy của ta mà cứu giúp mau chóng.

6. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu mình có ơn nghĩa Chúa thì được phần thưởng gấp đôi, vừa được tha phạt luyện ngục, vừa được công thưởng Thiên đàng. Chết rồi mới xin thì chỉ được tha phạt luyện ngục, không được gia tăng công thưởng Thiên đàng, không làm vinh danh Chúa hơn.

Cuối cùng chúng ta nên biết rằng, một thánh lễ dâng cầu cho ta khi còn sống được tha hình phạt của ta nhiều hơn là dâng nhiều thánh lễ sau khi ta chết, vì nếu ta làm mất lòng ai mà xin lỗi ngay thì dễ được tha hơn là chần chừ để phải xin lỗi và phải đền bù trước tòa án. Một lời bào chữa đáng giá bao nhiều tiền bạc rồi.

Chúng ta phạm đến Chúa nhiều cách, nếu chúng ta biết đền bù bằng việc lành phúc đức, việc từ thiện bác ái, nhất là nhờ công nghiệp Chúa Giêsu qua thánh lễ thì nợ của chúng ta được tẩy xóa. Chờ đến trước tòa án Chúa mới xin đền thì hình phạt lại thêm nặng nề hơn.

Thánh Anselmo dạy, “Sốt sắng dâng một Thánh lễ khi còn sống, lợi ích hơn cả ngàn Thánh lễ khi đã qua đời” (226). Chính Chúa Giêsu dạy, “Hãy làm việc khi trời còn sáng, tối rồi ai thấy đường đâu mà làm”.