Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình’?

125

Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình’?

Cuộc sống mà từ đầu tới cuối đều sống vì cái mác mà người khác ban cho là cuộc sống không rực rỡ. Cuộc đời mà lúc nào cũng để ý tới lời đánh giá của người khác là cuộc đời không hoàn chỉnh. Đối với trẻ thơ, sống vì cái mác mà người khác gán cho là cuộc sống không vui vẻ.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều người được mọi người tôn trọng và yêu quý dù họ không xinh đẹp, cũng không giàu có. Vì sao vậy? Bởi gì họ giữ được bản sắc riêng của mình. Trong cuộc sống, nếu chúng ta biết yêu quý bản thân, giữ được bản sắc của mình, thì chúng ta sẽ tạo lập được giá trị riêng và cũng dễ được người khác chấp nhận. Vì thế, cha mẹ hãy để con ý thức được rằng, trong cuộc sống và học tập, nhất định phải giữ được nét riêng, bản sắc riêng của mình, mình phải là chính mình.

Giá trị bên trong của mỗi người sẽ không bị tổn hao vì những đánh giá của người khác. Cha mẹ không chỉ nên để con nhận thức giá trị bên trong của mình mà còn phải để con nhận thức được rằng, giá trị này sẽ không thay đổi vì vẻ bề ngoài và môi trường. Sẽ có một ngày nó tỏa sáng.

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy người ta đánh giá con của mình như “Nó nhát lắm”, “Nó lười lắm”, “Nó rất vụng về”… Tất cả cái mác ấy là do cha mẹ gán cho con. Nếu không gỡ bỏ chúng thì trẻ sẽ vĩnh viễn bị chúng trói buộc, sẽ không thoát khỏi cái bóng của nó, cũng không thể có ý chí ngoan cường để khắc phục khó khăn.

Có một cô bé rất thích múa ba lê. Từ nhỏ cô bé đã có quyết tâm thi vào một trường chính quy để luyện tập, đồng thời coi múa ba lê là sự nghiệp cả đời mình. Tuy nhiên, cô rất muốn tìm hiểu xem liệu mình có năng khiếu này không. Thế là khi đoàn múa ba lê tới thành phố cô sinh sống biểu diễn, cô liền chạy đến gặp trưởng đoàn.

Cô gái nói: “Tôi muốn trở thành diễn viên múa ba lê xuất sắc nhất, nhưng tôi không biết mình có năng khiếu này không?. “Cô múa một đoạn cho tôi xem nào”, trưởng đoàn nói. Năm phút sau, vị trưởng đoàn bảo cô gái dừng lại, lắc đầu nói: “Không, cô không đủ điều kiện”.

Cô gái buồn rầu ra về, ném giày múa xuống đáy thùng và không bao giờ đi nữa. Về sau, cô kết hôn và sinh con, trở thành nhân viên thu ngân của siêu thị.

Nhiều năm sau, cô cùng con đi xem biểu diễn ba lê, vô tình gặp lại người trưởng đoàn năm xưa ở cổng nhà hát. Cô nhớ lại cuộc nói chuyện hồi ấy, thế là cô cho trưởng đoàn xem bức ảnh gia đình mình, đồng thời nói về cuộc sống hiện tại. Cô nói: “Có một điều tôi không hiểu, sao ông có thể biết tôi không có năng khiếu làm nghệ sĩ múa ba lê trong khoảng thời gian ngắn như vậy?”

“Ồ, lúc cô múa gần như tôi không nhìn, tôi chỉ nói với cô câu mà tôi đã nói với tất cả những người khác. Điều này thật sự không thể tha thứ được”. Cô hét lên: “Câu nói ấy của ông gần như hủy hoại cuộc sống của tôi, vốn dĩ tôi có thể trở thành diễn viên múa ba lê xuất sắc nhất!”

“Tôi không nghĩ như vậy”, trưởng đoàn phản bác lại, “Nếu cô thật sự khao khát trở thành một nghệ sĩ múa, cô sẽ không bận tâm tới lời tôi nói với cô”.

Cuộc sống mà từ đầu tới cuối đều sống vì cái mác mà người khác ban cho là cuộc sống không rực rỡ. Cuộc đời mà lúc nào cũng để ý tới lời đánh giá của người khác là cuộc đời không hoàn chỉnh. Đối với trẻ thơ, sống vì cái mác mà người khác gán cho là cuộc sống không vui vẻ. Nên để trẻ sống với đúng con người mình, bất kỳ lời hạ thấp nào cũng sẽ không khiến mình mất giá trị. Lời nói của người khác không thể quyết định hành động của mình.

Nên để trẻ sống với đúng con người mình. (Ảnh: ivsky.com)

Trong quá trình trưởng thành, trẻ phải trải qua rất nhiều chuyện. Có trẻ vì hoàn cảnh bình thường mà không dám mơ ước đến những thành công lớn. Vì thành tích học tập không tốt mà không dám đề ra mục tiêu lớn hơn. Đó là vì trẻ không chủ động phá vỡ khuôn mẫu, không thể thay đổi quỹ đạo của cuộc đời. Ngay từ khi còn nhỏ, con người phải học cách cạnh tranh với mình, dũng cảm phá bỏ những cái mác mà mình tự gán cho mình trong tiềm thức, trở thành người tích cực, lạc quan, biết đủ.

Để con trở thành người lạc quan

Để con giữ được thái độ hài hòa, lạc quan, không được để con mất cân bằng tâm lý. Đôi khi con trẻ bị mất cân bằng tâm lý, cảm thấy cái gì cũng không vừa ý nên bực bội, buồn phiền. Trẻ kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều. Vì thế, cha mẹ hãy lưu tâm không nên để con kỳ vọng quá cao so với những người xung quanh và cuộc sống. Để trẻ học cách đối mặt với mọi thứ bằng thái độ bình tĩnh, không được kỳ vọng ai sẽ đối xử thế nào với mình, không được kỳ vọng lúc nào vận may cũng đến với mình. Để trẻ biết rằng, thế giới không tồn tại vì bất kỳ người nào.

Để con trở thành người tích cực

Chỉ có thái độ tích cực thì mới có thể dễ dàng tiến tới thành công. Trẻ học giỏi hay không, không phải là vấn đề trí tuệ, mà là ở sự chăm chỉ, tỉ mỉ. Cùng là học sinh nhưng có trẻ học giỏi đứng đầu lớp, có trẻ lại không thể. Điểm khác biệt thực sự là ở ai tích cực hơn, nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn chứ không không phải là bởi thông minh tài trí và kỹ năng. Thực ra, thành công của những bậc anh tài, vĩ nhân trong xã hội đều được quyết định ở sự hy sinh của họ. Vì thế, thành công của trẻ không hoàn toàn là vấn đề phương pháp mà còn phụ thuộc vào thái độ của chúng.

Chỉ có thái độ tích cực trẻ mới có thể dễ dàng tiến tới thành công. (Ảnh:kuaibao.qq.com)

Để con trở thành người biết đủ

Sở dĩ con người vui vẻ không phải vì họ nhận thức được nhiều mà là vì họ yêu cầu ít. Vì thế, cha mẹ phải dạy trẻ biết thỏa mãn, biết đủ, phải biết cảm ơn những lời quan tâm, hỏi han của người khác. Có người thân, thầy cô quan tâm đến mình là đủ. Phải học cách cảm ơn người khác, cảm ơn cuộc sống và không nên đòi hỏi quá nhiều.

Thực ra, mỗi người đều có ưu điểm và sở trường của mình, đồng thời cũng có nhược điểm và thiếu sót. Có những trẻ quá bận tâm đến cách nhìn của người khác, thế nên cố tình che giấu nhược điểm của mình, hy vọng để lại ấn tượng tốt đẹp với mọi người. Nhưng ngụy trang sẽ khiến con người mất đi cái tôi thật sự, lấy lòng người khác cũng không thể có được sự yêu quý thật lòng. Mà cái gì không thật thì không bền và nó rất hời hợt. Vậy, vì sao chúng ta không thử thay đổi góc nhìn? Để con trẻ được là chính mình. Để con học cách xé bỏ những “cái mác” người khác dán lên người mình. Chiến thắng bản thân.

Hồng Ân