Kinh Lạy Cha- Bảy Lời Cầu Xin Của Cộng Đoàn Dân Chúa…
Kinh Lạy Cha chiếm địa vị ưu đẳng Kitô giáo, đến nỗi Terulianô nói: “Đó là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”, và Thánh Âutinh diễn tả: “Hãy rảo khắp mọi lời trong Kinh Thánh, và tôi không nghĩ rằng bạn có thể tìm thấy bất cứ điều gì ở đó mà lại không chứa đựng và bao hàm trong Kinh Lạy Cha”. Trong tâm tình chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người và cũng là để đón mừng Năm Thánh về Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cùng tìm hiểu những lời cầu xin và nguồn ơn chúng ta đón nhận được khi tìm hiểu lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.
Lời cầu xin “nguyện Danh Cha cả sáng” nghĩa là gì?
Khi cầu xin “Danh Cha cả sáng”, chúng ta bước vào kế hoạch của Thiên Chúa. Danh Ngài – được mạc khải cho ông Môse, rồi trong Chúa Giêsu – được thánh hoá qua chúng ta và trong chúng ta, cũng như nơi mọi dân tộc và nơi từng con người.
- Hội Thánh xin gì khi cầu nguyện “Nước Cha trị đến”?
Hội Thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Ðức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội Thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu xin Chúa Thánh Thần và của Hiền Thê: “Lạy Chúa Giêsu! xin hãy đến” (Kh 22,20).
- Tại sao chúng ta cầu xin: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”?
Ý muốn của Cha chúng ta là “tất cả mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Ðức Trinh Nữ Maria và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể “nhận ra ý muốn của Thiên Chúa” (Rm 12,2) và “kiên trì thi hành thánh ý” (Dt 10,36).
- Lời cầu “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” có nghĩa gì?
Khi đọc “xin Cha cho chúng con”, trong sự hiệp thông với anh em, chúng ta nói lên lòng tín thác của người con thảo đối với Cha chúng ta trên trời. Từ “lương thực” chỉ thực phẩm vật chất cần thiết để nuôi sống thân xác; nhưng cũng còn có nghĩa là Bánh sự sống, đó là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Bánh này được lãnh nhận trong “ngày hôm nay” của Thiên Chúa như của nuôi dưỡng hết sức cần thiết và cốt yếu của Bàn Tiệc Nước Trời mà bí tích Thánh Thể là một sự tham dự trước.
- Vì sao chúng ta nói “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”?
Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.
- “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nghĩa là gì?
Nghĩa là chúng ta cầu xin Thiên Chúa đừng để chúng ta đi theo con đường dẫn đến tội lỗi. Lời cầu xin này van xin Thần Khí ban ơn phân định và sức mạnh; cũng cầu xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng.
- Chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin “nhưng cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ”?
Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12,9). Ðức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Chúng ta cầu xin cho cả nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Ðức Kitô lại đến, Ðấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát.
Và cuối cùng, từ “Amen” nghĩa là gì?
Sau khi đọc kinh xong, bạn thưa “Amen”, nghĩa là “mong cho được như vậy”. Với từ cuối cùng này, như lời của thánh Cyrillo Giêrusalem, bạn đã đóng ấn mọi điều chứa đựng trong lời kinh này mà Thiên Chúa đã truyền dạy.