Làm sao chúng ta biết có một Thiên Chúa?

49

Làm sao chúng ta biết có một Thiên Chúa?

Jesus Christ in heaven

Câu hỏi rõ ràng nhất mà bất cứ ai hỏi một người tín hữu là “Làm thế nào bạn biết Thiên Chúa hiện hữu?” Câu hỏi này vừa có câu trả lời đơn giản vừa có câu trả lời phức tạp. Trước hết, câu trả lời đơn giản như sau: đức tin là tin tưởng một điều gì đó hay một ai đó mà bạn không thể nhìn thấy hoặc đức tin là tin tưởng vào điều không thể chứng minh được. Nói cách khác, đức tin không tùy thuộc vào việc có những chứng cứ; nếu không nó sẽ không phải là đức tin nữa. Vì thế, những người tin vào Thiên Chúa hay tin vào một Đấng tối cao là những người tin vào lời của người khác hoặc chỉ tin tưởng vào bản năng/khuynh hướng bẩm sinh của chính họ là: một đấng thần linh toàn năng thực sự hiện hữu. Nhiều người tin vào Thiên Chúa, dù họ là người Do Thái giáo hay Hồi giáo, Kitô hữu hay là Công giáo Rôma, Chính Thống Đông Phương hay Tin Lành, đó là bởi vì họ tin vào Lời của Thiên Chúa được mặc khải trong Thánh Kinh.

Câu trả lời phức tạp hơn là: Kitô giáo Công giáo thực sự tin rằng bạn có thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Lý trí có thể kết luận rằng có một đấng tối cao hiện hữu và là tất yếu, nhưng chỉ có đức tin (tin tưởng vào điều không thể hoặc không được biết) nói với chúng ta rằng có Thiên Chúa nhưng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi (thuyết độc thần). Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất, và Kitô giáo là tôn giáo duy nhất trong ba tôn giáo trên tin rằng có Ba Ngôi Vị Thần Linh trong một Thiên Chúa duy nhất ấy. Lý trí con người không bao giờ có thể luận ra được mầu nhiệm làm thế nào có ba ngôi vị mà không phải là ba thiên chúa. Đức tin cần thiết để tin giáo lý ấy, và một số người không bao giờ chấp nhận đức tin đó.

Sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể được nhận biết bởi chỉ lý trí, hoặc có thể được tin tưởng bởi đức tin. Trước Đức Kitô, người Hy lạp và Rô-ma cổ đại đã dùng triết học (luận lý và lý trí) để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa hay một đấng tối cao. Thánh Tôma Aquinô là một triết gia và thần học gia Công giáo ở thế kỷ 13 đã sử dụng những luận chứng tương tự thời cổ đại để chứng minh về tính hữu lý của bất cứ người nào “biết” rằng Thiên Chúa hiện hữu; bất chấp việc họ có đức tin hay không. Ngài chỉ ra rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể được chứng minh bằng lý trí, nhưng sau đó, người ta cần đức tin siêu nhiên để tin vào mặc khải siêu nhiên về bản tính của Thiên Chúa (chẳng hạn như về Thiên Chúa Ba Ngôi).

Thánh Tôma Aquinô sử dụng năm luận chứng để chứng minh rằng ngang qua việc chỉ dùng lý trí thì bất cứ ai cũng có thể biết là có một Thiên Chúa. Luận chứng đầu tiên được gọi là sự chuyển động. Đây không phải là một sự di chuyển vật lý từ điểm A tới điểm B trên bản đồ hoặc trên đường. Có nghĩa là dịch chuyển từ khả thể hiện diện cách đơn thuần tới hữu thể thực sự. Các triết gia gọi đây là sự chuyển động “từ tiềm thể thành hiện thể.” Chẳng hạn, bức tượng nghệ thuật Pieta được Michelangelo thực hiện vẫn là tiềm thể cho tới khi nó đi vào trong hiện thực ngay khi nghệ nhân bắt đầu chạm trổ, đục đẽo khối đá ấy. Sản phẩm hoàn chỉnh ban đầu là tiềm thể và sau đó trở nên hiện thực, nhưng chính nó không tự làm được điều đó. Nghệ nhân là “người dịch chuyển,” có nghĩa là, một người đã dịch chuyển “Pieta tiềm thể” để trở thành “Pieta hiện thực.” Ông đã làm điều này bằng việc dùng búa đục đẽo khối đá ấy cho đến khi ông hoàn thành. Không có nghệ nhân, thì bức tượng ở tiềm thể sẽ vẫn giữ nguyên ở tiềm thể mãi mãi. Chỉ có điều đã hiện hữu mới có thể dịch chuyển một cái gì từ tiềm thể tới hiện thực. Bạn và tôi là những con người tiềm thể cho tới khi cha mẹ của chúng ta đưa chúng ta vào trong tình trạng thực sự hiện hữu ngay khi chúng ta được tượng thai.

Thánh Tô-ma Aquinô đã lý luận rằng toàn bộ vũ trụ là tiềm thể (trước Big Bang) cho đến khi một cái gì đó hoặc ai đó chuyển nó từ tiềm thể tới hiện thể (từ một vũ trụ tiềm thể để trở thành một vũ trụ có tính hiện thể). Vì mọi thứ đều có sự khởi đầu, điều đó có nghĩa mọi thứ đều ở dạng tiềm thể tại một thời điểm nào đó. Chỉ có một “động cơ đệ nhất” hoặc điều gì đó luôn luôn hiện  thể và không bao giờ là tiềm thể, mới có thể được coi là một hữu thể tối cao. Nếu Thiên Chúa có một khởi đầu, thì sẽ có một khoảng thời gian không có Thiên Chúa; nếu điều đó xảy ra, thì ai hay điều gì đã khiến Người từ một Thiên Chúa tiềm thể trở thành một Thiên Chúa hiện thể? Aquinô nói rằng lý trí buộc chúng ta nhận ra rằng có một điều gì đó luôn luôn tồn tại, là Đông cơ Đệ nhất, đấng làm chuyển động tất cả mọi thứ từ khả thể hiện hữu tới thực sự hiện hữu.

Nếu đầu bạn chưa đau, thì hãy tiếp tục. Luận chứng thứ hai được gọi là nguyên nhân. Mọi thám tử tội phạm, từ Sherlock Holmes tới Lord Peter Whimsey, cho tới Miss Marple giải quyết bí ẩn của vụ giết người dựa trên nguyên lý nhân quả. Một xác chết được tìm thấy trong căn phòng với năm vết đạn và một con dao ở sau lưng. Đó là kết quả. Một cái gì đó và một ai đó (kẻ giết người) đã khiến một người sống trở thành một xác chết. Những viên đạn và dao không giết người; người ta giết nhau. Tương quan nhân quả là nền tảng của khoa học, của luận lý học, và của hầu hết các kiến thức thường nghiệm của chúng ta. Chúng ta thấy một mảnh giấy bị đốt cháy (hệ quả) và tự động lý luận rằng cái gì đó hoặc ai đó là nguồn gốc (nguyên nhân) của việc cháy ấy. Thế nên có thể nói rằng, không có gì ngoài việc kết nối các manh mối. Vì thế, Aquinô đã lý luận rằng mọi hậu quả đều có một nguyên nhân; nếu không, nó sẽ không tồn tại. Bạn và tôi là kết quả, và cha mẹ chúng ta là nguyên nhân. Ngài cũng lý luận rằng mọi nguyên nhân đều có ảnh hưởng của nguyên nhân trước đó. Bà nội và ông nội cũng có liên quan một cách nào đó tới chúng ta, vì nếu không có họ (nguyên nhân) thì họ sẽ không có con cái (hệ quả) và nếu không có con cái lớn lên trở thành cha mẹ chúng ta (nguyên nhân) thì sẽ không có chúng ta (hệ quả) .

Vì thế, nếu chúng ta lý luận ngược lại, như chúng ta đã làm với chuyển động, và suy ra rằng mọi nguyên nhân phải có nguyên nhân trước đó, thì phải có nguyên nhân đầu tiên giống như động cơ đệ nhất. Nguyên nhân đầu tiên này là nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân. Nó không có nguyên nhân vì nó luôn tồn tại. Nguyên nhân không có nguyên nhân này, Nguyên Nhân của Tất Cả các Nguyên Nhân và Động cơ Nguyên thủy đó, có thể được gọi là Thiên Chúa hoặc là Đấng Tối cao, nếu bạn muốn. Aquinô không bao giờ tuyên bố điều này mang kịch tính như khi Mosê gặp bụi gai cháy, nhưng nó có ý nghĩa.

Luận chứng thứ ba được gọi là tất yếu tính. Cũng quan trọng như người chủ của bạn nghĩ rằng ông ta là ai, trong thực tế, vũ trụ sẽ tiếp tục tồn tại nếu ông ta không còn tồn tại nữa, nghĩa là, ông ta không tất yếu. Nhưng đừng nói với ông ta điều đó trừ khi bạn không muốn tăng lương như bạn yêu cầu! Chẳng có vấn đề gì quan trọng, chẳng có gì trên thế giới hoặc trong vũ trụ này là tuyệt đối tất yếu. Tất cả mọi thứ là bất tất, có nghĩa là nó không buộc phải tồn tại để cho thực tại được hiện hữu. Chỉ có một hữu thể là tất yếu, và đó là Nguồn của chính hữu thể đó, Hữu Thể này duy trì cho mọi thứ được tồn tại. Tương quan nhân quả và chuyển động chỉ đơn thuần giải thích làm thế nào một cái gì đó có ở đây, nghĩa là, tất cả mọi thứ được tạo dựng và có nguồn gốc. Mặt khác, tính tất yếu và tính bất tất, cho chúng ta thấy rằng cần đến một cái gì đó hay ai đó để duy trì cho mọi thứ tiếp tục tồn tai cả sau khi chúng được tạo thành. Edison có thể đã phát minh ra bóng đèn, nhưng ông đã chết, và chúng ta vẫn sử dụng đèn điện sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, điện năng thì cần thiết để giữ cho bóng đèn hoạt động. Hãy suy nghĩ về Hữu Thể Tất Yếu, Hữu thể tự thân, hoặc Hiện Hữu tự thân (thậm chí bạn có thể gọi là Thiên Chúa hay Hữu thể Tối cao), như là điện giữ cho mọi thứ tồn tại. Điều duy trì sự tồn tại của tất cả mọi thứ này là một hiện hữu tất yếu. Mọi thứ phụ thuộc vào hữu thể tất yếu ấy đều mang tính bất tất. Bạn nhức đầu chưa?

Luận chứng thứ tư được gọi là cấp độ. Có một thứ bậc của hữu thể trong vũ trụ. Trước hết, ở mức cơ bản nhất, ngay cả ở cấp độ hạt nguyên tử, đó là vật chất vô tri vô giác và có năng lượng. Nó tồn tại, nhưng không sống động. Kế đến, khi bàn đến chuỗi thức ăn, chúng ta có mức độ thứ hai của hữu thể: đời sống thực vật (thực vật). Đời sống thực vật, cơ bản, đơn giản này mang ba hoạt động: trao đổi chất/dinh dưỡng, tăng trưởng và sinh sản. Tuy nhiên, mức độ thứ ba của hữu thể thì phức tạp hơn. Mặc dù nó có cùng ba nguyên tắc như đời sống thực vật, nhưng nó còn có cảm giác nữa. Đời sống động vật cao hơn cuộc sống thực vật vì những sinh vật này có cơ thể vốn truyền được thông tin (dữ liệu) từ giác quan của chúng đến não của chúng. Mặc dù những bộ não này hoạt động theo bản năng, khi tai của chúng nghe được âm thanh và mắt của chúng nhìn được hình ảnh, động vật phản ứng như mệnh lệnh mang tính bản năng. Mức độ thứ tư của hữu thể kết hợp hai yếu tố đầu tiên nhưng đi vào một cơ chế phức tạp hơn nhiều. Cuộc sống con người không chỉ bao gồm dinh dưỡng, tăng trưởng và sinh sản (như đời sống thực vật), và có tri giác từ cơ thể vật lý (cũng như động vật), nhưng nó cũng liên quan đến khả năng lý luận. Con người có những khả năng trí tuệ và ý chí tự do. Trong khi động vật hoạt động theo bản năng, chỉ có con người có thể làm những lựa chọn tự do dựa trên lý trí. Lần cuối cùng bạn nhìn thấy một chú chó hay một con mèo đói lại quay đi trước thức ăn chỉ bởi vì chúng ăn kiêng hoặc chúng cần giảm cân là khi nào vậy? Con chó Pooch hay mèo Kitty sẽ ăn theo bản năng bất cứ khi nào chúng đói. Con người có thể kháng cự lại cơn đói và tự do lựa chọn chế độ ăn kiêng. Những hữu thể vượt trên con người là các thiên thần. Đây là những hữu thể, không giống chúng ta, không có thân thể và linh hồn. Họ là tinh thần thuần túy. Họ có trí tuệ và ý chí, giống như chúng ta, nhưng họ không bị giới hạn bởi cơ thể vật lý vốn có thể cảm thấy đói, đau, lạnh, nóng, bệnh tật và chết. Thiên thần không thể chết vì họ là những hữu thể thiêng liêng nên không có thân xác phải chết cản trở các ngài. Tuy nhiên, hữu thể ở mức độ sau cùng và cao nhất không phải là thiên thần mà là thiên chúa. Thiên thần không thể chết, nhưng họ được tạo thành. Họ bị giới hạn và hữu hạn, trong khi hữu thể sung mãn này là Thiên Chúa. Ngài là đấng tối cao, Hữu Thể Tối Cao. Thiên Chúa không có khởi đầu và không có kết thúc. Thiên Chúa luôn hiện hữu. Vì Ngài ở mọi nơi (toàn tại) và biết mọi sự (toàn tri) và có thể làm bất cứ điều gì (toàn năng), Ngài là tuyệt đỉnh và tột đỉnh của chính hữu thể.

Luận chứng thứ năm và cuối cùng được gọi là việc quản trị. Điều này không liên quan gì đến tòa thị chính, hạ viện, thượng viện, hoặc Nhà Trắng. Một cái gì đó hoặc một ai đó có trí thông minh đã tạo ra thế giới và vũ trụ, chúng hoạt động dựa trên các quy luật và nguyên tắc thông minh và hợp lý. Cho dù bạn tin thuyết Sáng Tạo hay tin theo một hình thức tiến hóa, bạn sẽ nhận ra rằng có một kế hoạch mang tính hệ thống mà dựa trên đó thực tại hoạt động. Không phải các nhà bác học tạo ra các quy luật vật lý và hóa học; họ đã khám phá ra chúng. Những luật này áp dụng như nhau ở bất kỳ quốc gia nào và trên bất kỳ hành tinh nào. Việc quản trị chỉ có nghĩa là một Đấng thông minh tạo ra các luật và hệ thống thông minh duy trì trật tự và ngăn ngừa sự hỗn loạn. Đấng Quản Trị đó có thể được gọi là Thiên Chúa.

Có lẽ bạn cần một viên aspirin chăng? Chẳng có ai dám tuyên bố rằng năm luận chứng này sẽ biến đổi một người vô thần sau một đêm. Tuy nhiên, chúng cho thấy rằng lý trí có thể nhận biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chẳng hạn giữa nhiều dân tộc khác nhau, người ngoại giáo Rôma và Hy Lạp cổ đại đã chỉ ra rằng có một hữu thể tối cao thậm chí vị thần đó không tự tỏ lộ ra cho biết về chính mình. Nhưng đó là giới hạn của lý trí con người. Chúng ta chỉ có thể biết rằng có một Thiên Chúa. Để biết Thiên Chúa và không chỉ biết về Ngài liên quan đến đức tin. Đức tin cho phép bạn tin vào những chân lý được Thiên Chúa mặc khải. Lý trí giúp làm cho các chân lý đó có ý nghĩa, nhưng phần lớn của các mầu nhiệm của tôn giáo không mâu thuẫn với lý trí; thay vào đó, nó vượt xa những giới hạn của lý trí con người. Rồi bạn chỉ cần tin thôi. st

Previous articleTạo dựng hay tiến hóa: nghĩa là gì?
Next articleTruyền giáo hay/và Phúc Âm hóa?