Truyền giáo hay/và Phúc Âm hóa?
- Một trong những ngữ vựng nòng cốt của Kinh Thánh là “(được) sai đi” (mittere, missus): Mô-sê được sai đi để giải phóng dân Israel đang bị áp bức; thời quân chủ, các vua, qua việc xức dầu, được tấn phong sứ vụ cai quản dân Chúa; các tiên tri được sai đi để rao giảng, cảnh cáo, giáo huấn, đe phạt, an ủi, nâng đỡ dân Chúa tùy theo mỗi hoàn cảnh lịch sử, mỗi nhu cầu thời đại.[1] Đức Kitô (Đấng được xức dầu) là sự viên mãn của Cựu Ước, là điển phạm tuyệt đối của sứ giả, là khởi điểm và cánh chung của Giáo Hội lữ hành, đã được các Thánh sử ghi chép như sau:
- Bài giảng mở màn cho sứ mạng của Đức Kitô ở Nazareth (Lc 4, 18ff.) như một hoạch định kết tinh đã được tiên tri Isaia báo trước và “hôm nay” được thực hiện từng bước một.
- Sự hợp thức hóa việc Đức Kitô sai phái các môn đệ và Giáo Hội mỗi thời đại. “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con” (Ga 20:21, 17:18)
- Mục đích của sứ mạng thiên sai là:
- Rao giảng cho muôn dân nhân danh Chúa Cha – Con – Thánh Thần và làm cho họ trở thành môn đệ Đức Kitô.
- Để sinh nhiều hoa trái.
- Để họ được sống và sống sung mãn hơn.
- Một sứ mạng chứng nhân vô điều kiện, như sự tiếp tục tham dự vào mầu nhiệm Cứu độ và mầu nhiệm Phục sinh. (Chúa chọn và sai 12 tông đồ như chiên giữa bầy sói (Mt 10:16), và Ngài sai 72 môn đệ tới nơi mà Ngài sẽ tới (Lc 10:1).
Thánh Linh là tác nhân chính khởi phát, thôi thúc Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo và mặc khải cho Giáo Hội bí nhiệm của Nước Chúa trong mỗi thời đại.
- Qua những đoạn Kinh Thánh điển hình trên, chúng ta nhận ra cái nhìn sứ mạng Tin Mừng vừa có chiều sâu vừa tổng quát, không phân biệt truyền giáo hay Phúc Âm hóa. Nhưng tại sao lại có vấn đề tranh cãi giữa truyền giáo và Phúc Âm hóa?
Để hiểu vấn đề này rõ ràng hơn, A. Dulles đặt ra câu hỏi: “Giáo Hội Công Giáo La Mã có đặt trọng tâm trên nền tảng Kinh Thánh, hay chỉ có Hội Thánh Tin Lành (Evangelical)? Và ông ta đã trả lời: “Trước đây nửa thế kỷ, một phần tín hữu Công Giáo và hầu như tất cả tín đồ Tin Lành đều trả lời là không”[2]. Ông đã nêu ra lý do là: Giáo Hội Tin Lành nói chung tự nghĩ họ là Giáo Hội chú tâm tới rao giảng đặt nền trên Phúc Âm hóa và họ cho rằng Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội đặt lễ nghi và luật lệ lên trên, nên coi trọng truyền thống, thể chế và Bí Tích. Quan điểm đối lập này thực ra chỉ là một hoạt họa hơn là một thực tế, nhưng nó phản ảnh những tiền kiến của hai giáo hội, nhất là khi các giáo hội này trở thành một định thái hơn là sống động, khi họ cần có những “tiêu chuẩn” để phân định trắng đen rõ ràng như Tây Âu, nơi mà giới hạn Giáo hội đồng hóa với giới hạn tôn giáo (Cuius region eius religion). Thực ra thành kiến này thành hình ở Giáo Hội “mẹ”, nhưng khi truyền giáo qua Mỹ Châu, Phi Châu hay Á Châu, nó đã trở thành “kiến thức” của những tín hữu mới. Nhiều khi vì vấn đề truyền giáo cạnh tranh ráo riết giữa những giáo hội để “chinh phục” nhiều người về với mình, những thành kiến trên đã được bôi đậm thêm, xuyên tạc thêm (như coi Công Giáo là đạo thờ Đức Mẹ) trở thành như một chiến thuật truyền giáo”! Chính chiến thuật chia rẽ này đã trở thành tảng đá khiến nhiều người vấp ngã hay ít nhất làm cản trở nhiều người muốn tìm hiểu Đạo chân thật, Đạo tình yêu của Đức Kitô. Tại sao cùng tin vào Đức Kitô, cùng rao giảng Tin Mừng của Ngài, cùng muốn sống theo sứ điệp Ngài trao, nhưng lại loại trừ nhau, lại phỉ báng nhau?! Cũng may, Công Đồng Vatican II và tổ chức Hiệp Hội Phổ Thế Kitô Giáo (WCC) đã sớm phát hiện sự liên quan mật thiết giữa hoạt động truyền giáo và Phúc Âm hóa để kịp thời đối thoại và ngăn chặn những tệ hại tranh chấp, nhờ đó đang dần cùng hiểu nhau hơn, hợp tác với nhau hơn.
- Quan niệm truyền giáo là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, nếu trở thành mục tiêu là đi “chinh phục” những dân ngoại, là rửa tội cấp tốc để cứu linh hồn vv.. , thì quan điểm này có lẽ đã được lồng vào quan niệm Giáo Hội học như “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” (Extra ecclesia nulla salus), và đã được hiểu theo từ ngữ và cơ cấu. Hoạt động truyền giáo đã bị lượng hóa, được nhận định là thành công hay thất bại tùy theo con số. Dù các nhà truyền giáo học coi quan điểm này là có vấn đề và đã nêu ra đề nghị, chẳng hạn khái niệm“Kitô hữu vô danh” (K.Rahner) được nhiều thần học gia thảo luận vào những năm 60[3], nhưng trên thực tế, quan niệm này vẫn còn đè nặng trên đầu trên cổ những người chịu trách nhiệm ở Toà Thánh Roma, và qua họ, áp đặt lên trên hàng giáo phẩm thuộc các nước truyền giáo khi lấy thống kê làm căn bản để báo cáo về Toà Thánh. Như thế, vấn đề trở nên nghiêm trọng là làm thế nào để dung hoà hoạt động truyền giáo với công cuộc Phúc Âm hóa?
- Đây là định hướng quan trọng của Công đồng Vatican II: Ad Gentes, được Đức Thánh Cha Phaolô VI (Evangelii Nuntiandi, 1975) phát triển và sau đó Đức Gioan Phaolô II (Redemptoris Missio 1990) đẩy mạnh. Ở đây, chúng ta chỉ cần nêu ra một vài ví dụ điển hình: Để quảng bá tầm mức quan trọng của công cuộc Phúc Âm hóa, năm 1974, Đức Phaolô VI đã triệu tập Hội Đồng Giám Mục thế giới, lấy đề tài là “Phúc Âm hóa thế giới ngày nay”, và những tài liệu thảo luận này đã trở thành nòng cốt cho thông điệp Evangelii Nuntiandi năm 1975. Hai năm sau thông điệp Truyền Rao Tin Mừng, Đức Phaolô VI đã thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (The Congregation for The Evangelization of Peoples, 1977). Để Tin Mừng này được cụ thể hóa, Đức Phaolô VI đã lấy ngay những hành động của mình làm gương mẫu: ngài không chỉ rao giảng Tin Mừng ở thánh đô Rôma như thường lệ, nhưng đã “hành hương” đến các nơi khác nhau (Đất Thánh 1964, Ấn Độ 1964, New York 1965, các miền Cận Đông 1967, Columbia 1968, Phi Châu 1969 và 1970 một cuộc lữ hành dài từ Đông Pakistan qua Viễn Đông tới Úc Châu) để nhấn mạnh Phúc Âm hóa bao gồm những nhu cầu con người khác nhau, những khía cạnh văn hóa khác nhau. Đó là cách tái phát hiện sứ vụ tông đồ của thánh Phaolô xưa, vừa rao giảng Tin Mừng vừa sống với dân bản xứ để hiểu những nhu cầu của họ: chính vì vậy, Tin Mừng đã được nhào trộn, lên men trong những đấu bột khác nhau. Kết quả là, những nhu cầu đó đã phản ảnh nơi các thư mục vụ của ngài. Tương tự như vậy, những nhu cầu Giáo Hội địa phương và dấu hiệu thời đại đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI diễn đạt trong các chuyến đi kinh lý mục vụ của ngài.
Việc Phúc Âm hóa này đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp tục và khai triển rõ ràng trong triều đại của ngài:
Theo chân Đức Phaolô VI, ngay khi vừa mới được chọn làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã tham dự cuộc họp Hội Đồng Giám Mục Nam Mỹ ở Pueblo (1979) và đã đưa một tinh thần “Phúc Âm mới” vào cho Thần Học Giải Phóng Nam Mỹ: Hòa hợp Phúc Âm vào công cuộc giải phóng để đẩy mạnh và hình thành những đoàn thể Kitô hữu cơ bản (basic Christian community) như chứng nhân cụ thể của Nước Chúa ở Châu Mỹ Latinh. Một điều khiến chúng ta lưu ý là tài liệu đúc kết cuộc họp HĐGM Nam Mỹ ở Pueblo lấy đề tài là: “Phúc Âm hóa hiện tại và tương lai của Latinh Mỹ Châu”, hàm chứa một chiều hướng mới, dần dần cưu mang những suy tư về Phúc Âm hóa[4], “tái” Phúc Âm hóa và “tân” Phúc Âm hóa mà Redemptoris Missio đã diễn đạt một cách mạch lạc, gãy gọn như một mùa Vọng trang trọng để đón mừng một thiên niên kỷ mới.
- Như chúng ta đều biết, “Phúc Âm hóa” (evangelization) nguyên nghĩa là cách nói tích cực của Giáo Hội thệ phản (protestant), lấy Kinh Thánh làm căn bản. Khi họ trở thành Giáo Hội “truyền giáo”, thì rao giảng, Phúc Âm hóa và truyền giáo trở thành đồng nghĩa với nhau. Công Giáo mãi tới Công đồng Vatican II mới dùng hạn từ Phúc Âm hóa để cắt nghĩa thêm cho việc thánh hóa (Decree on the Apostotle for the Laity (AA Nr. 2) và để nhấn mạnh vai trò của Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội (AA Nr.6). Như vậy, việc Phúc Âm hóa trở thành đồng nghĩa với nhận biết và thực thi Tin Mừng của Chúa Kitô. Hạn ngữ Phúc Âm hóa này trở thành từ ngữ thông dụng trong Công Giáo thông qua thông điệp Evangelii Nuntiandi. Từ ngữ này được diễn đạt với một nội dung rất phong phú và uyển chuyển: Phúc Âm hóa là một quan niệm sống Tin Mừng Kitô giáo phổ quát, trong đó bao gồm cả “hoạt đông truyền giáo (activitates missionales) là “sứ mạng đến với muôn dân (propaganda fidei), lan truyền hoạt động giảng dạy Phúc Âm trong Giáo Hội như các lớp giáo lý, phần Lời Chúa trong các Bí Tích, cũng như công cuộc tái Phúc Âm hóa cho những người đã lơ là hay đã bỏ đức tin. Thường thường, Phúc Âm hóa trong nội bộ Giáo Hội cũng được gọi là sứ mạng mục vụ thông thường (ordinary pastoral ministry). Đây cũng gồm cả việc tái truyền giáo cho những miền cựu Kitô giáo đang trở thành vô thần hay dửng dưng với mọi giá trị tín ngưỡng. Thực ra, ba phạm vi nói trên đều là những khía cạnh “sống Phúc Âm”, sống như Đức Kitô đã sống và đã hoạt động.
Để nhìn rõ giới hạn và trọng tâm của ba lãnh vực hoạt động của Phúc Âm hóa nói trên, Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh tới tính cách địa lý của Giáo Hội hoàn vũ. Qua đó, ngài không những trao cho mỗi Giáo Hội địa phương một động lực mới mà còn thôi thúc họ phải tìm cho mình những phương pháp đặc thù để Phúc Âm hóa hữu hiệu hơn. Như vậy, Phúc Âm hóa dần dần kết tinh và tổng hợp quan điểm được sai đi (mission) như Công đồng Vatican II đã vạch định và hai triều đại Giáo Hoàng đã dần dần khai triển[5].
Tóm lại: do thiên ý, Giáo Hội được hình thành để đem Tin Mừng tới muôn dân, tới mọi tạo vật, để kiến tạo một nền văn minh tình yêu (ĐGH Phaolô VI). Để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, tự Giáo Hội phải là chứng nhân đức tin đó, một chứng nhân để thời đại ngày nay trong văn hóa đặc thù có thể hiểu và tiếp thu được. Do đó, Phúc Âm hóa gắn liền với rao giảng, thực thi công bình và hòa bình (giải phóng khỏi những bất công và khủng bố) và bản vị hóa.