LICH SỬ LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH GIUSE TRONG GIÁO HỘI

55

LICH SỬ LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH GIUSE TRONG GIÁO HỘI

Nói đến lòng sùng kính thánh Giuse, chúng ta không ngạc nhiên khi nghe một số sử gia cho rằng giáo hội không có những bằng chứng cụ thể về lòng sùng kính thánh nhân trong ngàn năm đầu tiên của giáo hội.
Lời nói này không hẳn là sai lầm, nhưng cũng không thật sự chính xác. Vì nếu tìm kiếm những nghi lễ được công nhận và ghi vào lịch phụng vụ giáo hội rõ ràng, có hệ thống, hay tìm bằng chứng phổ biến lòng sùng kính thánh Giuse rộng rãi như Mẹ Maria hay các thánh tử vì đạo, thì chắc không có nhiều. Nhưng nếu tìm hiểu phong tục, tập quán nhiều giáo hội địa phương, chúng ta vẫn nhận ra lòng sùng kính dành cho thánh Giuse được giáo dân trân quý từ rất sớm, và thường là hoà nhập với lòng sùng kính Chúa Giêsu và Mẹ Maria (kính thánh gia). Điều cần biết là trong suốt lịch sử giáo hội, không bao giờ vắng bóng lòng sùng kính thánh Giuse, chỉ “khi tỏ, khi mờ” mà chúng ta sẽ học hỏi thêm sau đây. 
Thánh Giuse Trong Những Thế Kỷ ĐầuNhư đã nói trên, lòng sùng kính thánh Giuse trong thời gian đầu của giáo hội không thật sự rõ ràng, và cũng có thể được coi là tỉ lệ thuận với những gì văn chương hay sách thời đó ghi lại. Nghĩa là rất ít những tài liệu tìm được nói đến lòng sùng kính thánh nhân. 
Câu hỏi đơn giản là tại sao? Câu trả lời lại đơn giản hơn, vì với những ai học lịch sử giáo hội đều nhận ra rằng, 5 thế kỷ đầu tiên của giáo hội là thời kỳ lạc giáo ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến đời sống giáo dân, chiếm hữu quá nhiều thời gian tranh tụng giữa các thần học gia và các giám mục, ảnh hưởng toàn bộ đời sống Kitô hữu đến nỗi người ta nói rằng trên mọi ngõ hẻm, người ta luôn nghe những tranh tụng về lạc giáo. 
Vì lạc giáo liên quan Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi đã ảnh hưởng đến từng bước đi của Giáo Hội, nên việc thánh Giuse không được chú ý đến nhiều là điều dễ hiểu.
Ở đây tôi muốn chúng ta hiểu là trong lịch sử, người ta tìm ra nhiều hình ảnh và tượng Giuse trong những thế kỷ đầu tiên, nhưng phần lớn những hình ảnh hay tượng này trong bối cảnh chung của gia đình Nazareth hay câu chuyện giáng sinh với sự hiện diện của Đạo Sĩ và Mục Đồng.
Ví dụ, ở hang toại đạo Roma, người ta tìm ra hình vẽ Giuse trên tường một ngôi mộ, tuy nhiên, vì hình vẽ không rõ ràng nên nhiều người không đồng ý với luận điểm này. Hay một tấm bia đá được nhiều nhà khảo cổ cho là có giá trị tạc hình Giuse ở mộ Priscilla vẽ ba đạo sĩ đến thờ lạy hài nhi Giêsu, có mẹ Maria và thánh Giuse với ngôi sao lạ.  Một số những ngôi mộ thế kỷ 5 và 6, có hình của thánh Giuse nhưng cùng đứng chung với các đạo sĩ, hay đúng hơn hình ảnh câu chuyện giáng sinh. Điều đặc biệt ở đây là hầu hết những hình ảnh thời kỳ này diễn tả Giuse trưởng thành, đạo mạo nhưng không là một người lớn tuổi, già nua. 
Rõ ràng nhất là sáu hình đá ghép (mosaic) trong nhà thờ Đức Bà Cả ở Rome được đức giáo hoàng Sixtux III xây năm 435 để tưởng nhớ công đồng Ephesus (họp năm 431). Những hình đá ghép (mosaic) này nhằm mục đích vinh danh Mẹ Maria vì công đồng này tuyên xưng Mẹ Maria là mẹ Thiên Chúa.  Trong những cảnh đó, Giuse xuất hiện ở giây phút truyền tin, lúc sinh con, giây phút dâng con trong đền thờ, và cuộc trốn chạy qua Ai Cập.
Nhưng sớm nhất và ngay tại Đất Thánh, theo tường trình của đức giám mục Arculf, người đến hành hương vùng thánh địa vào thế kỷ 7, thì tại làng Nazareth có 2 ngôi nhà thờ được xây dựng – một kính nhớ Mầu Nhiệm Truyền Tin, một để kính nhớ nơi ở của Giuse – Maria – Giêsu, cũng là ngôi nhà của thánh Giuse.   Ngôi nhà xây trên căn nhà Giuse, theo truyền thuyết, được xây dựng dưới thời đại đế Constantine (313-337) để kính thánh gia.  
Ở Ai cập, thầy tu người Pháp tên Barnard ghi lại tại thành phố Faramah, một ngôi nhà nguyện được xây dựng kính thánh Giuse vì Ngài đã đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu tạm trú ở đó trên đường tị nạn.  Với Kitô hữu bên Ai Cập, giáo hội địa phương ở đây có những lễ kính thánh Giuse từ thế kỷ thứ 4, nhưng rõ nhất là trong lịch phụng vụ của người Copts vào thế kỷ 7 đã ghi ngày 20 tháng 7 để kính nhớ ngày thánh nhân qua đời.  Đây có thể là nghi lễ phụng vụ chính thức đầu tiên được giáo hội địa phương (Ai Cập) sùng kính cách trọng thể và có hệ thống.  Với giáo hội tây phương, ta không thấy ngày lễ kính thánh Giuse cho đến sau thế kỷ 11. 
Lòng sùng kính thường đi đôi với những giáo huấn thần học. Ở phương tây (thường được hiểu là giáo hội Công Giáo Roma), những giáo huấn và lập luận thần học về thánh Giuse được ghi nhận nhiều vào đầu thế kỷ 15, như những bài viết của Pierre d’Ailly (1350-1420) và Jean Gerson (1363-1429), của hai thần học gia ở Paris (Pháp).  Isidoro de Isolani (1480-1550) dòng Đa Minh, xuất bản cuốn Summa De Donis Sancti Joseph (năm 1522) ở Ý. Đây là tác phẩm được xem như luận thuyết đầu tiên mang tính hệ thống và nghiên cứu nói đến thần học thánh Giuse.  Và từ đó, có nhiều bài viết hơn về thánh Giuse, và đi kèm với sự hiểu biết này là lòng sùng kính Ngài gia tăng đáng kể trong giáo hội. 
Lễ thánh Giuse trong giáo hội Đông Phương ByzantineVới giáo hội Đông Phương, thần học của các giáo phụ vùng Hy Lạp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống giáo hội trong những thế kỷ đầu, và trọng tâm vẫn là đối đầu với những lạc giáo liên quan đến Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, giáo hội Đông Phương Byzantine không thật sự phát triển lòng sùng kính thánh Giuse đáng kể, mà phần lớn dựa vào những ý tưởng của thánh Augustine và Jerome ở tây phương, và một số những ý tưởng của thánh Gioan Kim Khẩu. Và kết quả là thần học làm nền tảng lòng sùng kính thánh Giuse được phát triển ở giáo hội Đông Phương Byzantine, và như thế họ đã thoát ra ngoài ảnh hưởng các giáo phụ Hy Lạp. 
Điều đáng chú ý ở đây là ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng khi những người nói tiếng Hy Lạp không thật sự thấu hiểu giáo huấn của giáo hội tây phương (thánh Augustin – Jerome) viết bằng tiếng Latin. Vì thế, giáo dân Đông Phương tự tìm cho mình những cơ sở của lòng sùng kính thánh Giuse qua việc đặt niềm tin vào các Ngụy Thư, một việc phổ biến thời bấy giờ. Vì không có chuyên môn để chọn lọc tài liệu, những Kitô hữu đã đón nhận những nguồn truyền tụng đôi khi không có căn cứ, hay những chuyện mang tính thổi phồng và thêm gia vị của pháp thuật, của thần tiên. Và cũng chính những Kitô hữu này gắn nhãn cho những chuyện được kể này đến từ miệng các giáo phụ để nâng cao tầm đáng tin của những chuyện trong Ngụy Thư.  Từ đó, một số sách sử ghi lại những sự kiện lịch sử mà không quan tâm là điều đó có đúng hay không.
Một sự kiện khác xảy ra trong thế kỷ 7-8, tranh luận căng thẳng dẫn đến cả chiến tranh ở miền Đông về sự kiện “icon,”  lòng sùng kính dành cho Mẹ Maria (mà lúc đó đã đạt đỉnh cao) càng mạnh mẽ hơn, kể cả lòng sùng kính dành cho cha mẹ của Maria – là Joachim và Anna – cũng tăng theo. Vì nhu cầu mục vụ, nhiều người đòi hỏi muốn biết thêm về Mẹ Maria, về thân thế gia đình Mẹ, và dĩ nhiên có cả thánh Giuse… nên nhiều chuyện được truyền tụng từ vùng này qua vùng khác để trả lời thắc mắc giáo dân mà không được thanh lọc. 
Điều “bất công” với thánh Giuse là so với Mẹ Maria, giáo dân bên Phương Đông lúc bấy giờ mô tả thánh nhân là một người góa vợ, lớn tuổi, có con cái (là anh em với Chúa Giêsu như trong Tin Mừng nhắc đến), và không kể Ngài là chồng Mẹ Maria,  cho dù câu chuyện thánh Giuse được tuyển chọn qua dấu lạ của chim bồ câu bay ra từ cây gậy (theo ngụy thư Giacobe). Hình ảnh thánh Giuse ở đây hoàn toàn khác với giáo hữu Tây phương tôn vinh Ngài, là một người đồng trinh (tư tưởng thánh Jerome), một người đóng góp lớn trong công trình cứu chuộc.
Lễ kính thánh Giuse ở Phương Đông xuất hiện trong giáo hội sau năm 800. Thời kỳ này, thầy tu Joseph Melodus đã làm thơ và viết bài ca tụng thánh Giuse.  Lịch phụng vụ đầu tiên ghi ngày kính thánh Giuse ở Phương Đông là sau thế kỷ 10 được soạn, không phải ở Constantinople mà ở một nhà Dòng thánh Sabas ở Palestine. Chính từ cái nôi lòng sùng kính Giuse này (ngay tại vùng đất thánh Palestine) mà lòng sùng kính được lan tỏa khắp miền đông sau năm 1000. 
Về phương diện thần học, việc sùng kính thánh Giuse luôn liên quan đến gia đình Nazareth, và nhất là mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Giêsu. Nên lễ kính thánh nhân được xem như một kéo dài của lễ giáng sinh, và vì thế, lễ được ấn định vào Chúa Nhật sau lễ giáng sinh. Cũng theo cái nhìn thần học, mầu nhiệm giáng sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc con người, nên Chúa nhật trước lễ Giáng sinh được ấn định mừng kính các tổ phụ Abraham, Isaac, và Jacob. Sau một thời gian, lễ kính này được thay đổi để kính tất cả các thánh tổ phụ (mà Thánh Kinh thường gọi là những Người Công Chính trước mặt Thiên Chúa) từ Adam cho đến thánh Giuse (vì thế, nó còn có tên là Chúa Nhật các Tổ Phụ).  
Việc tách rời ngày kính thánh Giuse ra khỏi dịp Giáng sinh được thực hiện bên Phương Tây, vì nhận ra rằng thánh nhân xứng đáng có vị trí riêng trong lịch phụng vụ mà không phải dựa vào sự kiện nào. Tóm, ngày nay, lòng sùng kính thánh Giuse mạnh mẽ ở Phương Tây hơn Phương Đông, nhưng khởi điểm lòng sùng kính Ngài phải được kể là từ bên Phương Đông, nhất là vùng Trung Đông và Ai Cập.
SÙNG KÍNH GIUSE Ở TÂY PHƯƠNG (GIÁO HỘI ROMA)Ngay sau khi thánh Jerome chết năm 420, một cuốn lịch ghi tên các thánh tử vì đạo mang tên Jerome.  Nhưng các sử gia tin rằng tác giả đã viết rồi lấy Jerome ghi vào với mục đích tạo thêm sự tín nhiệm của lịch. Trong lịch, tên thánh Giuse được ghi chung với Mẹ Maria và Chúa Giê su trong lễ giáng sinh.
Đến đầu thế kỷ 7, sau khi tiên tri Mohammed đấng sáng lập Hồi Giáo qua đời (năm 632), Hồi Giáo phát triển nhanh chóng đến những vùng chung quanh Trung Đông và Bắc Phi. Đi đến đâu, Hồi Giáo xóa đi người dấu vết của Kitô giáo. Vì để bảo vệ chứng tích ở Đất Thánh và lấy lại những gì đã mất, nhiều cuộc Thập Tự Chinh được Kitô hữu phát động trong giáo hội nhằm đẩy lùi ảnh hưởng Hồi Giáo. 
Ở Âu châu, từ đầu thế kỷ 8, Hồi Giáo cũng bắt đầu xâm chiếm và gây nhiều cuộc chiến với Kitô hữu kéo dài trong hơn 300 năm. Với tính hiếu chiến và hung bạo, phe Hồi Giáo xóa hết người chứng tích tôn giáo và văn hóa của giáo hội. Thời đó, các tu viện, đặc biệt là các dòng Biển Đức, đã dành nhiều thời gian để sao chép những tác phẩm có giá trị cho giáo hội như các bài giảng, lịch phụng vụ, lịch sử…. Nhiều tu viện sao chép các nghi thức phụng vụ, trong đó có lời nguyện và nghi lễ sùng kính Mẹ Maria đi kèm với thánh Giuse. Vì chiến tranh, chúng ta đã mất rất nhiều những tài liệu quý báu này.Tài liệu các nhà Dòng còn lại hôm nay là lời dạy của thánh Bede, giám mục Rabanus Maurus, các thần học gia Alcuin, Paschasius Radbertus, Walafried Strabo, thầy Remigius thành Auxerre (Pháp)… là những người đã đóng góp những suy tư về thần học từ khoảng thế kỷ 7-11, trong đó có nhắc đến vai trò thánh Giuse. Chính lời dạy của những vị này là nền tảng đưa lòng sùng kính Giuse vào phụng vụ ở Tây Phương, và thường bắt đầu từ trong các tu viện.Lòng sùng kính thánh Giuse được viện phụ Walafried Strabo ở Reichenau (từ 839-849) tôn vinh khi dạy rằng chính thánh nhân, đã cùng với Mẹ Maria, đóng vài trò thay đổi nhân loại. Thầy dòng Biển Đức Remigius của Auxerre (chừng năm 900) cũng nâng thánh Giuse lên một vai trò đặc biệt trong chương trình cứu chuộc. Chính tại tu viện Reichenau là nơi rất sớm đưa thánh Giuse vào lịch phụng vụ ở Âu Châu ngày 19 tháng 3 trong hai bản sao tìm thấy khoảng 827-842.  Không chỉ ở Reichenau mà ta còn tìm thấy lịch ghi ngày kính thánh Giuse cũng vào 19 tháng 3 ở Ái Nhĩ Lan. Từ đây, người ta tìm thấy nhiều nhà Dòng và các nhà thờ ở vùng bắc nước Pháp, ở Bỉ cũng ghi ngày lễ kính thánh nhân. Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao lại là ngày 19 tháng 3? 
Một số sử gia cho là ngày 19 tháng 3 hiện tại có thể là kết quả của một sự lựa chọn trùng hợp ngẫu nhiên, bên cạnh sự hiểu lầm trong lịch sử. 
Trước năm 700, ngày 20/3 là ngày kính Giuse theo lịch phụng vụ ở Âu Châu, được ghi trong lịch và được nhiều nơi cử hành. Điều này có nguồn gốc là chiếu theo Lịch Các Thánh (Hieronymite martyrology), ngày 20/3 là ngày kính tổ phụ Giuse trong Cựu Ước, con tổ phụ Jacob, sau này bị bán qua Ai Cập nhưng làm quan trong triều Pharaoh (xem sách Sáng Thế chương 37-42).
Khi các tu viện ở Âu Châu mừng kính lễ Giuse này, một số thắc mắc vậy đâu là lễ kính thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu. Để thỏa mãn lòng sùng kính của các tín hữu, nhiều nhà Dòng bắt đầu lấy một ngày trước ngày lễ kính tổ phụ Giuse Cựu Ước làm ngày kính thánh Giuse Tân Ước, tức ngày 19/3.Và từ đó, khi lòng sùng kính thánh Giuse gia tăng, thì vai trò tổ phụ Giuse (20/3) cũng lu mờ dần. Và trong lịch được sao chép lại của tu viện Reichenau, ngày kính tổ phụ Giuse không còn nữa, mà chỉ còn lại một tên “Giuse” nhập hai ngày kính thành một ngày là 19/3.  Và cũng từ đầu thế kỷ 12, lòng sùng kính thánh Giuse lên cao và phổ biến ở Âu châu. 
Thần Học Hỗ Trợ Lòng Sùng Kính Lòng sùng kính nhờ giáo dân hiểu thêm về thánh Giuse qua giáo lý. Thời kỳ này phát triển một số những bài viết thần học nói đến Giuse, đáng chú ý là các thần học gia Rupert thành Deutz (1075/80-1129), Hugh of St. Victor (1096-1141), Peter Lombard (1096-1160), thánh Albert Cả (1200-1280), thánh Thomas Aquinas (1225-1274), nhưng nhiều bài viết đáng kể là thánh Bernard (1090-1153). 
Chính thánh Bernard dòng Biển Đức đã có những suy niệm và so sánh giữa Giuse Cựu Ước với Giuse Tân Ước, và tiền đề cho nhiều bài suy niệm sau này. Trước đó, các thánh giáo phụ thường chú giải Kinh Thánh với hình ảnh Giuse Cựu Ước là tiên báo hình ảnh Chúa Giêsu đến để cứu muôn dân, nhưng không ai so sánh 2 Giuse với nhau.  Thánh Bernard cũng là tác giả nhiều bài suy niệm lễ được dùng trong dịp lễ kính thánh Giuse, hay làm bài đọc trước thánh lễ, và cả những lời nguyện trong lễ (xem các Lời Nguyện trong Sách Lễ Roma).
Một vị thánh khác cũng đóng góp rất nhiều lòng sùng kính thánh Giuse giai đoạn này là thánh Bonaventura dòng Phanxicô (1221-1274). Thánh nhân nói đến thánh Giuse trong Chú Giải Tin Mừng Luke của mình. Ngài đề cao đức công chính, sự kết hợp thuần khiết thánh thiện và hoàn hảo của thánh Giuse và Mẹ Maria, và nhắc đến thánh Giuse là gương mẫu phục vụ gia đình Nazareth.  Theo tư tưởng của thánh nhân, những tu sĩ Phanxicô khác như Peter John Olivi (1248-1298), Ubertine thành Casale (1259-1329), và Bartholomew thành Pisa (chết 1401) và Bernardine thành Siena (chết 1444) có những bài viết ca tụng công đức thánh Giuse. 
Đây là nền tảng để lòng sùng kính thánh Giuse không còn mang tính cách cá nhân, nhưng được giáo hội quan tâm đưa vào lịch phụng vụ kèm theo những giáo huấn đề cao thánh nhân.Nếu phải tóm tắt lịch sử lòng sùng kính thánh Giuse trong 1500 đầu tiên của giáo hội (vì ta lấy công đồng Trent thế kỷ 16 làm bước ngoặc), thì ta có thể nói rằng 500 năm đầu tiên của giáo hội, lòng sùng kính thánh Giuse không thật sự đáng kể. Nguyên nhân chính là thời kỳ này phải đối đầu với quá nhiều những lạc giáo về Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần, về Thiên Chúa… Nhiều công đồng được triệu tập, đặc biệt là 4 công đồng đầu tiên (Nicaea 325 – Constantinople 381- Ephesus 431 – Chalcedon 451) để xác định nhiều tín lý trong giáo hội. Trong 500 năm tiếp theo, lòng sùng kính Giuse mang tính cá nhân và cục bộ theo từng địa phương, mà phần lớn trong các tu viện khắp Châu Âu và Châu Phi.Đến 500 năm thứ ba, lòng sùng kính thánh nhân được đưa vào phụng vụ, và được tôn kính có hệ thống, nhưng vẫn còn mang tính địa phương hơn là cho toàn giáo hội, nghĩa là có nơi kính, nhưng nhiều nơi khác không biết. Chỉ sau công đồng Trent (thế kỷ 16), đặc biệt là sau 1870, thánh Giuse thật sự được giáo hội tôn vinh xứng đáng với con người của Ngài như ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm sau đây. 
SAU CÔNG ĐỒNG TRENT ĐẾN NAYSau công đồng Trent (1545-1563), phong trào Cải Cách Tin Lành phát triển mạnh, và tất cả những lễ nghi sùng kính các thánh, kẻ cả Me Maria, đều bị lên án và tấy chay.  Để bảo vệ căn tính Công Giáo, giáo dân lại tăng cường lòng sùng kính bí tích thánh thể, các thánh, Mẹ Maria, và dĩ nhiên trong đó có lòng sùng kính thánh Giuse.  Vua vùng Bohemia (thuộc nước Đức ngày nay) là Ferdinand III đã công bố thánh Giuse là “Đấng Gìn Giữ Hòa Bình” năm 1655, và con ông là Leopold I đã công bố thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ toàn thể đế quốc Áo. Khi con đầu của hoàng đế sinh ra, ông đặt tên con là Giuse, dù tên này chưa được dòng tộc ông dùng bao giờ.
Trong thời kỳ Leopold I cai trị, quân Hồi Giáo người Turk tấn công Âu Châu. Sau khi tướng John Sobieski đánh thắng quân Hồi năm 1683, hoàng đế Leopold I đã dâng chiến thắng Vienna này dưới sự bảo trợ của thánh Giuse, đồng thời viết thư thông báo cho đức giáo hoàng Innocent XI ngày 5 tháng 2 năm 1684 tin chiến thắng, và xin thiết lập lễ kính thánh Giuse vào Chúa nhật thứ 3 mùa Phục Sinh. Lời thỉnh nguyện này đã không được chấp nhận.  Nhưng bù lại, đức giáo hoàng Innocent XI lại chấp nhận thỉnh nguyện của vua Tây Ban Nha Charles II xin đặt thánh Giuse làm quan thầy nước Tây Ban Nha năm 1689 (mà truyền thống người Tây Ban Nha vẫn tin là xác thánh Giacobe được chôn ở Santiago de Compostela, và thánh nhân là quan thầy Tây Ban Nha – và ngày nay vẫn còn hiệu lực). Điều này không được chấp thuận dễ dàng vì một nhóm quan tướng không thích nhà vua, lại đang muốn dùng cơ hội này chống đối bằng cách cố giữ hình ảnh thánh Giacobe là quan thầy đất nước, và không muốn đổi qua thánh Giuse.
Kết quả là vì lý do chính trị lúc bấy giờ, cùng với sự chống đối của nhiều phía, nên quyết định xin đặt thánh Giuse làm quan thầy Tây Ban Nha bị tuyên bố “vô hiệu lực” vào năm 1690, và như thế là việc đặt thánh Giuse làm quan thầy Tây Ban Nha được xem như chưa bao giờ xảy ra.  
Sự kiện đánh động lòng dân, những người không có tiếng nói chính trị. Người dân phản ứng bằng cách lấy tên “José” (Giuse) đặt tên con, và trở thành tên phổ biến nhất trong xã hội. Năm 1890, đức giáo hoàng Leo XIII đã phục hồi lễ kính thánh Giuse cho Tây Ban Nha, và vài tháng sau đó, Ngài ban sắc lệnh tương tự cho Bồ Đào Nha. 
Nước Đức thời kỳ này chia rẽ vì Cải Cách Tin Lành với Công Giáo và vì nhiều tranh giành chính trị khác, nhưng năm 1661, vị hoàng tử và cũng là giám mục Bernard von Galen đã được phép Tòa Thánh dâng hiến nước Đức cho thánh Giuse. Ngày 7 tháng 7 năm 1661, đức cha Bernard cùng dân chúng kiệu tượng thánh Giuse trong thành Munich, và năm 1662, hội đồng giám mục Đức chỉ thị cho tu sĩ và giáo sĩ truyền bá kiến thức và lòng sùng kính thánh Giuse, đặc biệt là xin Ngài cầu bầu trong giờ lâm chung. 
Thánh Giuse Trong Phụng Vụ Giáo HộiLòng sùng kính thánh Giuse dâng cao thúc đẩy giáo hội chính thức đưa các nghi lễ kính thánh nhân vào phụng vụ chính thức của giáo hội. Truyền thống phụng vụ có thứ hạng trong danh sách kính các vị trên thiên đàng theo óc tưởng tượng và sự hiểu biết của con người trần thế. Các thứ tự được xếp hạng như Mẹ Maria, rồi đến Tổng lãnh thiên thần Micae và các thiên thần, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Giuse, cách thánh Tổ phụ trong Cựu Ước, các thánh triên tri, thánh Phêrô và Phaolô, Andrew, John, các tông đồ và thánh sử v.v…
Sự sắp hạng là dựa vào cách con người hiểu việc Thiên Chúa lựa chọn hay cắt đặt những cá nhân hay nhóm người có vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, bắt đầu với mầu nhiệm Nhập Thể, rồi mầu nhiệm Chết-Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Theo cách sắp xếp này, ta nhận ra thánh Giuse có vị trí ngay sau Gioan Tấy Giả, vị tiền hô, dọn đường cho Đức Kitô. Lý do của lựa chọn này dựa một phần vào câu nói Chúa Giê su: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lk 7:28). 
Dưới thời ĐGH Sixtus IV (1471-1484), lễ kính thánh Giuse được nâng lên lễ trọng, và được ĐGH Pius V (1566-1572) tiếp tục ghi vào lịch hội thánh. Năm 1621, ĐGH Gregory XV chỉ định lễ kính thánh Giuse là “lễ buộc”, nhưng tiếc là lệnh này không được phổ biến cho mọi nơi chấp hành. ĐGH Urban VIII lặp lời yêu cầu này vào dịp lễ năm 1642. Đến 1670, ĐGH Clement X nâng lễ kính thánh Giuse lên lễ trọng bậc hai (chỉ còn đứng sau bậc nhất).
Bây giờ đã có lễ đặc biệt, nhưng vẫn chưa có giờ kinh phụng vụ đi kèm với lễ, một đặc quyền của các thánh. Kinh phụng vụ của thánh Giuse ban đầu được ĐGH Innocent VIII (1484-1492) thiết lập, nhưng đến 1522 được thay thế bằng một bản khác. Khi Clement XI lên ngôi giáo hoàng năm 1700, Ngài soạn kinh mới cho thánh Giuse và đưa vào lịch giáo hội dùng năm 1714. Là một người có lòng sùng kính thánh Giuse đặc biệt, Clement XI chết vào ngày lễ thánh Giuse năm 1721.
Điều đáng ghi nhớ nữa là thời trung cổ Kinh Cầu Các Thánh không có tên thánh Giuse.  Giáo hội Bologna (Tây Ban Nha) thêm tên Giuse vào Kinh Cầu năm 1350. Các tu viện dòng Đa Minh và Cát Minh (Camêlô) tự động thêm tên thánh Giuse vào Kinh Cầu từ trước 1500. Đến 1684, hoàng đế Leopold I xin ĐGH Innocent XI đưa tên thánh nhân vào Kinh Cầu, nhưng lời thỉnh cầu này không được trả lời, vì theo tài liệu ĐGH Clement XI không muốn mở ra một tiền lệ thay đổi Kinh Cầu thường xuyên. ĐGH Innocent XIII cũng nhận được yêu cầu từ hoàng đế Charles VI (Đức) xin đưa tên thánh Giuse vào Kinh Cầu Các Thánh, nhưng cũng như vị tiền nhiệm, Ngài không phê chuẩn. Phải chờ đến năm 1726, ĐGH Benedict XIII phê chuẩn thêm tên thánh Giuse vào Kinh Cầu Các Thánh. 
Bước ngoặc là khi ĐGH Pius IX (1846-1878) tái xác nhận cho toàn giáo hội lễ thánh Giuse là lễ trọng năm 1847, và quy định Chúa Nhật thứ ba sau lễ Phục Sinh (sau này đổi thành thứ Tư tuần ba sau Phục Sinh), đây là một lễ kính khác được thiết lập thêm vào lễ đã có ngày 19/3. 
Đến ngày 8 tháng 12 năm 1870, ĐGH Pius IX lại còn công bố thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ giáo hội hoàn vũ, và chính thức nâng ngày lễ 19/3 thành lễ trọng bậc nhất. Cũng trong năm 1870 này, có 38 trong số 42 Hồng Y cùng với 220 giám mục xin Công Đồng Vatican I ghi tên thánh Giuse vào lịch kính đặc biệt trong phụng vụ Giáo Hội. Ngày 18/3 năm 1909, ĐGH Pius X (1903-1914) phê chuẩn thêm Kinh Cầu Thánh Giuse (như Kinh Cầu Mẹ Maria hay Kinh Cầu Thánh Tâm… đã có trước) vào trong danh sách kinh cầu của giáo hội, và chỉ định tuần Bát Nhật (tám ngày) bắt đầu từ thứ Tư của tuần Chúa nhật thứ Hai sau Phục Sinh để mừng lễ Giuse.   
Sắc lệnh tòa thánh ngày 24 tháng 4 năm 1956 xóa bỏ lễ kính thánh Giuse được thiết lập thêm bởi ĐGH Pius IX, và thay bằng lễ Thánh Giuse Thợ ngày 1/5. Lễ Giuse thợ được ĐGH Pius XII công bố nhân kỷ niệm 10 năm Hội Thợ Thuyền Kitô hữu Ý ngày 1 tháng 5 năm 1955 (nhưng 1 năm sau mới có sắc lệnh). 
Năm 1962, ĐGH John XXIII thêm tên thánh Giuse vào vào Kinh Tạ Ơn I trong sách lễ Roma,  và năm 2013, ĐGH Francis đã thêm tên Ngài và Kinh Tạ Ơn II, III và IV trong thánh lễ hằng ngày. 
Kết LuậnThánh Giuse được gọi là “người công chính” (Mt 1:19), và chính vì thế, Ngài được Kitô hữu tôn sùng. Đức công chính của Ngài là hồng ân, và sự thánh thiện là cố gắng cá nhân đã được Thiên Chúa chọn làm cha nuôi Đức Giêsu, và làm bạn Mẹ Maria. Trong mọi thời, thánh Giuse luôn được sùng kính, nhưng rất khiêm nhường so với Mẹ Maria. 
Ngài là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội, và được Kitô hữu tín thác như người bạn đồng hành với chúng ta trong giờ lâm tử. Năm thánh Giuse nhắc ta nhớ lời thánh nữ Teresa Avila: “không việc gì tôi xin với thánh Giuse mà không được nhậm lời.” Nhận ra những khó khăn giáo hội đang trải qua, và thấu hiểu thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội, chúng ta cầu xin Ngài chở che giáo hội và mọi Kitô hữu sống vững đức tin trong giai đoạn đầy thử thách này.
Mt. Nguyễn Khắc Hy PSS

Previous articleĐỔI MỚI LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH GIUSE
Next articleThánh Giuse: Lịch Sử và Huyền Thoại