Thánh Giuse: Lịch Sử và Huyền Thoại

464

Thánh Giuse vẫn được coi là vị thánh âm thầm, và những gì viết về Ngài chiếm một vị trí hết sức khiêm nhường trong kho tàng thần học và giáo lý của giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta đừng lầm tưởng rằng tính âm thầm như dấu chỉ của một vai trò không quan trọng trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Trái lại, vị thánh không hề có một lời nói nào trong toàn bộ Kinh Thánh, là gương soi cho Kitô hữu đời sống phó thác theo ý Thiên Chúa, biết từ bỏ chính mình, và hy sinh cho tha nhân. Những gì ta biết về thánh Giuse được ghi lại trong hai Tin Mừng Matthew và Luke, và ta có thể tóm như sau:

1.     Gia phả Giuse (Mt 1:1-16; Lk 3:23-38)

2.     Thánh nhân kết hôn với Maria và thắc mắc về cái thai của Maria (Mat 1:18-19; Lk 1:27)

3.     Thiên thần báo cho thánh nhân biết việc thụ thai lạ lùng theo ý Thiên Chúa (Mt 1:20-23)

4.     Giuse đón Maria về làm vợ (Mt 1:24-25)

5.     Đưa gia đình về Bethlehem khai sổ bộ (Lk 2:1-7)

6.     Giuse có mặt cùng với những người chăn chiên (Lk 2:16)

7.     Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu (Mat 1:25 Lk 2:21)

8.     Giuse dâng con trẻ Giêsu vào đền thờ (Lk 2:22-26)

9.     Đưa gia đình tị nạn qua Ai Cập và trở về (Mt 2:13-23).

10.  Cuộc sống ở Nazareth (Mt 2:23; Lk 2:39,51)

11.  Lạc mất bé Giêsu trong đền thờ, và việc tìm kiếm (Lk 2:41-50)

12.  Những đoạn văn liên quan đến thánh Giuse (Mt 13:55; Jn 1:45; 6:42)

Với những sự kiện trên, ta có thể tóm 4 yếu tố chính trong đời thánh Giuse:

1.     Thánh Giuse làm nghề mộc và chồng bà Maria đồng trinh, mẹ Đức Giêsu.[1]  

2.     Theo gia phả, ông Giuse thuộc dòng dõi David.

3.     Ông Giuse là cha Đức Giêsu (trước mặt pháp luật và xã hội), nhưng Ngài biết bào thai Giêsu là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

4.     Giuse được xưng tụng trong Tin Mừng với danh hiệu “Công Chính”, một từ ngữ diễn tả con người thánh thiện, đạo đức và đẹp lòng Thiên Chúa.

Vì chỉ có Tin Mừng Matthew và Luke ghi lại một vài nét về con người Giuse, nên trong suốt lịch sử giáo hội, những đoạn Tin Mừng trên đây vẫn được xem là nền tảng vững chắc để biết về Giuse, và cũng là cơ sở hình thành lòng sùng kính thánh Giuse trong giáo hội. Bên cạnh những tài liệu chính thức này, chúng ta cũng có nhiều nguồn tin khác nói về thánh Giuse mà phần lớn đến từ những nguồn không được giáo hội chính thức công nhận, chưa nói một số những yếu tố kết thành câu chuyện mang tính huyền thoại.[2]

Với giáo hội, khi khai thác đức tin đặt vào Đức Giêsu Kitô, giáo hội không thể không có những chứng cứ lịch sử vững chắc để củng cố đức tin. Điều này không khó với Đức Giêsu Kitô vì ta có trọn bộ Tân Ước, nhất là bốn Tin Mừng, sách Công Vụ Tông Đồ, và các thư thánh Phaolô, nói về con người và cuộc sống Đức Giêsu Kitô.

Nhưng với thánh Giuse, chứng cứ lịch sử rất hạn chế. Tuy vậy, giáo hội dựa vào những chứng cứ hai Tin Mừng Matthew và Luke, nhất là gia phả của Giuse, như một phần của cơ sở đức tin.[3]

Gia Phả Đức Giêsu Kitô

Để hiểu con người lịch sử Giuse, chúng ta không thể bỏ qua gia phả Đức Giêsu Kitô được kể lại trong Tin Mừng Matthew và Luke. Vì tính phức tạp của đoạn gia phả này, và cần tính cách chuyên môn để giải thích thấu đáo, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, tôi chỉ muốn điểm tên cách khái quát những dị biệt với hy vọng chúng ta hiểu được chủ tâm của thánh sử, và tính xác thực của Tin Mừng. Và tôi mong chúng ta có dịp sẽ học hỏi thêm để hiểu hơn về Kinh Thánh, như những lớp giáo lý, hội thảo, hay tĩnh tâm… nhằm củng cố đức tin chúng ta.

Nói về sự khác biệt trong gia phả, chúng ta có thể tập trung vào ba điểm đáng chú ý trong biểu đồ đính kèm ở cuối bài này:[4]

1.     Số tên từ đời này qua đời kia trong Luke nhiều hơn trong Matthew.

2.     Chỉ có từ Abraham đến David là gần như tương đồng, phần còn lại trong gia phả khác nhau hoàn toàn.

3.     Dù gặp lại ở một điểm chung sau thời lưu đày là ông Shealtiel, nhưng sau đó lại tiếp tục khác nhau về tên tuổi.

4.     Cuối cùng, quan trọng nhất, là thánh Giuse, cha nuôi Đức Giêsu, được liệt kê là con ông Jacob trong Matthew, nhưng là con Heli trong Luke.

Vài nhận xét chính.

Trước hết, không ai chối cãi được sự dị biệt quá nhiều giữa hai Tin Mừng Luke và Matthew về gia phả Đức Giêsu Kitô, và cho đến bây giờ, Giáo Hội cũng chưa có một câu trả lời dứt khoát nào giải thích những dị biệt này. Điều này không có nghĩa là những dị biệt làm cho Tin Mừng trở nên không đáng tin, nhưng cho thấy có nhiều lối giải thích khác nhau cho sự kiện này.

Tôi muốn chọn lối giải thích được phần lớn các học giả nghiên cứu hiện nay chấp nhận để trình bày trong bài viết này như ý kiến đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, như đã nói trước, đây không là câu trả lời duy nhất cho vấn nạn cắt nghĩa những dị biệt, mà chỉ là lối giải thích được ưa chuộng nhất mà thôi.

Thứ hai, cả hai thánh sử đều nhắm đến mục đích là chứng minh Đức Giêsu Kitô đến từ dòng dõi vua David. Với ý nghĩa thần học, đây là điểm trọng tâm, vì Đấng Mêsia (Kitô) đến từ dòng dõi David, theo niềm tin Do Thái Giáo. Tuy nhiên, các trình bày lại rất khác nhau.

Matthew bắt đầu với Abraham, và kết thúc là “Giuse chồng bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1:16). Còn Luke lại đi từ Đức Giêsu đến Adam. Nói cách khác, Matthew muốn nhấn mạnh Đức Giêsu là con cháu David, con cháu Jacob, con cháu Abraham… Luke muốn đi xa hơn khi nói đến Đức Giêsu là con cháu đến từ Abraham, từ Adam, và dĩ nhiên là từ Thiên Chúa (đến đây người đọc nên mở Kinh Thánh để theo dõi dễ dàng hơn, và coi bảng đối chiếu ở cuối bài viết).

Thứ ba, nhiều cách giải thích được đề nghị. Một số cho là Matthew kể gia phả theo huyết thống nhà nội Giuse, còn Luke kể theo huyết thống nhà ngoại Maria.[5] Điều đáng nói là dù theo lối giải thích nào, điểm cuối cùng hai thánh sử muốn nhấn mạnh là Đức Giêsu đến từ dòng dõi theo Giuse, theo dòng David (Mt 1:16; Lk 3:23). Một số cho rằng Mẹ Maria cũng thuộc dòng David, và nếu thật như vậy thì cũng không có gì đặc biệt, vì trọng tâm là chính Luke cũng coi Giuse (chứ không phải Maria) là con ông Heli. Nghĩa là, Đức Giêsu là cháu ông Heli, thuộc dòng David tính theo huyết tộc Giuse.[6]

Lối giải thích được chấp nhận nhiều hơn từ thế kỷ thứ 3 dựa theo sử gia người Do Thái Julius Africanus (180-250?) cho rằng Matthew theo con đường gia phả tự nhiên (cha sinh con…) còn Luke theo gia phả được luật công nhận (con nuôi được coi như ruột). Để đơn giản hoá những thắc mắc ở đây, tôi chỉ muốn tập trung vào một điểm đáng chú ý là thánh Giuse được coi là con Jacob (theo Matthew) và con Heli (theo Luke).

Tại sao?

Theo lý luận của Julius Africanus, ông nội của Giuse là Matthan (trong Matthew) cưới vợ tên Estha, sinh ra Jacob. Sau khi chồng là Matthan chết, Estha tái hôn với người bà con của chồng có tên Melchi (trong Luke) và sinh con tên Heli.[7] Vậy Jacob và Heli là anh em cùng mẹ khác cha. Rồi Heli chết không có con, nên Jacob cưới vợ người em mình và sinh Giuse, là con đẻ của Jacob nhưng tính theo dòng dõi cũng là con Heli.[8] Điều quan trọng cần hiểu ở đây là dù Jacob đã có vợ trước, nhưng có thể chưa có con trai, nên lấy vợ em mình (bà goá của Heli) là điều bình thường, vì đàn ông đa thê.

Vì thế, thánh Giuse có thể là con của Jacob với vợ của em Heli, nên Luke liệt kê tên cha của Giuse là Heli vì lý do này.

Ở đây, ta có thể hiểu rộng thêm về văn hóa Do Thái trong việc nhận con nuôi và xem như con ruột, một việc làm phổ biến trong dân. Ta nhớ câu chuyện bà Sarah vợ ông Abraham muốn người hầu là bà Hagar ăn ở với Abraham để sinh con cho bà (xem Gen 16:1-16); hay chuyện Caleb là dân ngoại Jephunneh (Num 32:12) nhưng được coi là người của chi tộc Judah và theo dòng dõi Hezron (1 Chron 2:18).

Luật phổ biến thường gặp là nếu người anh chết, chị dâu chưa có con, thì thường em trai lấy chị dâu để dòng dõi được tiếp tục. Và con cái (dù là con ruột đến từ người em) nhưng lại mang tên dòng họ của người đã chết.[9]

Như đã nói ở trên, có nhiều lối giải thích, và Giáo Hội không nhất thiết công nhận một lời giải thích nào. Tuy nhiên, lối giải thích trên đây được nhiều người công nhận nhất. Với nhiều tín hữu Do Thái và Kitô hữu thời sơ khai, điều họ quan tâm hơn cả là: Đức Giêsu Kitô đến từ dòng dõi David.

HUYỀN THOẠI

Từ huyền thoại ở đây không mang nghĩa thần tiên hay thuần túy là một sản phẩm hoàn toàn tưởng tượng, nhưng đúng ra những tình tiết không có căn cứ lịch sử được giáo hội kiểm chứng, và vì thế, những tác phẩm này không được công nhận trong quy điển (canon) của giáo hội. Đối chiếu với những sách được công nhận trong quy điển (đặc biệt là trong phần Tân Ước), những tài liệu chúng ta nói đến sau đây được xem là Ngụy Kinh (không chính thức), vì mang nhiều yếu tố khuyếch đại hay tô điểm với những nét huyền bí nhằm đề cao tính quan trọng của nhân vật trong câu chuyện.[10]

Khi tìm hiểu về thánh Giuse, một vài những câu chuyện được thêu dệt quanh cuộc sống của Ngài đến từ những Ngụy Tin Mừng (vì tên nguyên thủy của những tác phẩm này là “Tin Mừng” nên giáo hội phân biệt bằng cách gọi đây là những Ngụy Tin Mừng, nằm trong danh sách Ngụy Kinh).

Đừng vội kết luận những Ngụy Tin Mừng này là sản phẩm tiểu thuyết tưởng tượng như ta hiểu ngày nay, nhưng đây là một sưu tập những chuyện truyền khẩu từ nhiều nguồn gốc khác nhau để phản ánh lối suy diễn những gì giáo dân hiểu, suy nghĩ, và tôn sùng vị thánh này.

Tìm hiểu về thánh Giuse, ta có thể tập trung vào sáu (6) Ngụy Tin Mừng thường được biết đến.[11]

Thứ nhất và cũ nhất là Ngụy Tin Mừng Giacobe, bắt đầu khoảng năm 130. Trước đây nhiều người tin tác giả là Giacobe Hậu (hay Nhỏ) trong danh sách các tông đồ, và Ngài cũng là giám mục Jerusalem, nhưng ngày nay không mấy ai tin điều này.

Bắt đầu sách với lời cầu nguyện của Joachim và Anna (cha mẹ của Maria) xin cho mình có con, và kết thúc với việc tàn sát thai nhi ở Bethlehem. Tác phẩm được tìm thấy đầu tiên bằng tiếng Hy Lạp, mang tựa đề Chuyện Giacobe Kể về Sự Sinh Ra Của Mẹ Thiên Chúa.[12]

Thứ hai là Ngụy Tin Mừng của Thomas, cũng cùng thời gian với Ngụy Tin Mừng của Giacobe, là một sưu tập những chuyện về đời thơ ấu của Đức Giêsu từ khoảng 5 tuổi đến hết đời sống ẩn dật của Ngài. Ta đừng lẫn với một bản khác cũng mang tên Ngụy Tin Mừng Thomas được tìm thấy khoảng năm 230, và được coi là “chứa đựng những lời bí mật của Chúa Giêsu” nói và được Didymus Judas Thomas dịch và thuật lại.[13]

Thứ ba là tài liệu mang tên Ngụy Tin Mừng Matthew, được tìm thấy khoảng thế kỷ thứ 5. Đây là sưu tập mà nội dung có khoảng hai phần ba lấy từ hai tác phẩm của Giacobe và Thomas, và một phần ba là sưu tập riêng. Tác phẩm được đặt tên là Ngụy Tin Mừng Matthew vì một phần ba thông tin là những chế biến “nửa nạt nửa mỡ” lấy từ câu chuyện được kể trong Tin Mừng thật của Matthew (được giáo hội công nhận). Tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn trong thời trung cổ.

Thứ tư là Tin Mừng về Sự Sinh Ra của Maria, không rõ tác giả nhưng có nhiều bản sao chép được truyền tụng trong thời trung cổ. Tài liệu này được xem là thân thiện và triều mến hơn cả, vì người kể lộ rõ lòng sùng kính đối với cả Mẹ Maria và thánh Giuse. Trong tài liệu, tác giả nói đến sự trinh tiết Mẹ Maria, tính thanh cao và quý phái của thánh Giuse, và ca ngợi công đức hai Ngài là những người thánh thiện, gương mẫu.[14]

Thứ năm là một tác phẩm được coi là khá cực đoan khi nói về đời sống Chúa Giêsu mang tên Tin Mừng (Ả Rập) về Thời Thơ Ấu Đấng Cứu Thế. Tác phẩm này cũng có tên khác là Câu Chuyện Giáng Sinh của Chúa do Thomas, người Do Thái, và Triết Gia Kể. Tác phẩm này xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 7, và người đọc có thể nhận ra tính “tổng hợp” của việc lấy thông tin của nhiều nguồn rồi sắp xếp lại với nhau. Rất nhiều tình tiết được lấy từ Tin Mừng chính thức của Matthew và Luke, một số đến từ Ngụy Tin Mừng của GiacobeNgụy Tin Mừng của Thomas, và nhiều tình tiết được xây dựng dựa trên chuyện cổ tích mang tính dân tộc mà ta quen với tên gọi Một Ngàn Lẽ Một Đêm.[15] Vì thế, những chuyện trong tác phẩm này mang yếu tố khuyếch đại, thổi phồng với nhiều phù phép, và ngay cả việc tìm cách trả thù (chứ không tha thứ như lời Chúa Giêsu dạy). Một bản sao chép của tác phẩm này mang tên Tin Mừng Thời Thơ Ấu theo Armenia (một dân tộc sống cạnh Ai Cập thời bấy giờ) đề cao vai trò các Đạo Sĩ nhằm đáng động lòng tự hào dân tộc của độc giả người Ba Tư (được coi là gốc của các Đạo Sĩ).

Thứ sáu là Lich Sử thánh Giuse Thợ Mộc theo Coptic, tài liệu thu thập chủ yếu nói đến thánh Giuse, và phổ biến bên Ai Cập từ giữa thế kỷ 4 đến thế kỷ 6. Tài liệu có nói đến cái chết thánh Giuse mà ta không thấy ở những tài liệu khác.

Tóm tắt Ngụy Kinh và Thông Tin về Thánh Giuse

Đầu tiên phải kể đến Ngụy Tin Mừng của Giacobe, bắt đầu với chuyện ông Joachim và bà Anna xin cho có con cái, và Thiên Chúa nhận lời họ cầu xin, ban cho họ người con là Maria. Mẹ Maria sống trong đền thờ từ 3 tuổi đến 12 tuổi và “nhận thức ăn từ tay các thiên thần.”

Khi Maria qua tuổi thơ và sẽ không còn sống trong đền thờ nữa, thiên thần hiện ra với thượng tế Zacharias và hướng dẫn ông gọi những người góa vợ trong vùng đến và thu những chiếc gậy của họ (nhớ vùng này, ai cũng có gậy đi đường phòng thú dữ) với chủ ý xin dấu lạ từ trời để xem ai có thể xứng đáng với Maria.

Chuyện kể là một chim bồ câu bay ra từ đầu gậy của Giuse và đậu trên đầu ông Giuse. Dù dấu hiệu rõ ràng đến từ Thiên Chúa, nhưng Giuse không chịu nhận lấy Maria vì cho mình đã già, mà Maria còn quá trẻ. Nhờ sự can thiệp của thượng tế, Giuse đã chấp nhận điều này. Sau đó, Giuse rời đền thờ và đi xây ngôi nhà cho gia đình ở trong tương lai. Trong thời gian khá dài vắng mặt đó, câu chuyện truyền tin mà ta đọc được trong Luke đã xảy ra, đó là thiên thần đến truyền tin cho Maria đang khi Maria đi lấy nước ở giếng gần nhà.

Khi Giuse trở lại vài tháng sau thì biết vợ mình có thai (câu chuyện không nói nhiều đến tương quan giữa Giuse và Maria). Theo câu chuyện, Giuse tức giận vì cho là Maria lừa mình như Eva đã lừa Adam, dù Maria phản đối kịch liệt và ra sức giải thích. Sau đó thiên thần hiện ra với Giuse trong giấc mơ (như ta nghe trong Tin Mừng Matthew).

Một chi tiết thú vị nữa là có một thầy tư tế tên Annas, khi biết Giuse và Maria gây gỗ về cái thai, và cho rằng cả hai không thực sự trung thực, nên Annas đòi cả hai phải uống “nước thách thức của Đức Chúa” (xem Sách Dân Số 5:16-28). Nghĩa là, nếu người có tội và không thành thật, khi uống nước thánh với lời thề trước nhan Thiên Chúa, sẽ bị phạt nhãn tiền.[16] Nhưng cả hai không bị hại gì, và tư tế không lên án họ “vì Chúa không làm cho tội họ hiển hiện” (Num 5:31).

Kể về việc hạ sinh bé Giêsu ở Bethlehem, sau khi tìm thấy một hang súc vật cho Maria tạm nghỉ, Giuse ra đi tìm bà mụ tên là Salome, và đưa bà đến giúp Maria sinh con. Vì bà không tin Maria đồng trinh, nên khi giúp Maria sinh con, tay bà bỗng nhiên bị biến dạng như bị phỏng nặng, và như muốn bị đứt lìa. Nhưng khi bà chạm vào thân bé Giêsu thì tay bà được lành như cũ.

Câu chuyện nói đến các Đạo Sĩ thăm viếng, và việc Herode giết các Hài Nhi (tình tiết này giống với Tin Mừng chính thống Matthew). Vì thầy tư tế Zacharias là cha Gioan Tẩy Giả đã không khai nơi ở của bé Gioan Tẩy Giả, nên ông bị giết. Và câu chuyện kết thúc với việc ông già Simeon thay thế Zacharias làm tư tế trong đền thờ.[17]

Thứ hai là Ngụy Tin Mừng Thomas mang đậm nét khó hiểu khi diễn tả bé Giêsu với tuối thơ tinh nghịch, làm những điều phật lòng người lớn. Sách bắt đầu với câu chuyện Giêsu 5 tuổi, đang chơi trên triền đồi và ra lệnh cho nước chảy theo ý mình muốn. Bé Giêsu cũng làm cho Giuse và những người Do Thái khác hoảng sợ khi dùng đất nắn hình 12 con chim trong ngày Sabbath, vì điều này vi phạm luật ngày Sabbath. Khi bị khiển trách, bé Giêsu biến 12 chim đất này thành 12 chim sẻ bay đi.

Một lần khác, con trai thầy Annas, người đã tố cáo Maria và Giuse với hội đồng tư tế về việc Maria có thai trước khi về sống với Giuse (như ta thấy trong Ngụy Tin Mừng Giacobe), đã chơi nhưng bất hòa với bé Giêsu và bị bé Giêsu khiển trách. Một cảnh khác là có một em trai vô tình chạy tông vào người bé Giêsu, rồi té chết, nhưng được bé Giêsu cho sống lại. Bên cạnh đó, Giuse là một thợ mộc vụng về, nhiều lần cắt miếng gỗ bị hụt, và chính Giêsu đã kéo ra cho bằng.

Không ai hiểu được tại sao những chuyện này lại được lưu truyền như thế. Với cái nhìn ngày nay, người đọc có thể khó chịu vì những việc làm ngang ngược của gia đình thánh (Giêsu, Maria, Giuse), nhưng ta nhận ra đây là một trong những cách thức diễn tả lòng khâm phục của giáo dân đối với những đấng thánh, và họ cũng là những con người như ta.

Thứ ba phải kể là Ngụy Tin Mừng (NTM) Matthew, mà phần lớn là lặp lại và thổi phồng những chuyện lấy từ Ngụy Tin Mừng (NTM) Giacobe. Một số những phép lạ được kể lại theo thứ tự như trong sách NTM Giacobe chỉ thêm tình tiết hấp dẫn (từ chương 1 đến 18). Phần giữa cuốn sách (chương 19-25) kể chuyện gia đình Nazareth trốn qua Ai Cập, với nhiều tình tiết đặc biệt không tìm thấy nơi khác, nhất là tính thần kỳ và hoang đường như trên đường đi, cọp, beo, thú dữ … không xâm hại mà thờ lại bé Giêsu. Trong hoang địa, trên đường qua Ai Cập, những cây chà là cong mình xuống che nắng cho bé Giêsu và cung cấp nước, thức ăn khi các Ngài khát và đói.

Khi đến Ai Cập, Maria và bé Giêsu đập vỡ những tượng bụt thần, và được người dân đón tiếp, ngay cả vua Ai Cập Affrodosio cũng đến thờ lạy.

Phần cuối (từ chương 27 đi) lặp lại nhiều tình tiết của NTM Thomas với cường điệu mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là hình ảnh Giuse không được diễn tả như một vị thánh hiền lạnh, được kính trọng (như ta thường hiểu), mà Giuse sống như một thầy pháp, và bé Giêsu là người làm bùa phép khi Giuse cần đến.

Đến đây tôi muốn chúng ta so sánh NTM Giacobe và Matthew một chút.

Trong NTM Giacobe, tác phẩm xuất hiện sớm hơn, Giuse là một ông già có con cái. Trong NTM Matthew, Giuse có cháu (chứ không chỉ con) lớn hơn cả tuổi của Maria (là 14 tuổi theo câu chuyện).

Trong NTM Giacobe, bồ câu bay ra từ cây gậy và đậu trên đầu Giuse; trong NTM Matthew, bồ câu bay ra từ đầu gậy, và đập cánh bay về trời.

Trong NTM Giacobe, Maria được thiên thần báo tin chỉ một lần ở nơi giếng nước; trong NTM Matthew, thiên thần xuất hiện 2 lần, một ở trong nhà, và một ở giếng nước.

Sau khi bé Giêsu được sinh ra, theo NTM Giacobe, bà mụ Salome bị phạt vì không tin Maria đồng trinh khi tay bị sưng phỏng sau đó được chữa lành; nhưng theo NTM Matthew, bà Salome bị bại tay, và Mẹ Maria đã nhờ đến một bà mụ khác tên Zelomi giúp đỡ.

Cũng trong NTM Matthew, Maria khấn đồng trinh trọn đời, và Giuse được coi là người bảo hộ để Maria giữ lời hứa trinh tiết này (có nghĩa là Giuse không có ý lấy Maria làm vợ). Điều này khác với Tin Mừng chính thống Matthew khi coi Giuse là chồng bà Maria theo nghĩa bình thường, cho dến khi ông được thiên thần báo mộng. Nghĩa là, nếu không có thiên thần báo mộng, thì cuộc hôn nhân của Giuse-Maria có thể là một hôn nhân bình thường như những hôn nhân khác, trong đó cả hai nghĩ là mình sẽ sống với nhau như vợ chồng để thiết lập một gia đình mới.

Thứ tư là Lịch Sử Giuse Thợ Mộc theo Coptic,[18] được viết nhằm mục đích thúc đẩy những lòng sùng kính thánh Giuse của người gốc Ai Cập. Nửa phần đầu của câu chuyện là lời kể của bé Giêsu về cha nuôi Giuse, và thường là vay mượn ở những tài liệu khác. Nửa phần sau nói đến cái chết Giuse nhưng có những tình tiết không hợp với địa vị một vị thánh. Ví dụ như trước khi chết, Giuse than thở và trách mình kém may mắn, và than phiền như một tội nhân tuyệt vọng. Thánh nhân chết ở tuổi 111, với sự chứng kiến của con Giêsu.

Thứ năm là cuốn Tin Mừng Ả Rập về Câu Chuyện Ấu Thơ của Đấng Cứu Thế. [19] Đây là cuốn không được chuộng nhiều vì tình tiết mang quá nhiều huyền thoại, và những huyền thoại này đủ để giáo hội không công nhận nó. Cuốn sách nói đến trách nhiệm của Giuse là người lo cho Maria và Giêsu, từ khi sinh con, rồi trốn qua ở Ai Cập ba năm. Trên đi đường đi gặp hai tên cướp Titus và Dumachus mà sau này cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu (một người tốt, một người xấu), trở về sinh sống tại Nazareth với nghề thợ mộc (nhưng Giuse không là một thợ giỏi, nên nhờ bé Giêsu sửa lại những sản phẩm lỗi). Sách cũng kể chuyện vài em bé bị cùi đã được lành khi tắm lại nước tắm của bé Giêsu.

Thứ sáu là Ngụy Tin Mừng Sự Sinh Ra của Maria,[20] kể những câu chuyện mang tính trang trọng, quý phái và có chất lượng hơn so với những tác phẩm khác cùng thời. Sách bắt đầu với việc Maria được sinh ra do lời cầu xin của cha mẹ, ông Joachim và bà Anna. Sách cũng nói đến những nghi ngờ của Giuse về lời của sứ thần, nhưng không khuyếch đại. Trong sách này, Giuse là một người lớn tuổi, nhưng không nói đến hôn nhân trước đó của Ngài, và cũng không nhắc đến con cái của Ngài như một vài Ngụy Thư khác. Chính yếu tố kính trọng này là nền tảng Kitô hữu xây dựng lòng sùng kính thánh Giuse thời trung cổ sâu đậm.

Tóm

Thật sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng vì không biết nhiều về thánh Giuse, nên vai trò của Ngài cũng không thật sự quan trọng trong giáo hội, và trong công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Trái lại, chính tính kín đáo, thái độ âm thầm, và sự khôn ngoan trong đối xử đã khiến các đức giáo hoàng tôn vinh và chọn Ngài là Đấng Bảo Trợ toàn thể giáo hội.

Trong năm kính thánh Giuse, chắc chắn chúng ta sẽ có dịp học hỏi nhiều về con người của Ngài. Ngoài những tài liệu rất ít được ghi lại trong Tin Mừng Matthew và Luke, phần lớn chúng ta biết Ngài qua những Ngụy Thư lưu truyền trong giáo hội.

Dù những Ngụy Thư không được giáo hội công nhận vì tính bất thường của nội dung câu chuyện, chúng ta vẫn có thể học hỏi được rất nhiều về con người thánh Giuse qua những tài liệu này. Nghĩa là, những câu chuyện được sắp xếp với mục đích thổi phồng hơn là thực tế để nhằm tôn vinh thánh Giuse, vị thánh được họ yêu kính. Những bối cảnh phép lạ như cho người bệnh được lành, hay khi Giuse cắt gỗ thiếu hụt thì bé Giêsu lấy tay kéo dài ra… là những câu chuyện nhằm phục vụ cho mục đích đức tin. Nói cách khác, những câu chuyện thêu dệt này phục vụ cho mục đích tôn sùng thánh nhân hơn là tường thuật thực tế. Như thế, người xưa đã dành cho thánh nhân một lòng yêu mến đặc biệt trong lòng họ.

Với chúng ta ngày nay, qua Ngụy Thư, Ngụy Tin Mừng, những tiếng nói không chính thức của giáo hội, giúp ta hiểu thêm một chút về vị thánh thầm lặng, là bạn đời Mẹ Maria, là cha nuôi Chúa Giêsu, và là Đấng Bảo Trợ chúng ta.

Mat. Nguyễn Khắc Hy PSS

Matthew 1:1-19                                                                            Luke 3:23-38

Abraham là cha Isaac                                                                     Abraham là cha Isaac

Isaac ——–         Jacob                                                                 Isaac ——–         Jacob

Jacob                    Judah                                                                 Jacob                    Judah

Judah                    Perez và Zerah                                                  Judad                    Perez và Zerah

Perez                     Hezron                                                              Perez                     Hezron

Hezron                Ram                                                                   Hezron                Arni / Arni là cha Admin

Ram                      Amminadab                                                     Admin                  Amminadab

Amminadab         Nahshon                                                            Amminadab         Nahshon

Nahshon               Salmon                                                              Nahshon               Sala

Salmon                 Boaz                                                                  Sala                       Boaz

Boaz                     Obed                                                                  Boaz                     Obed

Obed                     Jesse                                                                  Obed                     Jesse

Jesse                     David                                                                 Jesse                     David

David                   Solomon                                                           David                   Nathan

Solomon              Rehoboam                                                        Nathan                 Mattatha

Rehoboam          Abijah                                                               Mattatha             Menna

Abijah                  Asaph                                                                Menna                 Melea

Asaph                   Jehoshaphat                                                    Melea                   Eliakim

Jehoshaphat       Joram                                                               Eliakim               Jonam

Joram                  Uzziah                                                               Jonam                  Joseph

Uzziah                 Jotham                                                             Josephn               Judah

Jotham                Ahaz                                                                  Judah                   Simeon

Ahaz                     Hezekiah                                                          Simeon                 Levi

Hezekiah             Manasseh                                                         Levi                      Matthat

Manasseh            Amos                                                                 Matthat               Jorim

Amos                    Josiah                                                               Jorim                   Eliezer

Josiah                  Jechoniah                                                         Eliezer                 Joshua

Jechoniah           Shealtiel                                                            Joshua                 Er

Er                         Elmadam

Elmadam            Cosam

Cosam                 Addi

Addi                     Melchi

Melchi                 Neri

Neri                      Shealtiel

Shealtiel               Zerubbabel                                                        Shealtiel               Zerubbabel

Zerubbabel          Abiud                                                                Zerubbabel          Rhesa

Abiud                   Eliakim                                                             Rhesa                   Joanan

Eliakim               Azor                                                                  Joanan                 Joda

Azor                     Zadok                                                               Joda                     Josech

Zadok                  Achim                                                               Josech                  Semein

Achim                  Eliud                                                                 Semein                 Mattathias

Eliud                    Eleazar                                                             Mattathias          Maath

Eleazar                Matthan                                                           Maath                  Naggai

Matthan              Jacob                                                                Naggai                 Esli

Jacob                   Joseph, chồng bà Maria.                                  Esli                       Nahum

Nahum                 Amos

Amos                    Mattathias

Mattathias          Joseph

Joseph                 Jannai

Jannai                  Melchi

Melchi                 Levi

Levi                      Matthat

Matthat               Heli

Heli                      Joseph – cha Đức Giêsu.


[1] Trong kinh thánh nói Giuse là một “tekton”, người thường làm nhiều việc tay chân, và có thể coi là nghệ nhân. Vì công việc xưa phần lớn liên quan đến cây và gỗ, nên người dịch chọn từ “thợ mộc” để lột tả người này. Hiểu rộng hơn, thánh Giuse như một người “đa năng” làm nhiều việc liên quan đến xây dựng, sửa chữa nhà cửa… hơn là chuyên môn “thợ mộc” như chúng ta hiểu ngày nay.

[2] Chúng ta sẽ nói đến tính huyền thoại về con người thánh Giuse trong phần sau của bài viết này.

[3] Xem Rome and The Study of Scripture (St. Meinrad, 1953) 15; Enchiridion Biblicum 94-96.

[4] Biểu đồ nhằm so sánh giữa 2 Tin Mừng, nên tôi chỉ đơn giản ghi tên từ Abraham đến Đức Giêsu, và những tứ in đậm là dấu chỉ sự khác biệt.

[5] Thánh Justin (thế kỷ 2) cho rằng Mẹ Maria cũng đến từ dòng dõi David. Sách “Ngụy thư của Giacô bê” cũng nói điều này, và giáo dân thời sơ khai cũng chấp nhận điều này. Một số tranh vẽ còn thấy gốc cây Jesse có Maria ở thế hệ cuối, và không thấy bóng dáng Giuse trong đó. Martin Luther, cha đẻ phong trào Cải Cách Tin Lành, cổ động cho lối giải thích này.

[6]  Ta cũng nên biết là lối giải thích này không mấy được ưa chuộng ngày nay.

[7] Tục lập gia đình giữa những người thân họ hàng là điều phổ biển trong lối sống du mục xưa. Jacob lấy Rachel và Leah là con cậu Laban của ông (xem Sáng Thế chương 29 và 30).

[8] Xem Eusebius, Ecclesiastical History 1:6:7.

[9] Không nhất thiết là em trai lấy chị dâu, mà nhiều trường hợp anh trai lấy em dâu vì em dâu không có con, và vì anh trai chưa có con trai. Trường hợp thánh Giuse được xem là anh Jacob – anh cùng mẹ với Heli – lấy vợ Heli để sinh con cho dòng dõi. Và thánh Giuse là con trai nên được kể tên theo hai hệ: hệ huyết thống tự nhiên (con Jacob); hệ huyết thống theo luật lệ (con Heli).

[10] Khác với Tin Mừng chính thống là sách ghi lại chủ yếu những việc làm, cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giê su, những mẫu chuyện trong Ngụy Kinh đôi khi chứa đựng những yếu tố mang tính phóng đại hay tưởng tượng. Vì thế, giáo không đưa vào quy điển, dù được được lưu truyền trong dân Chúa, và chúng ta gọi là “ngụy thư – apocrypha.” Trong sồ nhiều Ngụy Thư lưu truyền, tác phẩm của Giacobê, Tôma, Mathêu và Phêrô được xem là phổ biến hơn cả.

[11] Ngụy Tin Mừng hay những sách liệt kê trong Ngụy Thư thì rất nhiều, từ 6 là con số ít nhất đến 25 là con số lớn nhất khi kê khai những Ngụy Thư. Riêng với tài liệu liên quan đến thánh Giuse, ta có thể xem Ante-Nicene Christian Library, v. 16, “The Apocryphal Gospels, Acts, and Revelation” dịch bởi A. Walker (publisher Edinburgh: T&T Clark, 1870) p.1-124. Muốn tìm hiểu thêm về Ngụy Thư, xem Montague Rhodes James, The Apocryphal New Testament (1953, 2nd ed.). Oxford: Clarendon Press; Ehrman, Bart D. Ehrman – Zlatko Pleše, The Apocryphal Gospels: Texts and Translation (Oxford, UK: Oxford University Press, 2011); Tony Burke – Brent Landau, eds. New Testament Apocrypha: More Noncanonical Scriptures (Grand Rapids. MI: Eerdmans, 2016)

[12] Nguyên thủy, tác phẩm này không dùng từ “Tin Mừng” để nói đến chính mình, nhưng giáo dân thời sơ khai đã dùng từ Tin Mừng để ghép cho tác phẩm này. Xem Francis L. Filas S.J. Joseph: The Man Closest to Jesus. (St. Paul Edition – printed by Daughters of St. Paul, 1962), p. 25.

[13] Francis L. Filas S.J., Joseph… p. 25-26

[14] Thánh Jerome đã biết đến Ngụy Thư này, và đã hình thành niềm tin rằng thánh Giuse là Đấng Đồng Trinh dựa trên những sùng kính đến từ ngụy thư này. Thánh Jerome đã bênh vực thánh Giuse Đồng Trinh khi chống lại lạc giáo Helvidius cuối thế kỷ IV. Xem From Nicene and Post-Nicene Fathers, 2nd series, v. 6, dịch bởi W.H. Fremantle, G. Lewis and W.G. Martley; chủ biên Philip Schaff và Henry Wace. (Buffalo, NY: Christian Literature Publishing Co., 1893), pp. 124-132.

[15] Tác phẩm mang tên “Một Ngàn Lẽ Một Đêm” là một sưu tập của nhiều tác giả được phổ biến ở Âu Châu vào đầu thế kỷ 18. Đây là kho tàng văn hóa và khôn ngoan của dân Ả Rập, và những câu chuyện vẫn được thêm bớt theo với hoàn cảnh sống nên tác phẩm này gần như không có kết thúc (như những chuyện Trạng Quỳnh của dân gian chúng ta thường thêm bớt cho hợp hoàn cảnh).

[16] Đoạn trích trong sách Dân Số 5:16-28 cho ta tham khảo: “Tư tế sẽ đưa người đàn bà đến đứng trước nhan ĐỨC CHÚA, và lấy một bình sành đựng nước thánh, rồi lấy chút bụi trên nền Nhà Tạm bỏ vào nước. Sau đó, tư tế đặt người đàn bà đứng trước nhan ĐỨC CHÚA và lột khăn trùm đầu nó ra, rồi đặt lên hai bàn tay nó lễ phẩm tố cáo, nghĩa là lễ phẩm vì ghen tuông; đồng thời tay tư tế cầm bình nước chỉ sự đắng cay và nguyền rủa. Bấy giờ tư tế sẽ buộc người đàn bà thề và nói với nó rằng: “Nếu đã không có người đàn ông nào nằm với chị và nếu chị đã không mất nết mà thất tiết khi chị đang có chồng, thì nước đắng cay và nguyền rủa này sẽ vô hại cho chị. Còn nếu chị có chồng mà mất nết và đã thất tiết với chồng, vì một người đàn ông khác, không phải là chồng chị, đã cho chị nằm với nó – tư tế buộc người đàn bà thề độc và nói với nó – Xin ĐỨC CHÚA làm cho dạ chị héo đi, bụng chị sình lên, khiến giữa đồng bào chị, chị thành đề tài cho người ta nguyền rủa và chúc dữ cho nhau. Xin cho nước đắng cay này ngấm vào nội tạng chị, khiến bụng chị sình lên và dạ chị héo đi. Người đàn bà ấy sẽ thưa: “A-men. A-men.  Tư tế viết những lời nguyền rủa ấy vào giấy và cho nhoà đi trong nước đắng cay, rồi bắt người đàn bà phải uống nước đắng cay và nguyền rủa đó; nước nguyền rủa sẽ ngấm vào người ấy để gây ra cay đắng. Tư tế sẽ nhận lấy từ tay người đàn bà lễ phẩm vì ghen tuông, làm nghi thức trước nhan ĐỨC CHÚA và đặt trên bàn thờ. Tư tế sẽ bốc một nắm từ lễ phẩm đó, làm phần truy tưởng, mà đốt trên bàn thờ.  Tư tế cho nó uống nước rồi, nếu thật nó đã thất tiết và phản bội chồng, thì nước nguyền rủa sẽ ngấm vào nó để gây ra cay đắng, và tạng phủ nó sẽ sình lên, dạ nó héo đi. Giữa đồng bào, người đàn bà đó sẽ thành đề tài nguyền rủa. Nếu người đàn bà đó đã không thất tiết, nhưng vẫn trong sạch, thì sẽ không bị hại và sẽ sinh con.”

[17] Theo Reimund Bieringer trong, The Corinthian Correspondence (Peeters Publishers, 1996), p. 497, footnote 20, thì Origen cho rằng Zacharias bị giết trong đền thờ là cha của Gioan Tẩy Giả. Điều này được truyền tụng trong Ngụy Tin Mừng Giacobe. Ngày nay, các học giả không tin như vậy.

[18] Tác phẩm này được giữ lại theo bản tiếng Coptic, trước đó là bản tiếng Ả Rập, được G. Wallin hiệu đính năm 1727 và được C. Tischendorf dịch ra tiếng Latin năm 1876 (xem trang 309-336); bản Latin cũng được Isidoro de Isolano dịch 1522, được E. Quatremère dịch 1808 và G. Zoëga dịch năm 1810.

[19] Toàn bộ tác phẩm này có thể tìm thấy trong From Ante-Nicene Fathers, v. 8, được Alexander Walker dịch, hiệu đính bởi Alexander Roberts, James Donaldson, và A. Cleveland Coxe. (Buffalo, NY: Christian Literature Publishing Co., 1886).

[20] Toàn bộ bản dịch có thể tìm thấy trong From Ante-Nicene Fathers, v. 8, được Alexander Walker dịch, và hiệu đính bởi Alexander Roberts, James Donaldson và A. Cleveland Coxe. (Buffalo, NY: Christian Literature Publishing Co., 1886). Sách gồm 10 chương. 

Previous articleLICH SỬ LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH GIUSE TRONG GIÁO HỘI
Next articleKHI TÔI HỦY BỎ CUỘC SỐNG CŨ VÌ CHÚA KITÔ, TÔI ĐÃ CHẠY ĐẾN CÙNG THÁNH GIUSE