Năm bài học từ Covid-19 đối với Giáo Hội
1/16/2021 8:38:46 AMTrong một bài trước, Đức Ông Charles Pope của Tổng giáo phận Washington D.C. đã nói về Năm Bài Học của Năm 2020 về phương diện xã hội và chính trị. Trong bài này, ngài nói tới Năm bài học của năm 2020 về phương diện Giáo Hội. Chủ điểm là: trong 9 tháng qua, Giáo Hội cho người ta cảm tưởng các bí tích không hề là điều quan trọng và chúng ta có thật ít điều để cung ứng trong cuộc khủng hoảng.
Năm bài học của năm 2020
Ảnh: local10.com
Theo Đức Ông Pope, đáng buồn thay, chúng ta xử lý sự việc không tốt, nhưng ngài hy vọng chúng ta đã học được nhiều bài học đáng giá. Thiển nghĩ nay là lúc nhìn lại và khảo sát các lầm lẫn của ta để tránh được chúng trong tương lai.
Thứ nhất, đáng lẽ ta không nên ngưng các Thánh Lễ công cộng.
Dù việc ngưng trên có thể cần thiết trong một số trường hợp (hay thậm chí trong nhiều trường hợp) nhưng chắc chắn không cần thiết trong mọi trường hợp. Ngay ở cao điểm việc cấm cửa do đại dịch, việc tụ tập của 10 người hay ít hơn vẫn còn được phép ở nhiều khu vực. Trước đó, một số giáo phận đã hoàn toàn ngưng các thánh lễ công cộng dù thống đốc của họ vẫn cho phép các cuộc tụ tập lên đến 250 người; nhiều giáo phận khác ngưng các thánh lễ công cộng khi 50 người vẫn được thống đốc cho phép.
Tại sao thế? Nếu chỉ 10 người được phép, thì đáng lẽ ta nên cử hành thánh lễ cho 10 người, nhất là những người năng tham dự thánh lễ hàng ngày. Tại sao lại đóng cửa hoàn toàn? Ngay cả khi có lệnh “phải ở nhà”, vệc kính viếng một nhà thờ hay nơi thờ phượng vẫn được phép ở phần lớn các vùng. Tại sao lại cứ nằng nặc ngưng mọi cử hành Thánh Lễ công cộng? Đáng lẽ ta nên tuân hành các mệnh lệnh dân chính trong khi vẫn cử hành Thánh Lễ cho một nhóm nhỏ hơn. Phải chăng một số Giám Mục nghĩ rằng các giáo xứ không có khả năng lo liệu giữ được số người nhỏ hơn?
Còn quá đáng hơn nữa, một số mục tử được chỉ thị phải khóa các lối vào nhà thờ của họ, cấm công chúng vào để cầu nguyện riêng. Một số giám mục ra chỉ thị: không ai được phép Rước Lễ và xưng tội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều này đã vượt xa những gì mà chính quyền dân sự yêu cầu. Trong giáo phận của tôi, thật may mắn, chúng tôi được khuyến khích để các nhà thờ của chúng tôi mở cửa cho người ta đến cầu nguyện, xưng tội và tổ chức các buổi Chầu Thánh Thể, miễn là không vượt quá giới hạn tham dự bắt buộc. Chúng tôi đã chầu Thánh Thể mỗi ngày và không bao giờ vượt quá số lượng người đã được qui định. Nếu có quá nhiều người, một số sẽ đợi ở bên ngoài cho đến khi những người khác rời đi. Khi tôi cử hành thánh lễ “riêng” của mình, tôi có ba chủng sinh giúp lễ (tất cả đều cư trú trong nhà xứ) và một số nữ tu từ tu viện của chúng tôi tham dự; tất cả họ đều được “phép” rước lễ. Khi một số giáo dân lặng lẽ đến, tôi cũng sẽ cho họ Rước lễ. Trong tất cả các thời gian đó, chúng tôi không bao giờ vượt quá giới hạn tham dự do các cơ quan dân sự quy định hoặc bỏ qua bất cứ chính sách nào của họ. Mười đến 15 người trong một nhà thờ có tới 700 chỗ ngồi khó là một đám đông! Tại sao nhiều giáo phận nghiêm khắc hơn yêu cầu của các nhà lãnh đạo thế tục? Có phải vi sợ virus không? Có sợ bị kiện tụng không? Nếu việc cấm cửa bị áp đặt, chúng ta không nên nghiêm khắc hơn yêu cầu của các nhà lãnh đạo thế tục! Nếu cần, chúng ta nên đấu tranh để quyền tự do tôn giáo của chúng ta được tập hợp một cách an toàn, như một số nơi đã làm.
Thứ hai, chúng ta đã không sáng tạo như đáng lý phải sáng tạo trong việc mở rộng các bí tích cho những người ở bên ngoài Thánh lễ và phụng vụ.
Ngay cả khi chúng ta phải giới hạn số người bên trong nhà thờ, tại sao chúng ta không cố gắng đem Mình Thánh đến cho người ta bằng nhiều cách khác? Thói quen cho Rước Lễ ngoài Thánh Lễ không được khuyến khích, ngoại trừ khi có lý do nghiêm trọng. Đại dịch khắp thế giới không phải là lý do nghiêm trọng hay sao! Một số linh mục đã thử những giải pháp sáng tạo như thánh lễ ở bãi đậu xe và rước lễ hoặc xưng tội bằng cách lái xe qua. Những linh mục khác (như tôi) đợi trong nhà thờ vào các Chúa Nhật, rồi cho Rước Lễ bất cứ người nào đến cầu nguyện riêng, yêu cầu được rước lễ. Điều ấy không khó, vả lại, chúng tôi không bao giờ bất tuân bất cứ quy tắc nào do chính quyền dân sự đưa ra. Tại sao rất nhiều linh mục không được khuyến khích hoặc bị cấm thử những giải pháp như vậy? Trong giáo phận của tôi, chúng tôi được phép giải tội với điều kiện là màn tòa được che vải, đeo khẩu trang, có kem rửa tay và các tòa giải tội được làm vệ sinh thường xuyên. Tuy nhiên, tại một số giáo phận, việc xưng tội hoặc bị cấm hoàn toàn hoặc bị yêu cầu phải duy trì khoảng cách sáu feet và ở ngoài trời, vi phạm phần nào quyền được giấu tên của các tín hữu.
Những điều như vậy có thực sự cần thiết không? Tại sao chúng ta phải hạn chế quá những gì được yêu cầu? Chúng ta phải học hỏi qua cái nhìn trở lui 20/20 để làm mọi điều có thể làm được trong tương lai nhằm giữ cho các bí tích sẵn có đó cho dân Chúa, cho dù chúng ta không thể nhóm họp với số lượng lớn.
Thứ ba, chúng ta đã quá nhấn mạnh tới các Thánh lễ trực tuyến và chiếu lại.
Ảo là điều không có thật. Phần lớn được tạo ra từ sự bùng nổ của các kết nối trực tuyến mà các linh mục và giáo xứ đã tạo ra do việc cấm cửa và các mệnh lệnh cách ly xã hội. Điều này có một khía cạnh tốt: một số cuộc hội họp, các lớp nghiên cứu và học hỏi Kinh thánh có thể hoạt động tốt trên mạng. Tuy nhiên, nhiều người đã cảm thấy mệt mỏi với những cuộc họp trực tuyến liên tục và bỏ lỡ việc xây dựng cộng đồng phát sinh từ việc tương tác thể lý giữa con người với nhau.
Hạn từ “ảo” có nghĩa là “gần như, không có thực”. Thí dụ, nói, “Anh ta gần như phát điên khi nghe tin tức”, có nghĩa là anh ta không thực sự điên mà dường như điên. Thánh lễ trực tuyến hoặc chiếu lại có chỗ đứng của chúng, nhưng chúng không thể thay thế cho việc hiện diện thể lý trong Thánh lễ. Bạn không thể rước lễ trực tuyến, hoặc xưng tội trực tuyến, hoặc thông công thực sự trực tuyến. Bạn phải thực sự ở đó…
Cũng có nhiều bàn tán về việc người ta có thể rước lễ thiêng liêng. Điều này cũng có chỗ đứng của nó, nhưng nó không phải là một khái niệm cần được nhấn mạnh khi người ta có thể rước lễ thể lý. Thậm chí có một số người Công Giáo mắng nhiếc người khác là “háu ăn thiêng liêng” khi họ đau buồn cách chính đáng vì bị từ khước các bí tích. Họ được cho biết: họ nên hài lòng với các Thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng. Theo truyền thống, chúng ta vốn cung cấp thánh lễ truyền hình cho những người buộc phải ở nhà, nhưng khi các hạn chế về đại dịch không còn nữa, chúng ta nên ngừng tất cả trừ thánh lễ do giáo phận bảo trợ dành cho những người buộc phải ở nhà. Đã có quá nhiều người nghe nói rằng họ thích Thánh lễ truyền hình hơn vì rất thuận tiện khi có thể ở nhà trong bộ đồ ngủ. Điều này sai; họ phải tham dự thánh lễ để thực sự lãnh nhận các bí tích. Viễn kiến 20/20 của chúng ta phải giúp chúng ta khẳng định lại rằng ảo không giống cũng không tốt như thực.
Thứ tư, chúng tôi đã lãng phí một thời điểm giáo huấn chủ yếu.
Một trong những vấn đề lớn của thời hiện đại là nhiều người coi đau khổ và cái chết không có ý nghĩa gì. Đau khổ xem ra vô nghĩa đối với thế giới hiện đại đến nỗi an tử hay tự tử với sự trợ giúp của y sĩ được đề xuất nhằm làm cho nó ra nhẹ nhàng. Nhưng với tư cách là một Giáo hội, chúng ta quá lo sợ thế giới sẽ chỉ trích chúng ta bằng những lời đại khái như, “các anh đâu có quan tâm đến mọi người đang chết”. Tất nhiên, điều đó không đúng – chính vì chúng ta quan tâm nên đã cố gắng mang lại ý nghĩa và mục đích cho đau khổ và cái chết, những điều chắc chắn sẽ xẩy đến với tất cả chúng ta. Thực thế, truyền thống kinh thánh dạy chúng ta rằng đau khổ và cuối cùng cái chết là một trong những biến cố có ý nghĩa nhất trong cuộc đời chúng ta! Cuộc sống viên mãn của chúng ta không phải ở đây – nó ở trên Thiên đàng. Về chủ đề đau khổ, Thánh Phaolô nói: ” Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4: 16-18). Nếu chúng ta trung thành, ngày chúng ta chết là ngày trọng đại và hạnh phúc nhất trong cuộc đời vì chúng ta rời khỏi thế giới đôi khi điên rồ này và về nhà để gặp Thiên Chúa trên Thiên đàng, nơi mọi sự đều có ý nghĩa.
Tôi nhớ tôi nằm trong Phòng chăm sóc đặc biệt những ngày đầu tiên mắc chứng COVID, mông lung suy nghĩ về sự kiện tôi có thể sẽ chết. Với lượng oxy nặng 100% và vẫn đang phải vật lộn để vượt qua tình trạng suy hô hấp, điều chắc chắn là tự nhiên tôi sợ chết, nhưng tôi tin lời của Thánh Phaolô, khi ngài nói: “vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới…”(Pl 1: 21-26).
Tôi không biết những người không có đức tin nghĩ gì về cái chết, nhưng tôi quả biết điều này: Chúng ta phải cho họ biết viễn kiến của chúng ta: cái chết không phải là kết thúc, toàn bộ cuộc sống của chúng ta trên thế giới này là một lời mời lên cao hơn và tìm kiếm điều ở trên chứ không phải điều ở dưới (xem Cl 3: 1). Thiên Chúa cung ứng một điều gì đó tốt hơn, một điều gì đó cao hơn. Cái chết (cũng như đau khổ dẫn tới nó) không phải là điều tồi tệ nhất. Thế giới này không phải là ngôi nhà về lâu về dài của chúng ta. Mục tiêu của chúng ta là được ở với Thiên Chúa trên Thiên đàng. Không phải đau khổ hoặc chết vì COVID-19, mà là chết trong tội trọng mới là mối đe dọa lớn nhất của chúng ta. Điều này dẫn đến nhận xét cuối cùng trong suy tư này.
Thứ năm, chúng ta đã truyền đạt ý niệm cho rằng cơ thể thể lý quan trọng hơn linh hồn.
Khi hủy bỏ Thánh lễ và không cho rước lễ và xưng tội trong một thời gian kéo dài như vậy, dường như chúng ta gửi đi một thông điệp nói rằng thể xác quan trọng hơn linh hồn của chúng ta. Mặc dù đình chỉ các cuộc tụ họp đông người có thể là điều hợp lý, nhưng chúng ta đã không cố gắng đủ để cung cấp quyền tiếp cận các bí tích theo nhiều cách khác. Các mệnh lệnh cấm cửa và đeo mặt nạ chưa từng có, các cuộc phỏng vấn có tính xâm phạm và vụ tiết lộ của các cơ quan y tế chính phủ về bệnh nhân COVID-19 cho thấy một sự tập chú cao độ vào mối đe dọa có thể xảy ra đối với sự sống và phúc lợi con người. Dù quan điểm của bạn về những vấn đề này ra sao và mức độ chúng cần thiết như thế nào, chúng chắc chắn thể hiện sự tập chú cao độ vào mối đe dọa thể lý của COVID-19. Liệu người ta ở khắp nơi có tập chú như thế hay không vào căn bệnh tội lỗi và những hậu quả chết người và vĩnh viễn của tội trọng! Hãy tưởng tượng có khi nào mọi người sẵn lòng chấp nhận các biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa sự lây lan của tội lỗi và gây ra tai tiếng. Một bài hát cũ từ những năm 1950 có dòng này: “Mọi người đều lo lắng về trái bom nguyên tử đó, nhưng dường như không ai lo lắng về ngày Chúa của tôi sẽ đến”.
Trong tư cách một mục tử, tôi rất lo ngại khi một số lượng lớn người nhận được thông điệp cho rằng các bí tích không phải là điều chủ yếu. Theo chiều suy nghĩ này, bạn có thể sẵn sàng chịu mạo hiểm sức khỏe để đi mua thực phẩm hoặc rượu hoặc tham gia một cuộc biểu tình, nhưng lãnh nhận các bí tích không đủ quan trọng để có thể mạo hiểm đến mang bệnh. Đừng bận tâm khi có một ít trường hợp được báo cáo về việc người Công Giáo mắc COVID-19 trong Thánh lễ.
Cho đến nay, chỉ một phần ba những người đã tham dự Thánh lễ trước tháng Ba năm 2020 đã trở lại tham dự Thánh lễ và các bí tích. Nếu bệnh dịch chấm dứt vào ngày mai, tôi nghi ngờ 100% sẽ đột ngột trở lại với Thánh Lễ. Nhiều người nhận được thông điệp lớn tiếng và rõ ràng: Các bí tích không quan trọng như thế. Tất nhiên, vấn đề là các bí tích là điều chủ yếu, và đó là lý do tại sao Chúa ban chúng cho chúng ta. Chúng là thức ăn và thuốc chữa cho linh hồn chúng ta! “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi” (Ga 6:53).
Chúng ta sẽ phải cố gắng hết sức để tháo bỏ thông điệp mà nhiều người đã nhận được và kêu gọi họ trở lại với các bí tích với một cảm thức vừa vui mừng vừa cảnh giác, với sự khích lệ và cảnh báo.
Đó là năm bài học mà chúng ta đã học được từ năm 2020 và học được qua viễn kiến “20/20”. Nhân tố kết hợp nhiều bài trong số này là chúng ta, trong tư cách Giáo hội, đã không có mặt ở đó để giúp dân Chúa khi họ cần tới chúng ta. Chúng ta có rất ít để nói ngoài việc giới thiệu họ với các phương tiện truyền thông và những người mặc áo khoác trắng của phòng thí nghiệm. Mặc dù chúng ta thực hiện nhiều vòng tay lớn ảo đáng kể, đối với quá nhiều người, việc phát hiện cửa nhà thờ bị khóa và nhà xứ đóng cửa là một dấu hiệu nói ngược lại.
Có rất nhiều trường hợp ngoại lệ tuyệt vời ngược với điều ấy: các linh mục và giáo xứ có óc sáng tạo, xông xáo trong các cộng đồng với tràng chuỗi Mân Côi và rước kiệu Thánh Thể, cử hành các thánh lễ ngoài trời, v.v. Nhưng cũng có quá nhiều người trong chúng ta co cụm, tạo ấn tượng cho rằng trong một cuộc khủng hoảng, Giáo hội thực sự không có bao nhiêu để cung ứng và tất cả những điều đó không có liên quan. Mong sao chúng ta đừng bao giờ để điều đó xảy ra nữa! Căn cứ vào Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là người gìn giữ ý nghĩa, người phân phối hy vọng và sứ giả của lòng can đảm. Lẽ ra chúng ta phải là một ngọn đèn sáng láng, nhưng, tôi sợ chúng ta tự giấu mình dưới giỏ lúa ít nhất trong tư cách tập thể. Chúng ta chờ nghe những gì các chuyên gia nói với chúng ta và đôi khi cầu xin chính quyền địa phương cho phép chúng ta mở cửa trở lại và coi chúng ta là “chủ yếu”.
Lời bạt:
Khi các hạn chế vì đại dịch bắt đầu được dỡ bỏ, giáo xứ của bạn có kế hoạch truyền bá Tin Mừng hơn là “chúng ta hãy hy vọng họ sẽ quay trở lại” không? Chúng ta sẽ phải làm tốt hơn thế nếu chúng ta hy vọng sẽ xây dựng lại những con số thảm bại ấy. Người ta cần Chúa Giêsu. Họ cần thuốc bí tích và việc đào tạo về Phụng vụ Thánh. Bạn và giáo xứ của bạn sẵn sàng làm gì để xây dựng lại đoàn chiên Thiên Chúa? Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ một kế hoạch mà giáo xứ của tôi đã sử dụng trong quá khứ và dự định sử dụng vào mùa xuân, và tôi hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho các bạn.
Vũ Văn An