Nam Định quê hương của nhiều thánh tử đạo đất Việt

185

Ngày 19.6.1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong 117 Chân phước tử vì đạo tại Việt Nam lên hàng Hiển thánh. Trong số này, có đến 32 vị thánh có sinh quán nằm trọn trong tỉnh Nam Ðịnh. Xin giới thiệu đôi nét về những chứng nhân anh hùng này.       

1.

Thánh Gioan Baotixita Cỏn: Sinh năm 1805 tại Kẻ Báng, Nam Ðịnh, là một giáo dân. Bị xử trảm ngày 8.11.1840 tại Bảy Mẫu, dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn hai ông Martinô Thọ và Gioan Baotixita Cỏn lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 8.11.

2.

Thánh Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu: Sinh năm 1797 tại Trung Lễ, Liên Thủy, Nam Ðịnh, là một thầy giảng, bị xử trảm ngày 25.6.1838 tại Nam Ðịnh, dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn Chân phước thầy Phanxicô Đỗ Văn Chiểu ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 26.6.

3.

Thánh Tôma Ðinh Viết Dụ: Sinh năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh. Ngài là linh mục dòng Ðaminh, bị xử trảm ngày 26.11.1839 tại Bảy Mẫu, dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn cha Tôma Đinh Viết Dụ lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 26.11.

 

4.

Thánh Bênađô Vũ Văn Duệ: Sinh năm 1755 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, là một linh mục, chết 1.8.1838, tại Ba Tòa. Cha Duệ vốn là một tân tòng, sau khi được phong linh mục, đã dành nhiều năm hoạt động truyền giáo. Khi về hưu, đã sống thầm lặng cho đến khi có tiếng gọi phải tự thú với quân sĩ rằng mình là linh mục. Bị xử trảm năm 83 tuổi. Phong Á thánh năm 1900. Lễ kính vào ngày 1.8.

5.

 Thánh Phêrô Ða: Sinh tại Ngọc Cục, Xuân Trường, Nam Định. Ngài là giáo dân, bị thiêu sống ngày 17.6.1862 tại Nam Ðịnh, dưới đời vua Tự Ðức. Ngày 29.4.1951, người thợ mộc làng Ngọc Cục Phêrô Đa được Đức Piô XII suy tôn lên bậc Chân phước. Lễ kính vào ngày 17.6.

6.

Thánh Ðaminh Ðinh Ðạt: Sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh, là một binh sĩ chết ngày 18.7.1838 tại Nam Ðịnh. Khi bị phát hiện là một người tân tòng, ngài bị bắt, bị tước bỏ chức vụ vì đức tin Công giáo (ngài đi lính từ năm 24 tuổi, tới năm bị bắt đã ở trong quân ngũ được 12 năm). Chịu xử giảo (thắt cổ) chết. Phong Á thánh năm 1900. Lễ kính vào ngày 13.6.

7.

Thánh Tôma Nguyễn Văn Ðệ: Sinh năm 1810 tại Bồ Trang, Nam Ðịnh, là thợ may, Dòng Ba Ðaminh. Chết 19.12.1839 tại Cổ Mễ, dưới đời vua Minh Mạng. Ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết cùng với bốn người khác vì che giấu các vị thừa sai. Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn ngài lên bậc Chân phước. Ngày Lễ kính 19.12.

8.

Thánh Giuse Ðỗ Quang Hiển: Sinh năm 1796 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, là linh mục dòng Ðaminh, bị xử trảm ngày 9.5.1840 tại Nam Ðịnh, dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn ngài lên Chân phước cùng với 63 vị tử đạo tại Việt Nam khác ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 9.5.

9.

Thánh Augustinô Phan Viết Huy: Sinh 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Nam Ðịnh, là một binh sĩ, chết ngày 13. 6.1839, tại Thừa Thiên. Sau khi bị bắt, ngài bị căng xác trên một cái giá và bị cưa, cùng với thánh Nicolas Thể. Được phong Á thánh năm 1900. Lễ kính vào ngày 13. 6.

 

10.

Thánh Ðaminh Phạm Trọng Khảm: Sinh năm 1780 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, là chánh án, Dòng Ba Ðaminh, tử đạo ngày 13.1.1859 tại Nam Ðịnh. Từng là một nhân vật giàu có và được dân chúng kính nể và cũng là bề trên của Dòng Ba Ðaminh, ngài cùng với con trai và nhiều người trong tu hội phải chết vì bảo vệ cho các giáo sĩ. Được phong Á thánh 1951. Lễ kính ngày 13.1.

11.

Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang: Sinh 1832 tại Trà Vy, Nam Ðịnh, là thầy giảng, thuộc Dòng Ba Ðaminh. Ngài tử đạo ngày 6.12.1861 tại Hải Dương. Thánh Khang là người giúp việc cho Ðức cha Hermosilla. Trong khi cố gắng cứu Đức cha thoát ngục, ngài bị bắt, bị trừng phạt 120 roi. Sau nhiều lần bị tra tấn, ngài bị xử trảm (chém đầu). Được phong Á thánh 1906.

12.

Thánh Vincentê Phạm Hiếu Liêm: Sinh năm 1732 tại Trà Lũ, Bùi Chu, Nam Định, là linh mục dòng Ðaminh, bị xử trảm ngày 7.11.1773 tại Ðồng Mơ, dưới đời chúa Trịnh Sâm. Ngày 20.5.1906, Đức Piô X suy tôn ngài lên bậc Chân phước. Lễ kính vào ngày 7.11.

13.

Thánh Ðaminh Hà Trọng Mậu: Sinh năm 1794 tại Phú Nhai, phủ Xuân Trường, Nam Định, là linh mục Dòng Ðaminh, bị xử trảm ngày 5 .11.1858 tại Hưng Yên, dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô XII suy tôn cha Đaminh Hà Trọng Mậu lên bậc Chân phước ngày 29.4.1951. Lễ kính vào ngày 5.11.

14.

Thánh Lôrensô Ngôn: Sinh năm 1840, trong một gia đình đạo đức thuộc xứ Lục Thủy (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định). Ngài bị xử trảm ngày 22.5.1862 tại Nam Ðịnh, dưới đời vua Tự Ðức. Được phong Chân phước ngày 29.4.1951 do Ðức Piô XII. Lễ kính vào ngày 22.5.

15.

Thánh Augustinô Nguyễn Văn Mới: Sinh năm 1806 tại Phù Trang, Nam Ðịnh, là một nông dân, thuộc Dòng Ba Ðaminh. Tử vì đạo ngày 19.12.1839 tại Cổ Mễ. Ngài nổi tiếng vì lòng sốt sắng và bác ái, mặc dầu rất nghèo. Ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết vì từ chối không bước qua thập giá. Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn ngài lên bậc Chân phước. Lễ kính vào ngày 19.12.

16.

Thánh Giuse Nguyễn Ðình Uyển: Sinh năm 1775 tại Ninh Cường, Nam Ðịnh, là một thầy giảng, Dòng Ba Ðaminh, chết rũ tù ngày 4.7.1838 tại Hưng Yên, dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 4.7.

17.

Thánh Nicôla Bùi Ðức Thể: Sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Bùi Chu, Nam Định, là một binh sĩ, bị lăng trì ngày 12.06.1839 tại Thừa Thiên, dưới đời vua Minh Mạng cùng với thánh Augustinô Phan Viết Huy. Được phong Chân phước ngày 27.5.1900 do Ðức Lêô XIII. Lễ kính vào ngày 12.6.

 

18.

Thánh Luca Phạm Trọng Thìn: Sinh năm 1820 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, là một giáo dân, giữ chức vụ Cai tổng, bị xử giảo ngày 13.01.1859 cùng với cha của mình là Đaminh Phạm Trọng Khảm tại Nam Ðịnh, dưới đời vua Tự Ðức. Được phong Chân phước ngày 29.4.1951 do Ðức Piô XII. Lễ kính vào ngày 13.01.

19.

 Thánh Giuse Phạm Trọng Tả: Sinh năm 1796 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, là một giáo dân, giữ chức Cai tổng, bị xử giảo ngày 13.01.1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô XII đã suy tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 29.4.1951. Lễ kính vào ngày 13.01.

20.

Thánh Martinô Thọ: Sinh năm 1787 tại Kẻ Báng, Nam Ðịnh, là một giáo dân, bị xử trảm ngày 8.11.1840 tại Bảy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn hai ông Martinô Thọ và Gioan Baotixita Cỏn lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 8.11.

21.

Thánh Ðaminh Trạch (Ðoài): Sinh năm 1792 tại Ngoại Bồi, Nam Ðịnh, là linh mục dòng Ðaminh. Tử vì đạo 18.9.1840, tại Bảy Mẫu. Thánh Trạch đã hoạt động để rao giảng Phúc Âm cho dân chúng cho đến khi bị bắt. Năm sau, ngài được phép lựa chọn là được sống hay chết vì chối đạo. Ngài thú thật là có đạo và đã an ủi các bạn hữu trước khi bị xử trảm. Ngài được phong Á thánh năm 1900. Lễ kính vào ngày 18.9.

22.

Thánh Ðaminh Nhi: Sinh năm 1822 tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, là một giáo dân, bị xử trảm ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc, dưới đời vua Tự Ðức, cùng với Anrê Tường, Vinhsơn Tương, Đaminh Nguyễn Đức Mạo, Đaminh Nguyên. Ngày 29.4.1951, Đức Piô XII đã suy tôn năm vị tử đạo này lên bậc Chân phước. Lễ kính vào ngày 16.6.

23.

Thánh Ðaminh Nguyên: Sinh năm 1800 tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, là một giáo dân, bị xử trảm ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc, dưới đời vua Tự Ðức. Lễ kính vào ngày 16.6.

24.

Thánh Ðaminh Trần Duy Ninh: Sinh năm 1835 tại Trung Linh, Nam Ðịnh, là giáo dân, bị xử trảm ngày 2.6.1862 tại An Triêm, dưới đời vua Tự Ðức. Được phong Chân phước ngày 29.4.1951 do Ðức Piô XII. Lễ kính vào ngày 2.6.

25.

Thánh Ðaminh Vũ Ðình Tước: Sinh năm 1775 tại Trung Lao, Bùi Chu, Nam Định, là linh mục dòng Ðaminh, bị tra tấn đến chết ngày 2.4.1839 tại Nam Ðịnh, dưới đời vua Minh Mạng. Được phong Chân phước ngày 27.5.1900 do Ðức Lêô XIII. Lễ kính vào ngày 2.4.

 

 

26.

Thánh Giuse Trần Văn Tuấn: Sinh năm 1824 tại Nam Ðiền, Nam Ðịnh, là giáo dân, bị xử trảm ngày 7.01.1862 tại Nam Ðịnh, dưới đời vua Tự Ðức. Được phong Chân phước ngày 29.4.1951, do Ðức Piô XII. Lễ kính vào ngày 7.6.

27.

Thánh Anrê Tường: Sinh năm 1812 tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, là thầy giảng, tử đạo ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc. Được phong Á thánh năm 1951. Lễ kính vào ngày 16.6.

28.

Thánh Antôn Nguyễn Ðích: Sinh năm 1769 tại Chi Long, Nam Ðịnh. Tử đạo ngày 12.8.1838 tại Bảy Mẫu. Thánh Antôn Ðích dùng gia sản nông nghiệp của ngài để giúp cho công việc truyền giáo của Hội Thừa Sai Balê. Ngài bị bắt vì che giấu các linh mục, kể cả Giacôbê Năm, là người đang chạy trốn việc lùng bắt của nhà vua. Bị xử trảm (chém đầu). Được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn Chân phước ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 12.8.

29.

Thánh Ðaminh Nguyễn Văn Xuyên (Ðoàn): Sinh năm 1786 tại Hưng Lập, Nam Ðịnh, là linh mục dòng Ðaminh, bị xử trảm ngày 26.11.1839 tại Bảy Mẫu, dưới đời vua Minh Mạng. Được phong Chân phước ngày 27.5.1900, do Ðức Lêô XIII. Lễ kính vào ngày 26.11.

30.

Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh: Sinh 1814 tại Phù Trang, Nam Ðịnh. Tử đạo 19.12.1839 tại Cổ Mễ, Bắc Ninh, dưới đời vua Minh Mạng. Ngài là một nông dân sốt sắng, chịu xử giảo (thắt cổ) vì đức tin cùng với bốn người bạn, kể cả Tôma Đệ. Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn năm vị anh hùng tử đạo Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, Đaminh Bùi Văn Úy, Augustinô Nguyễn Văn Mới, Tôma Nguyễn Văn Đệ và Stêphanô Nguyễn Văn Vinh lên bậc Chân phước. Lễ kính vào ngày 19.12.

31.

Thánh Tôma Toán: Sinh năm 1767 tại Cần Phan, Nam Định, là thầy giảng, dòng ba Đaminh, bị chết rũ tù ngày 27.7.1840 tại Nam Định, dưới đời vua Minh Mạng. Được phong Chân phước ngày 27.5.1900 do Đức Lêô XIII. Lễ kính vào ngày 27.6.

32.

Thánh Vincentê Ðỗ Yến: Sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Nam Định, là linh mục dòng Ðaminh, bị xử trảm ngày 30.6.1838 tại Hải Dương, dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêô XIII suy tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 27.5.1900. Lễ kính vào ngày 30.6.

MỘT SỐ ÐỀN THÁNH – HỌ ÐẠO HIỆN ÐANG LƯU GIỮ HÀI CỐT

– Ðền thánh tử đạo Phú Nhai (GP Bùi Chu): Hài cốt thánh Tôma Ðinh Viết Dụ được đặt trong hòm gỗ sơn son thiếp vàng trưng bày tại đền thờ Phú Nhai, cùng thánh Ðaminh Ðinh Ðạt và thánh Augustinô Phan Viết Huy.

– Ðền thánh Trung Lao (GP Bùi Chu): Trong khuôn viên thánh đường có đài cha thánh tử đạo Ðaminh Vũ Ðình Tước. Ngay tại tòa vàng trong thánh đuờng có tượng thánh Tước bằng gỗ quý  cao 2m50, được thực hiện cách đây khoảng 100 năm. Ðế tượng có hộp dựng xương của ngài.

– Giáo họ Hương La (GP Bắc Ninh): Lưu giữ hài cốt thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh.

– Giáo xứ Xuân Bảng (giáo hạt Nam Ðịnh – TGP.Hà Nội): Lưu giữ hài cốt thánh Gioan Baotixita Cỏn, Martinô Thọ.

– Hài cốt thánh Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu hiện ở giáo họ Trung Lễ, giáo xứ Liên Thủy (GP Bùi Chu). Hằng năm giáo xứ vẫn tổ chức ngày lễ kính thánh Chiểu.

– Ðền kính thánh tử đạo Bênađô Vũ Văn Duệ tọa lạc tại làng Quần Phương, thị trấn Yên Ðịnh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh (GP Bùi Chu), ngay sau nhà thờ xứ Quần Phương.

– Trong 11 mẩu cốt các thánh tử đạo hiện đang lưu giữ ở gx Vườn Xoài (TGP.TPHCM) có thánh Tôma Ðinh Viết Dụ, Bênađô Vũ Văn Duệ, Ðaminh Ðinh Ðạt, Vincentê Phạm Hiếu Liêm, Giuse Trần Văn Tuấn.

– Tại nhà thờ Phong Cốc (GP Bắc Ninh), cung thánh của nhà thờ vẫn còn vinh dự lưu giữ hài cốt của thánh Tôma Nguyễn Văn Ðệ.

– Thánh Nguyễn Duy Khang: Trước năm 1936, giáo xứ Trà Vy thuộc GP Bùi Chu, sau khi thành lập GP Thái Bình, giáo xứ này thuộc GP Thái Bình. Phần xương sống thánh Khang đang đặt tại nhà thờ Chánh tòa Thái Bình. Riêng quê hương Trà Vy của thánh nhân được giữ phần xương ống chân. Thủ cấp của ngài thì được lưu tại Ðền thánh Hải Dương, còn hài cốt thì đang để tại nhà thờ Kẻ Mốt.

– Thánh tử đạo Augustinô Nguyễn Văn Mới trước đây được chôn cất trong ngôi nhà thờ giáo họ Phương Vỹ thuộc giáo xứ Chánh tòa Bắc Ninh. Sau khi được phong Chân phước, hài cốt đã được đưa lên để tôn kính.

– Giáo xứ Sơn Bình và giáo xứ Hải Sơn (GP Bà Rịa) có đặt di cốt 3 thánh tử đạo tại bàn thờ là thánh Ðaminh Phạm Trọng Khảm, thánh Giuse Phạm Trọng Tả và thánh Luca Phạm Trọng Thìn. Giáo xứ Hòa Tân cũng của GP này có mẩu xương thánh tử đạo Giuse Trần Văn Tuấn.

– Giáo xứ Bắc Hải (GP Xuân Lộc) có di cốt của thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, thánhVinhsơn Ðỗ Yến nơi bàn thờ.

– Nhà thờ Giáo họ Chi Long, Gx Ðồng Phú, giáo hạt Lý Nhân (TGP Hà Nội) có Ðền thánh Antôn Nguyễn Ðích. Hài cốt thánh nhân được đặt trong kiệu son rước xung quanh làng trong ngày lễ kính hằng năm.

– Hài cốt và tượng thánh Ðaminh Trần Duy Ninh hiện đặt ở giáo xứ Trung Linh (GP Bùi Chu)

Giáo họ Trung Lê

NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ

Theo quốc tịch, 117 thánh tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:

– 11 vị gốc Tây Ban Nha với 6 giám mục và 5 linh mục dòng Ðaminh,

– 10 vị gốc Pháp: gồm 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris,

– 96 vị người Việt gồm 37 linh mục và 59 giáo dân, trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.

 

Theo Việt sử, các vị này đã bị bách hại trong những đời vua – chúa sau đây:

– 2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767),

– 2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782),

– 2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802),

– 58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841),

– 3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),

– 50 vị dưới thời vua Tự Ðức (1847-1883).

 

Các ngài được tuyên thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, tử đạo từ năm 1745 đến năm 1862. Trước đó, các ngài đã được Giáo hội tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:

Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII): 64 vị

Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 vị

Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 vị

Ngày 29 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25 vị

Previous articleCâu chuyện chiều thứ bảy: Lời nhắn gửi muộn màng
Next articleHóa ra những món người Việt vẫn ăn hằng ngày lại có nguồn gốc từ Pháp