Người hiểu về sự tử tế thì ít, người tưởng mình tử tế lại cực nhiều…
Nguyên lý về tính hai mặt luôn khiến mọi khẳng định một chiều trở nên ngớ ngẩn. Cho đi có thể là tử tế hoặc đểu cáng. Giúp đỡ cũng có thể là tốt bụng hoặc lừa đảo.
Thậm chí là thật tâm cho đi hoặc hết lòng làm từ thiện cũng không chắc việc tử tế có được hình thành.
Có vô số nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan tạo nên một sự kiện hoặc một hành vi. Tất cả chúng ta đều chỉ là một cá nhân đứng ngoài chủ quan phán xét dựa trên chỉ một hoặc vài nguyên nhân theo kiểu suy đoán. Khi bạn khẳng định ai đó, thứ gì đó là xấu xa hay tử tế đều là ‘chụp mũ’ rõ ràng vì sự thật là chúng ta luôn chỉ thấy được một góc nhỏ xíu nguyên nhân tạo ra một kết quả.
Phán xét ai đó là tử tế hay xấu xa chỉ là sự ảo tưởng hoàn toàn trong kịch bản của bạn. Kể cả cho rằng mình tử tế cũng là sự cố tình gán nghĩa xấu xa cho một đối tượng nào khác không phải mình rồi.
Kẻ khôn ngoan không quan tâm tới những cặp khái niệm theo kiểu chọn phe ấy. Họ chỉ đơn giản là luôn hướng tới sự dễ chịu cho bản thân. Khi cái tôi cảm thấy dễ chịu thì nó luôn có xu hướng lây lan sự dễ chịu cho môi trường xung quanh. Khi bản thân mắc kẹt vào sự khó chịu hay sân hận thì đương nhiên rồi, nó sẽ rất tự nhiên mà văng tứ tung năng lượng tiêu cực ra những thứ quanh mình.
Khi bạn khó chịu thì dù không muốn bạn cũng là kẻ xấu xa, và khi bạn cảm thấy dễ chịu thì có muốn làm kẻ xấu cũng lực bất tòng tâm.