Nhà thờ Xanh

62

Nhà thờ Xanh

Ra đời vào tháng 9.2017 nhờ sự phối hợp của các Giáo hội Công giáo, Tin Lành và Chính Thống giáo tại Pháp, chứng nhận “Nhà thờ Xanh” đã trở thành một công cụ hữu ích giúp các cộng đoàn Kitô hữu góp sức bảo vệ Công trình Sáng tạo của Chúa.

Năm 2015, hai sự kiện quan trọng là nền tảng để ra đời ý tưởng về một chứng nhận “thân thiện với môi trường” cho các cộng đoàn Kitô là công bố thông điệp Laudato si’ của Ðức Thánh Cha Phanxicô và Diễn đàn về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 21 (COP21) được tổ chức ở Paris. Bà Elena Lasida, chuyên viên về sinh thái của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) kể với trang tin CathoBel“Các tín hữu mong muốn những hành động cụ thể, nên chúng tôi đã suy nghĩ về một chương trình thiết thực, dễ áp dụng. Laudato si’ thật sự là một cơ may lịch sử, một thông điệp tuyệt vời, với lời văn gần gũi nên đã thu hút rất nhiều người đọc”. Thời điểm ấy, COP21 cũng tạo nhiều sự chú ý, vì được kỳ vọng sẽ giúp đúc kết được những hiệp ước quan trọng về chống biến đổi khí hậu cho thế giới. Do đó, nhiều hội thảo, diễn đàn về môi trường của Công giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành cũng được tổ chức tại Pháp. Trong khuôn khổ những sự kiện này, mô hình Ecochurch – Nhà thờ Sinh Thái của Anh đã được thảo luận và các Giáo hội Kitô tại Pháp quyết định sẽ thực hiện một phiên bản của mình.

 Một giáo xứ được chứng nhận Nhà thờ Xanh

Tự “chẩn bệnh”

Nhà thờ Xanh là một chứng nhận dành cho các giáo xứ, dòng tu, chủng viện, hội đoàn, cơ sở tôn giáo… mong muốn chăm sóc Ngôi nhà Chung. Ðây là một mục tiêu rất rộng lớn nên theo những nhà tổ chức, chứng nhận không phải là một “thành tích” để đạt được rồi thôi, mà là một sự đồng hành, với các hướng dẫn từng bước, để bắt đầu một kế hoạch dài hạn về bảo vệ môi trường, hoặc củng cố, phát triển các chương trình đang được thực hiện. Do đó, sau khi đã họp bàn và được sự cho phép của cha sở hoặc bề trên, một trong những bước quan trọng nhất của việc đăng ký tham gia chứng nhận Nhà thờ Xanh là “tự chẩn bệnh”. Ðơn vị tham gia sẽ điền một bảng câu hỏi rất chi tiết về “tình trạng sinh thái” của mình: cơ sở vật chất; hệ thống điện, nước, khí đốt; thói quen sử dụng các nguồn năng lượng; thói quen tiêu dùng, xử lý rác thải… Ðây là cách để nhìn lại tổng thể những ưu và khuyết điểm của giáo xứ, dòng tu, hội đoàn… trong việc bảo vệ Công trình Sáng tạo của Chúa.

Từ phần trả lời này và những kế hoạch, dự án về phát triển bền vững đăng ký với nhà tổ chức, các đơn vị sẽ được cấp chứng nhận với 5 mức độ, được đặt tên theo các loài cây từng xuất hiện trong Kinh Thánh, từ sơ khởi là “hạt cải”, đến bậc cao cấp nhất là “cây tuyết tùng Liban” (đáp ứng hơn 75% các tiêu chí về thân thiện với môi trường, đã và đang thực hiện các dự án cho thấy có hiệu quả cao về sống xanh…). Mỗi năm, các cộng đoàn tham gia sẽ lại điền bảng câu hỏi để tự đánh giá về những tiến bộ hay những điều vẫn cần phải điều chỉnh để giảm bớt gánh nặng ô nhiễm cho Trái đất, đồng thời có thể được nâng bậc trong chứng nhận.

 Sử dụng quang năng để giảm gánh nặng về môi trường – ảnh: Eglise Verte

Hưởng ứng nồng nhiệt

Với cách thức thực hiện rõ ràng, bài bản, Nhà thờ Xanh đã đạt được những thành công vượt ngoài mong đợi. Khi khởi đầu vào tháng 9.2017, các nhà tổ chức chỉ hy vọng sẽ có khoảng 100 cộng đoàn đăng ký tham gia sau 3 năm. Nhưng tính đến ngày 1.7.2020, Nhà thờ Xanh đã bao gồm 490 cộng đoàn thành viên trên khắp nước Pháp, 75% trong số này là các giáo xứ. Ngôi nhà Xanh cũng bắt đầu gây được sự chú ý ở nhiều các quốc gia châu Âu (Bồ Ðào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha…) và tôn giáo khác (Hồi giáo).

Những dự án, kế hoạch đang được các cộng đoàn thực hiện rất đa dạng, như giáo xứ Notre Dame de la Croix ở Paris đã nuôi ong trên tầng thượng của nhà thờ, vừa có mật để bán gây quỹ, vừa góp phần bảo tồn ong – loài vật nhỏ bé nhưng giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự vận hành của hệ sinh thái, cả tự nhiên lẫn nhân tạo và hiện bị giảm số lượng vì ô nhiễm môi trường. Nhiều giáo xứ, dòng tu, hội đoàn khác cũng có các sáng kiến rất thiết thực, không khó thực hiện nhưng mang lại nhiều hiệu quả đáng khích lệ: vận động giáo dân nếu nhà không quá xa thì đi lễ bằng xe đạp hay đi bộ; các cuộc hội họp, gặp gỡ, liên hoan trong giáo xứ hạn chế dùng các loại ly, đĩa nhựa dùng một lần rồi bỏ; cùng nhau làm phân bón sinh học; mùa Chay không rác thải nhựa; thành lập hiệp hội ủng hộ các nông dân sản xuất quy mô nhỏ nhưng với quy trình sạch…

 Tham gia bán chợ trời, tận dụng đồ cũ và truyền thông về Nhà thờ Xanh

Còn giáo xứ Notre Dame d’Espérance cũng ở Paris đã tích cực tham gia những buổi chợ trời được tổ chức tại địa phương. Mục đích chính là để giáo dân chọn ra các đồ dùng tốt nhưng ít khi dùng, để bán lại. Tận dụng đồ cũ, giảm mua đồ mới cũng là một cách bảo vệ môi trường vì giúp giảm nguồn năng lượng, tài nguyên và rác thải trong sản xuất. Ngoài ra, góp mặt ở một sự kiện của địa phương với các áp phích, tờ rơi về sống xanh, cũng là một đóng góp về mặt truyền thông cho việc bảo vệ Ngôi nhà Chung.

Là người đại diện Hội đồng Giám mục Pháp theo sát chương trình từ thuở đầu, bà Elena Lasida nhận định ngoài những tác động tích cực cho Trái đất, việc cùng nhau thực hiện các dự án, kế hoạch cũng giúp cho các giáo xứ, dòng tu, hội đoàn thắt chặt tình thân giữa các thành viên. Và mở rộng ra hơn, Nhà thờ Xanh chính là một ví dụ sống động cho tinh thần đại kết của các Kitô hữu.