Home Chuyện Đời Nhân viên y tế thời Covid-19, bạn là ai?

Nhân viên y tế thời Covid-19, bạn là ai?

68

 Theo quan niệm ngành nghề thì người Việt Nam có câu nói suông miệng như “nhất Y nhì Dược”; có nghĩa là ngành y khoa là ngành được đề cao nhất. Còn gì vui hơn khi có con làm trong ngành y, như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, y tá, hay tất cả nghề gì có liên quan đến y học. Tôi còn nhớ một gia đình tôi quen, bố mẹ cứ muốn thằng con trai làm bác sĩ. Cuối lớp 12, nó đủ điểm vào ngành bác sĩ nhưng nó không học, lại muốn theo ngành điện ảnh chuyên về hài kịch. Mẹ nó khóc lóc hỏi nó: sao con không học bác sĩ mà muốn đi làm diễn viên hài? Nó trả lời: con muốn làm cho người khác cười! Mẹ nó nói: vậy con làm bác sĩ đi bố mẹ cười cho con… Niềm vui của người mẹ sau này đã được trọn vẹn.

 Nó bây giờ đã là một bác sĩ giỏi. Nhưng cách đây vài hôm, cũng người mẹ đó gọi cho tôi với giọng nói nặng trĩu, hình như bà đang rơi lệ thì phải, nghẹn ngào bà nói: “Cha ơi, xin cha cầu nguyện cho thằng con trai con. Bây giờ bệnh dịch lây lan khắp nước Úc, thưa cha, con sợ nó nhiễm bệnh rồi chết như bác sĩ bên Wuhan cũng như nhiều nơi khác. Con bảo nó ở nhà, nhà có thiếu gì đâu, nó không chịu, còn nói với con nào là trách nhiệm, nào là cứu người, biết thế con không cho nó học ngành y.” Cuối cùng tôi cảm nghiệm được nơi người mẹ sự sống còn của con mình vẫn quan trọng nhất. Câu trả lời “trách nhiệm – cứu người” của anh bác sĩ này làm cho tôi suy nghĩ nhiều. Nếu là trách nhiệm và cứu người mà quên đi bản thân mình, luôn cả mạng sống, thì hai chữ trách nhiệm hay cứu người không còn gọi là nghề nữa mà là một ơn gọi cao quý.

Nhân viên y tế – bạn là ai?  Cách đây mấy hôm, tôi có hỏi anh bạn bác sĩ về tình hình các bác sĩ tại các nhà thương (tôi thích gọi nhà thương hơn bệnh viện) thì anh trả lời: thưa cha, các bác sĩ cũng là những người có gia đình, có ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái, nên rất sợ hãi vì họ có thể nhiễm bệnh rồi mang về cho gia đình, người thân, hay một bệnh nhân khác. Đây là điều làm cho bác sĩ chúng con cảm thấy bất an nhất. Nhưng là bác sĩ chúng con không muốn nghỉ việc vì bệnh nhân cần chúng con. Hiện nay có nhiều bác sĩ đã tự cách ly với gia đình để phòng ngừa lây lan. Chúng con tự nghĩ không biết bao giờ tới phiên mình bị nhiễm. Nói tới đây tôi nghẹn ngào vì không biết nói gì với những chia sẻ của anh bạn bác sĩ. Các bạn là ai? Sao các bạn có thể yêu bệnh nhân, những người mà các bạn chưa từng gặp bao giờ đến thế? Làm sao tôi có thể hiểu được những gì các bạn đang trải nghiệm trong lúc này? Tôi nhớ hình ảnh các đồng nghiệp của các bạn trong thời chinh chiến trong các bộ phim chiến tranh. Họ là những người hậu cần để cứu sống thương binh, nhưng trong những ngày này chính các bạn đã và đang không phải trong vai trò hậu cần nữa mà là những chiến sĩ tiên phong trong trận chiến Covid-19. Các bạn là những người không chỉ mang trong người một ngành nghề mà xã hội cho là: trí thức, danh giá, giàu có, địa vị cao sang, mà các bạn (ít nhất đối với tôi) là những người không những yêu nghề mà còn yêu con người, yêu đồng loại, yêu đất nước, yêu hòa bình. Các bạn là những người hiểu được rằng khi các bạn bỏ cuộc, đất nước sẽ lâm nguy không còn bình yên, con người sẽ cô đơn và thất vọng. Hơn lúc nào hết, các bạn là những người mang lại bao tiếng cười cho các bệnh nhân vì các bạn dám hy sinh mạng sống để cứu người.

Trong khi suy tư và muốn tìm hiểu thêm từ đâu mà các bạn lại có những hành động thật can đảm và cao quý như thế. Tôi bắt đầu từ ý nghĩa biểu tượng của ngành Y. Tôi đọc được như sau: Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp kể rằng Esculape – con trai của thần Appolon (thần Thái Dương) và Coronis, con gái vua xứ Thèbes Phlégyas – được xem là ông tổ của ngành Y dược. Esculape không những có khả năng chữa bệnh mà còn có cả biệt tài làm cho người chết sống lại. Thần Esculape chào đời ở Thessalie thuộc miền Bắc Hy Lạp vào khoảng năm 1260 trước Công Nguyên… Sau khi thân mẫu qua đời, một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Ngay sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và sử dụng nó giúp con rắn đã chết sống lại. Từ đó, Esculape để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Trong các loài động vật tôi sợ nhất là rắn, hình như tôi bị ám ảnh với cái nhân gian cho rằng rắn là loài xảo quyệt, Kinh Thánh cũng nhắc đến, hay rắn là loài tượng trưng cho sự độc ác, như câu nói: “khẩu Phật tâm xà”. Ý là lời nói thì thiện như Phật nhưng tâm thì ác độc như rắn. Hình ảnh con rắn xuất hiện ngay từ những trang đầu của sách Sáng thế (x. St 3) và được nhắc lại trên 40 lần. Từ câu chuyện truyền thuyết về ý nghĩa biểu tượng ngành y, tôi mới nghiệm ra một điều: dù ác độc như loài rắn mà còn biết cứu sống nhau huống chi là con người. Nghĩ đến đây tôi cảm thấy rợn người và tự hỏi lòng có khi nào mình đã hành xử với người khác thua loài rắn không?

Nếu bạn là người Kitô Giáo bạn sẽ nghe Chúa Giêsu đang nói với bạn rằng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga.15:7-10). Có thể những gì các bạn đang làm là một tiếng gọi sâu thẳm của con tim, của ước mơ mà bạn ấp ủ trong tâm khảm của các bạn. Các bạn đang làm theo tiếng gọi của nghề nghiệp, của lương tâm con người vì đồng loại mà có thể quên đi cả mạng sống mình. Theo một cái nhìn siêu hình, các bạn đang mang trong mình trái tim, và hình ảnh của đấng tạo hóa…Sách Sáng Thế cho chúng ta biết chúng ta được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, những gì các bạn đang làm cho những bệnh nhân, những cử chỉ chăm sóc đầy yêu thương chính là lúc các bạn đang làm cho chính Chúa: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25:31-46). Niềm tin Kitô Giáo cho chúng ta hiểu rằng bệnh nhân và những người đau khổ luôn là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Nghĩa là chăm sóc cho người bệnh hay đau khổ là chăm sóc cho Chính Chúa.

 Các Thánh Sử luôn diễn tả Chúa Giêsu không chỉ là một Thiên Chúa cao cả, một mục tử nhân lành hoặc một Thiên Chúa giàu lòng xót thương nhưng còn là một vị lương y, bác sĩ, luôn luôn hiện diện với các bệnh nhân khi cần đến. Có rất nhiều câu chuyện kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho nhiều người bệnh nhân, cho bà nhạc gia của ông Phêrô đang mang cơn bệnh cảm cúm, các thứ bệnh tật khác từ mù lòa, què quặt, câm điếc đến cùi hủi, bại liệt, kinh phong, quỷ ám… nói chung các chứng bệnh hình như Ngài chữa lành hết. Ngài là một lương y nhân hậu luôn chữa lành miễn phí, không ngại đường xá, thời gian, khi có ai kêu cầu thì ngài sẽ đến và nhậm lời. Chúa Giêsu cũng trải qua những lo lắng như các bác sĩ hôm nay, vì bệnh nhân mà sém chết bao nhiêu lần. Chắc chúng ta còn nhớ Thánh Sử Gioan kể câu chuyện tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động. Chuyện kế tiếp là có một người đau ốm đã 38 năm. Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” …Anh ta đi nói với người Do Thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh vào ngày Sabát và tìm cách giết Chúa Giêsu (Ga 5,1-3.5-16). Sém chết.

Thánh Luca cũng kể lại sau khi Chúa Giêsu nói về những người phong cùi được chữa lành thì vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Lc 4,24-30. Sém chết nữa. Rất nhiều lần sự sống Chúa Giêsu bị đe dọa trong khi thi hành công việc chữa lành bệnh nhân. Các bạn là ai? Các bạn là những cánh tay nối dài của thầy lương y nhân hậu Giêsu. Các bạn không lẻ loi đơn độc một mình trong khi thi hành “ơn gọi” cao cả của các bạn. Giáo hội, và mọi người đang ở nhà cầu nguyện cho các bạn, như lời mời gọi của các bạn “we stayed at work for you, you stay at home for us, chúng tôi đi làm vì bạn, bạn hãy ở nhà vì chúng ta ”. Hãy nhớ có một người luôn bên cạnh bạn khi bạn mệt mỏi và kiệt sức, lúc bạn thất vọng trong nỗi sợ hãi, đừng sợ vì Chúa Giêsu thầy lương y nhân hậu đang ở cùng các bạn.

 Cuối cùng là người Kitô Giáo chúng ta không thể không nhớ nhìn lên thánh giá như một linh dược giúp chúng ta một lần nữa cứu chúng ta vượt qua bệnh dịch này. Như năm xưa Mai-sen đưa lên cao biểu tượng rắn đồng để ai nhìn vào đó sẽ được cứu sống. Ngày 27 tháng 3 năm 2020 Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng cây thánh giá đã chữa lành bệnh dịch đen cho dân thành Roma 500 năm trước để ban phép lành toàn xá cho thế giới. Cây Thánh Giá đã được giương cao không chỉ ở thành Roma mà khắp nơi trên thế giới, đến từng bệnh nhân đang sống cũng như đã qua đời. Nhìn lên Thánh Giá Chúa để được ơn cứu rỗi vì chính Người chịu chết cho con người được sống. “Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (2 Pr 2,24b). Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chính tình yêu đó Ngài tìm mọi cách để cứu sống. Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mỗi khi chúng ta nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thập Giá, chúng ta cảm nhận tình thương của Chúa thật bao la và diệu kỳ. Thánh Giá là dấu chứng tình yêu khơi nguồn sự sống. “Khi nào Ta bị treo lên, ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Với tình yêu cứu độ, Thánh Giá đem lại sự sống đời đời. Từ Thập Giá đau thương, Chúa Giêsu đã đưa tình yêu tự hiến, tình yêu tận hiến và dâng hiến vào Thánh Giá cứu độ. Hãy nhìn lên Thánh Giá với niềm tin vào Đức Kitô để chúng ta được chữa lành.

Exit mobile version