Ở nơi em bé 2 tuổi đã biết phân loại rác: Bảo vệ môi trường chính là thể hiện văn hóa và đạo đức

108

Ở nơi em bé 2 tuổi đã biết phân loại rác: Bảo vệ môi trường chính là thể hiện văn hóa và đạo đức

Dù sinh sống và định cư ở Đức bao nhiêu lâu, bạn sẽ chỉ được công nhận là người Đức nếu biết… phân loại và xử lý rác đúng cách. Khi anh bạn người bản địa chỉ vào bồn rửa nơi tôi để những vỏ hộp sữa chua dùng rồi được cọ kỹ càng, lột bỏ lớp giấy bọc bên ngoài và nói với cô vợ người Mỹ của mình rằng: “Đó mới là cách tái chế rác đó em!”, tôi xem đó là bước đầu để được công nhận từ một người Đức chính gốc.

Người Đức luôn cảm thấy vui vẻ khi họ cẩn thận, tỉ mỉ phân loại rác thải của mình vào những thùng chứa có màu sắc khác nhau để tiện lợi cho việc tái sử dụng hoặc xử lý theo cách thân thiện với môi trường. Chính vì thế người Đức đã đạt được tỷ lệ tái chế rác tới mức 65%. Người Hàn Quốc đứng thứ 2 với 59%, nước Mỹ chỉ đạt 35%, cao hơn một chút so với các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kì lại có tới 99% số rác thải bị chôn xuống đất. Điều này tạo lên một nguy cơ tiềm tàng về nhiễm độc nguồn nước ngầm. Ở nhiều nước trên thế giới, hiện nay thậm chí còn chưa có văn hóa phân loại rác, Việt Nam cũng nằm trong số đó, và số rác thải của những nước này đa số là được đem đốt, thải ra biển, trôn vùi dưới đất hoặc xử lý bằng hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, suy thoái tiềm năng của đất, đồng thời khiến con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa tới sức khỏe.

Người dân Đức tỉ mỉ phân loại rác thải của mình vào những thùng chứa có màu sắc khác nhau. (Ảnh: New York Times)

Bên cạnh việc giảm thiểu tác hại tới môi trường, việc tái chế rác cũng khiến nước Đức sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn hẳn. Ví dụ, thử so sánh với người Mỹ: nước Mỹ đạt tỷ lệ tái chế chỉ 35%, không có một hệ thống phân loại rác chuẩn chỉnh như Đức, và người dân cũng ít có ý thức hơn. Hệ quả người Mỹ sử dụng năng lượng hiệu quả chỉ bằng 1/2 so với người Đức.

Bạn có biết rằng mỗi lon nước được tái chế, bạn đã tiết kiệm đến 95% năng lượng và nguyên liệu được dùng để chế tạo ra một lon nước mới. Với mỗi tờ giấy được tái chế, 50% lượng nước để chế tạo ra giấy mới cũng được bảo toàn.

Mỗi lon nước được tái chế, bạn đã tiết kiệm đến 95% năng lượng và nguyên liệu được dùng để chế tạo ra một lon nước mới. (Ảnh: DW)

Hầu hết các quốc gia ở châu Âu như Úc, Thụy Sỹ, Hà Lan và Thụy Điển đều rất ngưỡng mộ thành quả của người Đức. Theo như báo cáo của Ủy ban môi trường châu Âu thì những quốc gia kể trên cũng đã bước đầu tái chế được một nửa số rác thải.

Và để có thể đạt được thành công này, bí quyết của người Đức là ở hệ thống phân loại rõ ràng dễ áp dụng, sáng kiến “Green Dot” hiệu quả, và ý thức quá tốt của người dân nơi đây.

Hệ thống phân loại rác theo màu 

Nhựa và bao bì được cho vào thùng màu vàng, giấy và giầy bìa, thùng các tông chứa vào thùng màu xanh dương. Thủy tinh có 2 thùng, màu trắng cho chất liệu sáng, và màu xanh lá cây cho thủy tinh màu.

Hệ thống thùng rác theo mã màu của Đức (Ảnh: CNN)

Đặc biệt là chất thải hữu cơ được chứa đựng trong thùng màu nâu và chúng được đưa đi để ủ phân bón hữu cơ. Từ năm 2015 Đức ban hành luật thu gom chất thải hữu cơ để sử dụng cho công trình khí sinh học hay phân bón hữu cơ. Mỗi năm người Đức tái chế được khoảng hơn 10 triệu tấn rác hữu cơ.

Các thùng rác theo mã màu được đặt khắp nơi, từ nhà ga tầu điện ngầm tới các vỉa hè trên phố, các quảng trường của thị trấn, hoặc công viên công cộng, trường học, hay những sân vận động. Trên thùng được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức để giúp khách nước ngoài trong việc ý thức phân loại rác vào đúng các thùng theo chỉ dẫn. Vì sự rõ ràng đó mà bạn sẽ ít khi thấy người Đức phải lên tiếng nhắc nhở một người khách lạ về việc vứt nhầm cái cốc giấy hay vỏ chai soda vào thùng rác chung.

Các thùng rác chứa theo mã màu được đặt khắp nơi, từ nhà ga tầu điện ngầm tới các vỉa hè trên phố, các quảng trường của thị trấn, hoặc công viên công cộng, trường học, hay cả những sân vận động. (Ảnh: New York Times/Gorden Welters)

Ngoài ra, đối với các loại rác cồng kềnh khó xử lý như đồ nội thất, bạn cũng không được phép vứt chúng bừa bãi. Bạn buộc phải gọi cho các công ty môi trường, họ sẽ tân trang và bán lại chúng ở các khu chợ đồ cũ.

Hệ thống tái chế “Green Dot” đã trở thành một trong những sáng kiến tái chế thành công nhất

Điểm mấu chốt của hệ thống này là các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phải trả phí “Green Dot” cho các sản phẩm: sản phẩm càng có nhiều bao bì đóng gói thì mức phí này càng cao. Nhờ quy định này mà dù mỗi năm nước Đức có 30 triệu tấn rác nhưng hệ thống này đã giúp giảm tỷ lệ giấy, bìa, thủy tinh và kim loại hơn. Do vậy mà họ phải tái chế ít rác hơn. Báo chí Đức dự đoán rằng nhờ hệ thống “Green Dot”, mỗi năm sẽ giảm được 1 triệu tấn rác.

Ai cũng mang trên mình một ý thức trách nhiệm bảo vệ môi và lợi ích chung của xã hội

Người Đức thực sự coi trọng việc phân loại rác, coi đó như một phần nghĩa vụ của mình với môi trường. Ngoài ra, một số thành phố của Đức còn áp dụng một mức tiền phạt (có khi lên đến cả ngàn EUR) nếu như có những món rác không được phân loại đúng cách.

Ý thức trách nhiệm với môi trường của người Đức được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ, các cô cậu bé được giáo dục về việc bảo vệ môi trường một cách thực tế và gần gũi nhất.

Guido Neumann, giám đốc một công ty ở thành phố cảng biển Hamburg giúp cậu con trai Leander 7 tuổi của mình tiếp cận với các vấn đề môi trường bằng cách cùng con dạo dọc cảng biển và chỉ cho cậu thấy thủy triều đang tăng lên, cao hơn nhiều so với mức của năm ngoái.

Neumann cho biết: “Tôi nói với con trai lý do tại sao thủy triều lên nhanh như vậy. Nếu thủy triều tiếp tục dâng, chúng tôi phải xây những con đê cao hơn để bảo vệ nơi ở của mình”. Khi đi dọc theo hai bờ đê, chú bé Leander nhìn thấy thủy triều dâng và chuyện trò với bố về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên.

Gia đình anh Neumann là một ví dụ tiêu biểu về việc giáo dục cho trẻ nhỏ về môi trường ở Đức. Anh có hai cậu con trai là Leander và Joost 4 tuổi, anh bắt đầu dạy cho các con về môi trường khi chúng mới 2 tuổi và đồng thời dạy chúng cách phân loại rác thải trong nhà. Hiện nay chú bé Joost đã biết tách giấy, hộp ra khỏi thực phẩm thừa, đồng thời phân loại được các loại chai lọ.

Trẻ em được dậy cách phân loại rác thải từ khi còn rất nhỏ. (Ảnh: Victorharbor Times)

Phân loại rác chỉ là một khía cạnh trong việc giáo dục môi trường mà Neumann dạy các con. Hàng ngày, anh đều kể cho các con nghe những câu chuyện về thiên nhiên. Từ khi hai con còn nhỏ, Neumann đã kể cho chúng nhiều chuyện về môi trường ví như việc bảo vệ gấu bắc cực, bảo vệ các núi băng trôi…Đến khi hai con trai của Neumann vào học mẫu giáo, hàng tuần chúng đều dành một tiếng để nghe kể các câu chuyện về bảo vệ môi trường. Hiện nay, hàng tuần, cậu con trai lớn đang học lớp 2 của Neumann đều cùng các bạn thảo luận về việc bảo vệ môi trường. Các em nói với nhau về cách bảo vệ cá voi, rồi cách làm sạch nguồn nước.

Mọi thành công đều có xuất phát điểm từ nền tảng giáo dục để hình thành nên ý thức của mỗi cá nhân cho tới cả một quốc gia. Chúng ta không thể ngay lập tức áp dụng cách người Đức phân loại rác, cách người Do Thái đọc sách, cách người Nhật xếp hàng.. mà không đi từ giáo dục nhận thức.

Ngày nay, người ta đã xem việc bảo vệ môi trường là vấn đề thuộc về đạo đức và văn hóa. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức thấy được trách nhiệm và bổn phận đạo đức của mình thì chúng ta mới có thể hình thành thói quen bảo vệ môi trường. Dù bất cứ một hành động nào hay một việc làm nào, khi người ta không thấy được trách nhiệm và bổn phận, thì hành động ấy hay việc làm ấy sẽ không cẩn thận và kỹ lưỡng, đồng thời có thể làm tổn hại chính bản thân ta và những người xung quanh.

Việc bạn có thể làm ngay bây giờ là học hỏi, thay đổi từ trong nhận thức, thực hành hàng ngày để trở thành thói quen và hướng dẫn con cái, truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình làm theo. Không có việc gì là khó, và cũng không cần phải trông chờ, đòi hỏi từ những nhà chức trách, chính bạn phải là người quyết định thay đổi.