“ƠN CỨU CHUỘC CHỨA CHAN NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ” THEO QUAN ĐIỂM ÂN SỦNG VÀ NGUYÊN TỘI.

624

“ƠN CỨU CHUỘC CHỨA CHAN NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ” THEO QUAN ĐIỂM ÂN SỦNG VÀ NGUYÊN TỘI.

  1. Tội: trả lời “không” với Thiên Chúa

Trong Kinh thánh, ngay từ khởi đầu của công trình tạo thành, ‘Tội’ đã xuất hiện với những đổ vỡ, đau khổ, phân hóa và hận thù. Nơi câu chuyện sáng thế, ta gặp thấy một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người; mối tình đó lúc đầu thật đẹp vì trong ngọn gió chiều hiu hiu, Thiên Chúa đến và chuyện vãn với con người.

Thế nhưng mối tình phúc lạc đó lại bị thay thế bằng sự khiếp sợ và trốn tránh bởi con người đã chủ động bẽ gãy mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Sự dữ đã tác động lên con người khi cho rằng Thiên Chúa đã ‘ích kỷ’ vì vẫn còn giữ riêng đặc quyền cho mình. Con người không bằng lòng với Thiên Chúa và kết cục bản án “lương tâm bị cắn rứt” xuất hiện. Việc “trần truồng” cho thấy thân phận con người là bụi đất, nghèo nàn và tính ‘thần thiêng’ gắn kết với Thiên Chúa nơi mình bây giờ không còn nữa. Đồng thời, việc nhận ra mình “trần truồng” cũng diễn tả tình trạng quy ngã. Chính khi không bằng lòng với Thiên Chúa thì một trật, nơi nội tâm con người bị đổ vỡ hoàn toàn, bởi lẽ bản chất con người là sống trọn mối tương quan: hướng về Thiên Chúa và hướng về nhau nhưng họ đã chủ động cắt đứt và lẩn trốn mối tương quan đó. Là một thụ tạo tinh thần nên con người ắt chỉ có thể sống trọn mối tình đó khi tự do tùng phục Thiên Chúa, tuân theo các định luật tự nhiên và các tiêu chuẩn luân lý quy định việc sử dụng tự do mà Thiên Chúa tặng ban một cách nhưng không. Tuy nhiên, thay vì con người hoạt động vì Thiên Chúa, theo ý Thiên Chúa và cậy dựa vào Thiên Chúa nhưng giờ đây sự mâu thuẫn đã xuất hiện đó là con người hoạt động vì mình, theo ý mình và dựa vào mình.

Kể từ đây, ‘Tội’ đột nhập vào thế gian và đi kèm theo đó là sự hốt hoảng, đổ vỡ và chết chóc lan tràn. Kết quả là “sự hài hòa của tình trạng công chính nguyên thủy mà ý định của Thiên Chúa đã dành sẵn cho con người cũng chỉ vì tội mà bị đánh mất”.  Cho nên, theo thư của Phaolo gửi cho tín hữu Roma viết rằng: “vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, một khi mọi người đã phạm tội” (Rm 5, 12).

Và cứ thế, suốt chiều dài của lịch sử, một điệp khúc luôn luôn lặp đi lặp lại: “Và con cái Israel đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa”.  Do đó, sự gãy đổ trong mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa vẫn mãi còn tiếp tục và lan truyền cho đến tận ngày nay. Câu hỏi: “Ngươi ở đâu?” hoặc “Em ngươi đâu?” đến từ Thiên Chúa vẫn còn vang vọng. Thế nhưng con người luôn tìm cách lẩn trốn và chối từ: “Tôi không biết, tôi là người giữ em tôi sao?”. Sự trốn tránh Thiên Chúa cũng như từ khước người khác đã dần làm cho con người ngày một xa vắng Thiên Chúa để thay vào đó là những cực nhọc, đau khổ và chết chóc mà con người phải gánh chịu.

Đó chính là hệ lụy và thực tại của tội. Thế nên, thật là vô ích khi chúng ta tìm cách làm ngơ hoặc né tránh thực tại đau thương này tức là gán cho nó bằng những tên khác nghe có vẻ ‘hoa mỹ’ hơn.  Tuy nhiên, muốn hiểu tội là gì thì Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo cũng đã cho biết nền tảng để dựa vào đó mà nhận ra chân tướng của tội. Vì thế, Giáo lý đã khẳng định rằng: “Trước tiên phải nhận chân mối tương quan mật thiết giữa con người với Thiên Chúa. Bởi vì, ngoài mối tương quan đó, chúng ta không thể hiểu căn tính đích thực của tội là chối bỏ và chống đối Thiên Chúa, cho dù tội lỗi vẫn đè nặng trên đời sống và lịch sử của con người”.  Ngoài ra, Giáo lý còn nói thêm: “Thực tại của tội lỗi, nhất là của nguyên tội chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa. Mạc khải này giúp ta nhận biết Thiên Chúa; không có mạc khải này ta không thể nhận chân tội lỗi là gì và sẽ tìm cách giải thích nó như một khiếm khuyết trong quá trình phát triển, một nhược điểm tâm lý, một sai lầm hoặc là hậu quả tất yếu của một cơ cấu xã hội không tương xứng… Chỉ khi nào nhận biết được ý định của Thiên Chúa về con người, lúc đó người ta mới hiểu tội là lạm dụng sự tự do Chúa ban cho con người được sáng tạo để yêu mến Chúa và yêu mến nhau”.

Như thế, việc con người “trả lời không” với Thiên Chúa đã làm mất đi sự thánh thiện nguyên thủy. Từ đó, thế giới bị chìm đắm và ngập tràn trong tội dưới nhiều hình dạng khác nhau.  Thế nên, Thánh kinh và Hội Thánh vẫn không ngừng nhắc nhở con cái mình hãy cẩn trọng trước những biến tướng của tội với sự hiện diện khắp nơi của nó trong lịch sử loài người.

  1. Nơi Đức Kitô, ơn cứu chuộc chứa chan

Sau khi “trả lời không” với Thiên Chúa, con người đã không bị Thiên Chúa chối bỏ nhưng Ngài đã kêu mời và tiên báo cách huyền nhiệm là sự dữ của tội lỗi sẽ bị đánh bại và con người sẽ được nâng dậy để giao hòa với Thiên Chúa. Như vậy, đây là ‘công trình’ mà Thiên Chúa muốn thực hiện ngang qua Người Con chí ái của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Bởi lẽ, “nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô còn dồi dào hơn gấp mấy cho muôn người” (Rm 5, 15).

  1. 1 Tính khẩn thiết của ơn cứu độ

Trước tiên, cần nhìn lại khái niệm của ơn ‘cứu độ’.

Giả như tôi đang đứng trên đất liền thì cần gì chiếc phao cứu hộ nhưng nếu có bị đắm tàu thì tôi mới cần đến chiếc phao như thế. Thật vậy, điều này chỉ mang hết ý nghĩa khi ta bị đặt trước bối cảnh của tình trạng “hư mất”,  bởi có đang bị hư mất thì mới mong được cứu vớt. Có lẽ, con người ngày nay hoàn toàn xa lạ với khái niệm này vì họ cảm thấy mình đang sống hết sức an toàn với những trang thiết bị hiện đại, những triết thuyết làm cho tình trạng con người sống trong tội bị lu mờ. Do đó họ chỉ tìm cách để thụ hưởng càng nhiều càng tốt. Nhưng tiếc thay, tất cả những thứ đó chỉ là những ảo tưởng và hào nhoáng bên ngoài nhằm đánh lừa những ai thiếu hiểu biết.

Thực tế cuộc sống: khổ đau và chết chóc vẫn đang hiện rõ trước mắt, được gắn liền với bản tính và thân phận con người. Thế nên, con người luôn muốn được cứu thoát khỏi hai thực tại bi thảm đó; tuy nhiên lịch sử cho thấy, con người không thể tự giải phóng mình khỏi gánh nặng của tội được. Ngoài ra, thần học cũng xác nhận là con người không có khả năng tự nâng mình lên trên bình diện siêu nhiên tức là không thể tự tạo cho mình có được sự sống của Thiên Chúa. Do đó ngay từ đầu, Thiên Chúa đã gieo vào lòng con người mầm cậy trông ở một Đấng sẽ đến trong tương lai  mà nơi Tân ước đã trình bày và làm nổi bật hình ảnh Đức Kitô chính là Đấng cứu độ.

Vì vậy, dù có làm gì hay nói gì đi chăng nữa thì ơn “cứu độ” vẫn là điều khẩn thiết.

  1. 2 Đức Kitô, Đấng cứu độ

Trước hết cần phải xác nhận rằng, việc cứu độ cốt yếu hệ tại ở việc tẩy trừ tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa. Cho nên, thật hữu lý khi Hội thánh cất lên tiếng hát trong đêm canh thức Phục sinh: Ôi, tội hồng phúc. Chính nhờ tội mà ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Kitô. Thật vậy, Kinh Thánh đã dùng nhiều cách diễn tả khác nhau nhằm muốn chứng minh rằng bằng cách nào mà cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô đã  thực hiện và mang lại ơn cứu độ. Cho nên, việc Đức Kitô giải thoát con người khỏi tội lỗi được bao hàm những khía cạnh nào thì ơn cứu độ cũng bao hàm những khía cạnh ấy.

Đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái, Phêrô – vị Tông đồ trưởng đã dõng dạt tuyên bố Đức Giêsu là “Đấng Cứu Độ” và nhờ Ngài mà ơn tha thứ tội lỗi được ban xuống cho toàn dân.  Và trước đó, thánh nhân đã khẳng định cũng trước các cử tọa ấy rằng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12). Vì vậy chính với ý nghĩa ấy mà Đức Giêsu Kitô đã được tuyên xưng là Đấng Cứu Độ nhân loại. Đồng thời, những lời tuyên tín nơi vị thủ lãnh của các tông đồ đã làm nên một công thức tuyên tín căn bản, tức là tạo thành nhân tố trường cữu của bản chất và của sứ điệp Giáo Hội.

Trong Tin mừng Gioan, tác giả cho thấy Đức Giêsu đã nhiều lần khẳng định Ngài chính là “Đấng được sai đến”.  Ngoài ra, các tác giả Tin mừng khác cũng đã nêu bật chủ điểm này.  Cũng thế, trong thư gửi cho ông Titô, thánh Phaolô xác nhận ơn cứu độ đã nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. […] Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 2, 11 – 13). Tóm lược điểm này, thư Do thái gọi Đức Kitô là “tông đồ” hoặc Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian của Thiên Chúa.  Thêm vào đó, “được sai” còn có nghĩa là “được ban cho” như thánh Gioan viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…”. Điều “được ban cho” là một ơn, một ân huệ và như thế, trong trường hợp này là ơn cứu độ. Vì vậy, tin mừng đầu tiên mà sứ thần loan báo cho các mục đồng ở Belem chính là: “Hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 1, 11). Cho nên, lúc bồng ẵm Hài nhi Giêsu, ông Simêon đã phải thốt lên: “Chính mắt tôi đã thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 30) mà theo ý Thiên Chúa, ơn cứu độ ấy mọi người cũng sẽ được thấy.

  1. 3 Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Kitô

Trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, Ngài đã chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại và cuối cùng Ngài chiến thắng thần chết trong cuộc phục sinh vinh quang. Do đó, sách Khải huyền đã giới thiệu Đức Kitô đang nắm giữ chìa khóa của tử thần và Âm phủ.  Vì thế, giờ đây ta có thể nói như thánh Phaolô: “Sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21).

Như đã thấy, tội còn là chủ nô gian trá nhất đến nỗi người ta chẳng những không sợ mà còn ưa thích và cảm thấy thoải mái với nó. Thế nhưng, tội lại là kẻ thù của ơn cứu độ. Đức Kitô vô tội đã đến trần gian để xóa bỏ tội lỗi. Vì thế, Ngài đã tha tội và chia sẻ quyền tha tội cho các tông đồ. Cho nên, từ đây bất cứ ai đi theo Ngài cũng đều được giải thoát khỏi tội và vòng nô lệ của nó.  Vì vậy, cũng trong đêm canh thức Phục sinh, phụng vụ đã ca khen Đức Kitô xuất hiện như Đấng toàn thắng và chia sẻ vinh quang ấy cho con người: “Đức Kitô toàn thắng hiển vinh, diệt tử thần, từ âm phủ chỗi dậy”.

Trong đoạn mở đầu của Tin mừng thứ tư, thánh Gioan đã trình bày Đức Giêsu như là vị Chúa tể càn khôn với tác động theo hai chiều kích song đôi: một đàng là qua sự hiện diện của Ngài ở trong thế giới như là ánh sáng, sự sống thần linh của mọi người và đàng khác là qua sự kiện lịch sử Ngài đến trong trần gian với hình ảnh Chiên Con bị sát tế và toàn thắng đang nắm trong tay cuốn sách ghi chép những bí quyết của lịch sử.  Ngoài ra, thánh Phaolô còn tuyên bố rằng, Đức Kitô không những là nền tảng mà còn là khối đá đỉnh vòm của toàn bộ lịch sử con người: mọi sự đã được tạo dựng bởi Ngài và trong Ngài, mọi sự tồn tại nhờ Ngài và mọi sự đều quy hướng về Ngài; trong Ngài, Thiên Chúa muốn giảng hòa muôn vật với chính mình.

Chính qua việc giảng hòa muôn loài muôn vật với Chúa Cha, Đức Giêsu Kitô đã đưa con người bước hẳn vào ân sủng siêu nhiên và ơn cứu độ chung cục trong vinh quang. Thế nhưng, công trình cứu độ của Ngài không chỉ dừng lại ở đó mà nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài còn là nguyên nhân tác sinh ân sủng ấy cho con người. Nói cách khác, Đức Kitô Phục sinh không còn lập công để cho con người nhận được ân sủng giao hòa với Thiên Chúa và giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi. Tuy vậy, Ngài vẫn tiếp tục tác sinh ơn cứu độ một cách hữu hiệu. Do đó, tất cả những mầu nhiệm: nhập thể, chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô đều tác sinh ơn cứu độ cho tất cả mọi người, nhất là qua việc họ lãnh nhận các bí tích.

Vì vậy, sau khi lên trời, Đức Giêsu Kitô đã không biến mất khỏi chân trời của cuộc sống con người nhưng với quyền năng của mình, Ngài đã chủ trị trên muôn loài muôn vật trên trời cũng như dưới đất. Bằng sự hoàn hảo tuyệt mức cùng với hoạt động của mình, Đức Kitô đã làm cho toàn thân thể Ngài tràn ngập sự phong phú và vinh quang.  Thế nên, tin mừng Gioan đã xác quyết: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1, 16). Bởi nơi chính Đức Giêsu Kitô, con người đã lãnh nhận được ân sủng là trở nên con người mới, tức là con cái của Thiên Chúa. Đồng thời, cũng nơi chính Đức Giêsu Kitô, con người cũng lại được tham dự vào nguồn sung mãn của ân sủng.

Tạm kết: “Tôi là người được cứu độ”

Nơi chính Đức Kitô, một nguồn suối duy nhất phát sinh ơn cứu độ vì trong Ngài, với Ngài và nhờ Ngài, Thiên Chúa đã muốn thiết lập một mối quan hệ tình yêu và ân sủng với tất cả mọi người. Để qua đó, người môn đệ của Đức Giêsu Kitô phải thực hiện trước mắt thế giới loài người nghĩa cử yêu thương to lớn và triệt để nhất.

Nhưng thật mỉa mai câu nói của triết gia Nietzche khi xưa dường như vẫn còn tác dụng, ông cho rằng: “Tôi sẽ tin người kitô, nếu họ sống cho ra vẻ là người được cứu độ một tí”. Rất thâm độc, thế nhưng, điều đó không hoàn toàn sai. Vì có thể trong cuộc sống, tôi đã không dành một chỗ xứng tầm cho mầu nhiệm cứu độ. Tôi vẫn cứ thờ ơ và mấy khi nghĩ đến cử chỉ yêu thương phải là đèn soi cho toàn bộ cuộc sống của tôi.

Vì vậy, là người được cứu độ, hơn bao giờ hết tôi phải có bổn phận làm triển nở ân sủng mà Thiên Chúa tự thông ban qua Đức Giêsu Kitô cùng một trật tặng ban Thánh Thần nhằm giúp tôi thích ứng với sự chăm sóc của Thiên Chúa, để từ đó tôi có thể đáp lại tình thương của Ngài trong hành trình làm người bằng đức tin, đức cậy và đức mến.